101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương II

Cánh Chung Trong Kinh Thánh

Ngày Tận Thế Hiểu Theo Kinh Thánh

 

Câu Hỏi 20: Ðức Giêsu có chịu ảnh hưởng của thuyết khải huyền Do Thái giáo không?

 

Giải Ðáp 20:

Gần đây, việc sưu tầm hiểu biết về Ðức Giê-su lịch sử có chú ý đặc biệt đến cánh chung học Do-thái giáo được xem như bối cảnh cuộc đời và giáo huấn của Người. Ðức Giê-su đã bắt đầu cuộc đời của Người vào một thời kỳ rất đỗi bất ổn về mặt chánh trị, đã chín muồi để dậy lên những khát vọng mãnh liệt có chiều kích khải huyền: sau khi Vua Hê-rô-đê Cả băng hà năm 4 trước Công Nguyên, có ba người tự xưng Mê-si-a, là Giu-đa người Ga-li-lê, Si-mon và Athronge. Phần đầu cuộc đời công khai của mình, Ðức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa. Ông này theo truyền thống thiêng liêng các ngôn sứ khải huyền, nên đã kịch liệt lên án chính thể nước Israel, kêu gọi toàn dân sám hối để chuẩn bị ngày giáng lâm gần kề của Ðấng Ðang Tới, và thật sự tỏ cho thấy rằng ông xem Ðức Giê-su là Ðấng Ðang Tới ấy. Ðức Giê-su chọn mười hai tông đồ có ý nghĩa biểu trưng việc đổi mới mười hai chi tộc Israel. Người thanh tẩy Ðền Thờ như một ngôn sứ hành động tượng trưng, để tiên báo Ðền Thờ sẽ bị tàn phá và được cách tân. Các phép lạ Người làm là những dấu chỉ báo hiệu thế giới mới sắp khai sinh. Và sau hết, người Rô-ma xử tử Người về tội nổi loạn chứng tỏ rằng họ nhận ra nơi Người một trong những nhà cách mạng được nói tới trong văn chương khải huyền.

Hơn nữa, liên quan đến giáo huấn của Người, nếu có được một điểm nào chắc chắn về con người phàm Giê-su, đó là Người đã loan báo Nước hoặc Vương Quyền của Thiên Chúa. Trên tổng số 122 lần lối nói này được dùng trong Tân Ước, 99 lần nó xuất hiện trong các Tin Mừng Nhất Lãm, và 90 nơi thì cụm từ được đặt trên môi miệng Ðức Giê-su.

Một số học giả (như T.F. Glasson, Marcus J. Borg, và B. Mack) hồ nghi rằng gương mặt của Ðức Giê-su là do thuyết khải huyền Do-thái giáo cấu tạo và cho rằng Người là một nhà hiền triết thuộc phái Khuyển Nho hơn là một nhà giảng thuyết có tầm vóc Mê-si-a. Nhưng đại đa số các học giả Thánh Kinh cho rằng Ðức Giê-su rõ ràng đứng trong đường lối khải huyền chính thống. Họ lưu ý rằng phong trào mà Người tham gia, phong trào Gio-an Tẩy Giả, mang màu sắc khải huyền. Hơn nữa, cái phong trào xuất phát từ Người ngay sau cái chết của Người, là cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai tại Giê-ru-sa-lem, nhận ra nơi Người cả hai nhân vật: Ðức Mê-si-a họ mong đợi và Con Người, và chính bản thân cộng đoàn này cũng mang màu sắc khải huyền nữa. 

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page