Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 6 (Thứ Tư ngày 14-1-1998)

'Giờ Khắc' của Chúa Giêsu
là Thời Ðiểm
Cứu Chuộc Nhân Loại

Cuộc cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm sẽ mời gọi chúng ta chú ý đến giây phút cứu độ. Trong nhiều trường hợp khác nhau, Chúa Giêsu đã dùng chữ "giờ khắc" để nói đến giây phút theo như Chúa Cha ấn định để hoàn tất công cuộc cứu thế.

Người đề cập đến chữ này ngay từ lúc mở màn cuộc đời công khai của mình, ở tiệc cưới Cana, khi Người nghe thấy Mẹ Người yêu cầu thay cho đôi tân hôn đang gặp trục trặc vì việc thiếu rượu. Ðể nói lên lý do tại sao Người không thể đáp ứng yêu cầu này, Chúa Giêsu đã nói cùng Mẹ Người rằng: "Giờ khắc của Tôi chưa đến" (Jn.2:4).

Câu này hẳn có nghĩa là giờ khắc để Chúa Giêsu bắt đầu tỏ hiện quyền năng thiên sai của Người. Ðó là một giờ khắc hệ trọng đặc biệt, như cuối đoạn Phúc Âm này đã cho chúng ta biết rằng việc Người làm phép lạ này như "bắt đầu" hay "khởi sự" cho việc Người làm các sự lạ (x.Jn.2:11). Thế nhưng, từ chân trời, đã xuất hiện giờ khắc tử nạn và vinh quang của Chúa Giêsu (x.Jn.7:30,8:20,12:23-27,13:1,17:1,19:27), lúc mà Người hoàn tất công cuộc Cứu Chuộc nhân loại.

Bằng việc thực hiện "sự lạ" nhờ lời chuyển cầu công hiệu của Mẹ Maria này, Chúa Giêsu đã tự tỏ mình ra như Ðấng Cứu Thế thiên sai. Trong lúc Người đến để gặp gỡ đôi tân hôn, thì chính Người là Ðấng bắt đầu công việc của Người như một Chàng Rể, khai mạc bữa tiệc cưới là hình ảnh vương quốc Thiên Chúa (x.Mt.22:2).

2 - Cùng với Chúa Giêsu, giờ khắc đã mang lại một mối liên hệ mới với Thiên Chúa, giờ khắc mang lại một thể thức tôn thờ mới: "Giờ khắc đang đến, ngay lúc này đây, khi mà những kẻ tôn thờ chân chính sẽ tôn thờ Cha trong tinh thần và chân lý" (Jn.4:23). Nền tảng cho việc tôn thờ phổ quát này là ở chỗ, Con đã làm cho nam cũng như nữ, nhờ việc nhập thể của Người, thông phần vào việc con cái tôn thờ Cha.

"Giờ khắc" cũng là thời điểm tỏ hiện công việc của Con: "Thật vậy, thật vậy, Tôi cho qúi vị hay, giờ khắc đang đến, ngay lúc này đây, khi mà kẻ chết nghe thấy tiếng của Con Thiên Chúa, và những ai nghe thấy tiếng của Người sẽ được sống. Vì như Cha có sự sống trong mình thế nào thì Ngài cũng ban cho Con cũng có sự sống trong mình như vậy" (Jn.5:25-26).

Giờ khắc trọng đại xẩy ra trong lịch sử thế giới đó là lúc Con hiến sự sống mình, làm cho những kẻ bị quyền lực tội lỗi cầm buộc nghe thấy tiếng nói cứu độ của Người. Ðó là thời giờ Cứu Chuộc.

3 - Tất cả cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu chỉ hướng về giờ khắc này. Vào giây phút sầu thương ngay trước khi chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã nói: "Giờ đây linh hồn Thày bối rối. Thày sẽ phải nói sao đây? 'Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ khắc này?'. Mà thôi đi, Con đã đến cũng chỉ vì giờ khắc này" (Jn.12:27).

Với những lời ấy, Chúa Giêsu đã bộc lộ thảm trạng nội tâm đang đè nặng linh hồn Người trước việc Người tiến đến việc hy hiến. Người có thể xin Cha tha cho mình cuộc thử thách khiếp đảm này. Ðàng khác, Người lại không muốn đào thoát định mệnh đau thương ấy của Người: "Con đã đến là vì thế".

4 - Giờ khắc hệ trọng này là do Cha muốn và định như thế. Trước giờ khắc được ấn định theo dự án thần linh, các kẻ thù địch của Người không làm gì được Người.

Ðã có nhiều mưu đồ được thực hiện để ngăn chặn hay sát hại Người. Phúc Âm thánh Gioan đã đề cập đến một trong những lần đối phương của Người ra tay song làm gì được Người: "Họ tìm cách bắt giữ Người; nhưng không ai đụng được đến Người, vì giờ khắc của Người chưa tới" (Jn.7:30).

Khi giờ khắc của Người đến, nó cũng là giờ khắc của các kẻ thù địch Người. "Ðây là giờ khắc của các người và của quyền lực tối tăm", Chúa Giêsu nói với "các trưởng tế, các đội trưởng đền thờ và các kỳ lão đến bắt Người" (Lk.22:52-53).

Trong giờ khắc tối tăm này, một giờ khắc dường như không ai có thể ngăn cản nổi quyền lực ngông cuồng của sự dữ.

Tuy nhiên, giờ khắc này cũng vẫn ở trong quyền năng của Chúa Cha. Ngài cho phép các địch thù của Chúa Giêsu bắt được Người. Việc họ làm đã được nhiệm mầu gói ghém trong dự án Thiên Chúa phác họa trong việc cứu rỗi tất cả mọi người.

5 - Bởi thế, giờ khắc của các kẻ thù địch đã bị lấn át bởi giờ khắc của Chúa Giêsu là giờ khắc tử nạn, giờ khắc Người hoàn tất sứ mệnh của mình. Phúc Âm thánh Gioan đã cho chúng ta thấy tâm trạng của Chúa Giêsu vào lúc bắt đầu Bữa Tiệc Ly: "Khi Chúa Giêsu biết rằng giờ khắc Người phải lìa thế gian mà về cùng Cha đã điểm, thì Người đã yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở trần gian Người vẫn yêu thương họ đến cùng" (Jn.13:1). Thế nên, giờ khắc này cũng là giờ khắc yêu thương, một tình yêu muồn yêu "cho đến cùng", tức là, yêu bằng một hiến tặng tuyệt vời. Trong hy hiến của mình, Chúa Kitô đã tỏ ra một tình yêu tuyệt hảo đối với chúng ta; Người không thể nào yêu thương chúng ta sâu đậm hơn được nữa!

Giờ khắc quyết liệt này là giờ khắc của tử nạn cũng là giờ khắc của vinh quang. Theo Phúc Âm thánh Gioan, đó là giờ khắc Con Người "bị treo lên khỏi đất" (Jn.12:32). Việc nâng lên trên Thập Giá là việc nâng lên vinh hiển thiên đình. Lúc ấy là giờ khắc mở màn cho một mối liên hệ mới với nhân loại, nhất là với các môn đệ, như chính Chúa Giêsu đã loan báo: "Thày đã nói với các con điều này bằng những ám chỉ; đã đến giờ khắc Thày không nói với các con bằng những ám chỉ nữa, mà nói thẳng với các con về Cha" (Jn.16:25).

Giờ khắc tuyệt đỉnh, sau hết, là lúc Con trở về cùng Cha. Giờ khắc này làm sáng tỏ ý nghĩa việc hy hiến của Người và làm trọn nghĩa giá trị của việc Người hy hiến cho nhân loại, thành phần được cứu chuộc và kêu gọi để nên một với Con trong việc Người trở về cùng Cha.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page