Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 27 (Thứ Tư ngày 12-8-1998)

Thần Linh hoạt động
trong toàn thể tạo thành
và trong lịch sử

Ðể hướng về Cuộc Ðại Hỷ Mừng Năm 2000, bắt đầu ngay từ Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem Tôi đã kêu gọi anh chị em hãy nhìn "bằng con mắt đức tin hai ngàn năm tác động của Thần Chân Lý, Ðấng qua các thế hệ đã lấy từ kho tàng Ơn Cứu Ðộ do Chúa Kitô lập được mà ban sự sống mới cho con người, mang đến cho họ ơn thừa nhận trong Người Con được hạ sinh Duy Nhất, thánh hóa họ, để họ có thể cùng với Thánh Phaolô lập lại rằng: 'Chúng ta đã lãnh nhận... Thần Linh là Ðấng đến từ Thiên Chúa' (x.1Cor.2:12)" (đoạn 53a).

Trong các bài giáo lý trước đây, chúng ta đã diễn tả việc Thần Linh Thiên Chúa tỏ hiện nơi sự sống của Ðức Kitô vào Ngày Lễ Hiện Xuống là thời điểm Giáo Hội được hình thành, cũng như nơi sự sống chung riêng của các tín hữu. Giờ đây chúng ta hướng về chân trời thế giới và toàn lịch sử nhân loại. Như thế là chúng ta đang di động theo phác họa của cùng bức Thông Ðiệp về Thánh Linh này, bức thông điệp nhấn mạnh đến việc chúng ta không thể giới hạn mình vào hai ngàn năm kể từ khi Ðức Kitô giáng sinh đã qua đi. Chúng ta thực sự cần phải "đi ngược về trước nữa để ôm lấy toàn thể tác động của Thánh Linh ngay cả trước thời Chúa Kitô - từ ban đầu, trên khắp thế giới, nhất là trong công cuộc của Cựu Ước" (cùng nguồn, đoạn 53b). Ðồng thời "chúng ta cần nhìn xa hơn và đi xa hơn thế nữa, khi nhận thức được rằng 'gió thổi đâu tùy ý', theo hình ảnh Chúa Giêsu đã diễn tả trong cuộc nói chuyện với Nicôđêmô" (cùng nguồn, đoạn 53c).

2 - Hơn nữa, khi chú trọng đến mầu nhiệm và sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới, Công Ðồng Chung Vaticanô II đã hiến cho chúng ta luồng gió viễn ảnh này. Công Ðồng chủ trương rằng tác động của Thánh Linh không thể bị giới hạn vào chiều kích cơ cấu của Giáo Hội, nơi mà Thần Linh cũng hoạt động một cách chuyên nhất và trọn vẹn, mà còn phải được nhận thấy cả ở ngoài biên giới hữu hình của Nhiệm Thể Chúa Kitô nữa" (x.Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 22 và Lumen Gentium, đoạn 16).

Về phần mình, cùng với toàn bộ Thánh Truyền, cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã nhắc lại rằng: "Lời của Thiên Chúa và Hơi Thở của Ngài hiện diện ngay từ nguyên thủy của hữu thể và sự sống nơi mọi thụ tạo" (số 703). Và một đoạn ý nghĩa của phụng vụ Byzantine có câu: "Việc cai quản, thánh hóa và linh động tạo vật thuộc về Thánh Linh, vì Ngài là Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con... Quyền năng trên sự sống thuộc về Thần Linh, vì là Thiên Chúa, Ngài bảo trì tạo thành trong Chúa Cha và nhờ Chúa Con" (cùng nguồn). Như thế thì không còn một góc trời nào của tạo vật và không còn một giây phút nào của lịch sử mà Thần Linh không tác động.

Tất cả mọi sự đúng thực đã được Thiên Chúa dựng nên nhờ Ðức Kitô và trong Ðức Kitô (x.Col.1:16), vì ý nghĩa và mục đích tối hậu của việc tạo dựng này là để "hiệp nhất tất cả nơi Người" (Eph.1:10). Tuy nhiên, tất cả mọi sự này được thực hiện bởi quyền phép Thánh Linh cũng là một sự thật. Ðể diễn tả "nhịp điệu" lịch sử cứu độ của Ba Ngôi này, Thánh Irênê viết rằng "Thần Linh sửa soạn con người trước cho Con Thiên Chúa, Con dẫn họ đến cùng Chúa Cha, và Chúa Cha ban cho họ được bất tử và trường sinh" (Adv. Haer., IV,20,5).

3 - Thần Linh Thiên Chúa, Ðấng hiện diện trong việc tạo thành và hoạt động nơi tất cả mọi giai đoạn của lịch sử cứu rỗi, điều khiến mọi sự hướng về biến cố Lời Nhập Thể chung cuộc. Thần Linh này rõ ràng không khác với Ðấng Chúa Kitô tử giá và phục sinh ban cho "ngoài cân lường" (x.Jn.3:34). Cũng vị Thần Linh này đã sửa soạn mùa vọng cho Ðấng Thiên Sai trong thế giới, và bởi Ðức Giêsu Kitô, đã được Thiên Chúa Ngôi Cha thông truyền cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại. Những chiều kích Kitô học và Thánh Linh học không thể tách rời nhau, chẳng những trải suốt giòng lịch sử cứu rỗi mà còn khắp cả lịch sử thế giới nữa.

Bởi thế, chúng ta có thể nghĩ một cách hợp lý rằng đường lối dẫn đến ơn cứu độ đang rộng mở ở bất cứ nơi nào mang những yếu tố của sự chân thật, sự thiện hảo, sự mỹ lệ nguyên tuyền và sự khôn ngoan đích thực, ở bất cứ chỗ nào có những nỗ lực quảng đại trong việc xây dựng một xã hội nhân bản hơn hợp với ý định của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, ở nơi đâu thành tâm trông mong mạc khải của Thiên Chúa và hy vọng hướng về mầu nhiệm cứu rỗi, ở đó chúng ta có thể nhận ra công việc kín đáo và hiệu năng của Thần Linh Thiên Chúa, Ðấng thôi thúc con người đến gặp gỡ Chúa Kitô "là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Jn.14:6). Khi chúng ta lật một số trang văn chương và triết lý tuyệt vời nào đó, ca tụng chính đáng một công trình nghệ thuật hay lắng nghe những khúc nhạc du dương, chúng ta tự nhiên nhận ra nơi những diễn tả loài người tài tình này một phản ánh sáng ngời của Thần Linh Thiên Chúa. Dĩ nhiên, những phản ánh này ở một lãnh vực khác với những can thiệp làm cho con người, được nâng lên bậc siêu nhiên, thành một đền thờ cho Thánh Linh ngự cùng với các Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa (x.Thánh Tôma, Summa Theol., I-II, q.109,a.1,ad 1). Như thế, trực tiếp hay gián tiếp, Thánh Linh hướng dẫn con người đến cùng toàn bộ ơn cứu độ của Ngài.

4 - Vì lý do này chúng ta sẽ dừng lại ở các bài giáo lý tới để chiêm ngưỡng tác động của Thần Linh nơi đấu trường rộng lớn của lịch sử loài người. Cái nhìn này sẽ giúp chúng ta nắm được mối liên hệ sâu xa nối kết Giáo Hội và thế giới, nối kết toàn bộ lịch sử loài người với lịch sử cứu rỗi đặc biệt. Lịch sử cứu rỗi đặc biệt này thực sự không phải là một lịch sử "tách biệt" cho bằng đóng một vai trò liên hệ đến toàn bộ lịch sử loài người, một vai trò mà chúng ta có thể diễn tả như "bí tích", tức là, như một dấu hiệu và dụng cụ của một việc ban tặng cả thể ơn cứu rỗi hướng đến nhân loại nhờ việc Nhập Thể của Lời và việc tràn đổ Thần Linh.

Nắm lấy chiếc chìa khóa này sẽ dễ hiểu được một số trang tuyệt vời của Công Ðồng Chung Vaticanô II về sự liên kết vốn có giữa Giáo Hội và nhân loại. Trong chiều hướng Thánh Linh học này Tôi thích đọc lại khúc mở đầu của Hiến Chế Gaudium et Spes: "Niềm vui và hy vọng, nỗi đau và buồn thương của con người thời đại chúng ta, nhất là của những ai nghèo nàn và khổ sở một cách nào đó, cũng là niềm vui và hy vọng, nỗi đau và buồn thương của các môn đệ Chúa Kitô nữa. Không có gì thuần túy nhân loại lại không được vang vọng nơi tâm can của họ. Vì cộng đồng của họ là một cộng đồng bao gồm những con người, những con người mà, vì được hiệp nhất trong Chúa Kitô và được hướng dẫn bởi Thánh Linh, vươn mình tiến đến vương quốc của Chúa Cha và là những người mang sứ điệp cứu độ dành để cho tất cả mọi người. Ðó là lý do tại sao Kitô Hữu chia sẻ cảm thức về mối liên kết sâu xa với dòng giống loài người cũng như với lịch sử loài người" (đoạn 1).

Ở đây có thể thấy rõ ràng tại sao việc Giáo Hội liên kết với thế giới và sứ mạng của Giáo Hội đối với thế giới phải được hiểu như bắt nguồn từ Chúa Kitô, trong ánh sáng và quyền năng của Thánh Linh. Thế nên, Giáo Hội tự cảm nghiệm thấy mình làm việc cho Thần Linh là Ðấng mầu nhiệm hoạt động trong các cõi lòng và trong lịch sử. Và chúng ta cảm thấy chúng ta được sai đi để lan truyền cho toàn thể nhân loại tầm mức viên trọn Thần Linh đã lãnh nhận vào ngày Thành Thần Hiện Xuống.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page