101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương II

Cánh Chung Trong Kinh Thánh

Ngày Tận Thế Hiểu Theo Kinh Thánh

 

Câu Hỏi 17: Các tác phẩm khải huyền đó có những đặc điểm nào?

 

Giải Ðáp 17:

Ðể trả lời câu hỏi này cho ổn thỏa, điều quan trọng là, như chúng ta đã nói trong chương trước, lưu ý đến bối cảnh lịch sử trong đó các bản văn ấy được biên soạn, chức năng nó được giao phải chu toàn, và ngôn ngữ nó dùng để diễn đạt nội dung. Mặc dù không phải tất cả văn chương khải huyền đều phát sinh từ một trào lưu duy nhất, càng không phải từ một phe nhóm nhỏ, nhưng nói chung phần lớn các tác phẩm khải huyền đã được viết trong tình hình khủng hoảng và vong bản đủ dạng. Ðó là tình hình mất độc lập quốc gia, cô thế cô thân trong xã hội, bị ngược đãi cả về mặt tôn giáo lẫn chính trị, do một quyền lực ngoại xâm, ví dụ ách thống trị của nhà Seleucos, đặc biệt của Antiochos IV Epiphane.

Có một chức năng chủ yếu của văn chương khải huyền là khích lệ những ai bị các cơ chế cầm quyền của thế gian này ghét bỏ và áp bức vì niềm tin tôn giáo của mình, và cam đoan với họ rằng Thiên Chúa cuối cùng sẽ minh oan cho họ và cứu thoát họ. Chức năng ấy được chu toàn bằng cách hướng cái nhìn của đám dân khốn đốn khỏi cảnh lầm than hiện tại mà tập trung sự chú ý của họ vào cõi thiên đàng và cứu cánh tương lai. Một chức năng khác nữa có thể chỉ đơn giản là phát huy một thế giới quan đặc biệt và khuyến khích người ta suy nghĩ và hành động cho phù hợp với thế giới quan ấy.

Như có thể đoán được, ngôn ngữ văn chương khải huyền rất giàu tưởng tượng, thậm chí mang tính quái dị nữa. Phần nhiều các tác phẩm ấy được viết dưới những bút danh, đưa ra trăm ngàn thị kiến, những cuộc du hành trên thiên giới, những sách bí mật và thiên thần mặc khải, để chuyển đạt thông điệp của mình. John J. Collins đã chọn ra hai đặc điểm của ngôn ngữ này. Trước hết, nó không có tính tả chân mà là diễn cảm: "Ngôn ngữ các tác phẩm khải huyền không có tính tả chân, theo kiểu ngôn ngữ báo chí, nhưng là ngôn ngữ diễn cảm của thi ca, vận dụng biểu tượng và hình tượng để nói lên một cảm nghĩ hay cảm giác về thế giới. Giá trị bền lâu của nó không nằm ở những cái tưởng là thông mà nó đưa ra về vũ trụ học hoặc lịch sử tương lai, nhưng là ở việc nó khẳng định có một thế giới siêu phàm" (The Apocalyptic Imagination, 214). Do đó, dùng các bản văn khải huyền để phác họa một cảnh tượng ngày tận thế, hay để mô tả những chuyện sẽ xảy ra trong thế giới bên kia, là sai.

Thứ đến, ngôn ngữ khải huyền không những có tính diễn cảm mà còn là dấn thân nữa, nghĩa là nó thực tiển và tiến tới hành động. Nó thúc giục độc giả ủng hộ một thế giới quan đòi hỏi phải sửa đổi thái độ và có những hành động thích hợp: "Ðiều này tương đắc hơn nhiều với khuynh hướng thực tiễn của thần học giải phóng, một thần học không dấn bước vào việc theo đuổi chân lý khách quan nhưng vào lực năng động của động cơ và việc nắm chính quyền" (The Apocalyptic Imagination, 215). Nói theo ngôn ngữ thông thích luận đã bàn ở câu hỏi 7, thì văn chương khải huyền không những cần đến khoa chú giải sử học và phê bình văn học, mà còn đến khoa thông thích hiện sinh nữa. 

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page