Một tác giả thần bí Tây Ban Nha thuộc thế kỷ 16 đã nói: "Càng căng buồm lướt sóng người ta càng khám phá thấy trong Thiên Chúa những vùng biển cả" (Friar Luis de Léon). Giờ đây chúng ta muốn thực hiện một cuộc hải trình đi vào vùng biển mênh mông của mầu nhiệm này, hướng tới ánh sáng hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong những biến cố Phục Sinh. Việc hiện diện này kéo dài cả 50 ngày sau Phục Sinh.
2- Không giống như các bản văn ngụy kinh, các bản Phúc Âm được Giáo Hội công nhận không trình bày biến cố Phục Sinh lẻ loi một mình mà là với việc Chúa Kitô phục sinh hiện diện một cách mới mẻ và khác nhau giữa các môn đệ của Người. Chính tính cách mới mẻ này đã làm nên đặc tính của cảnh tượng đầu tiên là những gì chúng ta đang muốn suy tư đây. Ðó là lần xuất hiện diễn ra tại một thành Giêrusalem vào lúc vẫn còn mờ nhạt ánh sáng rạng đông, ở chỗ, một người phụ nữ là Maria Mai Linh và một người đàn ông đã gặp nhau tại một nghĩa trang. Thoạt tiên người phụ nữ không nhận ra người đàn ông đang tiến lại gần mình, song người đó lại là chính Giêsu Nazarét, Ðấng chị đã nghe lời Người nói và là Ðấng đã làm thay đổi cuộc đời của chị. Ðể nhận ra Người, chị cần phải có một nguồn kiến thức khác với lý trí và cảm quan của chị. Ðó là đường lối đức tin đã mở ra cho chị khi chính chị nghe thấy gọi đích danh tên của mình (x Jn 20:11-18). Chúng ta hãy chú ý tới cảnh tượng này, đến những lời của Ðấng Phục Sinh. Người nói: "Thày đang về cùng Cha Thày cũng là Cha của các con, cùng Thiên Chúa của Thày cũng là Thiên Chúa của các con" (Jn 20:17), như thế là Người tỏ cho thấy Cha trên trời, Ðấng mà Chúa Kitô, khi thân thưa "Cha ơi", muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ đặc biệt chuyên nhất của Người, khác với mối liên hệ giữa Chúa Cha và các môn đệ của Người: "Cha của các con". Nguyên trong Phúc Âm theo Thánh Mathêu mà thôi, Chúa Giêsu đã 17 lần gọi Thiên Chúa là "Cha ơi". Thánh ký thứ bốn sử dụng hai từ ngữ Hy Lạp khác nhau, một là hyios để nói lên vai trò con cái hoàn toàn và trọn vẹn của Chúa Kitô, và chữ kia là tekna để ám chỉ về việc chúng ta là con cái thực sự của Thiên Chúa song không phải là con cái chính cống.
3- Cảnh tượng thứ hai đưa chúng ta từ Giêrusalem tới một ngọn núi ở phía bắc xứ Galilêa. Ở đó đã xẩy ra một cuộc Kitô hiển, tức là việc Ðấng Phục Sinh tỏ mình ra cho các Vị Tông Ðồ (x Mt 28:16-20). Ðây là một biến cố long trọng của việc mạc khải, nhận biết và sứ vụ. Bằng quyền toàn năng cứu độ của mình, Người đã truyền cho Giáo Hội phải loan báo Phúc Âm, rửa tội và giảng dạy các dân nước để nhờ đó họ sống theo các giới luật của Người. Chúa Ba Ngôi đã hiện lên nơi những lời chính yếu này, những lời được lập lại nơi công thức Rửa Tội Kitô Giáo qua thừa tác của Giáo Hội: "Các con hãy rửa tội cho họ (tất cả mọi dân nước) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28:19) Một cây bút Kitô Giáo xưa kia là Theodore Mopsuestia (ở vào thế kỷ thứ bốn sang thế kỷ thứ năm) đã chú giải như sau: "Những lời nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tỏ cho thấy rằng ai mới chính là tác nhân ban cho chúng ta các ơn lành của Phép Rửa: như ơn tái sinh, ơn canh tân, ơn bất tử, ơn bất hoại, ơn bất ải, ơn được giải cứu khỏi sự chết, khỏi bị làm nô lệ cũng như khỏi tất cả mọi sự dữ, ơn được hưởng tự do và tham dự vào những phúc lợi sau này. Ðó là lý do tại sao chúng ta được rửa tội! Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được kêu cầu để anh em nhận ra nguồn mạch những ơn lành của Phép Rửa" (Bài giảng II Về Phép Rửa, 17).
4- Giờ đây chúng ta bước sang cảnh tượng thứ ba để suy tưởng. Cảnh này đưa chúng ta về lại thời gian Chúa Giêsu còn bước đi trên những con đường của Ðất Thánh, với những lời Người nói và việc Người làm. Trong lễ Lều Tạm vào mùa thu của nước Do Thái bấy giờ, Người đã loan báo rằng: "Ai có khát thì hãy đến với Tôi mà uống. Ai tin vào Tôi thì, như Thánh Kinh đã viết, 'từ lòng họ những giòng sông chảy nước sự sống sẽ tuôn ra'" (Jn 7:37-38). Thánh Ký Gioan đã giải thích những lời này một cách xác đáng theo ý nghĩa của vinh quang Phục Sinh cũng như theo tặng ân Thánh Linh thế này: "Người nói điều này về Thần Linh, Ðấng mà những ai tin vào Người cần phải được lãnh nhận; Thần Linh chưa được thông ban là vì Chúa Giêsu chưa được vinh hiển" (Jn 7:39).
Vinh quang Phục Sinh đã được thông ban và cùng với vinh quang này là tặng ân Thần Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày Chúa Giêsu báo trước cho các Vị Tông Ðồ của Người biết vào ngay buổi tối ngày Người Phục Sinh. Hiện ra trên Căn Thượng Lầu, Người thở hơi trên các vị mà phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Jn 20:22).
5- Như thế là Chúa Cha và Thần Linh hiệp nhất với Chúa Con vào giây phút tuyệt đỉnh của Việc Cứu Chuộc. Ðó là những gì Thánh Phaolô xác nhận ở một đoạn hết sức rõ ràng trong Bức Thư gửi Giáo Ðoàn Rôma, một đoạn thánh nhân nhắc lại việc Chúa Ba Ngôi thực sự có liên quan tới Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô cũng như cuộc phục sinh của tất cả chúng ta: "Nếu Thần Linh của Ðấng phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em thì Ðấng đã phục sinh Ðức Kitô? từ trong kẻ chết cũng sẽ ban sự sống cho thân xác chết chóc của anh em, nhờ cùng một Thần Linh của Ngài là Ðấng ngự trong anh em" (Rm 8:11).
Ðiều kiện để thực hiện lời hứa này cũng đã được Thánh Tông Ðồ cho biết trong cùng Bức Thư trên: "Nếu môi miệng anh em tuyên xưng rằng Giêsu là Chúa và lòng trí anh em tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Người từ trong kẻ chết thì anh em sẽ được cứu độ" (Rm 10:9). Khía cạnh Ba Ngôi trong việc tuyên xưng đức tin hợp với bản chất Ba Ngôi nơi biến cố Phục Sinh. Thật vậy, "không có Thánh Linh không ai có thể nói 'Giêsu là Chúa'" (1Cor 12:3), và những ai nói điều này, tuyên xưng điều này đều là để "cho vinh quang của Thiên Chúa là Cha" (Phil 2:11).
Vậy chúng ta hãy
chấp nhận đức tin của mầu
nhiệm vượt qua và niềm vui từ
đó mà ra, bằng việc lấy chính
bản thánh ca Vọng Phục Sinh của Giáo
Hội Ðông Phương như là của
mình để xướng lên rằng:
"Ôi Chúa, tất cả mọi sự
đã được việc Chúa
Phục Sinh soi chiếu, và thiên đàng
lại được mở ra. Tất
cả mọi tạo vật chúc tụng Chúa
và mỗi ngày hiến dâng lên
Chúa một bản thánh ca. Tôi tôn
vinh quyền năng của Chúa Cha và của
Chúa Con; tôi chúc tụng quyền bính
của Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi Thiên
Chúa bất phân chia, tự hữu
và đồng bản thể, Ðấng
hiển trị muôn muôn đời"
(Kinh nguyện của Thánh Gioan Ðamascênô,
Thứ Bảy Tuần Thánh, giọng thứ
ba).