101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương III

Cái Chết Và Hành Ðộng Chết

Thời Gian Biến Thành Vĩnh Cửu

 

Câu Hỏi 31: Trong cái chết, điều gì xảy ra cho tôi? Có thể nói linh hồn tôi lìa khỏi xác tôi hay không?

 

Giải Ðáp 31:

Truyền thống Kitô giáo đã thường mô tả cái chết là sự chia lìa linh hồn với thể xác. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo vẫn còn dùng ngôn ngữ ấy (x. số 1005, 1016). Cũng y như bất cứ ngôn ngữ thần học nào, cụm từ này bắt nguồn từ một lối giải thích thực tại như thế nào đó, ở đây là từ triết học Platôn. Platôn (khoảng 427-347 trước CN) dạy rằng tinh thần thì đối lập với vật chất, bởi vậy linh hồn con người đối nghịch với thể xác lại bị ép buộc phải kết hợp với nó. Nên vào giờ chết, linh hồn được thoát khỏi thể xác như khỏi những gông cùm hay tù ngục vậy. Nếu như linh hồn và thể xác được quan niệm theo lối ấy (và không thể chối rằng triết học Platôn đã ảnh hưởng sâu đậm thần học Kitô giáo), thì các định nghĩa chết là "sự chia lìa linh hồn với thể xác" cực kỳ nguy hiểm đưa đến sai lầm và đi ngược lại với giáo lý Kitô giáo.

Mặt khác, nếu như con người được hiểu là một thực tại nhất thể tự thực chất, thì dịnh nghĩa ấy làm nổi bật thật mạnh mẽ một trong những lý do tại sao cái chết gieo kinh hãi trong lòng người, như Ernest Becker diễn tả rất hay trong tác phẩm The Denial of Death của ông: cái chết làm tiêu tán bản thể con người, chớ không chỉ thể xác. Không phải chỉ có thể xác chết thôi, mà là tôi chết đó. Theo như Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã đề ra: "tự thực chất của nó, cái chết xé nát người ta. Thật vậy, bởi lẽ con người không phải là linh hồn đơn độc, mà là xác và hồn kết hợp lại với nhau cách cơ bản, cho nên cái chết tác động đến con người" ("Một số vấn nạn hiện đặt ra xung quanh cánh chung học", 226).

Trước đây đã có một cách giải nghĩa tính nhất thể căn bản của con người là vay mượn triết lý của triết gia Hy Lạp Aristoteles (khoảng 384-322 trước CN) về linh hồn, và đồng thời cải biến nó để bảo toàn giáo lý Kitô giáo về sự sống đời sau. Theo Aristoteles, linh hồn là mô thức của thể xác, một thành tố của con người, và nó không thê tồn tại trừ phi được linh hồn nhập vào làm mô thức cho nó. Aristoteles không nghĩ con người có thể còn lại sự sống dưới một hình thức nào sau khi chết. Ngược lại với Aristoteles, Thánh Tôma Aquinô (1225-74) cho rằng tuy tự nội tại bản tính của nó linh hồn qui hướng về thể chất, nhưng sau giờ chết, nó có thể tồn tại một thời gian trong tình trạng bất túc, trong cụ thể không thể hiện được khuynh hướng ấy, cho đến khi cuối cùng được tái hợp với thể xác vào ngày phục sinh. Ðó là cái được gọi là "ly thân" với thể xác.

Tóm lại, lối nói tượng hình cổ truyền rằng chết có nghĩa là "linh hồn lìa khỏi xác" là đúng, bao lâu nó được dùng để bảo trì hai đầu mối quan trọng này của chân lý: cái chết đụng tới nguyên cả con người, và một thành tố của hữu thể người gọi là "linh hồn" còn sống sót (linh hồn bất tử) sau cái chết.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page