101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương II

Cánh Chung Trong Kinh Thánh

Ngày Tận Thế Hiểu Theo Kinh Thánh

 

Câu Hỏi 15: Niềm hy vọng vào ơn cứu độ tương lai mà các ngôn sứ công bố có liên hệ thế nào với cánh chung?

 

Giải Ðáp 15:

Mặc dù dân gian thường gán ghép cho các ông (các ngôn sứ) những cơn xuất thần và việc tiên báo tương lai, các ngôn sứ của kinh điển Híp-ri (như A-mốt, Hô-sê-a. I-sai-a và Mi-kha) là những người quan tâm trước hết đến việc nhận định và giải thích ý muốn của Thiên Chúa cho người đương thời hiểu, đặc biệt vì những tội họ đã phạm chống lại các điều răn mà Thiên Chúa đã ban hành trong giao ước. Các ông loan báo "Ngày của Ðức Chúa", ngày mà Thiên Chúa sẽ đánh phạt dân vì tội bất trung của họ. Sự trừng phạt của Thiên Chúa được mô tả đều đặn qua những biến cố như thiên tai, nền quân chủ và hàng tư tế bị diệt vong, lưu đày viễn xứ, Ðền Thờ bị xúc phạm, nền phụng tự bị phỉ báng và những áp bức đủ loại.

Ðiều nghịch lý là mặc dù vậy, phán quyết và sự trừng phạt của Thiên Chúa lại là nguồn hy vọng. Những đòn vọt của Thiên Chúa không nhằm hủy diệt dân nhưng được trình bày như liều thuốc cần thiết để chữa trị họ. Chúng được dùng để nhắc cho họ nhớ lại tình nghĩa thiết tha của Thiên Chúa (hesed) đối với họ, và để làm cho họ chỉnh đốn cách ăn thói ở nhằm tìm lại được ân huệ của người. Cuối cùng rồi tình yêu và lòng thành tín (emet) của Thiên Chúa sẽ thắng, mặc dù bao sai trái của con người.

Niềm hy vọng không nao núng ấy vào cuộc chiến thắng tương lai và quyết liệt của Thiên Chúa trên sự ác lại còn được các ngôn sứ thời hậu lưu đày thắp sáng lên, như Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, I-sai-a Ðệ Nhị (40-55), I-sai-a Ðệ Tam (56-66), I-sai-a (24-27 [được gọi là sách khải huyền của I-sai-a]), Khác-gai và Da-ca-ri-a. Mặc dầu vẫn mạnh dạn tố cáo dân về tội thờ ngẫu tượng và bất trung với Ðức Chúa, các ngôn sứ này cũng loan báo một kỷ nguyên mới đang đến gần, khi đó Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu thoát dân Người.

Ơn cứu thoát được hứa ở đây sẽ được Thiên Chúa trực tiếp mang đến hoặc qua một vị trung gian được gọi là Người Tôi Trung Ðau Khổ hay là Ðức Mê-si-a, và đó sẽ là một tư tế hay quân vương hay là ngôn sứ. Kỷ nguyên mới ấy được mô tả như là bản sao lại một số biến cố có ý nghĩa của quá khứ. Nó có những đặc điểm như một cuộc sáng thế mới, một cuộc xuất hành mới, một giao ước mới, việc tái thống nhất dân tộc, phục hưng vương triều Ða-vít, tái thiết Giê-ru-sa-lem và Ðền Thờ, phục hồi nền phụng tự chân chính và tuân thủ Luật Mô-sê cách trọn hảo. Kỷ nguyên mới này được gọi là "Triều Ðại Thiên Chúa", trong đó Thiên Chúa hiển trị không những trên dân Israel mà còn trên các dân nước và vũ trụ, trong sự thật, công lý và hòa bình.

Qua những lời rao giảng và tác phẩm của mình, các ngôn sứ Híp-ri đã cấu tạo cái gọi được là cánh chung học ngôn sứ. Nhưng dù vậy, xét từ quan điểm văn chương, nói đến các văn phẩm ngôn sứ như là văn chương cánh chung học là không thỏa đáng; tuy nhiên, những tác phẩm ấy có thể được xem là một bộ trước tác cùng mang chung một số nét đặc thù như sau. Thứ nhất, có một cách đánh giá trật tự đương thời rất bi quan, coi nó như bị nhiễm phải tội và sự ác, và có kèm theo lời tuyên báo Thiên Chúa sẽ trừng phạt. Thứ hai, có những phác họa quái dị và quá lố về kỷ nguyên mới, với những mớ đề tài và hình ảnh nhà nghề, như đã nói ở trên. Thứ ba, có sự tương phản rõ nét giữa kỷ nguyên này và kỷ nguyên sắp đến. Nó càng cho thấy rõ là kỷ nguyên mới không phải được xem như là thời kỳ phục hồi quá khứ lý tưởng cho bằng như là thời kỳ tiêu hủy trật tự đương thời, khử trừ thù địch của Thiên Chúa và tạo dựng một thế giới hoàn toàn mới vượt khỏi lịch sử và vũ trụ này. Thứ bốn, có những cố gắng để xác định thời điểm các lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm. Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en là những người đầu tiên đã làm việc ấy, và I-sai-a Ðệ Nhị đã liên kết sự xuất hiện của kỷ nguyên mới với một biến cố lịch sử là lệnh của vua Ky-rô cho phép người Do Thái trở về cố hương. I-sai-a Ðệ Tam, Khác-gai và Da-ca-ri-a thì nhìn thấy sự can thiệp của Thiên Chúa như gần kề.

Tóm lại, cánh chung học ngôn sứ không chú trọng định mạng cá nhân nhưng lo đến số phận của toàn dân Israel gọp chung lại. Nó được nuôi dưỡng bởi niềm hy vọng bất diệt vào ơn cứu độ cánh chung, trên cơ sở lời hứa của Thiên Chúa với Áp-ra-ham và miêu duệ ông (truyền thống lời hứa với các tổ phụ), với dân Israel trong giao ước (truyền thống Giao Ước Xi-nai), và với Ða-vít và dòng dõi ông (truyền thống Ða-vít Xi-on).

Nhưng bức tranh lý tưởng và có khi thơ mộng về kỷ nguyên cánh chung đi quá xa thực tế. Những thất vọng ê chề đã làm nhiễm độc suối nguồn hy vọng khi Ðền Thờ vừa tái thiết, nền phụng tự và hàng tư tế bị coi như ra ô uế, và dân Chúa lại tiếp tục vi phạm Lề Luật, như chúng ta đọc thấy trong những trang viết vào thế kỷ V của Ma-la-khi, E-dơ-ra và Nơ-khem-gia. Tuy vậy niềm hy vọng đã không bị lung lạc, ngay khi độc lập quốc gia bị tước mất dưới thời đô hộ của người Hy Lạp, trước là dòng họ nhà Ptolemaios, sau là dòng họ nhà Seleucos (332-160 trước Công Nguyên). Trái lại, một thể văn mới sắp xuất hiện, tặng cho niềm hy vọng một giọng nói khác. Những văn phẩm này được gọi là văn chương khải huyền, hàm chứa một cánh chung học riêng biệt của nó.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page