101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương I
Sự sống vĩnh hằng
làm sao tôi biết
Câu Hỏi 4: Có phải như vậy có nghĩa là nếu cánh chung đã biến khỏi ngôn từ Ki- tô giáo đương thời, thì nên nghĩ rằng đây là điều không thể tránh và có thể còn mừng nữa là khác không?
Giải Ðáp 4:
Không đâu. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là, để làm cho giáo lý của chúng ta về sự sống đời sau trở nên dễ hiểu và đáng tin đối với người đồng thời của chúng ta, thì chúng ta phải vượt khỏi cái khuôn hình mà cách trình bày cổ điển đã đặt cho cuộc sống ấy, như thể đó là của cá nhân và thuộc một thế giới khác lạ. Có một sự nhất trí với nhau giữa các sử gia về giáo lý Ki-tô giáo, cho rằng trong thời gian một ngàn năm đầu, các suy tư về cuộc sống mai hậu ưu tiên xoay quanh chiều kích tập thể của ơn cứu độ. Ðang lúc bám chặt vào ơn cứu độ mà Ðức Giê-su đã mang đến qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người, thì đức tin và đức cậy Ki-tô giáo dứt khoát hướng cái nhìn của tín hữu về cuộc trở lại gần kề của Ðức Ki-tô (parousia), lúc mà kẻ chết sẽ sống lại, cuộc phán xét cuối cùng sẽ được tuyên bố, toàn thể trật tự tạo thành được biến đổi, và Ðức Ki-tô trao vương quyền lại cho Thân Phụ Người, để Thiên Chúa có "toàn quyền trên muôn loài" (1 Cr 15,24.28).
Trong thời gian chờ đợi, thời gian nằm giữa cuộc thăng thiên của Ðức Ki-tô và cuộc trở lại vinh hiển của Người, Giáo Hội là một đoàn dân lữ hành sống trong hy vọng, đáp trả món quà Thiên Chúa ban khi trao ban chính mình, trong quyền năng và dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, sao cho Nước Thiên Chúa được thể hiện trong thế giới. Nói cách khác, cánh chung học được tập trung quanh Ðức Ki-tô (chiều kích Ki-tô học), quanh Giáo Hội (chiều kích Giáo Hội học) và quanh vũ trụ (chiều kích vũ trụ luận). Ðó là những chiều kích phải được phục hồi khi chúng ta muốn tái lập môn cánh chung học.
Ði xa hơn nữa, chúng ta cần phải giải thích minh bạch hơn những mối liên hệ giữa cánh chung học với các lãnh vực khác trong khoa thần học, như giáo lý về Thiên Chúa, thần học về các bí tích và đời sống Ki-tô hữu nói chung. Ví dụ, chúng ta cần hỏi vai trò của Thánh Thần là gì trong chung cục mỹ mãn của muôn loài trong Nước Thiên Chúa; chúng ta phải làm sáng tỏ cho thấy Thánh Thể là bí tích tột đỉnh của niềm hy vọng như thế nào, mà trong đó, như Hiến Chế Phụng Vụ của Vatican II ghi chép, "một bảo chứng của vinh quang tương lai được ban cho chúng ta làm tin" (Sacrosantum Concilium, số 47), cũng như trong đó chúng ta tuyên xưng cái chết và sự sống lại của Ðức Ki-tô, "cho tới khi Người lại đến"; và chúng ta phải chỉ cho thấy nhờ đâu mà cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta trong ân sủng là một cách hưởng sớm và nếm trước cuộc sống muôn đời. Như vậy, cánh chung học sẽ không có vẻ như là một phụ lục lạc loài được thêm vào môn thần học, mà sẽ được coi là trung tâm điểm của môn ấy, làm cho các chân lý khác trong Ki-tô giáo mang đầy đủ ý nghĩa.
Bên cạnh các khía cạnh nhân vị và liên vị của đời sống con người, chúng ta còn phải nhấn mạnh các chiều kích chánh trị xã hội và kinh tế của nó nữa. Con người, do bản tính, là động vật có xã hội tính. Vậy phải có những câu hỏi nêu lên để cho biết chẳng hạn, liên hệ giữa niềm hy vọng Ki-tô giáo và những mơ ước không tưởng của trần thế này là gì, cũng như giữa ơn cứu thoát khỏi tội lỗi và cuộc giải phóng khỏi áp bức kinh tế và chánh trị, giữa việc phượng thờ trong phụng vụ và các hoạt động xã hội, giữa Giáo Hội và thế giới, giữa lịch sử và Nước Thiên Chúa, và giữa vũ trụ này là nơi sinh sống của chúng ta và cái vũ trụ hoàn chỉnh. Nếu có thể chỉ ra cho thấy có một liên hệ nội tại giữa những bộ thái cực trên, thì niềm tin vào cuộc sống mai hậu sẽ không bị coi là một thứ thuốc phiện giúp cho dân khuây khỏa quên đi những âu lo cho cuộc sống của họ, hoặc một lối thoát để họ trút bỏ những trách nhiệm của họ đối với lịch sử. Ðúng hơn, như Vatican II nói trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hôm Nay: "Niềm mong đợi một đất mới không giảm bớt mối quan tâm của chúng ta chút nào đối với việc phát triển trái đất này, trái lại, nó phải thúc giục chúng ta đi nhanh lên, bởi vì chính đây là nơi mà đại thể một gia đình nhân loại mới được lớn lên, như một điềm báo trước kỷ nguyên đang tới" (Vui mừng và Hy Vọng, số 39).
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page