Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 71 (Thứ Tư ngày 6-10-1999)

Yếu Tính của Thiên Chúa
là mầu nhiệm tình yêu vô cùng

Hoán cải, đề tài chúng ta đã bàn đến ở những buổi giáo lý lần trước, là việc để làm trọn giới luật yêu thương. Trong năm dâng kính Thiên Chúa là Cha đây, một dịp rất thích hợp để nhấn mạnh thần đức yêu mến, như Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến (đoạn 50) đã đề cập tới.

Thánh Tông Ðồ Gioan đã thúc giục chúng ta là: "Các con yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau; vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà có, ai yêu thương là người được sinh bởi Thiên Chúa và là người nhận biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương là người không nhận biết Thiên Chúa; vì Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn 4:7-8).

Những lời tuyệt vời này chẳng những tỏ cho chúng ta thấy yếu tính của Thiên Chúa là một mầu nhiệm của tình yêu vô cùng, mà còn đặt nền tảng cho đời sống luân lý của Kitô hữu nữa, một đời sống được tóm lại trong giới răn yêu thương. Con người được kêu gọi để hết lòng kính mến Thiên Chúa, cũng như để liên kết với anh chị em mình bằng một thái độ yêu thương được tình yêu Thiên Chúa tác động. Hoán cải tức là việc con người được phục hồi lòng yêu thương.

Trong Cựu Ước, các động lực nội tại của giới luật này có thể thấy được nơi mối liên hệ giao ước Thiên Chúa thiết lập với dân Yến-Duyên: một đàng là sáng kiến của tình yêu Thiên Chúa, và một đàng là việc đáp ứng Ngài mong thấy ở nơi dân Yến-Duyên. Ðó là cách sáng kiến thần linh tỏ ra cho thấy trong Sách Nhị Luật chẳng hạn: "Không phải vì các người đông đảo hơn các dân khác mà Chúa đã yêu thương các người và tuyển chọn các người, thành phần ít nhất trong tất cả mọi dân tộc; mà là bởi Chúa yêu thương các người" (Dt 7:7-8). Giới luật căn bản hướng dẫn cả đời sống đạo của dân Yến-Duyên này tương ứng với tình yêu ưu đãi và hoàn toàn nhưng không ấy: "Các người phải kính mến Chúa là Thiên Chúa các người hết lòng, hết linh hồn và hết sức mình" (ibid., 6:5).

2- Thiên Chúa yêu thương là một Vị Thiên Chúa không xa vời mà là Ðấng can dự vào lịch sử loài người. Khi mạc khải cho Moisen biết tên của Ngài là Ngài muốn bảo đảm với Moisen về việc Ngài yêu thương trợ giúp thực hiện biến cố Xuất Hành cứu độ, một trợ giúp sẽ kéo dài tới muôn đời (x. Ex 3:15). Ngài muốn tiếp tục nhắc nhở dân Ngài về hành động yêu thương này qua lời của các vị tiên tri. Chẳng hạn chúng ta đọc thấy trong Sách Tiên Tri Giêrêmia: "Vậy Chúa phán: ‘Thành phần còn sống sót thoát khỏi gươm đao đã nhận được ơn sủng trong hoang địa; khi dân Yến-Duyên tìm kiếm nghỉ ngơi thì Chúa đã xuất hiện với họ từ đằng xa. Ta đã yêu thương các người bằng một tình yêu vĩnh cửu; bởi thế, Ta vẫn tiếp tục trung thành với các người" (Jer 31:2-3).

Ðó là một tình yêu có tính chất hết sức ngọt ngào (x. Hos 11:8f.; Jer 31:20) và thường được biểu hiệu nơi hình ảnh của một người cha, song đôi khi cũng được diễn tả qua hình bóng của tình nghĩa phu thê: "Ta sẽ đính hôn với các người đến muôn đời, trong chính trực và công minh, trong tình yêu bền vững và trong tình thương xót" (Hos 2:19; xem vv. 18-25).

Ngay cả sau khi thấy việc dân mình cứ bất trung với giao ước, Vị Thiên Chúa này cũng vẫn ban tình yêu của mình cho họ, bằng cách tạo nên nơi họ một con tim mới có thể làm cho họ dứt khoát chấp nhận lề luật Ngài ban cho họ, như chúng ta đọc thấy nơi Tiên Tri Giêrêmia: "Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong họ, và Ta sẽ viết lề luật ấy trên trái tim họ" (Jer 31:33). Chúng ta còn đọc thấy nơi Tiên Tri Ezêkiên: "Ta sẽ ban cho các ngươi một con tim mới, và Ta sẽ đặt nơi các ngươi một tinh thần mới; rồi Ta sẽ lấy đi khỏi xác thịt các ngươi con tim chai đá mà thay vào đó bằng con tim da thịt" (Ez 36:26).

3- Trong Tân Ước, năng lực yêu thương này được tập trung nơi Chúa Giêsu, Người Con yêu dấu của Cha (x. Jn 3:35, 5:20, 10:17), Ðấng mạc khải mình ra qua Người. Con người nam nữ tham dự vào tình yêu này bằng việc nhận biết Con, tức là bằng việc chấp nhận giáo huấn cũng như công cuộc cứu chuộc của Người.

Chúng ta chỉ có thể đến cùng tình yêu của Chúa Cha bằng việc bắt chước Con tuân giữ các mệnh lệnh của Cha: "Như Cha đã yêu Thày, Thày cũng yêu các con; các con hãy ở lại trong tình yêu của Thày. Nếu các con giữ các mệnh lệnh của Thày là các con ở trong tình yêu của Thày, như Thày đã giữ các mệnh lệnh của Cha nên ở trong tình yêu của Ngài vậy" (ibid. 15:9-10). Có thế, chúng ta cũng mới được tham dự vào kiến thức của Con về Cha: "Thày không gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết được những gì chủ mình làm; song Thày gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thày nghe từ Cha Thày thì Thày đã tỏ cho các con biết" (ibid. v.15).

4- Tình yêu khiến cho chúng ta được thông phần một cách trọn vẹn với đời sống làm con của Chúa Giêsu, khi làm cho chúng ta trở thành con cái nơi Người Con: "Kìa Chúa Cha đã yêu thương chúng ta biết bao, để nhờ đó chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa; và thật sự là như vậy. Lý do tại sao thế gian không biết chúng ta là vì thế gian không nhận biết Ngài" (1Jn 3:1). Tình yêu biến đổi đời sống và soi sáng cho chúng ta được hiểu biết về Thiên Chúa, đến độ đạt tới một toàn thức được Thánh Phaolô nói tới: "Hiện nay tôi biết một phần thôi; rồi tôi sẽ hiểu được trọn vẹn, như tôi đã được hoàn toàn biết đến" (1Cor 13:12).

Cần phải nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa kiến thức và tình yêu. Việc hoán cải nội tâm do Kitô giáo mang lại là một cảm nghiệm đích thực về Thiên Chúa, theo ý nghĩa được Chúa Giêsu đề cập đến trong lời nguyện tư tế của Người trong Bữa Tiệc Ly: "Ðây là sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất, và nhận biết Giêsu Kitô là Ðấng Cha sai" (Jn 17:3). Dĩ nhiên, kiến thức về Thiên Chúa cũng có cả chiều kích theo trí thông minh (x.Rm.1:19-20), song cảm nghiệm sống động về Cha và Con là ở tình yêu, tức chính thực là ở Thánh Linh, vì "tình yêu của Thiên Chúa được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Linh" (Rm 5:5).

Ðấng An Ủi là Ðấng nhờ Ngài chúng ta cảm nghiệm được tình yêu phụ thân của Thiên Chúa. Hơn nữa, hiệu quả của sự hiện diên an ủi nhất của Ngài trong chúng ta chính là niềm xác tín rằng tình yêu đời đời và vô tận Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước ấy sẽ không bao giờ ruồng bỏ chúng ta: "Ai sẽ phân rẽ tôi khỏi tình yêu của Chúa Kitô?… Vì tôi tin rằng, dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu, dù bất cứ một sự gì trong tất cả mọi thụ tạo, cũng không có thể tách tôi khỏi tình yêu Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (ibid. 8:35, 38-39). Trái tim mới, một trái tim yêu thương và nhận biết, hòa nhịp đập với Thiên Chúa, Ðấng yêu thương bằng một tình yêu vĩnh cửu.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page