101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương II

Cánh Chung Trong Kinh Thánh

Ngày Tận Thế Hiểu Theo Kinh Thánh

 

Câu Hỏi 21: Ðức Giêsu có tin rằng ngày tận thế đã gần kề không?

 

Giải Ðáp 21:

Trong vấn đề Ðức Giê-su nghĩ gì về thời điểm Triều Ðại Thiên Chúa sẽ đến, thì các học giả không nhất trí với nhau. Nói chung có ba lập trường:

Thứ nhất, một số người (như Johannes Weiss, Albert Schweitzer, F.C. Burkitt, Martin Dibelius, Rudolf Bultmann và R.H. Hiers) cho là Ðức Giê-su nghĩ rằng Triều Ðại Thiên Chúa mà Người loan báo là một thực tại hoàn toàn thuộc tương lai (cánh chung thích thời). Riêng theo Schweitzer, thì Ðức Giê-su đã từng tiên báo cuộc giáng lâm gần kề của Con Người và những khốn khổ của môn đệ Người. Cả hai điều tiên báo điều đã không xảy ra, nên Người quyết định đích thân chịu chết để cố thúc ép cho Triều Ðại Thiên Chúa phải đến. Theo lượng giá của Schweitzer, Ðức Giê-su là một mẫu thuyết gia khải huyền đã thất bại.

Thứ hai, những người khác (như Charles Dodd) thì nghĩ rằng đối với Ðức Giê-su, Triều Ðại Thiên Chúa là một thực tại căn bản thuộc hiện tại (cánh chung đã thành tựu). Ông biện hộ cho cái nhìn này chủ yếu trên cơ sở các dụ ngôn, Tin Mừng theo Thánh Gio-an và Thư gửi tín hữu Do-thái.

Thứ ba, những người khác như (Joachim Jeremias, Oscar Cullmann và W.G. Kummel) lại cho là có sự căng thẳng trong ý niệm của Ðức Giê-su về Triều Ðại Thiên Chúa. Ðối với Người, đó vừa là một thực tại hiện hữu vừa là một niềm mong đợi ở tương lai. Ðó là một thực tại tương lai sắp xuất hiện đến nơi mà đã có mặt trong và qua lời nói việc làm của Người. Cả cái rồi lẫn cái chưa đều có trong lời rao giảng của Ðức Giê-su về Triều Ðại Thiên Chúa (cánh chung tiên ứng hoặc đã khai mở). Theo Kummel, nên cho thấy sự tương phản giữa giáo huấn của Ðức Giê-su về sự hiện diện của Triều Ðại Thiên Chúa với giáo huấn của các người theo thuyết cánh chung trong cộng đồng Do-thái ban sơ, trong mức độ Ðức Giê-su xem cuộc phán xét tương lai và công trình cứu độ không chỉ là những biến cố tương lai mà đã là những thực tại hiện hữu nơi bản thân và sứ mạng của mình rồi.

Tóm lại, trong Do-thái giáo thời Ðức Giê-su, có một niềm chờ mong phổ biến rộng rãi, tin rằng Thiên Chúa sắp hành động cách quyết liệt để cứu chuộc dân Người. Xét vì những gì Ðức Giê-su đã nói và làm, thì dường như lập trường thứ ba phản ánh tinh thần của Người cách thích đáng nhất. Trong nhiều ngôn từ và dụ ngôn, (vd. Mt 11,5-6; 12,28;13,16-17; 18,23-25; 20,1-6; Lc 4,16-30; 7,22-23; 17,20-21), Ðức Giê-su được mô tả đang loan báo sự có mặt của Triều Ðại Thiên Chúa. Mặt khác, nhiều ngôn từ và dụ ngôn khác (vd. Mt 5,3-12; 6,9-13; 8,11-12; Mc 9,1; Lc 9,27) lại nhấn mạnh rằng trong tương lai Triều Ðại Thiên Chúa sẽ đến. Như vậy, điểm chắc chắn nổi trội là Ðức Giê-su hiểu rằng Triều Ðại Thiên Chúa tạm được cưu mang nơi chính bản thân và thông điệp của mình, và cũng sẽ đạt điểm tới của nó cách trọn vẹn trong một tương lai gần kề. 

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page