101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương I
Sự sống vĩnh hằng
làm sao tôi biết
Câu Hỏi 8: Giờ đây tôi đã hiểu việc giải thích Kinh Thánh là một qui trình phức tạp để phát hiện những thế giới nằm ở đàng sau, ở trong và phía trước bản văn. Nhưng làm sao giải nghĩa những gì Kinh Thánh xác minh cách riêng về sự sống đời sau?
Giải Ðáp 8:
Thần học Ki-tô giáo, và cánh chung học Ki-tô giáo nằm trong đó, phải đâm rễ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Bởi vậy cánh chung học Ki-tô giáo phải thận trọng nghiên cứu và giải thích những gì Thánh Kinh và Thánh Truyền nói về số phận tối hậu của cá nhân (cánh chung cá thể), của dân Israel (cánh chung của dân Chúa), của gia đình nhân loại (cánh chung tập thể), và của thế giới (cánh chung toàn vũ).
Riêng về cánh chung học trong Kinh Thánh, chúng ta phải đem ứng dụng những phương pháp nói trên. Trước hết, khi dùng khoa phê bình sử học, chúng ta phải nhờ vào phê bình văn học để xác định tính xác thực của các lời Kinh Thánh xác minh về cánh chung. Kế đến, nhờ vào phê bình nguồn tư liệu, phải xác định tính lịch sử của chúng, cũng như nhận ra ảnh hưởng hỗ tương của chúng. Tiếp theo là nhờ vào phê bình thể loại, chúng ta phải xét xem những mẫu cộng đồng nào đã định thức và truyền miệng cho nhau những lời xác minh đó trước khi nó được ghi chép, và quan trọng hơn hết, chúng ta phải nghiên cứu các thể văn được dùng cho lời xác minh, và phải nhận diện các đặc tính của các thể văn ấy. Sau cùng, nhờ vào phê bình biên soạn, chúng ta sẽ tìm xem cách riêng một tác giả đã chọn lọc làm sao, tổng hợp và tháp nhập những lời thuộc đủ loại đó vào tác phẩm của riêng ông như thế nào, cho nó thích hợp với đối tượng mà ông nhắn gởi. Nhờ làm việc như thế, chúng ta hy vọng sẽ vươn tới ý nghĩa lý tưởng của các lời xác minh chúng ta đang học hỏi, và đạt tới thế giới ở đàng sau những lời đó.
Bước thứ hai là, khi đặt những lời xác minh cánh chung đó vào trong văn cảnh của chúng, chúng ta sẽ phải tra vấn xem chúng có ý định làm gì và chu toàn cái nhiệm vụ tự mình đặt cho mình ấy đến mức nào. Ví dụ phải hỏi chúng có ý định cho độc giả xem trước để biết thế nào là sự sống đời sau hay không, hoặc chúng có chức năng cảnh cáo cho chúng ta biết phải sống thế nào để được sống đời đời hay không. Nói cách khác, chúng ta sẽ cố gắng đi vào trong cái thế giới của những lời khẳng định cánh chung ấy để phát hiện chúng nói gì với chúng ta, là những đối tượng mới của chúng, hiện giờ đây, trong bối cảnh thời đại của chúng ta đây, với những ưu tư và vấn nạn riêng của chúng ta.
Bước thứ ba là, bởi chúng ta tin rằng những lời xác minh cánh chung ấy mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Người, nên chúng ta sẽ hỏi chúng đề nghị cho chúng ta lối sống và hành động nào, nghĩa là cái thế giới ở phía trước chúng ra sao. Chúng ta ước mong dung hợp chân trời hiểu biết của chúng ta với cái của chúng thế nào đó, để có thể hiểu chẳng những ý chúng muốn nói gì khi được ghi chép mà còn hiện muốn nói gì nữa cho chúng ta ngày hôm nay. Bằng cách ấy, chúng ta sẽ có khả năng làm cho việc thấu hiểu các bản văn ấy đưa đến một sự đổi đời; tức là ý nghĩa lý tưởng của chúng sẽ trở thành ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta vậy.
Dĩ nhiên, do giới hạn của khuôn khổ sách này, chúng ta sẽ không thể thực hiện công việc giải thích gồm ba phần như thế một cách đồng đều như nhau cho tất cả các lời khẳng định của Thánh Kinh và Thánh Truyền về sự sống đời sau. Trong chương kế, tôi sẽ bàn về đại cương cánh chung sau những khẳng định thuộc nhiều chủ đề chuyên biệt (vd. về cái chết, sự sống lại, cuộc phán xét, hỏa ngục, thiên đàng, vân vân).
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page