101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương II

Cánh Chung Trong Kinh Thánh

Ngày Tận Thế Hiểu Theo Kinh Thánh

 

Câu Hỏi 26: Thầy đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, để giải nghĩa những cảnh tượng thuộc loại khải huyền trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, điều rất quan trọng là phải lưu ý đến lối văn ẩn dụ. Thầy có thể kê ra những cảnh tượng ấy không?

 

Giải Ðáp 26:

Cuối phần trình bày về "cánh chung học trong Kinh Thánh" này, có lẽ sẽ giúp ích cho người đọc nếu thu góp lại các hình ảnh đủ loại đã được văn chương cánh chung / khải huyền sử dụng để mô tả thời tận thế và thế giới bên kia. Mặc dù danh sách không ghi hết tất cả, nhưng nó cũng bao gồm những điều sau đây:

- cánh chung học ngôn sứ đưa ra = thiên tai, xúc phạm Ðền Thờ, phỉ báng phụng vụ, xóa bỏ vua chúa và tư tế, lưu đày viễn xứ, đủ mọi dạng áp bức;

- cánh chung học khải huyền Kinh Thánh Híp ri đưa ra = giả trá, lưỡng phân hai kỷ nguyên, thị kiến, chiêm bao, chu du cõi thế bên kia, thiên sứ, sách mật;

- cánh chung / khải huyền Tân Ước đưa ra = tàn phá Ðền Thờ Giêrusalem, giặc giã, đói kém, động đất, bách hại, ngôn sứ giả, giảng Tin Mừng khắp thế gian, phản Kitô xuất hiện, thù hận trong gia đình, gian ác gia tăng, mặt trời mặt trăng lu mờ, ngôi sao rơi xuống, Con Người ngự đến trên mây, thiên sứ với tiếng kèn, tụ tập tất cả các Kitô hữu, kẻ chết sống lại, xét xử các dân tộc.

Cuộc chiến thắng cuối cùng được mô tả qua nhiều hình ảnh:

- cánh chung học ngôn sứ Cựu Ước đưa ra = một tạo thành mới, một xuất hành mới, một giao ước mới, phục hưng vương triều Ða vít, tái thiết Giêrusalem, tái cung hiến Ðền Thờ, phục hồi phụng tự, tái thống nhất dân tộc, tin trọn vào Luật;

- cánh chung học khải huyền đưa ra = hủy diệt kỷ nguyên cũ và thế giới này, trừng trị thù địch của dân Chúa, các tín hữu chiến thắng, Ðức Chúa hiển trị;

- Tân Ước đưa ra = cuộc quang lâm, trừng trị Satan và đồng bọn, cuộc hiển trị một ngàn năm, Ðức Kitô hiển thắng, trời mới đất mới, Giêrusalem trên trời.

Phải chèo chống cẩn thận trên biển sâu đầy ảo ảnh của thuật biểu trưng thì chúng ta mới có thể rút ra giáo huấn của Kinh Thánh về cuộc sống mai hậu cho thời đại chúng ta. Khi làm việc ấy, có thể lấy để dùng làm những kim chỉ nam hữu ích bốn nguyên tắc mà Zachary Hayes đề nghị:

1. Chỉ tiêu của cánh chung học Kitô giáo là cuộc đời, giáo huấn, cái chết và sự sống lại của Ðức Giêsu Kitô. Trong ánh sáng chỉ tiêu này, chúng ta phải xử lý với cả hai chiều kích cá thể và tập thể của cánh chung, cũng như hai mặt thể chất và tinh thần của đời sống con người.

2. Cả hai chiều kích hiện tại và tương lai của cánh chung phải được nắm cho chắc, Tuy rằng trong và qua ân sủng, đúng là chúng ta thật sự cảm nghiệm vinh quang tương lai ở ngay trong hiện tại, nhưng vẫn còn đó một sự thành tựu viên mãn tương lai cho cuộc đời chúng ta và cho vũ trụ, để làm đối tượng của hy vọng.

3. Mặc dù thuyết khải huyền đã có một ảnh hưởng sâu đậm trên Kitô giáo, nhưng không thể rút gọn Kitô giáo vào thuyết ấy được.

4. Cánh chung Kitô giáo, với tầm nhìn của nó về một tương lai siêu phàm, cuối cùng là một mầu nhiệm, và do đó nó được phân biệt với thuyết cánh chung sai lạc (thường là theo thuyết cơ bản) vốn chủ trương tìm ra cho hết mọi tương hợp giữa các lời tiên báo với các biến cố và nhân vật thuộc quá khứ hoặc đang xảy ra, và có khuynh hướng tự biện chi tiết về ngày tận thế (Visions of a Future, 66-67).

Có thể triển khai được điểm sau cùng bằng cách mượn lời Karl Barth mà nói rằng cánh chung học chân chính đặt trọng tâm ở hiện trạng của ân sủng và cứu độ, nó đọc tới nữa hoặc là suy ra cho tương lai bằng cách hỏi xem làm thế nào cái hiện trạng này sẽ được thành tựu viên mãn trong ánh sáng của những gì đã xảy ra cho Ðức Giêsu. Ngược lại, cánh chung học sai lạc đặt trọng tâm ở những lời tiên báo về tương lai như thể đó là những khắc họa hiện thực, nó đọc lùi lại hoặc là đem những lời ấy chèn thêm vào trong hiện tại bằng cách hỏi xem chúng tương hợp với những biến cố hay nhân vật lịch sử nào (Theological Investigations, 4:337). Nói cách khác, cánh chung học chân chính là Kitô học và nhân loại học được chia động từ ở thì tương lai.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page