Nơi dân Yến-Duyên xưa kia, giới luật yêu thương Thiên Chúa là một phần kinh nguyện hằng ngày của họ: "Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất; bởi thế anh em phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của mình hết lòng muốn, hết linh hồn và hết sức lực của anh em. Những lời tôi truyền cho anh em hôm nay đây phải được anh em ghi khắc trong lòng; rồi anh em phải dạy lại cho con cái của mình một cách kỹ lưỡng, và phải bảo ban chúng khi anh em ngồi ở nhà, lúc đi ra ngoài đường, khi nằm nghỉ và lúc thức dậy" (Dt 6:4-7).
Chính tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại là căn do đòi con người phải hoàn toàn yêu mến Thiên Chúa như thế. Ngài chờ đợi đáp ứng mến yêu chân thực nơi thành phần Ngài yêu bằng một mối tình mến thương nhất. Ngài là một Vị Thiên Chúa ghen tương (x. Ex 20:5), Ðấng không thể chịu được ngẫu tượng hằng lôi kéo dân của Ngài. "Ngoài Ta ra, các người không được có một thần linh nào khác" (ibid., câu 3).
Dân Yến-Duyên dần dần hiểu được rằng, đối với Chúa, ngoài việc họ phải tôn kính Ngài cách sâu xa và việc phải tôn thờ một mình Ngài, họ còn phải có một thái độ con cái, hay thậm chí có một thái độ phu thê nữa. Sách Diễm Tình Ca phải được hiểu và giải thích theo ý nghĩa này, khi biến nét đẹp của tình yêu con người thành cuộc đối thoại phu thê giữa Thiên Chúa với dân Ngài.
Sách Nhị Luật nhắc lại hai đặc tính thiết yếu của tình yêu này. Ðặc tính thứ nhất là con người sẽ không bao giờ có khả năng yêu thương, nếu Thiên Chúa không ban cho họ sức mạnh bằng "việc cắt bì con tim" (x. Dt 30:6), một việc cắt bì sẽ giải thoát con tim khỏi mọi dính bén với tội lỗi. Ðặc tính thứ hai đó là, tình yêu này, thay vì bị giảm xuống mức độ tình cảm, lại được diễn tả một cách cụ thể bằng "việc bước đi theo các nẻo đường" của Thiên Chúa, cũng như bằng việc tuân giữ "các giới luật, qui chế và sắc chỉ của Ngài" (ibid. câu 16). Ðó là điều kiện để chọn "sự sống và sự thiện", bằng nếu hướng lòng về các thần khác sẽ dẫn đến "sự chết và sự dữ" (ibid. câu 15).
2- Giới luật trong Sách Nhị Luật ấy vẫn không thay đổi nơi giáo huấn của Chúa Giêsu, Ðấng diễn tả giới luật này như là một "giới luật trọng nhất và đệ nhất", khi Người liên kết giới luật này một cách chặt chẽ với tình yêu thương tha nhân (x. Mt 22:34-40). Qua việc diễn tả giới luật này theo những từ ngữ như của Cựu Ước, Chúa Giêsu cho thấy rằng Mạc Khải đã lên tới tột đỉnh của mình là ở chỗ đó.
Ý nghĩa của giới luật này cũng chiếm được tầm vóc trọn vẹn của mình cả ở nơi chính bản thân của Chúa Giêsu nữa. Thật vậy, chính ở nơi Người, tình yêu của con người đối với Thiên Chúa mới tiến đến mức độ mãnh liệt nhất của mình. Từ đó trở đi, việc yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức mình, là ở chỗ, yêu mến Thiên Chúa là Ðấng đã tỏ mình ra nơi Chúa Kitô, và yêu mến Ngài bằng cách thông phần vào chính tình yêu của Chúa Kitô "được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng được ban cho chúng ta" (Rm 5:5).
3- Ðức ái là yếu tính của "giới răn" mới được Chúa Giêsu truyền dạy. Thật thế, đức ái này là linh hồn của tất cả mọi giới luật, mà việc tuân giữ các giới luật ấy là một xác nhận mạnh mẽ và thật sự là một chứng cớ rõ ràng cho thấy tình con người yêu mến Thiên Chúa: "Tình yêu Thiên Chúa là ở chỗ chúng ta tuân giữ các giới luật của Ngài" (1Jn 5:3). Tình yêu này, một tình yêu đối với cả Chúa Giêsu nữa, là điều kiện để con người được Chúa Cha yêu thương: "Ai biết các giới răn của Thày và tuân giữ thì họ là người yêu mến Thày; mà ai yêu mến Thày sẽ được Cha Thày yêu thương và Thày cũng yêu thương họ cùng tỏ mình ra cho họ" (Jn 14:21).
Bởi thế, tình yêu đối với Thiên Chúa, nhờ ơn của Thần Linh có thể tỏ ra, là một thứ tình yêu được căn cứ vào vai trò môi giới của Chúa Giêsu, như chính Người nói trong lời nguyện tư tế của Người: "Con đã tỏ danh Cha cho họ, và Con sẽ còn tỏ danh Cha ra nữa, để tình Cha yêu Con ở trong họ và Con ở trong họ" (Jn 17:26). Vai trò môi giới này trở nên cụ thể nhất là nơi việc Người hy hiến mạng sống mình, một hy hiến chẳng những chứng thực cho thấy tình yêu cao cả nhất, mà còn đòi phải tuân giữ điều Chúa Giêsu truyền dạy: "Không ai có tình yêu cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu. Các con là bạn hữu của Thày nếu các con thực hiện những gì Thày truyền cho các con" (Jn 15:13-14).
Ðức ái Kitô giáo được phát xuất từ nguồn tình yêu này, một tình yêu được Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, hiến ban cho chúng ta. Khả năng để yêu mến Thiên Chúa, như Thiên Chúa yêu thương, được cống hiến cho mọi Kitô hữu như hoa trái của mầu nhiệm vượt qua nơi cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người.
4- Giáo Hội đã diễn tả thực tại cao cả này bằng việc dạy rằng, đức ái là một thần đức, tức là một nhân đức trực tiếp qui hướng về Thiên Chúa và là một nhân đức giúp cho loài thụ tạo con người được cuốn theo giòng điện yêu đương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta như Ngài yêu mến Ðức Kitô, khi Ngài thấy hình ảnh Ðức Kitô nơi chúng ta. Hình ảnh này, phải nói là được Thần Linh tô vẽ nơi chúng ta, Ngài như một "họa viên" hoàn tất hình ảnh này qua giòng thời gian.
Cũng chính Chúa Thánh Thần là Ðấng vẽ lên những nét chính nơi việc Kitô hữu đáp ứng tình yêu Thiên Chúa trong thẳm cung con người của họ. Như thế, năng lực của tình yêu đối với Thiên Chúa bộc phát "một cách tự nhiên" theo tác động của Chúa Thánh Thần là Ðấng "thần linh hóa" chúng ta, như ngôn từ của truyền thống Ðông phương diễn tả.
Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, đức ái hình thành hoạt động luân lý của Kitô hữu; đức ái hướng dẫn và tăng cường tất cả mọi nhân đức khác, những nhân đức làm nên trong chúng ta một con người mới. Như Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy: "Việc thực hành tất cả các nhân đức được sinh động và khởi động bởi đức ái, một nhân đức 'liên kết mọi sự lại với nhau một cách hoàn toàn hòa hợp' (Col 3:14); đức ái là mô thức của các nhân đức; đức ái gắn bó và phối hợp các nhân đức lại với nhau; đức ái là nguồn mạch và là mục tiêu tập luyện của Kitô hữu. Ðức ái nâng đỡ và thanh tẩy khả năng yêu thương của con người chúng ta, và nâng khả năng này lên mức độ siêu nhiên toàn hảo của tình yêu Thiên Chúa" (số 1827). Là Kitô hữu, chúng ta luôn luôn được kêu gọi yêu thương.
(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh,
BVL,
chuyển ngữ từ tuần san L'Osservatore
Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 20/10/1999