Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 97 (Thứ Tư ngày 16-8-2000)

Chúa Kitô là cuộc gặp gỡ tối hậu
giữa Thiên Chúa và Loài Người

1- Trong những bài suy niệm trước đây, chúng ta đã theo dõi nhân loại trong việc họ tìm gặp Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng nên họ và bước đi trên những con đường của họ để tìm kiếm họ. Hôm nay, chúng ta sẽ suy niệm về cuộc gặp gỡ tối hậu giữa Thiên Chúa và loài người xẩy ra nơi Chúa Giêsu Kitô, Lời thần linh, Ðấng đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta (x Jn 1:14). Cuộc mạc khải tối hậu của Thiên Chúa, như Thánh Irênêô, Giám Mục Lyon, đã nhận định ở thế kỷ thứ hai, được thành tựu "khi Lời làm người, bằng cách biến mình trở nên như con người và biến con người trở nên như Người, để con người trở thành quí trọng trước nhan Thiên Chúa qua việc họ trở nên giống như Người Con" (Adversus Haereses V, 16, 2). Mối âu yếm thân tình giữa thần tính và nhân tính, như Thánh Bênađô so sánh với "nụ hôn" được Sách Diễm Tình Ca nhắc đến (x Sermones super Cantica canticorum II) đây, vươn ra từ bản thân Chúa Kitô tới những ai được Người va chạm. Cuộc gặp gỡ yêu thương này có những khía cạnh khác nhau mà giờ đây chúng ta sẽ cố gắng nói lên cho thấy.

 2- Ðó là một cuộc gặp gỡ xẩy ra nơi cuộc sống thường nhật, trong cả thời gian cũng như không gian. Ðoạn Phúc Âm của Thánh Gioan vừa được đề cập tới (x Jn 1:35-42 - biệt chú của người dịch: đây là đoạn Phúc Âm nói về việc hai môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả đến xem chỗ Chúa Giêsu ở và ở lại với Người) đã cho thấy rõ điều này. Qua đoạn Phúc Âm ấy, chúng ta thấy một ấn định chính xác về ngày và giờ, về địa phương và ngôi nhà nơi Chúa Giêsu đang ở. Có những con người sống một cuộc đời đơn thành và đã được biến đổi, thậm chí đổi cả đến tên gọi của mình, qua cuộc gặp gỡ ấy. Thật vậy, để Chúa Kitô có thể đi vào cuộc đời của mình tức là chấp nhận cuộc sống và các dự án của mình bị Người chi phối. Khi những tay đánh cá xứ Galilêa thấy Chúa Giêsu ở bờ hồ và nghe Người kêu gọi thì "họ đã bỏ mọi sự mà theo Người" (Lk 5:11). Ðó là khúc quanh trọng yếu dứt khoát đưa người ta đến một con đường đầy chồng gai nhưng thanh thoát: "Ai muốn theo Thày thì hãy bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo Thày" (Mt 16:24).

 3- Một khi tạt vào cuộc đời của ai, Chúa Kitô liền khuấy động lương tâm của họ và nhìn thấu lòng họ, như đã xẩy ra cho người phụ nữ Samaritanô, lúc Người nói với chị về "tất cả những gì chị đã làm" (x Jn 4:29). Trước hết, Người đẩy chị đến việc thống hối và yêu thương, như đã xẩy ra cho Zakêu, nhân vật đã hiến nửa phần sản vật của mình cho người nghèo khó và trả lại gấp bốn lần cho những ai bị anh lường gạt (x Lk 19:8). Ðó cũng là những gì xẩy ra cho người phụ nữ tội lỗi thống hối được thứ tha tội lỗi "vì chị đã yêu mến nhiều" (Lk 7:47), cũng như cho người phụ nữ ngoại tình, người phụ nữ không bị kết tội song được phấn khích sống một cuộc sống mới giữ mình sạch tội (x Jn 8:11). Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu giống như là một cuộc tái sinh, ở chỗ, cuộc gặp gỡ này làm phát sinh ra một thứ tạo vật mới, thành phần có khả năng tôn thờ đích thực, một khả năng tôn thờ Chúa Cha "trong tinh thần và chân lý" (Jn 4:23-24).

 4- Cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trên nẻo đường cuộc sống của mình thường nhắm đến việc mong muốn mình được chữa lành về thể lý. Chúa Giêsu đã trao phó cho môn đệ của mình sứ vụ loan báo vương quốc của Thiên Chúa, việc hoán cải và ơn thứ tha tội lỗi (x Lk 24:47), cũng như việc chữa lành bệnh tật, bằng cách giải cứu dân chúng khọi mọi sự dữ, bằng việc ủi an và nâng đỡ. Vì, các môn đệ "đã rao giảng rằng con người cần phải ăn năn đền tội. Các vị đã khu trừ nhiều ma quỉ và xức dầu nhiều bệnh nhân cũng như đã chữa lành họ" (Mk 6:12-13). Chúa Kitô đến để tìm kiếm, gặp gỡ và cứu độ toàn thể con người. Chúa Giêsu đòi phải có đức tin, điều kiện để được cứu độ, một đức tin làm cho con người hoàn toàn phó thác bản thân mình cho Thiên Chúa, Ðấng tác động trong họ. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà bị loạn huyết, người đàn bà đặt niềm hy vọng cuối cùng vào việc sờ đến gấu áo của Người, là: "Hỡi con, đức tin của con đã chữa con; thôi hãy đi bằng an, con đã được lành mạnh rồi" (Mk 5:34).

 5- Mục đích của việc Chúa Kitô đến giữa chúng ta là để dẫn chúng ta về cùng Chúa Cha. Vì "không ai đã từng thấy Thiên Chúa; Người Con duy nhất, Ðấng ở nơi Chúa Cha, là Ðấng tỏ Ngài ra" (Jn 1:18). Việc mạc khải có tính cách lịch sử này, được Chúa Giêsu hoàn tất bằng cả lời nói lẫn việc làm, đã đụng chạm đến chúng ta một cách sâu xa, nhờ tác động bề trong của Chúa Cha (x Mt 16:17; Jn 6:44-45), cũng như ơn soi động của Chúa Thánh Thần (x Jn 14:26, 16:13). Như thế, chúng ta được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa ngay ở đời này, mà cùng đích của cuộc hiệp thông ấy là việc được hoàn toàn hưởng kiến Ngài, khi "chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài là" (1Jn 3:2).

 6- Vậy Chúa Kitô tiếp tục bước đi bên chúng ta trên các nẻo đường lịch sử, như Người đã hứa: "Này đây Thày luôn ở cùng các con cho đến tận thế" (Mt 28:20). Người hiện diện qua Lời của Người, "Lời là Ðấng kêu gọi, là Ðấng mời mọc, là Ðấng triệu tập từng người, như trường hợp các Vị Tông Ðồ. Khi con người được Lời chạm đến thì trở nên dễ dạy, tức là ở trong một tình trạng biết lắng nghe đến đổi thay cuộc sống. Mọi ngày (tín hữu) được nuôi dưỡng bằng thứ bánh Lời Chúa. Thiếu bánh này, họ sống như thể đã chết và không còn gì để truyền đạt cho anh chị em mình nữa, vì Lời đây là Ðức Kitô" (Orientale lumen, n. 10).

 Chúa Kitô cũng hiện diện nơi Thánh Thể nữa, nơi suối nguồn yêu thương, hiệp nhất và cứu độ. Những lời Người nói hôm ấy tại hội đường của một tỉnh nhỏ Capanaum trên Biển Hồ Tibêria liên lỉ vang vọng trong các thánh đường của chúng ta. Ðó là những lời hy vọng và sự sống: "Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong họ... Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày say hết" (Jn 6:54-56).
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page