Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 25 (Thứ Tư ngày 29-7-1998)

Thần Linh là Nguồn Hiệp Thông

"Sách Tông Vụ cho chúng ta thấy cộng đồng Kitô giáo đầu tiên hiệp nhất với nhau bằng một mối hiệp thông huynh đệ vững mạnh: "Tất cả những người tin đồng lòng với nhau lấy tất cả mọi sự làm của chung; họ đã bán đi các sở hữu và sản vật của mình mà phân phối chúng cho tất cả mọi người tùy theo nhu cầu" (2:44-45). Chắc chắn Thánh Linh là căn nguyên của việc thể hiện yêu thương này. Việc Ngài tràn lan vào Ngày Lễ Ngũ Tuần đã là nền tảng cho một tân Gialiêm, một thành đô được xây dựng trên yêu thương, hoàn toàn trái ngược với Babel xưa kia.

Theo đoạn 11 của Sách Khởi Nguyên, các người xây cất Babel đã nhất quyết xây một thành trì có một cái tháp vĩ đại lên đến tận trời. Tác giả sách thánh đã nhìn thấy nơi dự án này một niềm cao ngạo đến điên khùng, gây ra chia rẽ, bất đồng và thiếu hiệp thông.

Trái lại, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ của Chúa Giêsu không muốn ngạo mạn trèo lên đến tận trời mà là khiêm tốn mở lòng ra cho tặng ân từ trời ban xuống. Trong khi ở Babel người ta nói cùng một thứ ngôn ngữ song kết cục họ lại chẳng hiểu nhau, thì vào ngày Lễ Hiện Xuống có nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau mà chúng lại được hiểu một cách rõ ràng. Ðó là một phép lạ của Thánh Linh.

2 - Tác động thích hợp và đặc biệt của Thánh Linh vốn có nơi Ba Ngôi đó là hiệp thông. "Có thể nói rằng, trong Thánh Linh, sự sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi hoàn toàn trở nên một tặng ân, một trao đổi yêu thương hỗ tương giữa các Ngôi thần linh, đồng thời cũng có thể nói rằng nhờ Thánh Linh, Thiên Chúa hiện hữu trong một thể thức ban tặng. Ðó chính là Thánh Linh, Ðấng là diễn đạt riêng tư của việc tặng ban này, của việc là-tình-yêu này" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 10). Chúng ta đọc thấy nơi Thánh Augustinô về Ngôi Ba là "tình yêu cao cả nối kết cả hai Ngôi" (De Trin., đoạn 7,3,6). Thật vậy, Ngôi Cha thụ thai Ngôi Con bằng việc yêu thương Con; Ngôi Con được hạ sinh bởi Ngôi Cha, bằng cách để cho mình được yêu và nhận lấy từ Cha khả năng yêu; Ngôi Thánh Linh là tình yêu Ngôi Cha từ mình hoàn toàn ban tặng, được Ngôi Con trọn vẹn biết ơn nhận lấy và trao trả về cho Ngôi Cha.

Thần Linh cũng là tình yêu và là tặng ân riêng tư chất chứa mọi tặng ân ban phát: sự sống, ân sủng và vinh quang. Mầu nhiệm của mối hiệp thông này chiếu giãi nơi Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, được Thánh Linh khơi lên. Chính Thánh Linh làm cho chúng ta "nên một trong Chúa Giêsu Kitô" (Gal.3:28) và từ đó tháp nhập chúng ta vào cùng một mối hiệp nhất nối kết Ngôi Con với Ngôi Cha. Chúng ta không khỏi ngỡ ngàng về mối hiệp thông thiết tha và thân tình giữa Thiên Chúa với chúng ta ấy!

3 - Sách Tông Vụ trình thuật một vài tình trạng tiêu biểu để chúng ta hiểu Thần Linh đã giúp Giáo Hội sống hiệp thông thế nào trong thực hành, khiến Giáo Hội có thể thắng vượt những trục trặc gặp phải từ thời này sang thời khác.

Khi có những người không thuộc về thành phần dân Yến-Duyên (Israel) mới gia nhập cộng đồng Kitô hữu thì Giáo Hội đã cảm nghiệm được giây phút khốc liệt. Sự hiệp nhất của Giáo Hội đã bị thử thách. Tuy nhiên, vào lúc ấy, Thần Linh đã xuống trên ngôi nhà của người ngoại giáo đầu tiên trở lại đạo, đó là Cornêliô, viên đại đội trưởng. Ngài đã tái diễn phép lạ Lễ Hiện Xuống và thực hiện một dấu hiệu có lợi cho việc hiệp nhất giữa Do Thái và Dân Ngoại (x.Tông Vụ 10-11). Chúng ta có thể nói rằng đây là cách trực tiếp của việc xây dựng mối hiệp thông: Thần Linh can thiệp bằng tất cả quyền năng ân sủng của Ngài và tạo nên một tình trạng hoàn toàn bất ngờ.

Thế nhưng, Thần Linh thường tác động qua trung gian nhân loại. Ðây là điều đã xẩy ra - một lần nữa, theo Sách Tông Vụ - khi có cuộc bàn cãi trong cộng đồng Gialiêm về việc phân phát hằng ngày cho các bà góa (x.Acts 6:1ff). Bấy giờ sự hiệp nhất đã được tái thiết nhờ việc can thiệp của các Tông Ðồ, các vị đã xin cộng đồng chọn ra bảy người "đầy Thần Linh" (Acts 6:3; x.6:5) và các vị đã bổ nhiệm nhóm bảy người này lo việc phục vụ bàn ăn.

Cộng đồng Antiôkia cũng cảm nghiệm được giây phút khẩn trương này, một cộng đồng bao gồm Kitô hữu trước kia là người Do Thái hay ngoại bang. Có một số Kitô hữu người Do Thái trở lại nhấn mạnh rằng Kitô hữu ngoại bang cần phải được cắt bì và giữ lề luật Moisen. Về sự kiện này, Thánh Luca viết "các Tông Ðồ cùng với các trưởng lão họp nhau lại để cứu xét vấn đề" (Acts 15:6), và sau "cuộc tranh luận sôi nổi", các vị đã đồng ý với nhau, phác ra những lời long trọng là: "Ðây là quyết định của Thánh Linh và của chúng tôi..." (Acts 15:28). Ở đây, tác động của Thần Linh qua trung gian của "các thừa tác viên" trong Giáo Hội có thể được thấy một cách rõ ràng.

Không thể có chuyện tương khắc nhau thực sự giữa hai đường lối chính yếu của Thần Linh: đường lối trực tiếp, có tính cách linh động và đặc sủng hơn, và đường lối trung gian, có tính cách thường xuyên và tổ chức hơn. Cả hai đường lối đều cùng bởi một Thần Linh. Trong những trường hợp căng thẳng và tương khắc có thể gây ra bởi nỗi yều hèn của con người, thì cần phải sáng suốt chấp nhận quyền bính nhờ ơn trợ giúp của Thánh Linh (x.1Cor.14:37).

4 - Chính nhờ "ơn Thánh Linh" (Unitatis Redintegratio, đoạn 4) mới có ước vọng mong cho sự hiệp nhất Kitô giáo được trọn vẹn. Về vấn đề này, không bao giờ được quên rằng Thần Linh là tặng ân đệ nhất được ban cho thành phần Kitô hữu phân rẽ. Là "nguyên lý cho sự hiệp nhất của Giáo Hội" (cùng nguồn, đoạn 2), Ngài thôi thúc chúng ta tái thiết nó nhờ việc cải thiện cõi lòng, cầu nguyện chung, chia sẻ kiến thức, huấn luyện đại kết, đối thoại thần học và hợp tác trong các tương giao phục vụ xã hội do tình yêu thúc đẩy.

Chúa Kitô đã ban sự sống mình để tất cả mọi môn đệ được nên một (x.Jn.17). Việc cử hành Kỷ Niệm Mừng đệ tam thiên niên phải nói lên một giai đoạn mới trong việc thắng vượt những chia rẽ của đệ nhị thiên niên, và bởi sự hiệp nhất là tặng ân của Ðấng An Ủi, chúng ta cũng lấy làm an ủi khi nhớ lại rằng, chính giáo huấn về Thánh Linh đã có những bước tiến quan trọng trong việc hiệp nhất giữa một số các Giáo Hội, nhất là giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống. Ðặc biệt riêng về vấn đề Filioque liên quan đến mối liên hệ giữa Thánh Linh và Lời là Ðấng nhiệm sinh từ Cha, có thể nghĩ rằng sự khác nhau giữa truyền thống La Tinh và Ðông phương không ảnh hưởng gì đến căn tính của đức tin "trong thực tại của cùng một mầu nhiệm được tuyên xưng", song cách diễn đạt của nó, cấu tạo nên một "bổ xung hợp lý" không nguy hại đến mà còn thực sự có thể làm phong phú sự hiệp thông trong cùng một đức tin (x.Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 248); Tông Thư Orientale Lumen, đoạn 2; Ghi Chú của Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Cổ Ðộng Hiệp Nhất Kitô Giáo, 29/6/1995: Các Truyền Thống Hy Lạp và Latinh liên quan đến Việc Nhiệm Xuất của Thánh Linh, tuần san L’Osservatore Romano, bản Anh Ngữ, 20/9/1995, trang 3).

5 - Sau hết, Cuộc Mừng Kỷ Niệm tới đây cũng phải để ý đến tình yêu huynh đệ trong Giáo Hội Công Giáo nữa. Tình yêu hiệu nghiệm này, một tình yêu phải được nổi bật trong mọi cộng đồng "nhất là (đối với) những ai thuộc về gia đình đức tin" (Gal.6:10), bao gồm mọi phần tử của Giáo Hội, mọi cộng đồng giáo xứ và giáo phận, mọi nhóm hội, tổ chức và phong trào, bằng một cuộc gắt gao khảo sát lương tâm để dọn lòng chấp nhận tác động hiệp nhất của Thánh Linh.

Những lời của Thánh Bênađô vẫn còn hợp thời: "Tất cả chúng ta cần lẫn nhau: từ người khác, tôi nhận được lợi ích thiêng liêng mà tôi không có hay không được... Và tất cả những khác biệt của chúng ta, những khác biệt nói lên sự phong phú của các tặng ân Thiên Chúa, sẽ giúp ích cho ngôi nhà duy nhất của Chúa Cha, một ngôi nhà bao gồm rất nhiều lâu đài. Hiện tại nếu có cuộc phân chia về ân sủng: thì sau này cũng sẽ có một phân biệt về các hiển vinh. Hiệp nhất, cả ở đây lẫn ở kia, đều hệ tại có cùng một tình yêu" (Apology to William of St. Thierry IV,8: PL 182, 9033-9034).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page