101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương III

Cái Chết Và Hành Ðộng Chết

Thời Gian Biến Thành Vĩnh Cửu

 

Câu Hỏi 30: Tân Ước nói gì về cái chết?

 

Giải Ðáp 30:

Phần lớn những gì các tác giả Tân Ước nói về cái chết và "hành động" chết là xuất phát từ niềm tin Do thái giáo của các ngài nhưng được giải thích lại trong ánh sáng của cái chết và phục sinh của Ðức Giêsu. Ví dụ cái chết là số phận chung cho mọi người phàm (Dt 9,27), trừ ra Kha-nốc (St 5,24; Dt 11,5) và Êlia (2V 2,11). Có lời khẳng định chỉ có Thiên Chúa là bất tử (1Tm 6,16).

Tuy là số phận chung cho loài người, nhưng cái chết, ít ra cái chết dưới khía cạnh là một đe dọa hủy diệt cái ngã của con người trong đau đớn và kinh hãi, không phải nằm trong kế hoạch nguyên thủy mà Thiên Chúa đã định đoạt cho loài người, nhưng là một cái vạ do tội lỗi. "Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết" (Rm 6,23). "Vì một người duy nhất mà tội lỗi xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội" (Rm 5,12).

Nhưng - Thánh Phaolô nói - giống như tội lỗi và cái chết đã tràn vào nhân loại vì một người duy nhất là Ađam, thì cũng vậy, nhờ cái chết và phục sinh của một người duy nhất là Ðức Kitô, Ađam mới, mà lệnh tha, mà ân sủng và sự sống vĩnh hằng đã lan tràn đến tất cả mọi người, mà còn chứa chan hơn gấp bội (Rm 5,12-21). Như thế, cái chết của Ðức Kitô đã "tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ" (Dt 2,14); thật vậy, bằng cái "hành động" chết, Ðức Kitô đã tiêu diệt chính cái chết (2Tm 1,10), là "thù địch cuối cùng" phải đánh bại (1Cr 15,26). Cái chết không thể nắm giữ được Người (Cv 2,24), nên Ðức Kitô hiện "làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết" (Rm 14,9) và nắm giữ "chìa khóa của Tử Thần và Âm Phủ" (Kh 1,18).

Như tôi đã nói trong phần giải đáp câu hỏi 12, Ðức Kitô vừa là nguyên nhân vừa là mẫu mực đời sống vĩnh hằng của chúng ta. Trong ánh sáng nguyên tắc này, chính cái chết cũng được xét trong ánh sáng sự phục sinh của Ðức Giêsu. Ðiều này hiển nhiên bởi vì ở bảy mươi lăm chỗ từ nekros (kẻ chết) được dùng trong Tân Ước, nó đều là bổ ngữ cho động từ egerio (làm sống lại) hoặc anastasis (nhấc lên, làm chỗi dậy). Ðức Kitô được nói tới như là người đầu tiên chỗi dậy từ kẻ chết (Cl 1,18; Kh 1,5). Do cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô, cái chết giờ đây được mang một ý nghĩa tích cực. Tuy không mất đi bộ mặt ghê rợn của nó, bây giờ cái chết được coi như "một mối lợi" (Pl 1,21); thật vậy, cũng như Thánh Phaolô, người Kitô hữu còn được phép ước mong cái chết nữa: "Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Ðức Kitô" (Pl 1,23).

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page