Khi cuộc sống của bạn càng ngày càng trở thành lời cầu nguyện bạn nhận ra mình luôn bận bịu hướng về mình và hiểu rất sâu xa về đồng loại. Bạn cũng nhận ra cầu nguyện là nhịp đập của thế giới bạn đang sống. Nếu bạn cầu nguyện thực sự, bạn sẽ có những câu hỏi về những vấn đề lớn lao mà thế giới đang phải vật lộn, và bạn không thể bỏ qua ý tưởng cho rằng sự trở lại không chỉ cần thiết cho chính bạn và người bên cạnh nhưng còn cho toàn thể cộng đồng nhân loại. Cuộc trở lại của thế giới có nghĩa một cuộc quay về, một cuộc cách mạng, có thể đưa đến sự canh tân.
Thoạt nhìn, những "từ" cầu nguyện và cách mạng hình như ở hai thái cực và từ hai vũ trụ khác nhau mà đến nên sự phối hợp của chúng có lẽ chỉ tạo nên thù nghịch và giận dữ. Sự giận dữ này là điểm khởi đầu rất tốt vì ngày nay, người giận dữ hình như đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn người cầu nguyện.
Sự giận dữ và thù nghịch làm cho bao nhiêu người phải cầm khí giới, làm cho họ lẫn lộn, và làm cho họ mau mắn phản đối và biểu tình hay để tỏ ra khinh khi, thì không làm gì cả hay chạy trốn trong con đường sai lạc của ma tuý, đó là những dấu hiệu không thể sai lầm cho thấy sự bất mãn kinh niên với thế giới nơi ta bị bó buộc sống. Có người muốn nhắc tới cho xã hội chúng ta về những lý tưởng tự do và công bình được viết trong sách nhưng bị dầy đạp dưới chân trong cuộc sống thực hành hàng ngày. Có người còn từ bỏ cố gắng đó và đi đến kết luận là cái cơ may sau cùng dành cho con người tìm bình an và yên tĩnh là rút lui ra khỏi thế giới hỗn độn này. Họ ghê tởm xã hội với những định chế và chương trình. Bất cứu điều gì con người làm hoặc trở nên anh hippi, anh yippi, nhà cách mạng hay người mơ mộng hiền lành, hay là kêu gọi thay đổi cơ cấu hay buông trôi tất cả trong nụ cười buồn thảm, sự bất mãn vẫn còn, mạnh mẽ và âm thầm hay bị dẹp tắt dưới một thái độ dửng dưng thụ động. Rất dễ nhận ra trong những thái độ đó sự khao khát một thế giới mới. Xã hội như ta thấy bây giờ phải thay đổi, những cơ cấu giả tạo phải biến mất và một cái gì hoàn toàn mới thay thế vào. Có người chiến đấu với mọi nghị lực, có người chờ đợi sự hiển hiện ra mà chính họ không thể tạo nên, người thứ ba tham dự vào tương lai và chìm ngập trong thế giới bó buộc phải mơ mộng của âm thanh, màu sắc và hình thái trong đó, ít là trong lúc đó, họ có thể coi như mọi sự, ngay cả chính họ, đều được cải tân.
Ðiều có lẽ đánh động nhất về những viễn tượng của tương lai thế giới là nó mang hình thức hoàn toàn độc lập với tư tưởng Kitô giáo là tư tưởng đặc biệt hướng về tương lai. Hình như những năng lực khổng lồ đó đang lấn đất trong thế giới cứng cỏi, đang kêu gào một thế hệ mới, một thế giới mới và một trật tự mới không tìm thấy căn bản sâu xa trong Kitô giáo truyền thống. Trong khi Kitô hữu bận bịu với những vấn đề nội bộ và như thế quá lo lắng về chính mình nên không nhìn thấy những gì còn lại trên thế giới, thì nhu cầu cần được cứu độ đang tăng lên bên ngoài Kitô giáo càng trở thành một điều hiển nhiên. Sự gợi ý này người Kitô hữu thường coi như ngô nghê, vô trật tự và chưa trưởng thành.
Tuy thế bạn chỉ là Kitô hữu bao lâu bạn hướng về thế giới mới, bao lâu bạn luôn đặt câu hỏi quan trọng cho xã hội bạn đang sống, bao lâu bạn nhấn mạnh nhu cầu phải trở lại, cho bạn và cho thế giới, bao lâu bạn không thể nào để cho bạn trong tình trạng yên tĩnh, bao lâu bạn vẫn không thoả mãn với cái "status quo" và tiếp tục nói rằng thế giới mới chưa tới. Bạn chỉ là Kitô hữu khi bạn tin là bạn có vai trò phải đóng trong việc thực hiện vương quốc mới và khi bạn thúc đẩy nhiều người bạn gặp luôn thao thức thánh thiện để làm vội vã làm cho lời hứa chóng được thực hiện. Bao lâu bạn tiếp tục sống như người Kitô hữu bạn tiếp tục tìm kiếm trật tự mới, cơ cấu mới, cuộc sống mới.
Bạn không chịu được việc có người còn ở bên lề đường, chán nản và tìm hạnh phúc trong những khoái lạc nhỏ bé mà họ dính bén. Thấy mọi sự được xếp đặt sẵn và qui định sẵn làm cho bạn phẫn nộ và bạn cũng cảm thấy sự tha thứ cho mình, thoả mãn cho mình, vì bạn biết chắc chắn cái gì cao cả đang tới và bạn đã thấy những tia sáng đầu tiên. Như Kitô hữu, bạn không những chủ trương rằng thế giới này sẽ qua nhưng rằng nó sẽ phải qua đi để cho thế giới mới xuất hiện và không có giây phút nào trong cuộc sống của bạn mà bạn có thể nghỉ ngơi khi xác tín không phải làm gì nữa.
Nhưng còn người Kitô hữu như thế chăng? Nếu ta có cảm tưởng Kitô giáo hôm nay đang thất bại trong vai trò lãnh đạo tinh thần, nếu có vẻ như con người tìm ý nghĩa hiện hữu hay không hiện hữu, sinh ra và chết, yêu và được yêu, trẻ và già, cho và nhận, làm thương tổn hay bị thương, mà không có được câu trả lời do chứng tá cho Chúa Giêsu Kitô, bạn sẽ bắt đầu đặt vấn đề những chứng tá đến mức nào mới được tự xưng là Kitô hữu.
Chứng tá Kitô hữu là chứng tá cách mạng vì Kitô hữu tuyên xưng là Chúa sẽ trở lại và canh tân mọi sự. Cuộc sống Kitô hữu là cuộc sống cách mạng vì Kitô hữu đặt ra khoảng cách cho mình với thế gian và dù cho mọi nghịch cảnh, họ luôn nói rằng con người mới, sự bình an mới là điều có được và không có ta những điều đó không thể xảy ra.
Do đó không phải là nhiều quá vấn đề làm cho Kitô hữu thành nhà cách mạng khi muốn nhận ra nơi người cách mạng đương thời hinh dáng thực của Chúa Kitô. Vì có thể nơi con người không an hoà với thế gian và dấn thân toàn diện trong cuộc tranh đấu cho một tương lai đẹp hơn, chúng ta một lần nữa tìm ra con người hi sinh mạng sống cho nhiều người được tự do.
Ðâu là những dấu hiệu cho thấy nhà cách mạng thật? Bất cứ lúc nào ta tìm kiếm ông ta, ta phải hiểu là những dấu hiệu đó không hoàn toàn hiển nhiên nơi cá nhân nào. Nó luôn là vấn đề phản ứng, vết chân, tra cứu, dấu tay hay ghi dấu trên cây làm cho ta thấy có người đi qua đáng được tìm hiểu.
Người đó là ai? Họ là người có năng lực thu hút lớn lao những người chung quanh họ. Ai gặp ngài cũng ngất ngây vì ngài và muốn biết ngài hơn. Ngài tiếp xúc với ai có cảm tưởng ngài có sức mạnh từ nguồn gốc phong phú mạnh mẽ. Sự tự do nội tại do người mà có, cho ngài sự tự do, không kiêu hãnh hay dửng dưng, nhưng cho ngài khả năng vượt lên những nhu cầu khẩn thiết hay thúc bách nhất. Ngài xúc động vì những gì xảy ra chung quanh nhưng không để cho nó đàn áp hay làm tan vỡ. Ngài chú ý nghe, nói ra với uy tín hoàn toàn nhưng không dễ dàng vội vã hay bị kích thích. Trong mọi việc ngài nói hay làm, hình như ngài có thị kiến sống động mà người nghe ngài có thể biết rõ nhưng không thể thấy được. Thị kiến này hướng dẫn cuộc sống của ngài. Ngài vâng phục nó. Nhờ thị kiến ngài biết phân biệt thế nào là cái quan trọng và cái không quan trọng. Nhiều điều có vẻ khẩn thiết khó làm cho ngài bị lay chuyển nhưng ngài lưu ý thực sự đến những điều mà người khác bỏ qua.
Ngài không phải không xúc động trước những gì làm người khác xúc động nhưng ngài gán cho những nhu cầu của họ một ý nghĩa khác, là chống lại thị kiến của mình. Ngài sung sướng và hạnh phúc khi có người nghe mình nhưng ngài không ra ngoài để lập nhóm chung quanh mình để xây dựng một tổ chức hay phát động phong trào. Không có phe nhóm nào phát triển được chung quanh ngài vì chính ngài không tha thiết với phe nhóm nào. Ðiều ngài nói hay làm có giá trị thuyết phục và là chân lý tự nó hiển nhiên nhưng ngài không bắt ai theo và cũng không bị xao xuyến khi có người không theo ý kiến ngài và không làm như ngài muốn.
Trong mọi sự hình như ngài có mục đích cụ thể và sống động trong đầu óc, và việc thực hiện điều đó là chuyện quan trọng sống chết. Tuy thế ngài luôn giữ được sự tự do nội tâm theo ánh sáng của mục tiêu. Ðôi khi hình như ngài biết là mục đích không bao giờ hoàn tất và ngài chỉ thấy bóng hình của nó. Nhưng dù sao ngài vẫn có sự tự do gây ấn tượng do cuộc sống của ngài. Ngài cẩn trọng và cẩn thận, không phải là không kiểm soát nhưng lúc nào hình như ngài cũng coi cuộc sống mình chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Ngài không sống để giữ nhưng để hoạt động cho một thế giới mới mà những nét chính ngài đã thấy và điều đó kêu gọi ngài nên biên giới giữa sống chết trở nên mờ nhạt.
Nhưng rõ ràng là con người cách mạng không những lôi kéo người khác mà cũng làm cho người khác lánh xa. Sự bất mãn ngài tạo nên cũng là thực tại lớn lao như vẻ hấp dẫn ngài có. Rõ ràng vì ngài tự do không bị ràng buộc bởi những điều người khác coi như là thánh thiện nên ngài là mối đe doạ cho họ. Cách ngài nói và sống làm cho tương đối hoá những giá trị mà nhiều người xây dựng cuộc sống trên đó. Họ cảm thấy sứ điệp ngài có chiều sâu và thấy được hậu quả xảy ra cho họ nếu họ chấp nhận là ngài có lý. Dần dà khi ngài đến với họ, họ biết thế giới họ đang sống cũng là thế giới họ mong ước nhưng đòi họ cố gắng là một việc quá sức. Việc ngài phê phán cuộc sống của họ liên lỉ và rõ ràng nên con đường duy nhất cho họ trốn được ngài là khai trừ ngài. Ðể giữ được sự yên tĩnh trong tâm trí và không bao giờ bị quấy rầy trong cách sống yên ổn của họ, họ thấy là phải làm im tiếng con người chiến đấu chống lại hạnh phúc giả tạo và nhân tạo của họ.
Vì thế, người tuyên bố một thế giới mới và làm cho thế giới cũ rung chuyển sẽ trở thành mục tiêu tấn công cho những người coi mình là những người bảo vệ trật tự, gìn giữ hoà bình yên ổn. Trên hết, đối với những người lãnh đạo trong thế giới ngày nay, con người này lột mặt nạ những ảo tưởng thời đại và là người khuyấy động làm cho bất an không thể tha thứ được. Theo quan điểm của họ thì họ có lý vì người thị kiến này không những phê bình những nhà lãnh đạo mà cả xã hội họ đang hướng dẫn. Sự tấn công chống lại người thị kiến sẽ là sự tuyệt thông với mọi phương tiện nhà cầm quyền có trong tay. Ðiều này có thể khởi đầu với sự chối từ sứ điệp của ngài đưa đến tấn công bằng lời nói, và kết thúc bằng giam tù hay hành quyết. Nhưng nếu người cách mạng đáng tin và thật, điều họ chờ đợi không bao giờ xảy ra. Ngay cả cái chết cũng không làm xáo trộn lời kêu gọi của ngài. Những người giết ngài thường khám phá ra với bất ngờ và kinh hoảng là họ chỉ thành công trong việc thức tỉnh nhiều người hơn và tiếng kêu gọi cho một thế giới mới lại trở thành tiếng nói lớn hơn.
Nếu theo cách mô tả trên, không ai trong thế giới chúng ta được xếp hạng nhà cách mạng. Dù bạn kể ra những tên nào cũng chỉ thấy những dấu vết nhỏ bé của con người cách mạng đó. Tuy nhiên cũng phải nói rằng ai mở mắt và tìm kiếm người đó có thể gặp thấy trong muôn ngàn người họ gặp trong cuộc sống. Ðôi khi chỉ nhận ra cách mơ hồ, đôi khi hiển nhiên không chối cãi, không bao giờ hoàn toàn nhưng có những phần trở nên rõ ràng cho người muốn thấy. Ta có thể thấy ngài trong anh du kích, trong giới trẻ mang biểu ngữ biểu tình, nơi người mơ mộng trầm lặng trong góc quán cà phê, trong người tu sĩ nói nhỏ nhẹ, trong người sinh viên hiền lành, trong người mẹ để cho con theo con đường của mình, trong người cha đọc cuốn sách kỳ lạ cho con, trong nụ cười của cô con gái, trong sự bất mãn của anh công nhân, nơi mọi người cách này hay cách khác tìm ra năng lực sống trong một thị kiến mờ nhạt trước mặt họ, nhưng vượt lên trên mọi sự khác họ đã nghe hay thấy.
Ðiều này có liên quan gì đến cầu nguyện? Cầu nguyện có nghĩa chui qua bức màn hiện hữu và để cho thị kiến trở thành sự thực hướng dẫn bạn. Dù cho ta gọi thị kiến là: "Thực thể chưa thấy" "người khác toàn thể" "Numen" "Thần khí" "Cha" thì ta cũng lập đi lập lại là không phải chính con người có năng lực làm cách mạng, sự xoay chiều đến và qua đi. Ðó đúng hơn là năng lực mạc khải mình cho họ và họ cảm thấy mình kết hợp với năng lực từ đời đời.
Người cầu nguyện là người gợi hứng cho thế giới, nhìn vào thế giới với sự thương cảm, và qua cái nhìn đó, nhìn thấu nguồn gốc mọi hiện hữu.
Ðôi khi ta dùng tiếng Thiên Chúa. Từ này có thể gợi cho ta ngất ngây hay ghê tởm. Quyến rũ và xua đuổi. Mê hoặc và nguy hiểm. Có thể nuôi dưỡng con người và cũng nuốt trửng con người. Cũng giống như mặt trời. Không có mặt trời không có cuộc sống con người, nhưng nếu con người đến gần mặt trời quá, họ sẽ bị đốt cháy. Người Kitô hữu là người biết Ðấng ấy là một ngôi vị, và tên Chúa của Ngài là Abba, Cha. Họ biết có thể đối thoại với người và như thế hoạt động cho việc canh tân thế giới. Như thế cầu nguyện là hành động thiết yếu nhất con người có thể làm vì con người cầu nguyện không bao giờ thoả mãn với thế giới hiện tại và ở đây, họ luôn cố gắng thực hiện một thế giới mới mà tia sáng đầu tiên họ đã nhận ra.
Khi bạn cầu nguyện, bạn mở lòng cho ảnh hưởng của Năng Lực đã mạc khải mình là Tình Yêu. Quyền Năng cho bạn tự do và độc lập. Một khi được năng lực đó chạm tới bạn không còn giẫy giụa trong những ý kiến bất tận, những tư tưởng hay cảm xúc đến với bạn. Bạn tìm được trung tâm cho cuộc sống của bạn cho bạn một khoảng cách có tính cách sáng tạo, để mọi cái bạn thấy nghe hay cảm có thể thử nghiệm được nguồn gốc. Chúa Kitô là Ðấng làm sáng tỏ trong cách mạc khải rõ ràng nhất cầu nguyện có nghĩa chia xẻ quyền năng của Chúa. Cầu nguyện cho ngài có thể biến đổi thế giới, cho ngài sự lôi cuốn giải thoát bao nhiêu người ra khỏi xiềng xích của cuộc sống nhưng cũng gây nên sự chống đối làm cho ngài phải chết. Chúa Kitô, Ðấng được gọi là Con Người và cũng là Con Chúa đã cho thấy cầu nguyện có ý nghĩa gì. Nơi Ngài chính Thiên Chúa trở thành hữu hình cho sự sụp đổ hay chỗi dậy của nhiều người.
Cầu nguyện là cách mạng vì khi đã khởi đầu bạn làm cho toàn thể cuộc sống bạn thành quân bình. Nếu thực sự bạn cầu nguyện nghĩa là thực sự đi vào thực thể của điều không thấy được bạn phải nhận ra là bạn dám phê phán cách quyết liệt nhất, sự phê phán nhiều người mong đợi nhưng lại là quá đáng đối với nhiều người.
Như thế cầu nguyện có nghĩa sẵn sàng để cho không còn chắc chắn và đi qua chỗ bạn đang đứng bây giờ. Nó đòi hỏi bạn lên đường luôn luôn, rời nhà và đi tìm mảnh đất mới cho bạn và đồng loại. Ðó là lý do tại sao cầu nguyện đòi nghèo khó nghĩa là sẵn sàng sống cuộc sống trong đó bạn không có gì để mất để bạn luôn khởi đầu mới mẻ. Bất cứ lúc nào bạn muốn chọn sự khó nghèo này thì bạn làm cho bạn dễ bị thương tổn nhưng bạn cũng được tự do để nhìn thế giới và để cho thế giới được nhìn theo hình thể mới. Vì bạn không cần bảo vệ mình và bạn có thể nói lớn lên điều bạn biết do sự tiếp xúc thân mật với Ðấng là nguồn gốc mọi cuộc sống. Nhưng điều này đòi phải can đảm. Nếu bạn muốn cho mọi hậu qủa của cuộc sống cầu nguyện thành đạt có lẽ bạn phải sợ hãi và tự hỏi sao bạn lại dám làm thế. Lúc ấy điều căn bản phải nhớ là sự can đảm cũng là ơn Chúa ban và bạn có thể cầu nguyện với Ngài bằng những lời sau đây:
Lạy Chúa xin cho con sự
can đảm để làm cách mạng
như Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô
đã là nhà cách mạng.
Cho con can đảm buông mình ra khỏi thế
giới
Xin dậy con đứng lên tự do
và tránh không phê phán.
Lạy Chúa, vì nước Chúa
xin hãy cho con tự do,
cho con ngh"o h"n trong thế giới này,
rồi con sẽ giàu trong thế giới
thực
là mục đích cuộc sống này.
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì
viễn tượng tương lai
nhưng hãy làm cho viễn tượng
ấy là sự kiện chứ không
chỉ là nguyên tắc mà thôi.
(C) Copyright 1998
by Rev. Ngô tường DZũng, Texas, USA.