Mối phúc thứ nhất được Phúc Âm kể đến là mối phúc về đức tin và mối phúc này được qui về trường hợp Mẹ Maria: "Phúc cho Người là vị đã tin" (Lk.1:45). Bà Isave đã nói những lời này để nhấn mạnh đến sự tương phản giữa việc không tin tưởng của ông Zacaria và lòng tin của Mẹ Maria. Khi được tin về việc con mình sẽ hạ sinh, ông Zacaria đã cảm thấy khó tin, cho rằng không thể nào xẩy ra được, vì cả ông lẫn vợ ông đều đã luống tuổi rồi.
Khi được Truyền Tin, Mẹ Maria đã phải đối diện với một sứ điệp còn lạ lùng hơn nữa, đó là một dự định muốn Mẹ làm mẹ của Ðấng Thiên Sai. Tuy không tỏ ra hồ nghi gì về điều này, Mẹ vẫn cảm thấy cần phải hỏi xem làm thế nào đức đồng trinh mà Mẹ cảm thấy được kêu gọi để sống có thể dung hợp được với ơn gọi làm mẹ. Ðể trả lời cho thiên thần, vị cho Mẹ thấy rằng thần năng sẽ thực hiện qua Thần Linh, Mẹ Maria đã khiêm tốn và quảng đại nhận lời.
Ở vào giây phút độc nhất vô nhị này của lịch sử loài người, đức tin đã đóng một vai trò quyết liệt. Thánh Augustinô đã có lý nói rằng: "Ðức Kitô được tin nhận và thụ thai bởi đức tin. Trước hết là đức tin phải thể hiện nơi cõi lòng Ðức Trinh Nữ, rồi sau đó mới tới việc sinh hoa trái nơi cung dạ của người mẹ này" (Sermo 293, PL 38, 1327).
2 - Nếu chúng ta muốn chiêm ngưỡng chiều sâu nơi đức tin của Mẹ Maria thì đoạn Phúc Âm về tiệc cưới Cana rất thích hợp. Thấy việc thiếu rượu xẩy ra, Mẹ Maria đã có thể tìm một cách giải quyết vấn đề theo kiểu loài người nào đó trong tầm tay của mình, thế nhưng, Mẹ đã không ngần ngại quay ngay sang Chúa Giêsu: "Họ hết rượu rồi" (Jn.2:3). Mẹ biết rằng Chúa Giêsu không có sẵn rượu; do đó, có thể nói rằng Mẹ đang xin một phép lạ. Và lời yêu cầu của Mẹ lại càng táo bạo hơn nữa vì cho tới bấy giờ Chúa Giêsu vẫn chưa làm một phép lạ nào. Tác hành như thế, chắc chắn Mẹ đã tuân theo một thúc động bên trong, vì, theo dự án thần linh, đức tin của Mẹ phải đến trước việc Chúa Giêsu bắt đầu tỏ hiện quyền năng thiên sai của mình, như nó đã tới trước việc Người đến trần gian vậy. Mẹ đã là hiện thân cho thái độ được Chúa Giêsu khen ngợi đối với các tín hữu đích thực trong mọi thời là "Phúc cho những ai không thấy mà tin" (Jn.20:29).
3 - Ðức tin mà Mẹ Maria được kêu gọi sống không phải là một đức tin dễ dàng. Ngay cả trước bữa tiệc cưới Cana, khi suy niệm về những lời và hành động của Con, Mẹ đã phải vận dụng đến một đức tin sâu xa. Ðoạn kể về việc Chúa Giêsu bị thất lạc ở trong đền thờ là một điển hình, khi Mẹ và thánh Giuse đang sầu muộn thì nghe thấy câu trả lời: "Các người tìm kiếm Tôi làm gì? Các người không biết rằng Tôi phải ở trong nhà của Cha Tôi hay sao?" (Lk.2:49). Thế nhưng, ở đây, tại tiệc cưới Cana, câu Chúa Giêsu trả lời cho điều Mẹ yêu cầu có vẻ rõ hơn và nản hơn: "Bà ơi, điều ấy có liên quan chi đến Tôi và bà? Giờ Tôi chưa đến?" (Jn.2:4). Theo ý hướng của Phúc Âm Thứ Bốn, lúc ấy chưa phải là giờ Chúa Giêsu công khai tỏ mình ra, càng không phải là giờ cho rằng đã đến lúc hệ trọng nơi thời giờ tối hậu của Chúa Giêsu (x.7:30,12:23,13:1,17:1), thời giờ mà hoa trái thiên sai của ơn cứu chuộc và của Thần Linh được tiêu biểu thực sự nơi rượu như là một biểu hiệu cho sự phong phú và niềm vui. Thế nhưng, vấn đề ở đây là thời giờ đó, theo ý muốn tối thượng của Chúa Cha, chưa đến được theo thứ tự thời gian, đã gây nên một trở ngại hình như không thể nào thắng vượt.
Tuy nhiên, Mẹ Maria vẫn không rút lại lời yêu cầu của mình, đến nỗi Mẹ đã kéo theo cả một nhóm hầu tiệc vào việc làm hoàn tất phép lạ cầu mong: "Hãy làm những gì Người bảo làm" (Jn.2:5). Bằng tấm lòng đơn thành và mức độ đức tin sâu xa của Mẹ, Mẹ đã phóng tầm mắt ra ngoài ý nghĩa hẹp hòi của những lời của Chúa Giêsu. Mẹ đã trực giác được vực thẳm khôn cùng và mạch nguồn vô tận của tình thương thần linh và không nghi ngờ việc đáp ứng ưu ái của Con Mẹ. Phép lạ đã thực sự đáp lại đức tin kiên trì của Mẹ.
Thế nên Mẹ Maria đã tỏ ra như một mẫu gương tin tưởng vào Chúa Giêsu, một đức tin vượt trên tất cả mọi trở ngại.
4 - Cuộc sống công khai của Chúa Giêsu cũng là một thử thách đối với đức tin của Mẹ Maria. Một mặt, cuộc sống của Người hiến cho Mẹ niềm vui trong việc nhận biết rằng việc Chúa Giêsu rao giảng và làm phép lạ đã khiến cho rất nhiều người ca ngợi và tin nhận. Mặt khác, Mẹ cũng buồn phiền nhận thấy rằng việc chống đối càng dữ dội hơn nơi người Pharisiêu, nơi những vị tiến sĩ luật cũng như nơi hàng giáo sĩ.
Người ta có thể mường tượng thấy được Mẹ Maria đã khổ sở biết bao bởi việc không tin tưởng này, một việc tin tưởng mà Mẹ cũng thấy nơi cả các thân thuộc của Mẹ: thành phần được gọi là "anh em của Chúa Giêsu", tức là thành phần thân thuộc của Người, thành phần không tin vào Người và cắt nghĩa hành vi cử chỉ của Người như bởi tham vọng mà ra (x.Jn.7:2-5).
Mặc dầu Mẹ Maria buồn khi nghe thấy những bất hòa nơi thân thuộc của mình, Mẹ cũng không dứt tình nghĩa với họ, thành phần chúng ta thấy ở với Mẹ nơi cộng đồng tiên khởi đợi chờ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (x.Acts 1:14). Mẹ Maria đã lấy lòng nhân hậu và yêu thương để làm cho kẻ khác thông phần với đức tin của Mẹ.
5 - Trong thảm kịch Canvê, đức tin của Mẹ Maria cũng không hề xao xuyến. Ðối với đức tin của các môn đệ thì thảm cảnh này thật là qúa sức. Chỉ nhờ có tác dụng của lời Chúa Giêsu cầu nguyện mà Phêrô, cùng với các tông đồ khác cũng bị thử thách, đã có thể tiếp tục theo con đường đức tin để trở nên các chứng nhân cho việc Chúa Phục Sinh.
Khi viết rằng Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá, Thánh ký Gioan (x.19:25) cho chúng ta thấy rằng Mẹ Maria vẫn đầy can đảm trong giây phút khẩn trương nhất. Giây phút khẩn trương này thực là giai đoạn khó vượt nhất trong "cuộc hành trình đức tin" của Mẹ (x.Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 58). Thế nhưng, vì Mẹ vẫn vững mạnh đức tin nên Me đãï có thể đứng đó. Bị thử thách, Mẹ Maria vẫn tiếp tục tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và tin rằng, bằng hy hiến của Người, Người sẽ biến đổi định mệnh con người.
Việc Chúa Phục Sinh là một xác nhận tối hậu cho đức tin của Mẹ Maria. Ðức tin vào Chúa Kitô phục sinh nơi tấm lòng của Mẹ, hơn hết mọi tấm lòng khác, đã chiếm được một niềm vui mừng trọn vẹn và đích thực nhất.