101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương I
Sự sống vĩnh hằng
làm sao tôi biết
Câu Hỏi 3: Nếu thực tại cánh chung có một vị trí cốt yếu như thế trong đức tin Ki-tô giáo, tại sao ngày nay lại ít khi được nghe bàn tới trên tòa giảng?
Giải Ðáp 3:
Trong thần học tiền Vaican II, thường được cho là thuộc thần học tân kinh viện, môn cánh chung học như là một cuốn tiểu luận được dạy trong chủng viện, có một bố cục khá tầm thường. Tên nó hầu như chỉ luận về định mạng muôn đời của cá nhân mà thôi. Nó đặc biệt bàn về cách thức cá nhân con người đối mặt thế nào với bốn Ðiều Cuối Cùng, tức là cái chết, cuộc phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Do đó, cứ xếp chuyên đề này vào cuối học trình thần học, gần như là một phụ lục, cũng là điều hợp lý thôi. Kết quả là liên quan của nó với các điều khoản khác trong đức tin Kitô giáo và đời sống hằng ngày thường để bỏ lửng lơ, không bàn tới.
Hơn nữa, hiếm khi nó ngăn chặn những suy luận vẽ vời thêm thắt về sự sống đời sau, không ăn nhằm gì bao nhiêu với đời sống Kitô hữu. Các nhà thần học tiêu hao công sức của mình để biện luận về bản tính của lửa trong luyện ngục, thời gian tối đa người ta có thể ở trong luyện ngục, bản tính của "lâm-bô", những loại cực hình trong hỏa ngục, những đặc trưng của thể xác phục sinh, định vị thiên đàng và hỏa ngục ở đâu, vân vân. Cánh chung học Kitô giáo có một khuôn hình đặc hiệu vừa vặn cho cá nhân và thế giới bên kia. Yves Congar (1904-1995), một nhà thần học người Pháp Dòng Ða-minh và là hồng y, gọi kiểu tiếp cận cánh chung học này là "kiểu vật lý học", nghĩa là nó coi những thực tại cứu cánh giống như những đồ vật hơn là những tiến trình xảy ra cho con người và xã hội.
Dĩ nhiên, kiểu tiếp cận ấy đã không ngăn cản một số nhà giảng đạo trưng dụng các giáo điều cánh chung, nhất là trong các bài giảng khạc lửa và diêm sinh của các ngài trong những tuần đại phúc, để làm kinh hồn những Kitô hữu ương bướng hòng đưa họ trở về con đường thẳng mà hẹp dẫn đến thiên đàng. Cách lợi dụng sai trái và lạm dụng đề tài cánh chung này, kèm theo kiểu làm nổi bật quá đáng những nét riêng của cá nhân và thế giới bên kia của giáo lý ấy, nằm trong số những yếu tố có thể đã khiến nhiều vị lên tòa giảng làm thinh không đề cập đến sự sống đời sau nữa, như bạn đã nhận xét.
Cũng có một số lý do khác làm cho các nhà giảng thuyết và giáo lý viên ngày nay có thái độ e dè khi nói về cuộc sống mai hậu, ít ra khi phải nói theo những kiểu thông thường. Một là chúng ta biết rằng không được hiểu sát nghĩa các khẳng định mà Thánh Kinh và Thánh Truyền đã đưa ra về sự sống đời sau, như những người theo thuyết cơ bản quen làm, mà như vậy thì đối với chúng ta, nói về thiên đàng hỏa ngục trở thành khó khăn hơn nhiều. Hơn nữa, một khi đã hiểu được rằng tin mừng mà Ðức Giêsu đến để rao giảng là nhằm cứu độ kẻ có tội chớ không nhằm kết án họ, thì nhiều vị thuyết giáo tránh, không muốn nói về hỏa ngục nữa.
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page