101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương II

Cánh Chung Trong Kinh Thánh

Ngày Tận Thế Hiểu Theo Kinh Thánh

 

Câu Hỏi 23: Các sách Tin Mừng Nhất Lãm nói gì về cánh chung?

 

Giải Ðáp 23:

Trước khi nhìn chung các Tin Mừng Nhất Lãm, phải nói vài lời về cái gọi là tài liệu Q (từ tiếng Ðức, Quelle có nghĩa là nguồn tư liệu), tức là 250 câu có chung trong Mt và Lc nhưng không thấy có trong Mc. Cả tài liệu Q cường điệu mạnh mẽ về cánh chung. Nó nói lên một nỗi niềm bức xức mong chờ ngày tận thế gần kề, gắn liền với những đe dọa phán xét do một vị thẩm phán sẽ kíp đến. Trên chín lời nói về Con Người trong Q, có sáu câu xoay quanh cuộc giáng lâm tương lai của Con Người (Lc 11,30 = Mt 12,40; Lc 12,40 = Mt 24,44; Lc 12,8-9 = Mt 10,32-33; Lc 17,24 = Mt 24,27; Lc 17,26 = Mt 24,37-39; Lc 17,28 = Mt 24,37-39), và ba câu mô tả hoạt động hiện tại của Người (Lc 7,34 = Mt 11,19; Lc 12,10 = Mt 12,32; Lc 9,58 = Mt 8,20).

Mc lấy "Triều Ðại Thiên Chúa" làm chủ đề căn bản của giáo huấn Ðức Giêsu: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). "Triều Ðại Thiên Chúa" (cụm từ được dùng mười bốn lần trong Mc) là một thực tại tương lai đã gần kề. Về thực tại cánh chung, Mc 13 là chương có ý nghĩa nhất. Sau khi tiên báo Ðền Thờ sẽ bị phá hủy, Ðức Giêsu đưa ra một loạt dấu chỉ của ngày tận thế. Sau một cuộc biến động trên toàn vũ trụ, Con Người sẽ đến trên đám mây, và sẽ qui tụ những ai Người đã chọn từ bốn phương thiên hạ.

Mt thì dùng cụm từ "Nước Trời" (một lối nói bóng bẩy tôn xưng "Nước hay Triều Ðại Thiên Chúa") ba mươi hai lần "Nước hay Triều Ðại Thiên Chúa" bốn lần, và "Nước" đi kèm với những từ bổ nghĩa khác mười bốn lần. Ðối với Mt, Ðức Giêsu đã thực hiện, trong cuộc đời và hoạt động của Người, tất cả các lời hứa cánh chung của Thiên Chúa đã được ghi trong Cựu Ước, và Giáo Hội là Israel đích thật. Nói về cánh chung thì các chương 24-25 là quan trọng nhất. Trong đó, chúng ta đọc được lời tiên báo Ðền Thờ sẽ bị phá hủy, nghe liệt kê các dấu hiệu của ngày tận thế, nghe loan báo Con Người sẽ đến để phán xét. Mt nhấn mạnh chủ đề phán xét cánh chung bằng cách thiên vào nhiều dụ ngôn (mười cô trinh nữ, các nén bạc, cuộc phán xét cuối cùng) và bổn phận phải tỉnh thức. Thánh Mátthêu là tác giả đầu tiên dùng hy Lạp parousia [quang lâm] theo nghĩa kỹ thuật chỉ cuộc giáng lâm thứ hai của Ðức Kitô (24,3; 14,27.37.39).

Lc ghi lại câu nói của Ðức Giêsu trả lời nhóm Pharisêu hỏi bao giờ thì Triều Ðại Thiên Chúa sẽ đến, với lời tuyên bố: "Triều Ðại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được" (17,20). Nhưng Người tiếp tục khẳng định rằng "Triều Ðại Thiên Chúa đang ở giữa các ông" (17,21). Vậy trọng tâm tư tưởng được chuyển dịch từ tính có thể quan sát được của cuộc quang lâm gần kề - qua những dấu hiệu bên ngoài - đến một cái gì đó đã có mặt rồi nơi con người và hoạt động của Ðức Giêsu.

Chắc chắn Lc 21 có một diễn từ cánh chung song song với Mc 13 và Mt 24-25, nhưng tác giả đã sửa đổi nhiều từ quan trọng Ðức Giêsu đã dùng ở đó. Trong khi Mc mô tả Ðền Thờ Giêrusalem bị quân Roma xúc phạm năm 70 CN (cái "Ðồ ghê tởm khốc hại") như một biểu trưng khải huyền đi kèm với hiện tượng tận thế và cuộc quang lâm của Con Người, thì Lc (21,20-24) tháo bỏ cái thiết bị khải huyền ra và tách rời cuộc tàn phá Giêrusalem khỏi các dấu hiệu báo tin Con Người đang đến, chèn vào giữa hai hiện tượng đó một giai đoạn mà tác giả gọi là "thời của dân ngoại" (21,24). Làm như thế, Lc cố gắng cho bản văn ăn khớp với kinh nghiệm của cộng đoàn đang sống điều được gọi là "sự trì hoãn ngày quang lâm", ngày đáng lẽ phải xảy ra ngay sau khi Giêrusalem bị tàn phá. Bằng cách tạm tách rời hai biến cố, Lc mong bảo trì ý nghĩa "thời tận thế được cảm nghiệm trước" trong khi giải đáp vấn nạn tại sao cuộc quang lâm không xảy đến đúng thời hạn.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page