101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương III

Cái Chết Và Hành Ðộng Chết

Thời Gian Biến Thành Vĩnh Cửu

 

Câu Hỏi 29: Cựu Ước có dạy điều gì về cái chết?

 

Giải Ðáp 29:

Khi giải đáp câu hỏi 14, tôi đã nói rằng Cựu Ước không có lời nào nói lên hy vọng cá nhân được tiếp tục sống sau cái chết, ngoại trừ trong vài đoạn văn được viết về sau, có lẽ vào thế kỷ II trước CN. Ở đây tôi muốn triển khai điều này. Ðối với người Híp ri, cái chết đụng tới nguyên cả con người trong tư cách nó là một nhất thể bất khả phân gồm thể xác và tinh thần. Không hề có cái quan niệm về một nguyên lý riêng rẽ trong con người, chẳng hạn linh hồn, vào giờ chết được thoát xích xiềng thể xác và tiếp tục sống một mình cách xa thể xác. Sau khi chết, nguyên cả con người đi xuống Sheol, là nơi ở tối tăm của người chết, là cõi âm (thường gọi là "âm phủ", "mồ", hoặc là "giếng sâu").

Ðàng khác, khi chết, con người không chỉ đơn giản bị hủy diệt. Người chết, có thể cả người lành lẫn người dữ, đều xuống Sheol, nơi họ tiếp tục tồn tại. Nhưng tồn tại như thế không phải là sống, vì không thể ngợi khen Thiên Chúa nơi ấy, và con người bị mất liên lạc với Thiên Chúa. Ðó giống như là ngủ hoặc nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, cuối cùng đã dậy lên câu hỏi về sự tưởng thưởng tối hậu cho kẻ đã sống ngay lành, chẳng hạn trong sách Gióp và Giảng Viên, trong đó có lưu ý rằng người công chính không phải luôn luôn được lãnh nhận ở đời này cái mà họ xứng đáng lãnh nhận đâu. Dần dần, các tư tưởng về việc thưởng phạt sau khi chết đã hình thành, trên cơ sở niềm tin vào Thiên Chúa nguồn mạch sự sống, lời khẳng định về đức công chính của Thiên Chúa, và một linh cảm còn mơ hồ về tính bất tử của con người, mà dấu chỉ là niềm khát vọng được sống mãi trong hậu duệ của mình và danh thơm để đời. Nhiều ẩn dụ được dùng để nói về sự phục sinh (vd. Hs 6,1; Ed 37 và Is 24-27). Hôsê tiên báo rằng, "sau hai ngày, Thiên Chúa sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta chỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người". Êdêkien thì bày ra một cảnh tượng kỳ vĩ với những đống xương được hồi sinh nhờ hơi thở của Thiên Chúa, tượng trưng cho cuộc tái sinh của dân Israel. Còn Isaia thì nói với dân: "Các vong nhân của (các ngươi) sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy chỗi dậy và reo mừng!" (26,19). Có thể ba đoạn văn này còn phải được hiểu, không phải như những lời khẳng định rõ rệt về sự sống đời sau, mà như những ẩn dụ nói lên niềm tin vào Thiên Chúa nguồn mạch sự sống, Ðấng không hề mỏi mệt đến tận nơi cứu giúp dân Người giữa cảnh gian truân.

Chỉ với Ðn 12,1-3 chúng ta mới có lần đầu tiên một bằng chứng không thể chối cãi về niềm tin vào sự sống lại. Như đã nêu trong phần giải đáp của tôi cho câu hỏi 18, bản văn này được viết vào thời bắt đạo của Antiochos IV Epiphane (175-164 trước CN). Bản văn nói đến sự phục sinh của các thành viên dân riêng Thiên Chúa, và chỉ của họ thôi, người công chính thì để vào hưởng sự sống vĩnh hằng (đây là lần đầu tiên cụm từ này xuất hiện trong Kinh Thánh), kẻ khác thì để chịu khổ nhục đời đời. Vấn đề người ngay lành phải chịu đau khổ và ngược đãi cộm lên nhức nhối và tác động như một chất xúc tác để dẫn đến niềm tin vào sự phục sinh được xem là án quyết công minh của Thiên Chúa. Hơn nữa, theo Ðn 12,3, thì những bậc thầy hiền đức của cộng đoàn, đã từng khích lệ nhiều người đi theo con đường chính trực, sẽ đặc biệt rạng rỡ trong vinh quang, nơi họ được nhắc lên giữa ngàn vì sao và muôn vàn thiên sứ.

Hai bản văn khác, thuộc Cựu Ước Kitô giáo nhưng không nằm trong Kinh Thánh Híp ri, khẳng định một niềm tin vào sự sống tương lai khi người công chính được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Sách Macabê quyển thứ 2, được viết bằng tiếng Hy lạp vào cuối thế kỷ II trước CN, qua truyện tử đạo của bảy thanh niên và bà mẹ của họ, khẳng định sự phục sinh của người công chính vào ngày sau hết (7,9.11.24; 14,46). Bị một toà án phàm nhân (tức Antiochos IV Epiphane) kết án tử hình, họ trông đợi án quyết của tòa án tối cao của Thiên Chúa. Sự phục sinh thể lý bởi tay Thiên Chúa là phúc đáp cho sự tiêu diệt thể lý bởi tay ác nhân. Hơn nữa, 2 Mcb khẳng định việc chuyển cầu của các thánh ở trên trời cho người còn sống ở dưới thế, cũng như quyền năng cho phép kẻ sống dâng lời cầu nguyện và của lễ cho người chết (12,39-46).

Sách Khôn Ngoan, cũng được viết bằng tiếng Hy lạp tại A-lê-xan-ria vào thế kỷ I trước CN, để lộ ảnh hưởng của tư tưởng văn hóa Hy lạp. Ở 1,11 và 3,1, lần đầu tiên, khái niệm Psuche (linh hồn) được du nhập vào trong Kinh Thánh để chỉ cái nguyên lý thiêng liêng bất tử trong con người, đối lập với thể xác vật chất mỏng giòn, mặc dù không có chỗ nào trong cuốn sách dùng cụm từ "linh hồn bất tử" hết. Hơn nữa, "tính bất tử" (3,4; 4,1; 8,13.17; 15,3) và "tính bất hủ bại" (2,23; 6,18) không phải được đưa ra như những tính chất tự nhiên của bản tính con người, mà như là một quà tặng Thiên Chúa ban cho kẻ ngay lành và là hoa trái của sự kết hợp với đức khôn ngoan (6,18; 8,13.17; 15,3). Sau hết, sách Kn giải thích lại St 3, quả quyết rằng chính vì lòng ganh tị của quỷ mà cái chết đã đi vào thế gian (2,24).

Nói tóm lại, có một sự tiến triển trong tư tưởng Cựu Ước liên quan đến sự sống bên kia cái chết, bắt đầu từ niềm tin cho rằng sau giờ chết, có một sự tồn tại âm thầm lặng lẽ nơi âm phủ cho đến lời khẳng định kẻ chết được phục sinh, ít nhất là người công chính. Dù sao, vào thời kỳ Tân Ước, có bốn quan điểm liên quan đến sự sống bên kia cái chết. (1) Nhóm Xađốc tin rằng cái chết hoàn toàn hủy diệt con người. (2) Nhóm Pharisêu khẳng định thân xác sẽ phục sinh vào ngày sau hết. (3) Nhóm Êxêni dạy linh hồn là bất tử. (4) Cộng đoàn Qumran dường như cho rằng thân xác sẽ không phục sinh, mà thay vào đó, sẽ có một dạng tồn tại tương tự với các thiên thần trên trời.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page