Giải Ðáp 101 Câu Hỏi Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Dẫn Nhập

Từ Ngoài Rìa Vào Trung Tâm Ðiểm

Xây Dựng Lại Giáo Lý Cánh Chung

Cho Thời Ðại Chúng Ta

 

Ngoảnh nhìn lại tiến trình của khoa thần học Kitô giáo tây phương trong ba mươi năm cuối cùng này (đứng từ lập trường của thần học công giáo Rôma, kể từ lúc Công Ðồng Vatican II kết thúc năm 1965), thì sẽ thấy có một cuộc đảo lộn đầy kịch tính đã xảy đến cho cái lĩnh vực thuộc khoa thần học mang tên là cánh chung học. Những người công giáo đã học thần học thời tiền Vatican II có lẽ nhớ rằng môn cánh chung học (do từ Hy Lạp eschata, nghĩa là những điều cuối cùng, thuộc hồi chung kết), tức thần học về những cái gọi là Các Ðiều Cuối Cùng - cái chết, cuộc phán xét, thiên đàng và hỏa ngục - là môn mà bình thường họ học vào cuối khóa trình thần học.

Trọng tâm của cánh chung học là định mạng muôn đời của cá nhân từng người. Trong đó, câu hỏi trọng yếu là: Ðiều gì sẽ xảy đến cho người đó sau khi chết? Ðiều được chú trọng không phải là cái chết và hành động chết, mà là cái đi theo sau. Và bởi lẽ do bản chất của sự việc, không thể xác minh điều gì xảy ra sau cái chết bằng những đường lối thường dùng như kinh nghiệm và quan sát khoa học, nên những gì mà thuyết cánh chung học chủ lực thời bấy giờ (hiện được gọi là "tân kinh viện") đưa ra về chủ đề sự sống đời sau không mấy thu hút trí tưởng tượng của dân chúng. Ngay khi nó thành công gây chú ý, hướng suy tư của nó thường là ảm đạm, lại hay nặng về những điểm không mấy thích hợp, ít liên quan tới đời sống hiện tại và xã hội nói chung. Cánh chung học thời ấy đề cập đến một số những chuyện ngoài đề, như hỏi thời gian tối đa ở luyện ngục là bao lâu và các ân xá có thể giảm nó đi được bao nhiêu; làm sao lửa hỏa ngục, là loại thuộc vật lý, lại có thể thiêu đốt linh hồn, là loại thuộc thần linh; và những giòi bọ gặm nhấm kẻ bị phạt trong đó là loại nào, và làm thế nào mà chúng có thể sống hoài trong cái nhiệt độ của hỏa ngục.

Thế nên Karl Barth, một nhà thần học tin lành người Thụy Sĩ, có lý khi gọi cánh chung học là một tiểu luận vô thưởng vô phạt đến tay các sinh viên thần học cuối khóa, và Johann Baptist Metz, một nhà thần học công giáo người Ðức, thì tả nó như một bài khảo luận chán ngắt đề cao một khoảng thời gian trống không và vô hiệu hóa tính cách bức xúc của văn phong khải huyền trong Sách Thánh. Nói vậy nhưng cánh chung học thật ra đã được dùng làm lợi khí hù dọa những Kitô hữu ương bướng hòng lùa họ về con đường ngay mà hẹp đưa vào bến cứu độ. Ðiều này đã quá rõ với những bài giảng trong các tuần tĩnh tâm và đại phúc, toàn phun ra lửa và diêm sinh, cứ nhai đi nhai lại chuyện Thiên Chúa công bình sẽ báo thù và nổi cơn thịnh nộ với những tội nhân không biết ăn năn sám hối.

Tuy nhiên, kể từ Công Ðồng Vatican II (1962-1965), đã có những biến đổi tận căn trong tư tưởng và thực hành của người công giáo. Có thể nói rằng, hơn bất cứ ngành thần học nào khác, cánh chung học đã trải qua nhiều biến chuyển cả trong phần nội dung lẫn trong phương pháp ứng dụng. Nói tóm lại, nó di chuyển từ vị trí ngoài rìa vào vị trí trung tâm của khoa thần học. Giống y như thuyết Kopernik đã cho trái đất rời khỏi vị trí trung tâm - mà thuyết Ptolemaios đã gán cho nó - để đi vòng quanh mặt trời, và đã trả thái dương về lại vị trí địch thật của nó, thì cũng vậy, cánh chung học hiện đại đã tu chỉnh tất cả các môn khoa thần học Kitô giáo bằng cách đòi lại vị trí vốn dĩ là của nó. Thật vậy, qua cuộc thay ngôi đổi vị có chủ đích định hướng này, không có giáo thuyết Kitô giáo nào mà không chịu ảnh hưởng, từ giáo lý về Thiên Chúa cho đến luân lý Kitô giáo, ngang qua giáo lý về tạo thành, ân sủng, Giáo Hội, bí tích.

* Từ ngoài rìa vào trung tâm điểm: thách đố của văn hóa

Như tất cả mọi trào lưu tư tưởng, cánh chung học hiện đại đâu phải đơn độc một mình xuất hiện trở lại trên diễn đàn thần học. Nó đã được nhiều yếu tố góp sức cho hồi phục trong tư cách là một chuyên đề thần học. Không phải tất cả các yếu tố này đều thuộc phạm vi thần học, cũng không phải tất cả đều bắt nguồn từ trong lòng Giáo Hội. Thật vậy, là đức tin đi tìm hiểu biết, hay nói đúng hơn, là đức cậy đi tìm một hiểu biết có suy đoán và một lối thực hành có chiều kích lịch sử, cánh chung học được thôi thúc canh tân do những biến động văn hóa và, không kém gì hơn, do việc trở về cội nguồn Thánh Kinh và Thánh Truyền Kitô giáo.

Trong số các biến động văn hóa, phải kể đến những hiện tượng như: sự bừng dậy của tâm thức lịch sử, luận đề phê bình tôn giáo của Marx, nhận thức ngày càng cao về tính nhất thể của con người, phong trào bảo vệ môi sinh, và sự khởi phát của cảm thức bất an trong kiếp sống. Vài lời ngắn gọn về mỗi yếu tố trên, vài hàng cho thấy chúng thách thức cánh chung học cổ truyền như thế nào, sẽ là hợp tình hợp lý.

1. Ai cũng có thể ghi nhận rằng Thời Ðại Khai Sáng xuất hiện vào thế kỷ XVIII đã làm nẩy sinh bên Châu Âu một lối suy tư mới, tuy nó đã ủ từ lâu trong những thế kỷ trước; sự phát sinh này thường được coi như là sự bừng dậy của tâm thức lịch sử. Như Vatican II đã thừa nhận, nhân loại đã chọn lấy "một khái niệm năng động và có chiều tiến hóa hơn để thay thế cho một khái niệm tĩnh về thiên nhiên". Trong khi các triết học cổ điển và trung cổ bàn luận về những tính chất thường hằng, bất biến và bao quát, thì tư duy hiện đại, được khoa học thực nghiệm hậu thuẫn và khuyến khích, nhìn thấy tất cả mọi hữu thể như nằm gọn trong mạng lưới của dòng tiến hóa lịch sử. Ðặc biệt tư duy ấy nhận thức rằng hữu thể người không phải là loại tiền chế và mang tính chất cố định. Ðúng hơn, theo cách nói của nhà triết học Ðức Martin Heidegger, chúng là "dasein", nghĩa là chúng có đó - tồn tại - là "những hữu thể trong thế giới", được tung vào thời gian và lịch sử như là dự phóng mang nặng những khả năng và cơ may chực được thể hiện trong tư do.

Cái nhìn về con người như thế - như những hữu thể tự mình mang tính thời gian - sẽ thắc mắc tra hỏi tại sao cánh chung học cổ truyền chỉ đặt trọng tâm ở phần bên kia thế giới và số phận đời đời của cá nhân mà thôi, và nó sẽ thách chúng ta dò xét xem niềm tin Kitô giáo vào sự sống vĩnh hằng nghiễm nhiên trao cho chúng ta những trách nhiệm nào về phần đời và trên cõi đời. Hơn nữa, nếu kiếp phù sinh được coi như là "đoá hoa sớm nở chiều tàn" - Heidegger gọi cái tính thời gian đó là "tồn tại hướng đến tử vong" - thì không nên coi cái chết như chỉ là một biến cố sinh lý xảy ra cuối đời, hoặc như chỉ là ngưỡng cửa phải bước qua để đi vào sự sống vĩnh hằng. Ðúng ra thì cái chết, hay nói chính xác hơn, chết, có thể được coi như một biến cố xuyên suốt đời người, thúc giục tự do con người vươn mãi lên tới tuyệt đỉnh.

2. Cùng lúc tâm thức lịch sử bừng dậy thì cuộc phê phán tôn giáo, trước đó được Ludwig Feuerbach khai mào, được Karl Marx đưa đến hồi kết luận quyết liệt. Ðối với Feuerbach, thần học chỉ là nhân loại học phóng phát ra đến tận cùng đối tượng vô biên của nó. Thần là nhân loại hiện hình rõ nét. Tôn giáo chuyển nhượng cho Thần những đức tính vốn thuộc về nhân loại, và như vậy làm cho con người phải vong thân vong bản. Ðể giảm thiểu tiến trình vong thân ấy, Feuerbach nhắn nhủ chúng ta nên chú tâm đến nhân loại và các công việc nó phải làm trong hiện tại thay vì hướng về Thần, về tôn giáo và đời sống ở thế giới bên kia.

Trong khi đối với Feuerbach, đặc trưng của hữu thể người là ý thức, thì đối với Marx, chúng ta chỉ là những hữu thể vật chất và kinh tế mà thôi, là sản phẩm của vật chất đang tiến hóa, mà phần tâm linh chỉ là một hiện tượng mọc lên ở bên rìa tiến trình ấy thôi. Ðối với Marx, bởi tôn giáo chỉ lo nghĩ đến tâm linh và cuộc sống phía bên kia thế giới, nên đó là một lối tiêu khiển cho chúng ta được khuây khỏa, quên đi những đấu tranh giành tự do kinh tế, đặc biệt trong giai cấp bị áp bức. Tôn giáo là thuốc phiện của dân đen.

Trước lời phê phán này, Giáo Hội buộc phải xét lại giáo lý cánh chung của mình, đặc biệt hiểu biết của mình về mối liên hệ giữa những giấc mơ không tưởng của xã hội với Nước Thiên Chúa, giữa những hoạt động chánh trị xã hội và kinh tế với những sinh hoạt tôn giáo như phụng tự và cầu nguyện. Ðặc biệt những câu hỏi như thế này được nêu lên: Thiên đàng, trời, là gì? Có quan hệ như thế nào với thế giới này? Công lý, hòa bình với thịnh vượng kinh tế có phải là những thành tố xây dựng Nước Thiên Chúa không? Giáo Hội đóng vai trò gì trong cuộc thăng tiến nhân sinh? Những thành tựu của loài người có tồn tại mãi không? Nếu có, thì bằng cách nào?

3. Một yếu tố phi thần học khác cũng thách thức cánh chung học cổ truyền: triết học hiện đại nhận thức rằng con người, tự bản thể, chỉ là một: con người có tính nhất thể. Phải loại trừ mọi luận điệu lưỡng phân cho rằng con người chỉ đơn giản là sự kết hợp của thể xác với linh hồn. Trong ánh sáng của nhân loại học này, cánh chung học cổ truyền - không phải lúc nào cũng miễn nhiễm bệnh lưỡng phân - bị thách thức phải suy nghĩ lại một số giáo lý căn bản của mình từ trước tới nay được coi là đương nhiên khỏi bàn lại. Ví dụ chúng ta còn có thể nói rằng trong giờ chết, linh hồn lìa khỏi xác và không phải chịu tác động của cái chết hay không? Rằng vào giờ chết, linh hồn ra đi sống một mình xa thể xác, trong một trạng thái thoát xác, "trạng thái lưng chừng" giữa giờ chết và giờ tận thế, đợi chờ ngày kẻ chết sống lại để được tái hợp với thể xác của mình? Rằng trong hai chữ phục sinh, phải hiểu là chúng ta sẽ lấy lại cái thân thể cũ đó của mình?

4. Cơn khủng hoảng về môi sinh đã thu hút mối quan tâm không những của giới khoa học mà còn của Giáo Hội nữa. Những nạn giảm mỏng tầng ôzôn, phá rừng, diệt chủng những loài thú, chất thải của độc chất và vũ khí hạt nhân, ô nhiễm nước và không khí, tăng nhiệt trên toàn cầu, và những dạng khác của sự tàn phá môi trường, đặt ra những vấn đề không chỉ thuộc phạm vi khoa học mà còn thuộc lãnh vực luân lý và cánh chung nữa.

Về phía cánh chung học, khủng hoảng môi sinh nêu lên những câu hỏi liên quan đến trạng thái của vũ trụ thời thế mạt: Chuyện gì sẽ xảy đến cho vũ trụ? Cho các nguyên tử, mặt trời, mặt trăng, các vì sao và những ức triệu thiên hà? Chúng sẽ bị hủy diệt trong một đại hồng hỏa không? Trời mới đất mới mà sách Khải Huyền đề cập tới là gì? Có phải đó là một cuộc sáng thế mới ex nihilo [bởi không mà có] không, hay đó là cái vũ trụ này được biến đổi?

5. Trong những thập niên gần đây, tại các nước Âu Mỹ, người ta cảm thấy khó chịu, khó ở, một sự bồn chồn lây lan về ý nghĩa của cuộc sống. Dù dó là một cảm giác phủ phê do tiêu thụ vô độ, một phản ứng trước sức ham sống của giới trẻ, nổi sợ hãi trước nguy cơ bị diệt chủng do bệnh dịch AIDS và thảm họa môi sinh, mối bất an trước những biến đổi rộng lớn trong trật tự chánh trị và kinh tế, hay đó là nổi hoang mang ở giai đoạn bước sang một thiên niên kỷ mới, thì bầu khí này đã khơi lại mối quan tâm của dân chúng đối với cái chết và sự sống đời sau. Những cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy trong các dân Âu Mỹ có một cơn sốt tín ngưỡng về thiên thần, đầu thai, ma thuật và sự sống bên kia cái chết nói chung. Trong Zeitgeist [não trạng] như thế, những câu chuyện trước đây đã từng là món ăn thông thường trong cánh chung học cổ truyền, và đã bị thuyết hiện đại loại bỏ từ lâu như những di tích của một thời kỳ mê tín dị đoan, hiện lại được cho là nghiêm túc.

* Cánh chung học theo thần học tân kinh viện: bên lề thần học

Ðể trả lời cho những thách đố văn hóa nói trên, các nhà thần học đã rà lại cách trình bày thời tận thế của thần học tân kinh viện và thấy nó bất cập một cách tệ hại. Loại cánh chung học này, như đã từng được dạy qua các sách giáo khoa thần học trong các chủng viện, và quen thuộc đối với đa số người công giáo lớn tuổi, lấy định mạng cá nhân làm trọng tâm: chết, phán xét riêng, luyện ngục, thiên đàng, hỏa ngục, phục sinh và trực kiến. Chắc hẳn cũng có thảo luận về cái được gọi là "cánh chung tập thể", ví dụ lần giáng lâm thứ hai của Ðức Kitô (cuộc quang lâm) và cuộc phán xét cuối cùng. Tuy nhiên, nhìn chung, cánh chung học tân kinh viện xoay quanh số phận của cá nhân sau khi chết. Vậy nó đã có một khuôn hình đặc hiệu vừa vặn cho cá nhân và thế giới bên kia. Các Ðiều Cuối Cùng được xem là những đồ vật, những biến cố xảy đến cho linh hồn từng cá nhân trong thế giới bên kia, và cái khoa học người Pháp Yves Congar có lý khi gọi có là "khoa vật lý của thế giới bên kia".

Về mặt phương pháp luận, cánh chung học tân viện thường sử dụng lối tiếp cận Sách Thánh bằng bản văn kiểm chứng. Bản văn được dùng không phải như là "nguồn mạch" phát sinh những dò tìm thần học, mà như là thứ đồ trang trí để tô điểm và củng cố những lý thuyết phát xuất từ ở đâu khác. Còn nữa, ngay cả khi nó đào sâu Thánh Kinh và Thánh Truyền để tìm hiểu sâu hơn về thân phận chung cuộc của cá nhân và xã hội, nó có khuynh hướng hiểu theo sát nghĩa đen những gì các bản văn mô tả về cõi bên kia cái chết. Thế là các vị thần học gia tiêu hao trí lực để mà biện luận về bản tính của lửa trong luyện ngục và hỏa ngục, thời gian tối đa có thể ở trong luyện ngục, bản tính của "lâm bô", những loại cực hình trong hỏa ngục, các đặc trưng của thể xác sống lại, vân vân. Cách tiếp cận Kinh Thánh của tân kinh viện đã không học được gì của thông thích luận theo phê bình sử học, với những yếu tố đa dạng của nó.

Ngoài việc làm hẹp đi tầm nhìn của mình để vừa đủ cho thấy số phận đời đời của cá nhân, cánh chung học tân kinh viện còn bị cái nạn phân lập thể xác và linh hồn, bản thân và vũ trụ, linh hồn bất tử và người chết sống lại, những thực tại trần thế và thế giới bên kia, thời gian và vĩnh cửu. Kết quả là có một xu thế lưỡng phân cứng ngắt thấm đậm cánh chung học tân kinh viện, thường giảm giá những thực tại thuộc thể xác và trần thế.

Còn quan trọng hơn nữa: do bởi cánh chung học thời ấy được sắp xếp vừa vặn ở cuối phần thần học tín lý và không được vận dụng làm ánh sáng chiếu soi những thực tại khác của đức tin Kitô giáo, nên cách lập luận thần học về những thực tại ấy làm lu mờ đi chiều kích cánh chung của chúng. Xin cử vài thí dụ cho thấy kết quả của tình trạng vắng bóng khoa cánh chung học này là như thế nào: không ai nói rõ rằng Giáo Hội là đoàn dân lữ hành của Thiên Chúa đang tiến về eschaton [chung cuộc, cánh chung]; rằng ân sủng là được hưởng sớm và nếm trước tình hiệp thông mà chúng ta sẽ đời đời được hưởng với Thiên Chúa Ba Ngôi; rằng tất cả các bí tích, nhất là Thánh Thể, là những dấu chỉ loan báo thế giới đang đến; và rằng loài phàm nhân thì hướng về cái chết.

Ngược lại, chính khoa cánh chung học cũng khổ vì tình trạng cô lập ấy. Nó không được tiếp thu những ích lợi từ những tia sáng mà các lãnh vực khác của khoa thần học đã nắm bắt được. Lần nữa, để đưa ra một vài ví dụ thôi: bởi vì cánh chung học tân kinh viện cho rằng trực kiến - mà các thánh được hưởng trên thiên đàng - là một trực giác, không qua trung gian nào, về bản chất thần linh, nên không rõ làm sao điều đó thật sự là một biến cố có liên hệ với Ðức Ktiô, được nhân tính của Người làm trung gian. Hơn nữa, nếu trực kiến là được nhìn thấy Thiên Chúa mặt giáp mặt, "một cách hiển nhiên, rõ ràng và không che giấu", như Giáo Hoàng Biển Ðức XII đã từng dạy, thì vẫn không rõ làm sao có thể dung hòa tư tưởng ấy với giáo lý cho rằng Thiên Chúa là Mầu Nhiệm Khôn Dò Thấu. Cũng không rõ được rằng hạnh phúc thiên thu, theo nghĩa được no đầy ơn thánh, chủ yếu là một tình hiệp thông đặc hiệu, riêng biệt, với mỗi một Ngôi Thiên Chúa, chớ không phải là một tương quan đồng loạt như nhau hết giữa bất cứ loài nào có "gien" người với bản chất thần linh. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong biến cố kẻ chết sống lại và vào thời tận thế không được giải thích cách thỏa đáng. Cũng thế, liên hệ giữa niềm tin về sự sống đời sau với đạo dấn thân cho hòa bình và công lý đã không được làm rõ nét, để có sức thuyết phục người ta bác bỏ lời kêu kết án cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của dân đen.

* Cánh chung học quay về vị trí trung tâm: các phong trào hiện đại

Cánh chung học đã di chuyển được từ ngoài rìa về vị trí trung tâm của thần học không những nhờ các "thời điềm" đã tả ở trên, mà còn do những biến cố đã xảy ra trong Giáo Hội cũng như các tiến bộ thần học nữa. Trong số các biến cố Giáo Hội, Công Ðồng Vatican II (1962-1965) là một bước ngoặt lịch sử thuận lợi cho hướng phát triển của cánh chung học công giáo. Không những công đồng đã tìm lại hình ảnh Giáo Hội là một đoàn lữ hành (vd. Ánh Sáng Muôn Dân, ch. 7), mà trên hết mọi sự, trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay (Vui Mừng và Hy Vọng), công đồng đã bắc nhịp cầu giữa cánh chung cá thể và cánh chung tập thể, liên kết hiện tại với tương lai, và nối liền đức tin với những hoạt động trần thế.

Dĩ nhiên, Vatican II không phải đột nhiên từ trời rơi xuống. Nhiều phong trào và nhiều người đã dọn đường cho nó (trong số những người này có vài vị đã từng bị Tòa Thánh Vatican nghi ngờ sau đó được phục hồi danh dự). Trong số các trào lưu thần học, phải đặc biệt nêu danh một, được gọi là Nouvelle Théologie (có liên hệ với những nhà thần học như Jean Daniélou, Henri de Luac - cả hai vị sau đó đều được phong hồng y - và henri Bouillard). Trào lưu này cố gắng khắc phục những nhược điểm của thần học kinh viện bằng cách trở về cội nguồn của đức tin Kitô giáo (ressourcement), đặc biệt là các Giáo Phụ và các nhà tư tưởng thời trung cổ. Ðề nghị của trào lưu là cánh chung học nên bỏ cái khung nhỏ hẹp qui về cá nhân và thế giới bên kia đi, để tìm lại các chiều kích của nó vốn qui về Ðức Kitô, Giáo Hội và vũ trụ.

Cánh chung học Kitô giáo của thế kỷ XX được chấn hưng nhờ các học giả đã khám phá ra rằng, trong sự nghiệp giảng dạy và sứ vụ của mình, Ðức Giêsu đã lấy Nước Thiên Chúa làm trọng tâm. Qua một cuộc xoay chiều mỉa mai của lịch sử, cái thất bại của "cuộc tìm về con người lịch sử Giêsu" trong cánh thần học tự do thế kỷ XIX đã phát ra một trong những tia sáng cao giá nhất cho nền thần học hiện đại, đó là: giáo lý khải huyền và cánh chung nằm ngay ở trung tâm điểm của thông điệp và sứ vụ của Ðức Giêsu và của Kitô giáo thời sơ khai. Tiếp theo đó là một cuộc tranh luận sôi nổi, để biết Nước Thiên Chúa trong giáo huấn của Ðức Giêsu là một thực tại tương lai hay là hiện tại, hay là cả hai (theo thứ tự là các cánh chung học "thích thời", hay "đã thành tựu", hay "tiên ứng"). Câu nói để đời của Ernst Kasemann - "giáo lý khải huyền là mẹ của tất cả mọi môn thần học Kitô giáo" - tuy rõ ràng là một hypebôn, nhưng nó cũng không trật đích bao xa.

Hướng cánh chung này của Kitô giáo đã được triển khai, đặc biệt nhờ Jurgen Moltmann trong giới thần học gia tin lành và nhờ Johann Baptist Metz trong giới công giáo. Tuy nhiên, chắc chắn những vị đã gây ảnh hưởng sâu đậm nhất trong việc điều chỉnh cái nhìn mới đây về cánh chung học chính là hai nhà thần học đại tài của thế kỷ chúng ta: Karl Rahners và Urs von Balthasar, vị thứ nhất nhấn mạnh nhiều hơn chủ đề nhân loại học, và vị thứ hai nhấn mạnh nhiều hơn chủ đề (không phải phản đề) Kitô học. Trong số những thần học gia chính thống giáo đã góp phần đáng kể vào sự phục hưng của cánh chung học, có thể nêu danh người nước Nga, Paul Evdokimov (1900-1968).

Cánh chung học tạo ra cảm hứng trọng yếu cho - và là một chủ đề lớn của - cái được coi là môn thần học có sức sáng tạo nhất của thời đại chúng ta: thần học giải phóng - và điều này là không sai. Thần học giải phóng không chỉ là một hiện tượng ở Châu Mỹ La Tinh mà thôi; nó còn có ảnh hưởng trên phong cách làm công tác thần học tại Châu Phi và Châu Á, và đã khơi nguồn cảm hứng cho những môn thần học khác như thần học về Người Da Ðen và phụ nữ.

Gần đây, Tòa Thánh Vatican cũng đã chú ý đến cánh chung học. Có hai văn kiện đặc biệt quan trọng: một là văn kiện xuất phát từ Thánh bộ Giáo lý Ðức tin, năm 1979, tựa đề Recentioris episcoporum sinodi ("Thực chất sự sống sau cái chết"); và văn kiện thứ hai xuất phát từ Ủy ban Thần học Quốc tế, năm 1992, tựa đề De quibusdam quaestionibus actualibus circa eschatologiam ("Một số vấn nạn hiện đặt ra xung quanh cánh chung học"). Những văn kiện này, nhất là cái thứ hai, phê bình một số giáo thuyết hiện đại về cánh chung. Chúng đặc biệt cứu xét lý thuyết về sự phục sinh tức thì trong cái chết với việc phủ định trạng thái trung gian (hai tư tưởng đi kèm theo nhau), và lặp lại những lời xác minh về các chân lý căn bản của đức tin liên quan đến số phận đời đời của cá nhân và lịch sử.

* Sự sống vĩnh hằng: hỏi và thưa

Trong cuốn sách này, theo dạng hỏi đáp, tôi sẽ nêu lên những câu hỏi được đặt ra thường xuyên nhất về sự sống đời sau (ít ra theo như tôi đã được nghe trong các buổi thảo luận về đề tài này), và tôi sẽ giải đáp với một ngôn ngữ thoát ly tối đa với biệt ngữ thần học, trong mức có thể, tuy không khỏi phải dùng một số thuật ngữ đã nằm trong Truyền thống Kitô giáo rồi, đặc biệt ở chương thứ nhất.

Trong các câu đáp của tôi, những độc giả nào ý tứ sẽ biết phân biệt những gì thuộc chân lý đức tin với những gì là tư biện thần học, ví dụ như trong các câu hỏi về đầu thai, về trạng thái trung gian, bản tính của thể xác sống lại, thuyết thiên niên và cuộc tổng phục hồi (apocatastasis). Việc phân biệt này có tầm quan trọng đặc biệt trong cánh chung học, bởi lẽ trong nhiều vấn đề thuộc lãnh vực này, giáo huấn mà Giáo Hội đưa ra thường đề cập đến  "là gì" nhiều hơn là "như thế nào" của các sự việc.

Có lẽ ở đây nên nêu rõ cách ngắn gọn những xác tín căn bản làm nền tảng cho cả phương pháp lẫn nội dung của cuốn sách này. Trước hết, một trong những vấn đề gai góc nhất trong cánh chung học là phương cách tiếp cận Kinh Thánh (thông thích luận). Bất cứ ai hơi quen một chút với thuyết cơ bản, dù là loại nào, thuộc bên công giáo cũng như tin lành, đều biết rằng có những điểm tranh luận không đi tới đâu hết, như là sẽ có lửa và giòi bọ trong hỏa ngục hay không, hoặc Chúa Kitô sẽ, hay sẽ không, từ trời mà xuống giữa đám mây vào thời tận thế (lần giáng lâm thứ hai), giữa tiếng kèn thổi của thiên thần, để đón rước các tín hữu của Người trên không trung (hiện tượng "đem đi" và cho họ được đồng hiển trị với Người trong thời gian một ngàn năm (thuyết "thiên niên")... trừ phi chúng ta quyết định xem trước hết phải giải thích văn chương khải huyền như thế nào. Nói vậy không có nghĩa là một sớm một chiều, chúng ta sẽ có một hướng giải thích vững chắc và gây khoan khoái về mọi mặt, giải nghĩa cuộc giáng lâm thứ hai, việc đem đi và thuyết thiên niên, nhưng ít ra, chúng ta không mất giờ đi bàn hỏi về thời điểm chính xác của ngày Chúa quang lâm (nhiều vị tự xưng là tiên tri đã cố công tiên báo năm tháng ngày giờ, mà bao nhiêu lần lỡ cuộc vẫn tuyệt nhiên không làm cho họ bối rối chút nào!), càng không mất giờ đi hỏi cho biết các thiên thần sẽ dùng loại kèn nào, và những giòi bọ trong hỏa ngục thuộc giống sinh vật nào (vâng, có những nhà thần học đã nêu lên những chuyện như vậy!).

Xét tầm quan trọng của thông thích luận trong cánh chung học, tôi đã dành trọn chương đầu cho chủ đề này, và tôi xin lỗi trước về chiều dài bất thường của một số các giải đáp trong chương ấy (Câu hỏi 5-8). Mong rằng phương pháp thông thích, mà tôi dùng để giải đáp những câu hỏi về bản tính của hỏa ngục và về cách thức sống lại, sẽ làm cho những câu đáp tương đối khó ấy được sáng sủa hơn.

Liên quan đến nội dung của cuốn sách, tôi xác tín là phải nói về cánh chung cả trên bình diện cá thể lẫn tập thể. Cũng dễ hiểu khi biết rằng, bởi trong quá khứ, người ta đã khai thác quá nhiều các loại cánh chung cá nhân, nên nhiều nhà thần học hiện đại (như Hans Kung và Rosemary Radford Ruether) rất miễn cưỡng khi phải nói một điều gì dứt khoát về vận mạng cá nhân, gần như muốn loại trừ hết các khía cạnh để chọn tập trung vào cánh chung ở khía cạnh xã hội mà thôi. Tuy nhiên, mặc dù không tự cho mình có khả năng đưa ra một trình thuật xác thực về những gì sẽ xảy ra cho cá nhân lúc chết và sau khi chết, nhưng cũng cần phải trình bày những gì đức tin Kitô giáo muốn nói về những điều ấy. Vậy có thể và cần phải trình bày những điều mà Thánh Kinh, Thánh Truyền và thần học hiện đại nói, chẳng hạn về cái gì xảy ra khi người ta chết, không biết có một tiến trình thanh luyện (luyện ngục) hay không trong khi hoặc sau khi chết, có một cuộc phán xét riêng hay không, có thiên đàng hỏa ngục hay không, có sự kiện kẻ chết sống lại hay không, vân vân.

Quan trọng hơn nữa: để tránh nguy cơ phân đoạn môn cánh chung học, các thực tại đa dạng của cánh chung phải được căn cứ trên Kitô học; nghĩa là phải có một quá trình "Kitô hóa" cánh chung học, nhất quán xuyên suốt quá trình. Bất cứ điều gì chúng ta biết về cánh chung, chúng ta đều biết nó trong và qua những điều đã xảy ra cho Ðức Giêsu trong cái chết và sự sống lại của Người. Ðức Kitô Phục Sinh vừa là nguyên nhân vừa là mẫu mực của sự sống đời sau của chúng ta. Cánh chung học là Kitô học được chia động từ ở thì tương lai. Vị trí trung tâm của Ðức Kitô được tỏ hiện không những (tuy ở một dạng ưu việt) trong thực tại kẻ chết sống lại, mà còn trong hoàn cảnh trực kiến và chung cục mỹ mãn của lịch sử loài người và vũ trụ nữa.

Hơn nữa, ngày nay, không thể nói về thời tận thế mà không tự đặt mình vào trong bối cảnh những tranh luận khoa học về tiến hóa và kết cục của vũ trụ. Ðã có nhiều tranh cãi trong các giới khoa học về thời khởi nguyên. Một cái nhìn mới trên vũ trụ đang xuất hiện, gọi là "truyện sáng thế chung". Truyện này nhấn mạnh cái nguồn gốc duy nhất và chung cho tất cả mọi loài, gồm cả loài người: nguồn gốc này nằm trong một phần triệu gram vật thể, mà từ đó hàng mấy trăm tỷ thiên hà muôn hình vạn trạng đến kinh ngạc đã lao vào lộ trình tiến hóa, mỗi thiên hà với không biết bao nhiêu tỷ tinh tú và hành tinh. Cái mô hình hữu cơ mới này, ở thế đối lập với các mô hình cổ điển thuộc luận thuyết cơ giới, nhấn mạnh những mối tương quan qua lại và phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả mọi hữu thể, có sự sống như không có sự sống, ở những điểm tương đồng cũng như dị biệt. Cũng có một hướng tự biện tìm xem có phải vũ trụ, đã khởi đầu với "Big Bang" [vụ Nổ Vũ Trụ], sẽ tiếp tục mãi như thế không, hay là sẽ giảm dần tốc độ, đến một điểm dừng, và chuyển qua tình trạng co thắt kết thúc với một "big bang" khác, gọi là "Big Crunch" [vụ Nổ Giòn], hoặc nó sẽ chết lần chết mòn đi thôi, không một chút vật vã, khi đến giai đoạn phát triển cuối cùng của vũ trụ, thái dương khuất dạng và thể chất các tinh tú hoá thành "tro bụi".

Tuy vẫn nhìn nhận có sự khác biệt căn bản giữa ngôn ngữ khoa học và ngôn ngữ đức tin, nhưng cần phải nhìn nhận và triển khai một thực tại quan trọng hàm chứa trong truyện sáng thế chung ấy, cho khoa thần học về nhân loại học và cánh chung học. Khoa nhân loại học mới xoay quanh vấn đề chỗ đứng của loài người trong tư cách là những cơ thể trong vũ trụ. Nó loại bỏ cái nhìn trục lợi chỉ coi vũ trụ là một tài nguyên phải được khai thác để phục vụ nhu cầu của loài người. Cái nhìn khoa học mới trên vũ trụ cũng đòi hỏi cánh chung học Kitô giáo phải lưu ý mối tương quan giữa vận mạng của nhân loại với vận mạng của vũ trụ vật chất, khi trình bày về thời tận thế. Phải loại trừ cái nhìn có tính vượt thế, xem môi trường thể lý như một nơi tạm trú, một thứ nhà trọ bên đường cho loài người đang lữ hành từ lịch sử đến vĩnh cửu. Ðúng hơn, phải coi vũ trụ và môi trường là mái nhà thân thương của chúng ta, làm cho chúng ta nặng tình liên đới vơiùi nó, trân trọng chăm sóc nó.

Sau hết, tôi đã cố gắng cho thấy liên hệ mật thiết giữa đức tin về sự sống đời sau với việc kết thân với thế giới, giữa niềm hy vọng thiên đàng với công việc xây dựng hòa bình và công lý, giữa niềm tin vào trời mới đất mới với những phần trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo tồn môi sinh, giữa việc chiêm ngắm Chúa với tình thương cụ thể đối với con cái Chúa, đặc biệt với những người em nhỏ bé nhất của Ðức Kitô. Nếu chúng ta phát huy được cho đích đáng những liên hệ hỗ tương giữa tự do con người và vận mạng của lịch sử loài người, giữa Giáo Hội và thế giới, giữa đời sống tâm linh và nghĩa vụ xây dựng hòa bình, công lý, và những trách nhiệm đối với môi sinh, và trên hết mọi sự, nếu chúng ta thể hiện những liên hệ ấy trong cuộc đời mình, thì lời kết án của Karl Marx cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của dân đen sẽ chứng thực nó chẳng qua chỉ là một lời vu cáo.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page