CẦU NGUYỆN

Rev. Ngô tường DZũng, Texas, USA

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Nhập đề:
Nắm chặt tay

Cầu nguyện không phải là chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi sự liên hệ, trong đó bạn để cho người khác đi vào chính thẳm cung linh hồn bạn, cho phép họ nói chuyện tại đó, cho phép họ đụng tới chỗ nhậy cảm nhất của hiện hữu và cho họ thấy rõ bạn muốn dấu kín. Và khi nào bạn thực sự muốn như thế? Có lẽ bạn cho phép người khác bắt đầu nói chuyện gì, chạm tới vấn đề gì, nhưng cho phép họ đi vào nơi sự sống khởi đầu thật rất nguy hiểm và đòi bạn phải tự vệ.

Sự chống lại việc cầu nguyện cũng giống như chống lại với hai bàn tay nắm chặt. Hình ảnh này cho thấy sự căng thẳng, sự khao khát muốn giữ lại cho mình, sự ích kỷ cho thấy có sợ hãi.

Câu chuyện về một bà già tại một trung tâm phân tâm là một thí dụ về thái độ đó. Bà hung dữ, khoa tay múa chân khi thấy bất cứ cái gì, và làm cho mọi người chung quanh sợ hãi, nên bác sĩ phải ra lệnh lấy hết mọi đồ vật chung quanh bà. Nhưng có một đồng tiền nhỏ bà nắm chặt trong bàn tay nhất định không buông ra. Phải cần hai người đàn ông gỡ tay bà ra. Hình như mất đồng bạc là bà mất chính mình. Nếu họ lấy mất đồng bạc cuối cùng đó, bà sẽ không còn gì nữa, không còn là gì nữa. Ðó là nỗi sợ hãi của bà.

Con người được kêu gọi cầu nguyện cũng được kêu gọi mở bàn tay nắm chặt ra và bỏ cả đồng bạc cuối cùng. Ai mà muốn làm chuyện đó? Nên lời cầu nguyện đầu tiên, thường là lời cầu nguyện đau đớn vì bạn khám phá ra bạn không muốn từ bỏ. Bạn nắm cứng cái gì thân thiết với bạn dù bạn không tự hào về điều ấy. Bạn tự nhủ: "Tôi là như thế. Tôi muốn thay đổi, nhưng bây giờ không được nữa rồi. Ðó chính là con đường và và là con đường tôi phải từ bỏ." Một khi bạn nói vậy bạn đã không còn tin là đời bạn sẽ khác, bạn đã để cho hi vọng vào cuộc sống mới đi vào. Vì bạn không muốn đặt câu hỏi về những kinh nghiệm của mình và những dính bén, thì bạn đã thu mình để mặc số mệnh. Bạn cảm thấy an toàn hơn khi bám lấy cái quá khứ đáng tiếc, hơn là tín thác vào tương lai. Như thế bạn nắm trong tay ướt mồ hôi thật nhiều đồng bạc cắc và bạn không muốn từ bỏ.

Bạn còn cay đắng khi cô gái nọ không biết ơn bạn, vì bạn đã cho cô ta cái gì; bạn còn ghen tương khi thấy bạn bè được nhiều lương hơn, bạn còn muốn trả thù người không kính trọng bạn, bạn còn thất vọng vì không nhận được thư từ, còn giận dữ khi bạn đi ngang qua, cô ta không thèm cười. Bạn sống như thế và với những tâm tình ấy và không khó chịu.. cho đến lúc bạn muốn cầu nguyện.

Lúc đó mọi chuyện tái diễn: sự đắng cay, giận ghét, ghen tương, thất vọng và muốn báo thù. Nhưng những cảm tình ấy không chỉ xuất hiện, bạn còn nắm chặt trong bàn tay như những kho tàng mà bạn không muốn xa cách. Bạn ngồi tìm kỹ những sự chua chát như là bạn không thể hành động nếu không có những xúc cảm đó, như là nếu bạn từ bỏ, bạn sẽ đánh mất chính mình.

Sự không dính bén thường được hiểu như dứt khoát với điều gì quyến rũ. Nhưng cũng có nghĩa dính bén với những cái gì làm xa cách. Bạn có thể dính bén với điều chính bạn ghét. Nếu bạn còn muốn quay lại, bạn còn quá để ý đến quá khứ. Hình như đôi khi bạn đánh mất chính mình, khi bạn ghét hay muốn báo thù nên bạn đứng đó nắm chặt bàn tay và tuy đứng gần người có thể chữa bạn khỏi bịnh.

Như thế khi bạn muốn cầu nguyện thì câu hỏi đầu tiên là: Tôi đã mở bàn tay nắm chặt ra chưa? Dĩ nhiên không cần dùng võ lực. Cũng không phải do quyết định khó chịu. Có lẽ bạn tìm thấy cách cầu nguyện trong những lời của thiên thần nói với mục đồng đang sợ hãi cũng là những lời Chúa sống lại nói với các môn đệ: "Ðừng sợ." Ðừng sợ người ta đi vào khoảng không gian bạn đang sống, hay để cho họ thấy điều mà bạn đang quá lo lắng nắm giữ. Ðừng sợ cho họ thấy đồng tiền ướt mua không được bao nhiêu. Ðừng sợ tỏ ra sự ghen ghét chua chát thất vọng cho người mạc khải mình là tình yêu. Dù cho bạn biết mình không có cái gì để cho người ta thấy, bạn đừng sợ cho người ta thấy điều ấy. Bạn tiếp tục phỉnh phờ mình bằng cách đánh lừa người khác làm ra vẻ như mình đẹp đẽ, giữ lại những cái bẩn thỉu hư thối, làm cho sáng sủa con đường nhỏ có vẻ sạch sẽ. Nhưng những điều ấy chỉ là miễn cưỡng, áp lực và nhân tạo; điều ấy sẽ làm cho bạn mệt mõi và biến cầu nguyện thành nên sự ám ảnh.

Khi bạn dám để cho mọi sự xảy ra và đầu hàng sợ hãi, bàn tay bạn sẽ buông ra và lòng bàn tay bạn sẽ mở ra thành một điệu bộ tiếp nhận. Dĩ nhiên bạn phải kiên nhẫn, trước khi bàn tay bạn hoàn toàn mở ra và các bắp thịt giãn nở.

Không bao giờ bạn có thái độ đó vì bên trong mỗi bàn tay nắm lại đều chứa đựng một cái gì và nhiều khi tiến trình này không bao giờ chấm dứt. Nhiều chuyện xảy ra trong cuộc đời bạn làm cho tất cả thành những bàn tay nắm chặt... Trong bất cứ lúc nào này cũng như đêm, bạn có thể lại nắm lại vì sợ.

Có người nói với bạn, "Bạn phải có thể tha thứ cho mình." Nhưng điều này không thể xảy ra. Ðiều có thể xảy ra là mở bàn tay ra không sợ hãi để người khác có thể thổi cho tội lỗi của bạn rớt xa. Vì có lẽ không phải đồng tiền ướt nhưng chỉ là hạt bụi nhỏ bé mà cơn gió nhẹ có thể thổi đi xa để lại nụ cười phở lở hay mím chi. Rồi bạn sẽ cảm thấy mình có một ít tự do mới và cầu nguyện sẽ thành niềm vui, một phản ứng bộc phát trước thế giới và con người chung quanh bạn. Cầu nguyện sẽ không nhọc sức, đầy cảm hứng và sống động, hay bình thản và yên tĩnh. Rồi bạn sẽ nhận ra lúc lễ lạc hay lúc thường tình là những giây phút cầu nguyện. Bạn bắt đầu phỏng đoán là cầu nguyện chính là sống vậy.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page