101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương II

Cánh Chung Trong Kinh Thánh

Ngày Tận Thế Hiểu Theo Kinh Thánh

 

Câu Hỏi 22: Trong phần trên, Thầy nói các môn đệ Ðức Giêsu khởi xướng một phong trào có màu sắc khải huyền. Thánh Phaolô nói gì về cánh chung?

 

Giải Ðáp 22:

Tôi sẽ trình bày chi tiết các giáo huấn chuyên biệt của các ngài về những chủ đề cánh chung trong các chương sau. Ở đây chỉ cần làm nổi bật cái khuynh hướng tâm linh rất đậm nét cánh chung của cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai. Cánh chung học khải huyền làm khuôn khổ cho tin mừng của Thánh Phao-lô: điều này được chứng minh rõ ràng trong 1 Tx 1,9-10, khi ngài kể giáo dân Thê-xalô-ni-ca "đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thật, và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho chỗi dậy từ cõi chết, là Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến." Ở đây, Thánh Phao-lô đan kết lại với nhau các chủ đề phục sinh, quang lâm (lần đến thứ hai của Ðức Giê-su) và phán xét chung, để mô tả niềm tin của các Ki-tô hữu thời sơ khai.

Cánh chung học của Thánh Phao-lô có đặc điểm này là tách làm hai thành phần riêng biệt thời kỳ hiện tại và thời kỳ đang đến (tính lưỡng phân thời gian), cũng như tách rời thời kỳ thuộc trần thế chúng ta, đầy những quyền lực gian ác, khỏi thời kỳ thuộc cõi thiên đàng (tính lưỡng phân không gian). Vì tin vào sự phục sinh của Ðức Giê-su, Thánh Phao-lô sửa đổi quan niệm khải huyền Do-thái giáo về hai thời kỳ nói trên: đối với ngài, thời kỳ tương lai đã khởi đầu rồi, vì sự phục sinh của Ðức Giê-su "mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu" (1 Cr 15,20), là bước đầu đi vào con đường phục sinh của tất cả những kẻ ngay lành đã qua đời.

Hậu quả là người Ki-tô hữu có thể sống thời kỳ tương lai trong thời kỳ hiện tại (1 Cr 2,6; 7,29-31). Dĩ nhiên là kinh nghiệm sống này tuy có thật nhưng chỉ là nếm trước điều hãy còn đang trên đường đi tới, và cuộc biến đổi viên mãn của người Ki-tô hữu và vũ trụ vẫn chưa được thể hiện trước ngày Ðức Giê-su quang lâm (1 Tx 4; 1 Cr 15,51-56; Pl 3,20tt). Bởi tin vào Ðức Giê-su Ki-tô, nên Thánh Phao-lô cũng chuyển trọng tâm của thực tại cánh chung từ Thiên Chúa qua Ðức ki-tô: "Ngày của Ðức Chúa" trở thành "Ngày của Ðức Giê-su, Chúa chúng ta" (1 Cr 1,8).

Một nét đặc thù nữa trong cánh chung học Phao-lô là niềm tin vào tính cách gần kề của ngày tận thế. Có những chỗ ngài nói rõ ngài mong được còn sống khi Ðức Ki-tô từ trời trở lại (1 Tx 4,15.17; 1 Cr 15,15-52). Chỗ khác ngài lại cho biết có thể ngài sẽ chết như mọi người khác trước khi Chúa quang lâm. Ngài mong rằng liền tức khắc sau khi chết, các tín hữu sẽ được hưởng ít ra một vài phần phước của ơn cứu độ (Pl 1,23) và được ban tặng một "thân thể có thần khí" (1 Cr 15,44).

Có thể lý giải sự căng thẳng giữa hai loạt khẳng định trên nhờ xét hai tầm nhìn có thể đã làm bối cảnh lúc chúng được thốt lên. Nhìn từ góc độ thời gian, ngày tận thế hãy còn là một thực tại tương lai; do đó, người ta không thể còn sống được khi nó đến, và phải mong chờ nó trong hy vọng. Ðàng khác, nhìn từ góc độ không gian, cõi thiên đàng tương lai đã có đây rồi, đó là thế giới người ki-tô hữu đang sống, và người ta đã được phép mong rằng nó sẽ đến cách viên mãn trước khi mình chết.

Còn một nhãn hiệu khác nữa của cánh chung học Phao-lô là tin rằng cuộc chiến thắng của Thiên Chúa vào ngày tận thế có thể tác động trước thời gian, không chỉ trên cá nhân và toàn thể nhân loại mà còn trên vũ trụ nữa. Thánh Phao-lô tuyên bố rằng "muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quanh của con cái Người... trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa" (Rm 8,19-23).

Cuối cùng, đối với Thánh Phao-lô, cánh chung học không phải là chuyện tư biện trừu tượng chút nào về cõi bên kia. Nó hàm chứa những đòi hỏi cụ thể về mặt luân thường đạo lý. Ngài thường dùng ngôn ngữ cánh chung học để thôi thúc người ta sống đức hạnh. Trong Gl 5,21, sau khi kê ra một loạt hành vi không thể dung thứ, ngài cảnh cáo rằng "những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa". Ở đây, thực tại cánh chung được nêu lên như một hình phạt trực tiếp cho vài lối sống vô luân. 

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page