Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 22 (Thứ Tư ngày 1-7-1998)

Phúc Âm được giảng dậy
trong Thần Linh

Thánh Linh vừa hiện xuống trên các Tông Ðồ vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, các vị liền "bắt đầu nói tiếng lạ như Thần Linh khiến họ phát ngôn" (x.Acts 2:4). Thế nên, chúng ta có thể nói rằng, Giáo Hội, ngay từ giây phút được hạ sinh, đã nhận lãnh từ Thần Linh, như một tặng ân, khả năng để "nói (về) những công việc quyền năng của Thiên Chúa" (Acts 2:11): đó là tặng ân truyền bá phúc âm.

Sự kiện này nói lên và cho thấy một định luật nền tảng của lịch sử cứu độ: đó là không thể nào truyền bá phúc âm hay nói tiên tri, hoặc thực sự nói về Chúa và nhân danh Chúa, mà lại không có ơn sủng và quyền năng của Thánh Linh. Nếu so sánh theo thể lý, chúng ta có thể nói rằng, như những lời nói của con người được phát ra bởi hơi thở con người thế nào, thì Lời của Thiên Chúa cũng được truyền đạt bởi hơi thở của Thiên Chúa như vậy, bằng ruach hay pneuma tức là Thánh Linh.

2 - Mối liên hệ giữa Thần Linh Thiên Chúa và lời thần linh này có thể được nhận thấy nơi kinh nghiệm của các tiên tri xưa kia.

Ơn gọi của tiên tri Eâzêkiên được tả như "thần linh" nhập vào con người của vị tiên tri này: "Chúa phán cùng tôi: 'Hỡi con người, hãy đứng thẳng dậy và Ta sẽ nói với ngươi'. Và khi Ngài nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi và đặt tôi thẳng đứng; và tôi đã nghe Ngài nói với tôi" (Ez.2:1-2).

Trong Sách Tiên Tri Isaia, chúng ta đã đọc thấy người tôi tớ sau này của Chúa sẽ loan báo đức công chính cho các dân nước chính là vì Chúa đặt Thần Linh của Ngài trên người tôi tớ này (x.Is.42:1).

Theo tiên tri Joel, thời đại thiên sai sẽ được đánh dấu bằng một cuộc tràn đổ Thần Linh chung: "Và sau đó xẩy ra là Ta sẽ đổ Thần Linh của Ta xuống trên mọi xác phàm" (3:1); như thành qủa của việc truyền đạt Thần Linh này, "các con trai con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri" (cùng nguồn).

3 - Mối liên hệ Thần-Linh-Ngôi-Lời đạt đến tuyệt đỉnh của mình nơi Chúa Giêsu: Người thực là chính Lời đã hóa thành nhục thể "nhờ việc làm của Chúa Thánh Thần". Người bắt đầu rao giảng "trong quyền năng của Thần Linh" (x.Lk.4:14ff). Ngay lần đầu tiên Người giảng dạy ở Nazarét, Người đã lấy đoạn Sách Tiên Tri Isaia áp dụng vào mình: "Thần Linh Chúa ở trên Tôi... Ngài đã xức dầu cho tôi để Tôi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó" (Lk.4:18). Như Phúc Âm thứ bốn nhấn mạnh, sứ vụ của Chúa Giêsu, "Ðấng Thiên Chúa sai" và Ðấng "nói lời Thiên Chúa", là hoa trái của tặng ân Thần Linh, Vị mà Người đã nhận lãnh và ban phát "khôn lường" (x.Jn.3:34). Hiện ra với các môn đệ ở trên Lầu Tiệc Ly vào tối ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu thực hiện tác động "thở hơi" bề ngoài trên các vị mà nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (x.Jn.20:21-22).

Ðời sống Giáo Hội được tỏ hiện dưới hơi thở này. "Thánh Linh thực sự là tác nhân chính cho toàn thể sứ vụ của Giáo Hội" (Thông Ðiệp Redemptoris Missio, đoạn 21). Giáo Hội loan báo Phúc Âm nhờ sự hiện diện và quyền năng cứu độ của Ngài. Nói với các Kitô hữu giáo đoàn Thessalônica, Thánh Phaolô viết: "Phúc Âm chúng tôi rao giảng cho anh em chẳng những bằng lời nói mà còn bằng quyền năng trong Thánh Linh với tất cả niềm xác tín" (1Thes.1:5). Thánh Phêrô diễn tả các vị Tông Ðồ như "những người rao giảng tin mừng cho anh em nhờ Thánh Linh từ trời sai đến" (1Pt.1:12).

Thế nhưng, "việc rao giảng tin mừng nhờ Thánh Linh" có nghĩa là gì? Người ta có thể nói tóm tắt thế này: nó có nghĩa là truyền bá phúc âm trong quyền năng, trong sự mới mẻ và trong sự hiệp nhất của Thánh Linh.

4 - Việc truyền bá phúc âm trong quyền năng của Thần Linh nghĩa là được mặc lấy quyền năng này, một quyền năng được thể hiện một cách nổi bật nơi hoạt động truyền giáo của Chúa Giêsu. Phúc Âm cho chúng ta thấy rằng những ai đã nghe Người đều lạ lùng bỡ ngỡ về lời giảng dạy của Người, vì "Người dạy dỗ họ như Ðấng có thẩm quyền chứ không như các người ký lục" (Mk.1:22). Lời Chúa Giêsu đã khu trừ ma qủi, dẹp yên bão tố, chữa lành bệnh tật, thứ tha tội nhân và phục sinh kẻ chết.

Thẩm quyền của Chúa Giêsu được ban xuống cho Giáo Hội bởi Thần Linh như một tặng ân Phục Sinh. Thế nên chúng ta đã thấy các Tông Ðồ được tràn đầy parrhesia, chẳng hạn như sự kiên cường làm cho các vị mạnh bạo rao giảng về Chúa Giêsu. Các đối phương của các vị đã tỏ ra hết sức lạ lùng "khi họ... nhận thấy rằng các vị là những người thất học, bình dân" (Acts 4:13).

Nhờ tặng ân Thần Linh của Tân Ước, Thánh Phaolô cũng có thể nói hết sức chân thật rằng: "Vì chúng tôi có một niềm hy vọng như thế, nên chúng tôi rất hiên ngang" (2Cor.3:12).

Quyền năng của Thần Linh này thiết yếu hơn bao giờ hết đối với Kitô hữu của thời đại chúng ta, thành phần cần phải làm chứng cho đức tin của mình trong thế giới thường thờ ơ lạnh nhạt, nếu không muốn nói là thù hận và hằn sâu khuynh hướng tương đối và hưởng thụ. Quyền năng này là một quyền năng thiết yếu cho tất cả mọi nhà rao giảng, thành phần cần phải trao ban Phúc Âm một cách mới mẻ song không chấp nhận dung hòa và những cắt xén sai lạc, bằng việc công bố sự thật về Chúa Kitô "trong lúc thuận tiện cũng như bất tiện" (2Tim.4:2).

5 -Chúa Thánh Thần còn bảo đảm cho sứ điệp Phúc Âm được luôn luôn tươi mới và đúng lúc, để việc rao giảng không rơi vào tình trạng lập đi lập lại theo hình thức một cách vô nghĩa và vào tình trạng áp dụng theo phương pháp một cách lạnh lùng. Thật vậy, các nhà rao giảng phải đặt mình là tôi tớ phục vụ "Tân Ước", một giao ước mới không phải "bằng văn tự" sát hại, mà "bằng Thần Linh" là Ðấng ban sự sống (x.2Cor.3:6). Ðây không phải là vấn đề quảng bá việc phục vụ dưới "khoản luật thành văn cũ" mà là dưới "sự sống mới của Thần Linh" (x.Rm.7:6). Ðiều đòi hỏi này là một vấn đề đặc biệt sống còn cho "việc tân phúc âm hóa", một việc rao giảng phúc âm thực sự "mới" trong nồng độ của nó, trong phương pháp của nó và trong cách diễn đạt của nó, nếu những ai loan báo những kỳ công của Thiên Chúa và nhân danh Ngài mà nói, trước hết, biết lắng nghe Thiên Chúa và trở nên dễ dạy với Chúa Thánh Thần. Như thế, việc chiêm niệm bao gồm tác động lắng nghe và cầu nguyện là một việc chính yếu. Nếu con người giảng dạy không cầu nguyện, họ sẽ qui "giảng về mình" (x. 2Cor.4:5), và lời của họ sẽ trở thành "chuyện tào lao vô đạo" (x.2Tim.2:16).

6 - Sau hết, Thần Linh hộ tống và phấn khích Giáo Hội rao giảng phúc âm trong hiệp nhất và để xây dựng hiệp nhất. Việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống xẩy ra khi các môn đệ "tất cả tập trung ở một nơi" (Acts 2:1) và "tất cả đồng tâm nhất trí nguyện cầu" (Acts 2:14). Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Thánh Phêrô lần đầu tiên nói với đám dân, "đứng lên cùng với 11 Vị" (Acts 2:14): thánh nhân là hình ảnh của việc đồng tâm rao giảng, một việc rao giảng cần phải được tiếp tục như vậy, cho dù việc rao giảng này có lan rộng khắp thế giới đi nữa.

Ðối với tất cả các Kitô hữu, việc rao giảng Chúa Kitô theo tác động của cùng một Thần Linh trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba bao gồm nỗ lực cụ thể và rộng lớn hướng về sự hiệp nhất. Nó là một công việc đại kết cao cả, một việc đại kết phải được nâng đỡ bởi một niềm hy vọng mới mẻ và bằng một tác động tích cực dấn thân, phó mặc thời hạn và thành qủa trong tay Chúa Cha, Ðấng cần chúng ta khiêm hạ sẵn sàng chấp nhận dự án của Ngài cùng những thúc động ở bề trong của Thần Linh.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page