101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương I

Sự sống vĩnh hằng

làm sao tôi biết

 

Câu Hỏi 9: Trước khi nói đến những điều Kinh Thánh khẳng định về sự sống đời sau, xin Thầy vui lòng giải nghĩa một số khái niệm then chốt được dùng để nói về sự sống đời sau, như vĩnh cửu hay sự sống vĩnh hằng. Thầy hiểu hai chữ vĩnh cửu như thế nào? Nó có liên hệ gì với thời gian của chúng ta?

 

Giải Ðáp 9:

Ðể hiểu vĩnh cữu nghĩa là gì, vài lời tóm gọn về ý nghĩa của thời gian sẽ có ích. Như triết gia Aristotles nói, ta thường dùng thời gian để đo lường cái đi trước và cái đi sau một chuyển động hay một biến đổi, tức là những khoảnh khắc kế tiếp nhau. Thời gian ấy được đo bằng những đồng hồ, tờ lịch, và làm ra niên biểu (người Hy-lạp dùng từ chronos để chỉ loại thời gian này). Theo nghĩa như thế, chỉ có hiện tại là khoảnh khắc không kéo dài; dĩ vãng không còn nữa vì nó đã [dĩ] qua [vãng], và tương lai chưa có vì nó còn sẽ [tương] đến [lai].

Bên cạnh khái niệm về thời gian có tính vật lý học này, thời gian có một ý nghĩa khác nữa, bắt nguồn từ kinh nghiệm một thế giới của con người. Sống trong hiện tại, chúng ta không cảm nghiệm dĩ vãng như là cái gì đã mất, đã qua, không thể tìm lại được, mà như là cái đang hiện diện thật sự, cho phép chúng ta có một căn tính và một vận mạng cụ thể. Cũng cách đó, chúng ta không cảm nghiệm tương lai như chỉ là cái gì trống rỗng và không có thật; chúng ta cảm nghiệm nó như một lời quyến rũ và thách thức, mời gọi chúng ta tiến lên để thi thố các tiềm năng của mình. Trong loại thời gian nhân sinh ấy, dĩ vãng được thu gom và bảo toàn trong ký ức của chúng ta, và tương lai thì diễn ra trước và được làm cho có thật trong trí tưởng tượng và niềm mong ước của chúng ta. Trong loại thời gian này, không phải khoảnh khắc nào cũng y như khoảnh khắc nào xét về giá trị và tầm quan trọng; thật ra, trong một đời người có những giờ phút quyết liệt (người Hy-lạp dùng từ kairos để chỉ loại thời gian này, đối với chronos). Vì vậy mà khi chúng ta đau khổ, một giờ thấy dài hơn sáu mươi phút, trong khi vui sướng thì lại thấy thời gian trôi nhanh.

Như Thánh Âu-tinh đã nói, trong thời gian, tâm hồn chúng ta "giãn ra", ngoảnh lại đàng sau để ôm lấy quá khứ, và vươn tới phía trước để sống trước những khả năng tương lai. Căn tính chúng ta được thành tựu nhờ cái khả năng đem ba tầng thời gian - quá khứ, hiện tại, tương lai - như nhập lại thành một, đích thân thống nhất và chiếm "trọn gói" cả ba chiều kích của thời gian. Dĩ nhiên là bao lâu còn sống trong thời gian, chúng ta chỉ có thể thống nhất và chiếm hữu thời gian như thế đến một mức nào thôi, và đó tất nhiên là một mục tiêu vẫn mãi ở đằng xa. Tuy nhiên, đó là mục tiêu mà chúng ta luôn nỗ lực nhắm tới. Vậy sống trong dòng thời gian là nhập vào cuộc chuyển vận từ bất túc đến sung túc, là vượt lên khỏi tình trạng bị phân hóa và đứt đoạn của thời gian, nhằm làm cho nó nên toàn vẹn và thống nhất.

Cái thực trạng vẹn toàn và thống nhất vượt khỏi tình trạng bị phân hoá và đứt đoạn của thời gian như thế được gọi là vĩnh cửu. Tương phản với thời gian theo nghĩa một cuộc bể dâu được đo lường từng giây từng phút, vĩnh cửu được Boetius, một triết gia Rô-ma của thế kỷ VI, định nghĩa là "việc chiếm hữu sự sống bất tận trong khoảnh khắc mà được vẹn toàn và đầy đủ". Vĩnh cửu loại đó được nhìn nhận là độc quyền của riêng Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa là Ðấng vô thủy vô chung, không trước không sau, và không hề phải lụy một sự biến đổi nào. Do đó, vĩnh cửu là điểm sung mãn hay trọn hảo của sự sống và tồn tại, không bị mục nát, không theo giai đoạn.

Theo nghĩa ấy, vĩnh cửu không thuần là phủ định thời gian. Ngược lại, mặc khải Ki-tô giáo khẳng định rằng trong mầu nhiệm Nhập Thể của Con mình, Thiên Chúa đã tự ý và vì yêu thương mang lấy tính thời gian của người phàm, đi vào thời gian, gia nhập vào cuộc vật đổi sao dời và đã vực những thực tại ấy lên mà đưa vào đời sống thần linh. Trong và qua hành động này, Thiên Chúa cũng cho con người thông chia sự sống sung mãn của riêng Người tức là sự sống vĩnh hằng. Như thế, nỗ lực của con người để khắc phục sự phân hóa và đứt đoạn của thời gian, để thu gom và thống nhất trọn vẹn cả quá khứ lẫn hiện tại và tương lai của mình - mà nếu để mặc con người tự sức làm thì nó sẽ không được mãn nguyện - nỗ lực ấy sẽ được mỹ mãn nhờ Chúa thương cho thời gian được nên vĩnh hằng.

Vậy thì không nên tưởng tượng vĩnh cửu như là sự tiếp nối bất tận của thời gian bên kia cái chết, như là một thời gian cứ trôi đi mãi không ngừng trong thế giới bên kia, mà lối nói "đến muôn thuở muôn đời" có thể gợi ý. Vì nếu thế, chúng ta không thể hiểu làm sao sự sống vĩnh hằng, hay thiên đàng, là cõi phước vẹn toàn được, bởi chúng ta cứ phải cam chịu phiêu bạt đời đời, như con thuyền mãi đi tìm bến mà không bao giờ đạt tới "quê nhà". Ðúng hơn, khi nói chúng ta thông chia vĩnh cửu của Thiên Chúa thì phải hiểu là thời gian và lịch sử của chính chúng ta được Thiên Chúa cho hoàn tất, không lùi trở lại nữa và mang tính dứt khoát. Theo nghĩa này, cái vĩnh cửu chúng ta được tham dự không ở bên ngoài, bên trên, phía sau hay bên kia thời gian chúng ta sống; đúng hơn, nó được thành tựu ở trong và ngay từ thời gian chúng ta sống vậy.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page