101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương II

Cánh Chung Trong Kinh Thánh

Ngày Tận Thế Hiểu Theo Kinh Thánh

 

Câu Hỏi 25: Sách Khải Huyền đã từng được nhiều người dùng để miêu tả những gì sẽ xảy ra vào ngày tận thế. Sách ấy nói gì về cánh chung?

 

Giải Ðáp 25:

Như đã nêu trên, Kh 1,1-3 đã gần như định nghĩa khải huyền là một thể văn. Vậy không lạ gì nếu trong lịch sử Kitô giáo, sách ấy đã được dùng, và bị lạm dụng nhiều, làm nguồn gốc những lời tiên báo về ngày tận thế và những gì sẽ xảy ra bên kia thế giới. Ðể hiểu cho đúng Kh và những gì trong đó nói về cánh chung, nhất thiết phải nhớ kỹ những gì chúng ta đã nói về qui trình giải thích trong chương trước và về thể loại khải huyền ở trên đây.

Như một mẩu văn khải huyền điển hình (trừ ở chỗ nó không phải viết dưới bút hiệu), Kh cung cấp cho những thầy bói tương lai một kho tàng vô tận nào là những thị kiến, thiên sứ, con thú, nào là những con số, phản Kitô, thiên tai trên toàn vũ trụ và cuộc chiến quyết liệt giữa Thiện và Ác. Những tay bị kể là hiện thân của con thú mang số 666 (Kh 13,18) thì thuộc cỡ từ Nêrô đến Saddam Hussein, và cuộc chiến quyết liệt mang bộ mặt của một trong hai thế chiến và cuộc chiến Vùng Vịnh.

Nhưng thật ra, những cảnh tượng được phác họa đó không phải là những bài báo tường thuật những biến cố lịch sử mà chúng ta phải hiểu sát theo nghĩa đen. Ðúng hơn, đó là những thuật tạo hình tượng trưng và giàu tưởng tượng mà văn chương khải huyền sử dụng để giải thích luận đề của nó, mặc dù sự áp bức và ngược đãi mà tín đồ Thiên Chúa phải chịu do tay dân ngoại như có vẻ nói ngược lại; luận đề đó là Thiên Chúa làm chủ dòng lịch sử và dứt khoát sẽ thắng quân vô đạo, và dân Chúa sẽ có phần trong cuộc chiến thắng này.

Có thể được viết trong thời kỳ người Kitô hữu bị các hoàng đế Roma ngược đãi, Kh là một bài trình thuật theo thứ tự những biến cố tương lai, tương tự các hiện tượng được ghi trong Mc; Mt 24-25; Lc 21; 1Tx 4,13-18, và 2Tx 2,1-12 đã nêu trên. Trong trình thuật này, thù địch Thiên Chúa bị luận phạt; Babylon-Roma bị tàn phá; và Ðức Kitô được miêu tả như một thống chế lãnh đạo các đạo binh thiên giới vào một trận chiến quyết liệt chống lại thù địch của Người, loài tự nhiên cũng như loài siêu nhiên. Cuộc bại trận của Satan khai mở một vương quốc trong đó Ðức Kitô và các thánh đã phục sinh của Người sẽ hiển trị trong một ngàn năm, theo sau đó là trận chiến cuối cùng và cuộc trừng phạt Satan với các đồng minh của nó. Bấy giờ sẽ đến thời tổng phục sinh của tất cả các vong nhân và cuộc phán xét có Ðức Kitô làm thẩm phán. Sau khi trời đất thứ nhất bị tiêu diệt, một trời đất mới được tạo thành, và Giêrusalem thiên giới sẽ từ trời xuống thế mà khai mở kỷ nguyên mới.

Kh chất chứa một ý nghĩa khẩn trương và một nỗi niềm chờ mong. Ðức Kitô lặp lại lời hứa của Người rằng chẳng bao lâu nữa Người sẽ đến, và đáp lại lời ấy, các tín hữu kêu lên: "Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!" (22,20). Vì niềm tin vững vàng vào cuộc giáng lâm tương lai ấy và vào cuộc chiến thắng cuối cùng mà nó khơi dậy, Kh sẽ mãi là tiếng kêu ngàn đời mãnh liệt mà dân Kitô hữu sẽ để tai nghe, đặc biệt vào những thời kỳ đau thương thử thách.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page