Ðể tiếp tục việc chúng ta bàn đến vấn đề đối thoại liên tôn, hôm nay chúng ta suy đến việc đối thoại với người Hồi Giáo, thành phần "cùng với chúng ta tôn thờ một Thiên Chúa xót thương duy nhất" (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 16; xem Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 841). Giáo Hội coi trọng họ, bởi Giáo Hội chân nhận rằng đức tin của họ đặt nơi vị Thiên Chúa siêu việt góp phần vào việc xây dựng một gia đình nhân loại mới theo những khát vọng cao cả nhất của lòng trí con người.
Giống người Do Thái và Kitô Hữu, người Hồi Giáo cũng nhận thấy nhân vật Abraham như là một mô phạm của việc hoàn toàn thuận phục các chỉ thị của Thiên Chúa (Tuyên Ngôn Nostra Aestate, đoạn 3). Theo gương Abraham, tín đồ Hồi Giáo cố gắng đặt Thiên Chúa vào đúng vị trí của Ngài trong đời sống của họ, như là nguyên thủy, là vị tôn sư, là vị hướng đạo và là cùng đích tối hậu của tất cả mọi hữu thể (Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Ðối Thoại Liên Tôn, Sứ Ðiệp gửi Người Hồi Giáo dịp kết Mùa Ramadan, 1417/1997). Tính chất đơn sơ dễ dậy và cởi mở của con người trước ý muốn của Thiên Chúa ấy được dịch ra thành một thái độ cầu nguyện nói lên hiện trạng của mỗi người trước Ðấng Hóa Công.
Theo con đường do Abraham mở lối trong việc thuận phục thiên ý, chúng ta thấy giòng dõi của ông là Ðức Thánh Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Vị cũng được người Hồi Giáo thiết tha kêu cầu, nhất là nơi việc đạo đức thịnh hành của họ.
2 - Kitô hữu chúng ta vui mừng nhận thấy chúng ta có những giá trị tôn giáo giống Hồi Giáo. Hôm nay Tôi muốn lập lại những gì Tôi đã nói với giới trẻ Hồi Giáo mấy năm trước đây ở Casablanca: "Chúng ta tin tưởng cùng một vị Thiên Chúa, vị Thiên Chúa duy nhất, vị Thiên Chúa hằng sống, vị Thiên Chúa dựng nên thế gian và làm cho tạo vật của mình đạt đến mức trọn hảo của chúng" (Insegnamenti, VIII/2, [1985], trang 497). Gia sản nơi các bản văn mạc khải trong Thánh Kinh đã nhất trí nói đến duy nhất tính của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng tái xác nhận điều này, khi hợp với dân Yến-Duyên trong lời tuyên xưng: "Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất" (Mk.12:29; x. Dt.6:4-5). Duy nhất tính này cũng được tái xác nhận nơi các lời chúc tụng phát xuất từ lòng trí của Thánh Tông Ðồ Phaolô: "Tôn kính và hiển vinh muôn đời cho vị vua của các thế hệ, bất tử, vô hình là Thiên Chúa duy nhất. Amen" (1Tim.1:17).
Chúng ta biết rằng, theo ánh sáng của Mạc Khải được tỏ bày trọn vẹn nơi Chúa Kitô thì duy nhất tính nhiệm mầu này không thể nào lại bị thu hẹp thành một sự hiệp nhất theo con số. Mầu nhiệm Kitô Giáo đưa chúng ta tới việc chiêm ngưỡng ba ngôi vị Cha, Con và Thánh Thần trong mối hiệp nhất thực sự của Thiên Chúa: mỗi ngôi có bản thể thần linh trọn vẹn và bất phân, song mỗi ngôi lại khác biệt ở mối liên hệ với nhau.
3 - Mối liên hệ nơi Ba Ngôi không thể hóa giải duy nhất tính của Thiên Chúa, như Công Ðồng Latêranô Thứ Bốn (1215) cắt nghĩa: "Mỗi ngôi vị là một thực tại tối thượng, tức là một bản thể thần linh, một yếu tính hay bản tính thần linh… không phát sinh, không được sinh hay không xuất sinh" (DS 804). Tín lý Kitô Giáo về Chúa Ba Ngôi được các Công Ðồng xác quyết, dứt khoát phủ quyết bất cứ hình thức "tam chúa" hay "đa thần" nào. Như thế, nếu chỉ có một bản thể thần linh duy nhất, thì giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo có một sự tương đồng đáng chú ý.
Tuy nhiên, sự tương đồng này không được làm cho chúng ta quên đi cái khác biệt giữa hai tôn giáo. Chúng ta biết rằng, mối duy nhất của Thiên Chúa được biểu lộ nơi mầu nhiệm ba Ngôi Vị thần linh. Thật vậy, bởi là Tình Yêu (x. 1Jn.4:8), Thiên Chúa bao giờ cũng là một vị Cha hiến toàn thể bản thân mình ra ở việc sinh vị Con, và cả hai Cha Con hiệp nhất trong mối hiệp thông yêu thương là Chúa Thánh Thần. Việc biệt phân và tương nhập (perichoresis) nơi ba Ngôi Vị thần linh này không phải là một điều gì đó được thêm thắt vào mối hiệp nhất của các vị mà là một thể hiện sâu xa và đặc thù nhất của sự việc.
Ðàng khác, chúng ta cũng không được quên rằng, niềm tin độc thần có Ba Ngôi riêng biệt của Kitô Giáo là một mầu nhiệm bất khả thấu đối với trí khôn con người là tài năng dầu vậy cũng được kêu gọi để chấp nhận mạc khải về bản tính nội tại của Thiên Chúa (x. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 237).
4 - Cuộc đối thoại liên tôn mang lại kiến thức hiểu biết và cảm nhận nhau sâu xa hơn là một dấu hy vọng cả thể (Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Ðối Thoại Liên Tôn, Sứ Ðiệp gửi Người Hồi Giáo dịp kết Mùa Ramadan, 1418/1998). Các truyền thống Kitô Giáo và Hồi Giáo đều có một lịch sử lâu đời về việc học hỏi, về suy tư triết lý và thần học, về văn chương và khoa học, còn lưu dấu nơi các nền văn hóa Ðông Tây. Việc tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, Ðấng Hóa Công của tất cả mọi sự, khích lệ chúng ta hiểu biết nhau hơn trong tương lai.
Nơi một thế giới Thiên Chúa đang bị quên lãng một cách thảm thương hôm nay đây, các người Kitô Hữu và Hồi Giáo được kêu gọi hiệp nhất trong tinh thần yêu thương để bảo vệ và luôn luôn đề cao phẩm vị con người, các giá trị luân lý và tự do. Cuộc lữ hành chung tiến về vĩnh cửu phải được thể hiện nơi nguyện cầu, chay tịnh và bác ái, mà còn nơi cả nỗ lực chung trong việc xây dựng hòa bình và công chính, việc tiến bộ con người và việc bảo trì môi sinh. Nhờ sát cánh bước đi bên nhau trên con đường hòa giải và nơi việc khiêm tốn thuận phục ý muốn thần linh để dứt bỏ các hình thức bạo động như cách thức giải quyết những sự khác biệt nhau, hai tôn giáo sẽ có thể cho thấy một dấu hy vọng, tỏa chiếu vào thế giới sự khôn ngoan và tình thương của một vị Thiên Chúa duy nhất là Ðấng dựng nên và cai quản gia đình nhân loại.
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch