Ðây là một vấn đề tế nhị, đã gặp phải nhiều hiểu lầm về phương diện lịch sử, gây ra một tác dụng tiêu cực nơi việc hiệp thông giữa thành phần Kitô hữu. Trong mối tương quan đại kết hiện nay, Giáo Hội thấy rằng, nhu cầu thực thi cổ tục này cần phải được hiểu đúng đắn và chấp nhận như là một biểu hiện cao cả của tình thương Thiên Chúa. Thật vậy, kinh nghiệm cho thấy rằng, đôi khi các ân xá được lãnh nhận bằng những thái độ nông nổi, gây trở ngại cho ơn ích của Chúa, cũng như làm lu mờ đi chính chân lý và giá trị được Giáo Hội truyền dạy.
2- Ðể hiểu được các ân xá, cần phải bắt đầu từ tình thương sung mãn của Thiên Chúa thể hiện nơi Thập Giá của Ðức Kitô. Chúa Giêsu tử giá chính là "ân xá" trọng đại Chúa Cha đã ban cho loài người, khi Ngài ban ơn tha tội và ban cho con người cơ hội sống như con cái của Ngài (x. Jn 1:12-13) trong Chúa Thánh Thần (x. Gal 4:6; Rm 5:5, 8:15-16).
Tuy nhiên, theo nguyên tắc của giao ước, tâm điểm của toàn thể công cuộc cứu độ, thì tặng ân này không chạm đến chúng ta, nếu chúng ta không chấp nhận và ứng đáp.
Căn cứ vào ý nghĩa của nguyên tắc này mới dễ dàng hiểu được làm sao vấn đề hòa giải với Thiên Chúa, mặc dầu căn cứ vào việc ban phát tình thương một cách tự do và dồi dào, đồng thời cũng bao gồm cả một tiến trình công phu, cần đến nỗ lực riêng của mỗi người cùng với hoạt động bí tích của Giáo Hội nữa. Vì việc tha thứ tội lỗi vấp phạm sau khi lãnh nhận Phép Rửa mà tiến trình này mới qui về Bí Tích Thống Hối, nhưng nó vẫn tiếp tục sau khi lãnh nhận bí tích ấy. Con người cần phải được từ từ "chữa lành" các hậu quả do tội lỗi gây ra nơi họ (cái mà truyền thống thần học gọi là "hình phạt" và "di tích" của tội).
3- Trước tiên, việc nói về hình phạt sau khi lãnh nhận ơn tha tội theo bí tích dường như bất nhất. Tuy nhiên, Cựu Ước đã cho chúng ta thấy là chuyện bình thường khi phải chịu đền phạt sau khi được tha tội. Thiên Chúa, sau khi cho thấy chính mình là "một vị Thiên Chúa xót thương và sủng ái ? thứ tha lỗi lầm, vấp phạm và tội lỗi", đã thêm "song không phải là không trừng phạt" (Ex 34:6-7). Trong Sách Samuen quyển thứ hai, việc Vua Ðavít hạ mình thú nhận sau khi phạm trọng tội đã được Thiên Chúa thứ tha (x. 2Sam 12:13), song vua cũng không tránh khỏi hậu hoạn của nó (x. ibid. 12:11, 16:21). Không phải là tình yêu phụ thân của Thiên Chúa đã ra hình phạt, cho dù hình phạt bao giờ cũng phải được hiểu là thuộc về sự công chính xót thương, một sự công chính vì lợi ích riêng của con người tái thiết lập cái trật tự đã bị vi phạm (x. Heb 12:4-11).
Theo ý nghĩa này, hình phạt tạm cho thấy tình trạng đau khổ của những ai, mặc dầu đã làm hòa với Thiên Chúa, vẫn còn mang nơi mình những "di tích" tội lỗi khiến họ không hoàn toàn hướng tới ơn Chúa. Chính vì việc cần được hoàn toàn chữa lành này mà tội nhân được kêu gọi đảm nhận cuộc hành trình hoán cải cho tới mức độ tình yêu viên trọn.
Trong tiến trình này, tình thương của Thiên Chúa sẽ trợ giúp họ một cách đặc biệt. Chính hình phạt tạm là một "liều thuốc", nếu con người biết chịu đựng nó để tỏ ra mình thực lòng cải thiện. Ðó là ý nghĩa của việc "lập công đền tội" cần thiết nơi Bí Tích Thống Hối.
4- Ý nghĩa của các ân xá cần phải được hiểu theo căn bản từ việc canh tân này của con người, được thi hành nhờ ơn Chúa Kitô Cứu Chuộc, qua thừa tác vụ của Giáo Hội. Theo lịch sử, ân xá được bắt đầu bằng việc Giáo Hội xưa kia nhận thức thấy vấn đề có thể biểu lộ tình thương của Thiên Chúa, bằng cách giảm bớt các việc thống hối cần phải làm theo luật giáo hội để được xóa tội theo bí tích. Tuy nhiên, việc giảm bớt này cần phải được bù lại bằng những việc buộc cá nhân và cộng đoàn làm, nhắm tới mục tiêu "chữa trị" của hình phạt.
Ðến đây chúng ta có thể hiểu được ân xá là "việc xóa bỏ hình phạt tạm vì tội phạm, với lỗi lầm đã được thứ tha trước nhan Chúa, một việc xóa bỏ hình phạt mà tín hữu Kitô giáo dọn mình xứng đáng nhận được khi làm theo một số điều kiện qui định, nhờ tác động của Giáo Hội như một thừa tác viên của ơn cứu chuộc lấy quyền ban phát và áp dụng kho tàng công nghiệp của Chúa Kitô và của các thánh cho" (Enchiridion Indulgentiarum, Normae de Indulgentiis, Libreria editrice Vaticana, 1999, p. 21; xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1471).
Như thế, Giáo Hội có một kho tàng được thực sự "ban phát" qua các ân xá. Việc "phân phối" này không được hiểu là một thứ tự động giao dịch, như thể chúng ta đang nói về các "sự vật". Trái lại, đó là một biểu hiện cho thấy việc Giáo Hội hoàn toàn tin tưởng mình đã được Chúa Cha lắng nghe, khi Giáo Hội, căn cứ vào công nghiệp của Chúa Kitô, cũng như công nghiệp của Ðức Mẹ cùng các thánh nhờ ơn của Người, xin Ngài giảm bớt hay bỏ qua phương diện đau khổ của hình phạt, thay vào đó bằng việc bồi dưỡng phương diện chữa trị qua các nguồn mạch khác của ân sủng. Trong mầu nhiệm khôn lường này của đức khôn ngoan thần linh, ơn ích của việc bầu chữa này cũng có thể làm lợi cho tín hữu qua đời nữa, thành phần lãnh nhận hoa trái của ơn ích này xứng với tình trạng của họ.
5- Vậy chúng ta có thể thấy được rằng, các ân xá không phải là một thứ "giảm bớt" đi nhiệm vụ hoán cải hơn là một trợ giúp cho việc hoán cải được hoàn tất tức thời, dồi dào và thực sự. Ðiều này cần thiết đến độ, để nhận lãnh một ơn đại xá, tinh thần phải loại trừ đi "tất cả mọi dính bén với tội lỗi, dù là tội nhẹ" (Enchiridion Indulgentiarum, p. 25).
Thế nên, thật là sai lầm khi nghĩ rằng, chúng ta có thể lãnh nhận ơn ích của các ân xá, chỉ cần bằng việc thi hành một vài việc bề ngoài vậy thôi. Trái lại, những việc bề ngoài này cần phải thể hiện và hỗ trợ cho việc thăng tiến cải thiện của chúng ta. Chúng phải đặc biệt tỏ ra cho thấy đức tin của chúng ta nơi tình thương của Thiên Chúa, cũng như nơi thực tại hiệp thông lạ lùng do Chúa Kitô chiếm được, bằng việc Người hiệp nhất bất khả phân ly với Giáo Hội là Thân Thể và là Hiền Thê của Người.