1- "Tất cả mọi công việc Ngài làm đều đáng qúi chuộng biết bao và chúng tỏ mình ra rực rỡ là chừng nào!... Ngài không làm gì mà không trọn vẹn... Ai có thể nắm trọn được vinh quang của Ngài? Cho dù có nói đến đâu đi nữa, chúng ta cũng không thể nói cho hết được, nên tất cả ngôn từ của chúng ta chỉ tóm lại ở chỗ: 'Ngài là tất cả mọi sự'. Chúng ta sẽ tìm đâu được sức mạnh để chúc tụng Ngài? Ngài còn cao cả hơn tất cả mọi việc Ngài làm nữa kìa..." (Sir 42:22, 24-25; 43:27-28). Bằng những lời đầy cảm thức này, Sách Huấn Ca, một cuốn sách khôn ngoan trong thánh kinh, đã chiêm ngưỡng ánh quang của tạo vật và đã hát lên những lời chúc tụng Thiên Chúa. Ðó chỉ là một chút xíu trong phạm vi chiêm ngưỡng và suy niệm trải khắp các Sách Thánh, từ những giòng đầu tiên của Sách Khởi Nguyên, khi mà các tạo vật xuất phát từ cái thinh lặng của hư không theo triệu lệnh của Lời quyền năng Ðấng Hóa Công.
"Thiên Chúa phán 'Hãy có ánh sáng' thì có ánh sáng" (Gn 1:3). Trong phần của trình thuật đầu tiên về việc tạo thành này Lời của Thiên Chúa đã hiện diện nơi việc tác động; Ðấng mà sau này Thánh Gioan nói về Người là "Từ ban đầu đã có Lời... Lời là Thiên Chúa... tất cả mọi sự bởi Người mà được dựng nên, không có Người không một sự gì được tạo thành" (Jn 1:1-3). Ðấng mà sau này Thánh Phaolô cũng sẽ nhấn mạnh trong bản thánh ca của Bức Thư gửi Tín Hữu Côlôsê là "tất cả mọi sự được tạo thành trong Người (Chúa Kitô), trên trời cũng như dưới đất, hữu hình cũng như vô hình, dù vương tòa hay vương trị, dù thiên phủ hay uy quyền - tất cả mọi sự đều được tạo thành nhờ Người và cho Người. Người có trước hết tất cả mọi sự, và tất cả mọi sự cùng nhau tồn tại trong Người" (Col 1:16-17). Thế nhưng, ngay giây phút đầu tiên của việc tạo dựng, Thần Linh cũng đã được thấy mờ mờ, ở chỗ "Thần Linh của Thiên Chúa di động trên mặt các giòng nước" (Gn 1:2). Theo truyền thống Kitô giáo, chúng ta có thể nói vinh quang của Ba Ngôi được tỏa sáng nơi việc tạo thành.
2- Chúng ta có thể nhìn thấy trong ánh sáng Mạc Khải tác động tạo dựng trước hết xứng hợp với "Vị Cha của ánh sáng, Ðấng không đổi thay hay có một bóng mờ nào" (Jas 1:17). Ngài chiếu sáng rạng ngời trên khắp chân trời, như tác giả Thánh Vịnh hát lên: "Ôi Chúa, Chúa ơi, vinh hiển thay danh Chúa khắp trên hoàn cầu! Chúa đã nâng cao uy nghi của Chúa trên các tầng trời" (Ps 8:2). Thiên Chúa "đã dựng nên thế giới vững chắc chứ không bị lay chuyển" (Ps 96:10), và khi đối diện với hư không, được biểu hiệu bằng những giòng nước âm vang chao động, Tạo Hóa làm cho chúng nổi lên, khi ban cho chúng tính chất vững chắc và an hòa: "Ôi Chúa, các giòng nước lũ ào lên, những giòng nước lũ đã vang lên, những giòng nước đã gầm lên vang động. Chúa dũng mãnh trên cao, dũng mãnh hơn cả những sấm động của các giòng nước, dũng mãnh hơn các triều sóng của biển khơi" (Ps 93:3-4).
3- Trong Sách Thánh, việc tạo dựng cũng thường có liên hệ với Lời thần linh nữa, Lời hiện diện và tác động: "Các tầng trời được tạo dựng bởi Lời Chúa, và tất cả thiên cơ của chúng đều được dựng nên bởi hơi thở của miệng Ngài... Ngài phán truyền thì nó có; Ngài truyền khiến nó được thành nên... Ngài ban bố lệnh truyền cho trái đất và lời Ngài linh hoạt khắp nơi" (Ps 33:6, 9; 147:15). Theo văn chương Khôn Ngoan của Cựu Ước, Khôn Ngoan thần linh được nhân cách hóa thành Ðấng tạo thành vũ trụ, trong việc Người thi hành dự án của thượng trí Thiên Chúa (x Prv 8:22-31). Như đã nói, trong Lời Thiên Chúa và Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Thánh Gioan và Phaolô đã thấy được tính cách tiền tác động của Chúa Kitô "nhờ Người tất cả mọi vật có và vì Người chúng ta hiện hữu" (1Cor 8:6), vì chính "qua (Chúa Kitô) (mà Thiên Chúa) cũng đã tạo thành thế gian" (Heb 1:2).
4- Ở những đoạn khác, Thánh Kinh lại nhấn mạnh đến vai trò của Thần Linh Thiên Chúa trong tác động tạo dựng: "Khi Ngài gửi Thần Linh của Ngài tới thì chúng được tạo thành; và Ngài canh tân bộ mặt trái đất" (Ps 104:30). Vị Thần Linh này được diễn tả cho thấy như là hơi thở từ miệng của Thiên Chúa. Vị Thần Linh ấy ban cho con người sự sống và nhận thức (x Gn 2:7), và làm cho họ hồi sinh, như tiên tri Êzêkiên loan báo trong một đoạn văn cho thấy Thần Linh đang thực hiện việc thở sự sống vào những khúc xương khô (x 37:1-14). Chính hơi thở này cũng đã làm chủ các giòng nước biển trong cuộc xuất Ai Cập của dân Yến Duyên (x Ex 15:8, 10). Vị Thần Linh này còn tái sinh nhân loại tạo vật nữa, như Chúa Giêsu sau này nói tới trong một đêm trao đổi với Nicôđêmô: "Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho ông hay, nếu không được hạ sinh bởi nước và Thần Linh thì người ta không vào được vương quốc của Thiên Chúa. Những gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và những gì sinh bởi Thần Linh là thần linh" (Jn 3:5-6).
5- Bởi vậy, khi nhìn thấy vinh hiển của Ba Ngôi nơi việc tạo dựng, con người phải chiêm ngưỡng, ca khen và phải lấy lại được cảm thức. Trong xã hội hiện đại người ta tỏ ra lạnh lùng "không phải vì thiếu những sự lạ mà là vì thiếu cảm thức sự lạ" (G. K. Chesterton). Ðối với tín hữu, chiêm ngưỡng việc tạo thành cũng là việc họ nghe thấy một sứ điệp, là việc họ lắng nghe một tiếng nói âm thầm có vẻ mâu thuẫn, như nhận định của bài "Thánh Vịnh về mặt trời" cho thấy: "Các tầng trời loan truyền vinh quang Thiên Chúa; và bầu trời loan báo công việc tay Ngài làm ra. Ngày này sang ngày khác nó lên tiếng nói, đêm này đến đêm kia nó ý thức được. Dù không lên tiếng gì cả, dù không phát ra một lời nào; chẳng ai nghe thấy tiếng của chúng; thế mà tiếng chúng cũng vang khắp cùng bờ cõi trái đất và lời chúng vang tới tận cùng thế gian" (Ps 19:1-5).
Như thế, thiên nhiên
trở thành một cuốn phúc âm
nói với chúng ta về Thiên
Chúa, ở chỗ "từ nét cao
cả và mỹ lệ của các sự
vật được tạo thành mà
đã có được nhận thức
tương xứng về Ðấng Hóa
Công của chúng" (Wis 13:5). Thánh Phaolô
dạy chúng ta rằng "ngay từ khi thế
gian được tạo thành, bản tính
vô hình của Ngài (Thiên Chúa),
tức quyền năng và thần tính
hằng hữu của Ngài, đã
được rõ ràng nhận thấy
nơi những gì được dựng
nên" (Rm 1:20). Thế nhưng, khả năng chiêm
ngưỡng và nhận thức này,
việc khám phá ra sự hiện diện
siêu việt tính nơi các sự
vật được tạo thành ấy
cũng phải dẫn chúng ta tới
việc tái khám phá ra mối tương
giao của chúng ta đối với trái
đất nữa, tức với
những gì chúng ta có liên hệ
với từ lúc chúng ta được
tạo thành (x Gn 2:7). Ðó chính là
mục tiêu theo chiều hướng của
Cựu Ước muốn thấy nơi
Cuộc Mừng Kỷ Niệm của dân
Do Thái, thời điểm đất
đai được xả hơi cũng
là thời điểm con người
ăn những gì ruộng đồng
theo tự nhiên cống hiến cho họ
(x Lev 25:11-12). Nếu thiên nhiên không bị
vi phạm và bị làm hư hại thì
nó sẽ lại trở thành chị
em của con người.