Trong năm cuối cùng dọn mừng Cuộc Mừng Kỷ Niệm này, đề tài chúng ta đang suy niệm liên quan đến cuộc hành trình của nhân loại tiến về cùng Chúa Cha gợi ý cho chúng ta nghĩ tới ý nghĩa cánh chung, nói cách khác, tới ngày cùng tận của lịch sử nhân loại. Nhất là trong thời đại của chúng ta đây, mọi sự đang tiến ở một tốc độ không thể tưởng tượng nổi, bởi những khám phá về khoa học và kỹ thuật cũng như bởi ảnh hưởng của việc truyền thông. Thành ra tự nhiên chúng ta hỏi mình về ý nghĩa của định mệnh và cùng đích của nhân loại. Lời Thiên Chúa đã hiến cho chúng ta câu trả lời chính xác cho vấn đề này và tỏ cho chúng ta thấy dự án cứu độ Chúa Cha thực hiện nơi lịch sử qua Chúa Kitô nhờ tác động của Thần Linh.
Trong Cựu Ước, điểm qui chiếu chính là biến cố Xuất Hành trong chiều hướng nhắm tới việc tiến vào đất hứa. Xuất Hành không phải chỉ là một biến cố lịch sử, mà còn là một mạc khải cho thấy công việc cứu độ của Thiên Chúa, một công cuộc sẽ dần dần được nên trọn, như các vị tiên tri đã cố gắng giãi sáng vào thời điểm hiện tại cũng như tương lai của dân Yến-Duyên.
2 - Trong cuộc Lưu Ðầy, các tiên tri cũng báo trước về một biến cố Xuất Hành mới, một cuộc trở về đất hứa. Ban lại cho dân mình mảnh đất này, Thiên Chúa chẳng những đem dân Ngài phân tán từ các nước tụ họp về, mà còn biến đổi cõi lòng mỗi một người nữa, tức là, biến đổi khả năng nhận biết, yêu thương và tác hành của họ: "Ta sẽ ban cho họ một con tim bằng thịt, để họ có thể bước đi theo các huấn thị của Ta, tuân giữ các chỉ thị của Ta và thi hành chúng; rồi họ sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ" (Ez. 11:19-20; x. 36: 26-28).
Nhờ quyết tâm tuân giữ các qui luật do Giao Ước thiết định, dân Chúa đã có thể sống trong một hoàn cảnh tương tự như cảnh sắc xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa vào lúc tạo thành: "Mảnh đất đã bị hoang phế này đã trở nên như một vườn Ðịa Ðường; và các thành đô hoang vu, phế bỏ và tàn rụi nay trở thành nơi cư ngụ và thành lũy" (ibid., 36:35). Ðó là giao ước mới, được thể hiện một cách cụ thể nơi việc tuân giữ lề luật ghi khắc trong lòng họ (x.Jer.31:31-34).
Từ đó, chân trời được nới rộng và một miền đất mới được hứa ban. Cùng đích là một tân Gia-Liêm, nơi không còn mọi sầu khổ, như chúng ta đọc thấy trong Sách Tiên Tri Isaia: "Này đây Ta tạo nên các tầng trời mới và đất mới… Ta làm cho Gia-Liêm hoan hỉ và dân cư vui mừng. Ta sẽ hân hoan nơi Gia-Liêm và sung sướng nơi dân của Ta; sẽ không còn nghe thấy nơi ấy tiếng khóc than hay tiếng kêu la sầu buồn nữa" (Is.65:17-19).
3 - Sách Khải Huyền đã tiếp tục viễn ảnh này. Thánh Gioan viết: "Bấy giờ tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời trước và đất trước đã qua đi, cả biển cũng chẳng còn. Rồi tôi thấy thành thánh là tân Gia-Liêm, nơi Thiên Chúa từ trời xuống, trang điểm như hôn thê nghênh đón phu quân của mình" (Rev.21:1f). Ðoạn Khải Huyền về cuộc tân tạo này đòi hỏi một quyết tâm nên thánh được Tân Ước phác họa theo chiều hướng sâu xa hết sức, như chúng ta đọc thấy trong Thư Thứ Hai của Thánh Phêrô: "Vì tất cả những sự này sẽ bị tiêu tan như vậy mà anh em phải là những con người sống thánh thiện và đạo hạnh, chờ đợi và hối hả mong cho Ngày của Thiên Chúa chóng đến, vì trong ngày đó các tầng trời sẽ bị thiêu rụi và tiêu tan, ngũ hành cũng sẽ bị lửa làm cho chảy ra! Thế nhưng, theo lời Ngài hứa, chúng ta trông đợi trời mới và đất mới là nơi công chính ngự trị" (2Pt.3:11-13).
4 - Việc Chúa Kitô phục sinh, lên trời và công bố lần đến thứ hai của Người đã mở ra những chân trời cánh chung mới mẻ. Trong bài Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói: "Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Khi Thầy đi dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đến với Thầy, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó" (Jn.14:2-3). Thế nên, Thánh Phaolô mới viết cho giáo đoàn Thessalônica: "Vì chính Chúa sẽ từ trời xuống bằng một lệnh vang lên, bằng tiếng kêu của tổng thần và bằng tiếng kèn thổi của Thiên Chúa. Kẻ chết trong Chúa Kitô sẽ sống lại trước hết; rồi đến chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn lại, sẽ được mang lên với họ trên các tầng mây để gặp Chúa trong thinh không; và chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi" (1Thes.4:16-17).
Chúng ta chưa được biết về ngày của biến cố cuối cùng này. Chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi Chúa Kitô phục sinh, Ðấng khi được các Tông Ðồ hỏi về việc phục hồi vương quốc Yến-Duyên, đã trả lời cho các vị biết bằng việc kêu mời các vị rao giảng và làm chứng: "Không phải việc các con cần biết về thời gian hay thời buổi Cha đã ấn định theo quyền hạn của Ngài. Thế nhưng, các con sẽ lãnh nhận quyền năng khi Thánh Thần đến với các con; và các con sẽ là các chứng nhân của Thầy ở Gia-Liêm, khắp Giuđêa và Samaria, cho đến tận cùng trái đất" (Acts 1:7-8).
5 - Chúng ta phải chờ đợi biến cố cuối cùng này bằng một niềm cậy trông điềm tĩnh, ở chỗ, vào thời điểm của mình chúng ta xây dựng vương quốc mà Chúa Kitô sau cùng sẽ qui về cho Chúa Cha: "Thế rồi sau đó mới tới tận cùng, lúc mà, sau khi mọi quyền vương, quyền bính và quyền năng bị hủy diệt, Người sẽ trao vương quốc về cho Thiên Chúa là Cha" (1Cor.15:24). Cùng với Chúa Kitô chiến thắng mọi quyền năng đối nghịch, cả chúng ta nữa cũng sẽ được thông dự vào cuộc tân tạo, một cuộc tân tạo do việc cuối cùng qui tất cả mọi sự về cho Ðấng nhờ Ngài mọi sự có: "Sau hết, khi tất cả mọi sự qui thuận Con thì Người qui thuận chính mình cho Ðấng làm cho mọi sự qui thuận Người, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự" (ibid., 15:28).
Vì thế, chúng ta phải xác tín rằng "đất nước của chúng ta ở trên trời, và chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô ở đó" (Phil 3:20). Chúng ta không có thành đô nào bền vững trên thế gian này (x.Heb.13:14). Là những kẻ lữ hành tìm kiếm một nơi cư ngụ vĩnh viễn, như các vị Tổ Phụ trong đức tin của mình, chúng ta phải trông mong một quê hương tốt đẹp hơn, "đó là quê hương thiên đình" (ibid.11:16).
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch