101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương III

Cái Chết Và Hành Ðộng Chết

Thời Gian Biến Thành Vĩnh Cửu

 

Câu Hỏi 27: Thầy đã nhắc đến những trình thuật về các Kinh Nghiệm Lâm Tử như là một trong yếu tố làm cho gần đây, người ta phải quan tâm đến sự sống đời sau. Kinh Nghiệm Lâm Tử là gì? Nó nói gì về sự sống đời sau?

 

Giải Ðáp 27:

Việc xuất bản cuốn sách của Raymond Moody, Life after Life (1975), và những công trình của BS Elisabeth Kubler-Ross, đã gợi hứng cho đông đảo dân chúng quan tâm đến các Kinh Nghiệm Lâm Tử. Những người gần như đã chết hoặc bị tuyên bố là đã Chết Lâm Sàng, mà đã cải tử hoàn sinh, thuật lại những kinh nghiệm điển hình sau đây: ý thức mình đã chết rồi, rời khỏi thân xác và ngó xuống cái xác của mình, đi vào một đường hầm, trông thấy một ánh sáng, gặp lại người thân yêu của mình và những đấng siêu phàm, nhìn thấy quang cảnh đẹp tươi, tham dự vào việc lượng giá cuộc đời mình, nhập trở vào thân xác, cảm nghiệm hoan lạc và bình an, và hết sợ chết.

Ðể hiểu cho đúng Kinh Nghiệm Lâm Tử, có điều quan trọng là phải phân biệt giữa Chết Lâm Sàng hoặc "chết đi sống lại" với Chết Sinh Lý hoặc ra đi vĩnh viễn. Trong trường hợp Chết Lâm Sàng, thì không còn những dấu hiệu bên ngoài của sự sống nữa, như là không còn tỉnh, hết nhịp mạch và hơi thở (được ghi bằng hình phẳng trên Ðiện Tâm Ðồ), tiếp theo là không thấy những sóng hoạt động của não nữa (được ghi bằng hình phẳng trên Ðiện Não Ðồ). Còn trường hợp Chết Sinh Lý thì luôn xảy ra nếu không biện pháp nào được dùng để đảo ngược quá trình tử vong. Dĩ nhiên, các kinh Nghiệm Lâm Tử được kể lại đã không xảy ra trong trường hợp Chết Sinh Lý, chỉ trong trường hợp Chết Lâm Sàng mà thôi, có sự xác định tim ngừng đập (Ðiện Tâm Ðồ phẳng) và thậm chí não ngưng hoạt động nữa (Ðiện Não Ðồ phẳng).

Theo một số tác giả, như Gary R. Habermas và J.P. Moreland (Immortality: the other side of Death, 73-86), những kinh nghiệm có ý thức sau cái Chết Lâm Sàng như vậy là bằng chứng có sức thuyết phục rằng ít ra có một sự sống tối thiểu nào đó sau cái chết, đặc biệt sau một thời gian kéo dài trong tình trạng Ðiện Não Ðồ phẳng. Chẳng hạn có một phụ nữ kia, sau khoảng ba tiếng rưỡi bị tuyên bố là đã Chết Lâm Sàng vì Ðiện Tâm Ðồ và Ðiện Não Ðồ phẳng, đã hoàn sinh và kể lại chi tiết kinh nghiệm của mình, thậm chí còn mô tả chính xác các hoa văn trên cà vạt các bác sĩ nữa! Theo một số khác, như Hans Kung (Eternal Life? 14-20) và Zachary Hayes (Visions of a Future, 104), Kinh Nghiệm Lâm Tử không phải là bằng chứng có sự sống bên kia các chết, chính bởi vì đó chỉ là những Kinh Nghiệm Lâm Tử, tức là mới ở gần kề [Lâm] cái chết [Tử] mà thôi.

Rõ ràng là đối với những ai đã tin có một sự sống đời sau rồi thì Kinh Nghiệm Lâm Tử tặng cho niềm tin của họ một sự xác nhận đáng mừng. Còn những ai theo một triết lý chống lại ý niệm bất tử thì chỉ thấy trong các trình thuật về Kinh Nghiệm Lâm Tử những biểu hiện tâm lý hoặc văn hóa của nỗi niềm mong ước được tiếp tục sống bên kia nấm mồ đó thôi. Theo tôi, Kinh Nghiệm Lâm Tử không phải là nhũng bằng chứng đầy thuyết phục về sự tồn tại của sự sống đời sau, nhưng là những cái mốc gợi ý rằng có thể có sự sống đời sau, mà sự tồn tại của sự sống này thì phải được xác lập trên cơ sở triết học và thần học. Giá trị chứng thực của các Kinh Nghiệm Lâm Tử về sự sống đời sau là thế nào mặc lòng, điều không nghi ngờ là chúng khá phổ biến và có một ảnh hưởng tích cực sâu đậm trên những người đã trải qua.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page