Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 60 (Thứ Tư ngày 21-7-1999)

Thiên Ðàng
là Hiệp Thông trọn vẹn với Thiên Chúa

Khi hình thể của thế giới này qua đi, những ai đã tiếp nhận Thiên Chúa vào đời sống của mình và đã chân thành mở lòng ra cho tình yêu của Ngài, thì lúc qua đi, cũng sẽ hoan hưởng mục tiêu của cuộc sống con người là được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy "sự sống toàn vẹn này với Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh - mối hiệp thông sự sống và yêu thương này với Chúa Ba Ngôi, với Trinh Nữ Maria, với các thiên thần và tất cả các thánh - được gọi là 'thiên đàng'. Thiên đàng là đích điểm tối hậu và là viên trọn cho những khát vọng sâu xa nhất của con người, là trạng thái hạnh phúc vĩnh viễn tuyệt diệu" (số 1024).

Hôm nay chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa "trời" theo thánh kinh để hiểu rõ hơn thực tại được hàm chứa trong diễn đạt này.

2- Theo ngôn từ kinh thánh, khi được diễn tả chung với "đất", thì "trời" có nghĩa là một phần của vũ trụ. Thánh Kinh nói về việc tạo dựng là "từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trơêi và trái đất" (Gn.1:1).

Nói một cách bóng bảy thì trời được hiểu như là nơi Thiên Chúa ngự, Ðấng bởi thế được phân biệt khỏi loài người (x. Ps.104:2f.; 115:16; Is.66:1). Ngài trông xem và phân xử từ trên trời cao (x.Ps.113:4-9) và nghiêng mình xuống khi được kêu cầu (x.Ps.18:9,10; 144:5). Tuy nhiên, nghĩa bóng của thánh kinh cũng cho thấy rõ Thiên Chúa và trời không phải là một, hay Ngài được chứa đựng trong đó (x.1Kgs.8:27); đây là điều chân thực, mặc dù ở một số đoạn của Cuốn Thứ Nhất Sách Macabê "Trời" là một trong những danh xưng đơn thuần của Thiên Chúa (1Mac.3:18,19,50,60; 4:24,55).

Việc ngôn từ diễn tả trời như nơi cư ngụ siêu việt của Thiên Chúa hằng sống được gắn liền với việc diễn tả về nơi các tín hữu có thể nhờ ân sủng lên đó, như chúng ta thấy trong các đoạn Cựu Ước về Enóc (x.Gen.5:24) và Elia (x.2Kgs.2:11). Như thế, trời trở nên một hình ảnh về sự sống trong Thiên Chúa. Theo ý nghĩa này, Chúa Giêsu nói về "phần thưởng trên trời" (Mt.5:12), và khích lệ người ta "tích trữ cho mình các kho báu trên trời" (Ibid., 6:20; cf.19:21).

3- Tân Ước nhấn mạnh đến ý tưởng về trời trong tương quan với mầu nhiệm Chúa Kitô. Ðể chứng tỏ hy tế của Ðấng Cứu Chuộc đòi phải có một giá trị toàn hảo và vĩnh viễn, Bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái viết rằng Chúa Giêsu "đã vượt qua các tầng trời" (Heb.4:14) và "đã tiến vào không phải một cung thánh do tay phàm nhân làm nên chỉ là phóng ảnh của cung thánh đích thực, mà là vào chính thiên đình" (Ibid., 9:24). Bởi được Chúa Cha yêu thương đặc biệt các tín hữu đã cùng với Ðức Kitô sống lại và trở thành công dân thiên đình. Cần phải nghe lại những gì Thánh Tông Ðồ Phaolô nói với chúng ta về điều này trong một đoạn văn rất mãnh liệt như sau: "Thiên Chúa, Ðấng giầu tình thương, bởi tình yêu cao cả yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta đã chết vì các vấp phạm của mình, đã làm cho chúng ta cùng nhau sống lại với Chúa Kitô (nhờ ân sủng mà anh em được cứu độ), và đã nâng chúng ta lên cùng Ngài, đặt chúng ta ngồi với Ngài trong Chúa Giêsu Kitô ở các chỗ trên thiên đình, để theo lòng nhân từ Ngài có thể tỏ ra cho thấy vào những thời tới đây sự phong phú khôn lường của ân sủng Ngài đối với chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô" (Eph.2:4-7). Vai trò làm cha của Thiên Chúa, Ðấng giầu tình thương, được các tạo vật nghiệm thấy nơi Con Thiên Chúa tử giá và phục sinh là vị ngự trên trời như Chúa bên hữu Chúa Cha.

4- Sau cuộc sống trần gian này, bởi thế, việc tham dự thân tình hoàn toàn với Chúa Cha xẩy ra là nhờ ở việc chúng ta được liên kết với mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô trên trời vào ngày tận thế bằng một hình ảnh tương quan sống động: "Rồi tới chúng ta là những kẻ đang sống sót, thành phần còn lại, sẽ được cùng họ đưa lên các tầng mây để gặp gỡ Chúa trên không trung; nhờ đó chúng ta sẽ luôn được ở cùng Chúa. Bởi thế anh em hãy dùng những lời lẽ này mà an ủi lẫn nhau" (1Thes.4:17-18).

Theo ý nghĩa Mạc Khải, chúng ta biết rằng "trời" hay "hạnh phúc" mà trong đó chúng ta sẽ tìm thấy chính mình không phải là một cái gì trừu tượng hay là một nơi chốn về thể lý trên các tầng mây, mà là mối liên hệ riêng tư với Chúa Ba Ngôi. Ðó là việc chúng ta gặp gỡ Chúa Cha trong Chúa Kitô phục sinh nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần.

Cần phải luôn luôn giữ một mức độ nào đó trong việc diễn tả "các thực tại tối hậu" này, vì việc dùng ngôn từ diễn tả nó không bao giờ thỏa đáng được. Ngày nay, ngôn từ tâm lý xứng hợp hơn trong việc diễn tả tình trạng hạnh phúc và an bình chúng ta sẽ được hoan hưởng trong mối hiệp thông vĩnh viễn với Thiên Chúa.

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo tóm gọn giáo huấn của Giáo Hội về sự thật này như sau: "Bởi sự chết và Phục Sinh của mình, Chúa Giêsu Kitô đã 'mở' thiên đình ra cho chúng ta. Sự sống này của thành phần vinh phúc là ở việc chiếm hữu trọn vẹn và toàn hảo các hoa trái cứu chuộc do Chúa Kitô hoàn tất. Người làm cho những ai tin nơi Người và trung thành với ý muốn của Người thành các người được đồng hưởng vinh quang thiên đình của Người. Thiên đình là cộng đồng thành phần vinh phúc của tất cả những ai liên kết toàn vẹn với Chúa Kitô" (số 1026).

5- Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng cuối cùng này có thể được ngưỡng vọng một cách nào đó nơi đời sống bí tích, mà trung tâm điểm của đời sống này là Thánh Thể, cũng như nơi việc hiến tặng bản thân bằng tình bác ái huynh đệ. Nếu chúng ta có thể hưởng nhận một cách thích đáng các sự lành Chúa tuôn xuống cho chúng ta mỗi ngày, là chúng ta đã bắt đầu cảm nghiệm được niềm vui và an bình mà một ngày kia sẽ hoàn toàn là của chúng ta. Chúng ta biết rằng, trên trần gian này, mọi sự đều có giới hạn, thế nhưng tư tưởng về các thực tại "tối hậu" lại giúp chúng ta sống tốt lành hơn các thực tại "cận hậu". Chúng ta biết rằng, khi chúng ta trải qua đời này, chúng ta được kêu gọi tìm kiếm "những sự trên cao, nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa" (Col.3:1), để ở với Người trong sự viên mãn cánh chung, khi Thần Linh hoàn toàn hòa giải "tất cả mọi sự, dưới đất cũng như trên trời" (Col.1:20) với Chúa Cha.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page