Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 58 (Thứ Tư ngày 2-6-1999)

Các Tín Hữu Chúa Kitô
Không Nên Sợ Chết

Sau khi suy niệm về định mệnh chung của nhân loại, khi nó được hoàn tất vào lúc tận cùng của thời gian, hôm nay chúng ta cần để ý đến một đề tài khác trực tiếp liên quan đến chúng ta, đó là ý nghĩa của cái chết. Ngày nay, nói đến cái chết đã trở thành một vấn đề khó khăn, bởi các cơ cấu xã hội thịnh vượng đang có khuynh hướng gạt bỏ thực tại này, một thực tại mà nguyên nghĩ đến nó thôi cũng đủ lo âu rồi. Thật thế, như Công Ðồng Chung Vaticanô II đã nhận xét, "chính vì vấn đề chết chóc mà thân phận con người hầu như đã bị phủ liệm bằng một nỗi mơ hồ" (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 18). Thế nhưng, về thực tại này, Lời Chúa đã hiến cho chúng ta một ánh sáng và niềm an ủi, mặc dù từ từ.

Trong Cựu Ước, những ghi nhận đầu tiên phát xuất từ cảm nghiệm chung nơi người chết, thành phần chưa được niềm hy vọng về một cuộc sống phúc hạnh sau khi chết chiếu tỏ. Chung chung tin rằng sự sống con người kết thúc trong "Sheol", một chốn tối tăm không có sự sống toàn vẹn. Ðiều này được thấy rất rõ qua các câu nói trong Sách ông Gióp: "Những ngày tôi sống trên đời không ngắn ngủi lắm sao? Cứ mặc kệ tôi, để tôi có thể tìm thấy một chút ủi an trước khi tôi đi đến nơi tôi sẽ không còn trở lại nữa, đến một miền đất mù mịt và thâm u, một miền đất lu mờ và hỗn mang, nơi ánh sáng như là bóng tối" (Jb.10:20-22).

2- Mạc Khải của Thiên Chúa dần dần vượt trên quan niệm khắc nghiệt về sự chết này, và việc con người suy tư đã hướng về những chân trời sẽ được hoàn toàn tỏ rạng trong ánh sáng của Tân Ước.

Trước hết, chúng ta có thể hiểu rằng nếu cái chết là một kẻ thù tàn nhẫn của con người, ra sức để chế ngự và thống trị con người, thì Thiên Chúa không thể nào lại là Ðấng đã dựng nên nó, vì Ngài không thể hân hoan vui sướng khi thấy sinh vật bị hủy diệt (x.Wis.1:13). Dự án ban đầu của Thiên Chúa thì khác hẳn, song dự án của Ngài đã bị cản trở bởi việc con người sa ngã phạm tội theo ma qủi lôi cuốn, như Sách Khôn Ngoan đã cho biết: "Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống bất tử, và tạo nên họ theo hình ảnh đời đời của Ngài, thế nhưng vì lòng ghen ghét của ma qủi, sự chết đã vào thế gian, và những ai thuộc về hắn đều cảm thấy nó" (Wis.2:23-24). Chúa Giêsu cũng đã ngầm nói đến tư tưởng này (x.Jn.8:44), và giáo huấn của Thánh Phaolô về Ơn Cứu Chuộc đạt được bởi Chúa Kitô, Tân Adong (x.Rm.5:12,17; 1Cor.15:21), cũng căn cứ vào điểm này. Bằng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của mình, Chúa Giêsu đã chế ngự cả tội lỗi lẫn sự chết là hậu qủa của tội lỗi.

3- Căn cứ vào những gì được Chúa Giêsu hoàn thành, chúng ta có thể hiểu được thái độ của Thiên Chúa là Cha hướng về sự sống và sự chết nơi tạo vật của Ngài. Thánh Vịnh gia đã cảm nhận được rằng Thiên Chúa không thể nào bỏ rơi các tôi tớ trung thành của Ngài trong mồ, cũng không thể nào để kẻ đạo hạnh phải chịu hủy hoại (x.Ps.16:10). Tiên tri Isaia đã vạch ra cho thấy một tương lai mà sự chết sẽ muôn đời bị Thiên Chúa hủy diệt, bằng việc lau khô "nước mắt trên mọi khuôn mặt" (Is.25:8), và bằng việc phục hồi sự sống mới cho kẻ chết: "Kẻ chết của Người sẽ sống, thân xác chúng sẽ phục sinh. Ôi những kẻ cư ngụ trong bụi đất, hãy tỉnh giấc và hát mừng! Vì sương sa của Người là sương sa óng ánh, và Người sẽ để cho nó nhỏ xuống trên miền đất âm u" (ibid., 26:19). Hình ảnh trái đất như một người mẹ sửa soạn hạ sinh một hữu thể sinh động mới và cho vào đời kẻ công chính sống trong Thiên Chúa, một hình ảnh vượt trên sự chết là cái san bằng thân phận của tất cả mọi sinh vật. Nhờ đó, cho dù kẻ công chính có "bị trừng phạt trước mắt người đời, hy vọng của họ cũng tràn đầy bất hủ" (Wis.3:1,4).

Hy vọng phục sinh được chiếu giãi chói ngời ở Cuốn Thứ Hai Sách Macabe, qua cuộc tử đạo của bảy anh em và bà mẹ của họ. Một người trong họ nói với đôi tay của mình rằng: "Tôi đã nhờ trời mà có đôi bàn tay này; vì lề luật của Ngài, tôi coi nhẹ chúng; tôi hy vọng sẽ nhận lại chúng từ Ngài" (2Mac.7:11); một người khác thì "khi gần chết đã nói rằng 'tôi muốn lãnh lấy cái chết nơi tay con người vì hy vọng Thiên Chúa ban cho được hồi sinh'" (ibid.7:14). Bà mẹ của các người con này đã can trường khuyên giục họ trong việc đón nhận cái chết vì niềm hy vọng này (cf.ibid.,7:29).

4- Trong Cựu Ước, các tiên đã cảnh giác dân chúng trông đợi "ngày của Chúa" với một tấm lòng ngay thẳng, hay nó sẽ trở nên "tối tăm không sáng tỏ" (x.Am.5:18,20). Mạc khải đầy đủ của Tân Ước đã nhấn mạnh rằng mọi người sẽ phải chịu phán xét (x.1Pt.4:5; Rm.14:10). Thế nhưng, kẻ công chính sẽ không hãi sợ ngày này, vì là thành phần tuyển chọn, họ được ấn định đến để lãnh nhận gia sản hứa ban; họ sẽ được đặt ngồi bên hữu Chúa Kitô, Ðấng sẽ gọi họ là "kẻ được Cha Ta chúc phúc" (Mt.25:34; x.22:14; 24:22,24).

Cái chết mà tín hữu trải qua như phần tử của Nhiệm Thể mở lối cho họ về cùng Chúa Cha, Ðấng đã tỏ cho chúng ta thấy tình Ngài yêu thương nơi cuộc tử nạn của Chúa Kitô, Lễ Tế "đền tội chúng ta" (1Jn.4:10; x.Rm.5:7). Về vấn đề sự chết, Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh rằng: "Vì những ai chết trong ơn nghĩa với Chúa Kitô là được tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa, để cũng có thể thông phần phục sinh" (số 1006).

Chúa Giêsu "yêu thương chúng ta và đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta bằng máu của mình, và làm cho chúng ta nên một vương quốc, nên các vị tư tế cho Thiên Chúa cũng là Cha của Người" (Rev.1:5-6). Dĩ nhiên, cần phải vượt qua sự chết, thế nhưng, giờ đây chúng ta tin tưởng rằng chúng ta sẽ được gặp Chúa Cha, khi mà "thân xác hư hoại này mặc lấy bất hoại tính, thân xác hữu tử này mặc lấy bất tử tính" (1Cor.15:54). Bấy giờ sẽ được thấy rõ rằng "sự chết đã bị chiến thắng nuốt mất tiêu" (ibid.), và chúng ta sẽ có thể đối diện với nó một cách cứng cát và hiên ngang: "Ôi tử thần, chiến thắng của ngươi đâu rồi? Ôi thần chết, tử khí của ngươi đâu rồi?" (ibid.v.55). Chính vì viễn quan Kitô giáo về sự chết này đã khiến cho Thánh Phanxicô Khó Khăn than lên: "Lạy Chúa, chúc tụng Chúa về bà chị chết chóc phần xác của chúng tôi" (Fonti Francescane, n.263). Với cái nhìn ủi an này, chúng ta có thể hiểu được niềm phúc hạnh được Sách Khải Huyền loan báo như hoàn tất các Phúc Hạnh của Phúc Âm: "'Bởi thế phúc cho kẻ chết trong Chúa'. ‘Thần Linh phán: 'Thật vậy, phúc thay họ được nghỉ ngơi khó nhọc, vì các việc họ làm đều theo họ!'" (Rev.14:13).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page