101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương II

Cánh Chung Trong Kinh Thánh

Ngày Tận Thế Hiểu Theo Kinh Thánh

 

Câu Hỏi 18: Vậy khải huyền nói gì về cánh chung, và nó có liên hệ như thế nào với trào lưu ngôn sứ?

 

Giải Ðáp 18:

Hiểu đúng đắn nhất tầm nhìn của cánh chung học khải huyền là xem nó như một hoa trái tự nhiên phát sinh từ cánh chung học ngôn sứ, mặc dù hoa trái này không nhất thiết là đến sau theo thứ tự thời gian. Cả hai hướng cánh chung học là hai mặt của cùng một đồng tiền. Mang nhiều trăn trở bởi tội bất trung của dân đối với giao ước, cánh chung học ngôn sứ có khuynh hướng nhấn mạnh rằng con người cần phải cố gắng để trở về với Thiên Chúa, trong khi cánh chung học khải huyền, sản sinh vào những thời buổi cực kỳ lầm than đau khổ, có khuynh hướng bi quan không mấy tin tưởng vào hiệu lực của việc cải cách do sức người và cơ cấu xã hội nói chung. Vì thế, cánh chung học khải huyền chất chứa một lối hùng biện đầy hào khí tố cáo những khiếm khuyết của thế gian này, và đưa ra một lối quảng diễn có tính cách mạng và giàu tưởng tượng về một thế giới khác. Tầm nhìn của nó có tính lưỡng phân triệt để; nó giả thiết thế giới hiện tại này phải bị hủy diệt và các tín hữu sẽ phục sinh để sống một cuộc sống diễm phúc trong thế giới tương lai siêu phàm.

Như thế, nội dung đặc thù của cánh chung học khải huyền là: (1) tin tưởng nhiệt liệt vào thế giới siêu nhiên đi kèm với những nét chi tiết mô tả cõi thiên đàng, những thiên thần, những nơi ở dành cho kẻ chết, những địa điểm cho cuộc phán xét, những thiên thần bị đày xuống hỏa ngục; và (2) một niềm háo hức sống trước ngay tức khắc ơn cứu độ ngày sau hết, đi kèm với những tin tưởng đặc biệt mới của nó vào việc phán xét kẻ chết và sự sống lại của các tín hữu để vào cõi vinh quang.

Ví dụ sách Ða-ni-en, một mẫu tiêu biểu của những tác phẩm khải huyền "lịch sử", được viết trong thời bách hại của Antiochos IV Epiphane (175-164 trước Công Nguyên), đưa ra một thị kiến trong đó các con thú (nghĩa là những lực lượng ngoại bang, đặc biệt là Antiochos IV Epiphane) bị giết chết, và "có ai như một Con Người (nghĩa là dân Israel hay một thiên thần) đang ngự giá mây trời mà đến, tiến lại gần bên [ngai] Ðấng Lão Thành để [lãnh nhận] quyền thống trị, vinh quang và vương vị" (Ðn 7,13-14). Hơn nữa, Ða-ni-en tả trong thị kiến rằng khi "vị chỉ huy tối cao, đấng vẫn thường che chở dân người" là Mi-kha-en đứng lên, thì "tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa" sẽ được cứu thoát. Bấy giờ, "trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy; người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Nhưng các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, và những ai làm cho người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao" (Ðn 7,1-3). Luôn tiện nói qua Ðn là bản văn đầu tiên trong Cựu Ước (và là bản văn duy nhất trong Kinh Thánh Híp-ri) khẳng định cách rõ ràng kẻ chết sẽ sống lại. Một điều căn bản cho sách Ða-ni-en và cánh chung học khải huyền là tin rằng các biến cố là do những quyền lực cao hơn đẩy đưa, rằng dòng lịch sử đã được tiền định và kết cục của nó thì đảm bảo, rằng vận mạng của các người hiền vượt tầm cõi đời này và có liên quan tới thế giới các thiên thần.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page