"Thánh Tông Ðồ Phaolô dạy rằng: "Quê hương của chúng ta ở trên trời, nơi chúng ta trông đợi một vị Cứu Tinh là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng sẽ biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên như thân xác vinh hiển của Người, bằng quyền năng khiến Người bắt tất cả mọi sự phải lụy thuộc Người" (Phil.3:20-21).
Như Chúa Thánh Thần đã biến đổi thân xác của Chúa Giêsu Kitô thế nào khi Chúa Cha phục sinh Người từ trong kẻ chết, thì cũng vị Thần Linh này sẽ mặc cho thân xác chúng ta vinh quang của Chúa Kitô như vậy. Thánh Phaolô viết: "Nếu Thần Linh của Ðấng phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em thì Ðấng đã phục sinh Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết, nhờ Thần Linh là Ðấng ngự trong anh em cũng sẽ ban sự sống cho thân xác tử vong của anh em" (Rm.8:11).
2 - Ngay từ đầu, đức tin Kitô giáo nơi việc phục sinh của xác thịt đã gặp phải những hiểu lầm và chống đối. Thánh Tông Ðồ đã cảm nhận được điều này ngay khi ngài loan báo Phúc Âm ở giữa Thượng Công Hội thành Nhã Ðiển: "Khi họ nghe đến kẻ chết sống lại", theo Sách Tông Vụ thuật lại, "thì có một số cười nhạo; còn một số khác nói 'Chúng tôi sẽ nghe ngài thêm về vấn đề này sau'" (Acts 17:32).
Mối trở ngại này cũng xẩy ra vào cả ở thời đại của chúng ta nữa. Ngoài ra, ngay cả những ai tin tưởng có một thể thức tồn tại nào đó sau khi chết cũng tỏ ra ngờ vực trước sự thật đức tin, một sự thật làm sáng tỏ vấn đề hiện hữu của con người trong ý nghĩa Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Thêm vào đó, nhiều người còn nhận thấy cái hấp dẫn của một niềm tin nơi thuyết luân hồi, một triết thuyết đã ăn rễ sâu vào mảnh đất tôn giáo của một số văn hóa Ðông phương (x.Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 9).
Mạc khải Kitô giáo, mặc dù cảm nhận được cái thâm sâu về tính chất bất tử nơi giáo huấn của một số vĩ nhân tìm kiếm Thiên Chúa truyền dạy, song vẫn không thỏa mãn với một cảm nhận mơ hồ về sự sống còn. Dầu sao chúng ta cũng thấy rằng tư tưởng về luân hồi đã được phát xuất từ một ước muốn bất tử thiết tha từ việc nhận thấy sự sống con người là một "thử thách" liên quan đến cùng đích của con người, và từ nhu cầu cần phải hoàn toàn được thanh tẩy để đạt tới tình trạng hiệp thông với Thiên Chúa. Tuy nhiên, luân hồi thuyết không bảo đảm được cái căn tính đặc thù cá biệt của mỗi một con người tạo vật là đối tượng của mối tình Thiên Chúa yêu thương riêng tư, cũng như tính chất chuyên chính của việc con người hiện hữu như là một "thần linh nhập thể".
3 - Chứng cớ Tân Ước, trước hết, đã nhấn mạnh đến thực tại của Việc Phục Sinh, cả về thể chất, của Chúa Giêsu Kitô. Các vị Tông Ðồ đã minh nhiên làm chứng cho sự kiện này, khi nói đến cảm nghiệm của mình về những lần hiện ra của Chúa: "Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại vào ngày thứ ba và tỏ mình ra… cho chúng tôi là thành phần Thiên Chúa chọn làm các nhân chứng, thành phần đã ăn uống với Người sau khi Người sống lại từ cõi chết" (Acts 10:40-41). Phúc Âm thứ bốn cũng chú trọng đến thực tại phục sinh này, chẳng hạn, khi trình thuật đoạn Tông Ðồ Tôma được Chúa Giêsu mời chọc ngón tay của thánh nhân vào dấu đinh tay Người, cũng như chọc bàn tay thánh nhân vào cạnh sườn Người (x.Jn.20:24-29). Rồi vào lần hiện ra ở bờ Biển Hồ Tibêria, Chúa Giêsu phục sinh "đã cầm lấy bánh và trao cho các vị, cả cá nữa" (Jn.21:13).
Thực tại của những lần hiện ra này chứng tỏ là Chúa Giêsu đã sống lại với thân xác của Người và đang sống động bằng thân xác ấy bên Chúa Cha. Tuy nhiên, thân xác ấy là một thân xác hiển vinh, không còn lệ thuộc vào sự chi phối của không gian và thời gian nữa, một thân xác đã được biến đổi trong vinh quang của Chúa Cha. Nơi Chúa Kitô phục sinh, chúng ta thấy mạc khải về tình trạng cánh chung mà tất cả những ai lãnh nhận ơn cứu chuộc của Người đều được kêu gọi đạt đến vào một ngày kia, một tình trạng Ðức Trinh Nữ đã đạt đến trước chúng ta, Ðấng mà "khi cuộc sống trần gian của Người chấm dứt, cả hồn lẫn xác của Người đã được mang lên hưởng vinh quang thiên quốc" (Ðức Piô XII, Tông Hiến Munificentissimus Deus, 1/11/1950, DS 3903; x. Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 59).
4 - Bởi thế, khi nói đến trình thuật về việc tạo dựng trong Sách Sáng Thế Ký và giải thích việc Phục Sinh của Chúa Giêsu như là một "việc tân tạo", Thánh Tông Ðồ Phaolô mới viết: "Con người Adong đầu tiên đã trở thành một hữu thể sống động; Adong sau đã trở nên thần linh ban sự sống" (1Cor.15:45). Bằng một đường lối nhiệm mầu song thực sự, tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô đều được thông phần vào thực tại vinh hiển của Người, nhờ việc trào đổ Thánh Linh xuống.
Như thế, trong Chúa Kitô, "tất cả mọi người sẽ sống lại với thân xác hiện có" (Công Ðồng Chung Lataranô IV, DS 801), thế nhưng, thân xác của chúng ta ấy sẽ được biến đổi thành một thân xác hiển vinh (x.Phil.3:21), thành một "thân xác linh thiêng" (1Cor.15:44). Khi có người hỏi Thánh Phaolô: "Kẻ chết sống lại ra sao? Họ sẽ sống lại bằng thân xác nào?", ngài đã trả lời họ trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô, khi ngài sử dụng đến hình ảnh của một hạt giống mục nát đi để một sự sống mới vươn lên: "Cái anh em gieo xuống sẽ không mọc lên nếu nó không chết đi. Và cái anh em gieo lại không phải là cái sau này sẽ là, song chỉ là một mầm mống mà thôi, như mầm mống của một hạt lúa miến hay của một hạt giống nào đó… Việc phục sinh của kẻ chết cũng thế. Cái gieo xuống thì khả vong, còn cái sống lại thì bất hoại. Nó được gieo xuống trong bất hạnh song được sống lại trong vinh quang. Nó được gieo xuống trong hèn yếu song được sống lại trong quyền năng. Nó được gieo xuống bằng một thể xác thể lý song được sống lại bằng một thể xác linh thiêng… Vì bản chất khả vong này phải được mặc lấy bản chất bất hoại, và bản chất hư vong này phải được mặc lấy bản chất bất tử" (1Cor. 15:36-37, 42-44, 53).
Ðúng thế, như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cắt nghĩa, "cách thức" việc sống lại này xẩy ra "quá trí tưởng và trí hiểu của chúng ta; chỉ có đức tin mới đạt thấu. Tuy nhiên, việc chúng ta tham dự vào Thánh Thể đã cho chúng ta tiên hưởng được việc Chúa Kitô biến hình thân xác của chúng ta" (số 1000).
Nhờ Thánh Thể Chúa Giêsu ban cho chúng ta, dưới hình bánh rượu, xác thịt của Người được Thánh Linh làm cho dậy lên để ban sự sống cho xác thịt của chúng ta, nhờ đó, chúng ta có thể thông phần vào cuộc Phục Sinh của Người và vào tình trạng vinh hiển với cả hữu thể của chúng ta, tâm thần cũng như xác thể. Về vấn đề này, Thánh Irênê Lyon dạy rằng: "Như bánh từ đất mà có, sau lời kêu cầu Thiên Chúa chúc lành cho nó, không còn là một thứ bánh thường nữa, mà là chính Thánh Thể, được hình thành bởi hai thứ, một bởi đất và một bởi trời: thì thân xác của chúng ta cũng vậy, một xác thân thông phần bí tích Thánh Thể, sẽ không còn bị hư hoại nữa, mà được hưởng một niềm hy vọng phục sinh" (Adversus Haereses, IV, 18, 4-5).
5 - Những gì chúng ta đã nói cho tới đây, qua việc tổng hợp giáo huấn của Thánh Kinh và Thánh Truyền của Giáo Hội, đã nói lên lý do tại sao "Kinh Tin Kính Kitô Giáo… đặt cao điểm vào việc công bố sự phục sinh của thân xác vào ngày sau hết, cũng như vào sự sống trường sinh đời đời" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 988). Bằng việc Nhập Thể, Lời Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt loài người (x.Jn.1:14), khiến cho nó, qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, thông dự vào vinh quang của Người như Người Con Duy Nhất của Chúa Cha. Nhờ các tặng ân của Thần Linh, Chúa Cha đã gieo vào tất cả mọi con người, và bằng một cách nào đó, vào cả vũ trụ nữa, một khát mong đạt đến định mệnh này. Như Thánh Phaolô nói: "Tạo thành ngong ngóng đợi chờ việc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa… vì tạo thành cũng sẽ được giải cứu khỏi cảnh nô lệ sự hư hoại để được hưởng niềm tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa" (Rm.8:19-21).