Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 13 (Thứ Tư ngày 22-4-1998)

Ngày Cùng Tận của Lịch Sử
được bắt đầu bằng
việc Chúa Kitô đến

Trong lúc con đường dẫn đến Cuộc Mừng Kỷ Niệm nhắc nhớ lại việc Chúa Kitô đến lần thứ nhất theo lịch sử, thì nó cũng mời gọi chúng ta trông mong hướng về lần đến thứ hai của Người vào ngày cùng tận của thời gian. Quan niệm cánh chung này, một quan niệm cho thấy hướng đi chính yếu của đời sống Kitô giáo nhắm đến những thực tại tối thượng, là một lời mời gọi liên lỉ trong việc vừa hy vọng vừa tham dự với Giáo Hội cũng như với thế giới.

Chúng ta không được quên rằng, đối với Kitô hữu, "eschaton", tức biến cố cuối cùng, không những được hiểu như một mục tiêu mai hậu, mà còn như một thực tại đã được bắt đầu bằng việc Chúa Kitô đến trong lịch sử. Cuộc Khổ Nạn, Sự Chết và Phục Sinh của Người là một biến cố siêu việt nơi lịch sử loài người, một biến cố mà, nói được rằng, giờ đây đã đi vào giai đoạn cuối cùng, tạo nên một cái nhẩy vọt đáng giá. Chân trời của mối liên hệ với Thiên Chúa đang mở ra cho loài người, được đánh dấu bằng một hiến tặng cứu rỗi cao cả nơi Chúa Kitô.

Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu có thể nói: "Giờ đang đến, và đến ngay lúc này đây, khi kẻ chết sẽ nghe thấy tiếng Con Thiên Chúa, và những ai nghe thấy thì đều được sống" (Jn.5:25). Việc phục sinh từ trong cõi chết sẽ xẩy ra vào ngày cùng tận của thời gian trước hết đã được hiện thực dứt khoát nơi cuộc phục sinh thiêng liêng, mục tiêu chính yếu của công cuộc cứu chuộc. Cuộc phục sinh thiêng liêng này là ở tại sự sống mới do Chúa Kitô phục sinh ban cho như hoa trái đầu mùa của việc Người cứu chuộc.

Ðó là mầu nhiệm của việc tái sinh trong nước và Thần Linh (x.Jn.3:5), đánh dấu một cách sâu đậm vào hiện tại và tương lai của cả loài người, cho dù tác hiệu của nó, cho đến giây phút này đây mới cho thấy chỉ có ở nơi những ai hoàn toàn chấp nhận tặng ân của Thiên Chúa và đem lan tỏa tặng ân của Ngài ra trong thế giới.

2 - Chiều kích lưỡng đôi này, bao gồm cả hiện tại lẫn tương lai, của việc Chúa Kitô đến đã hiển nhiên nơi các lời của Người nói. Trong bài nói về việc cánh chung ngay trước thảm kịch khổ nạn, Chúa Giêsu đã tiên báo: "Họ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang đến trong mây trời. Và bấy giờ Người sẽ sai phái các thiên thần của Người đi qui tụ thành phần được chọn khắp bốn phương, từ chân trời đến góc biển" (Mk.13:26-27).

Theo ngôn từ mạc khải thì mây biểu hiệu cho cuộc tỏ hiện thần linh: chúng nói lên rằng việc Chúa Kitô đến lần thứ hai sẽ không xẩy ra nơi nỗi yếu hèn của xác thịt, mà là bằng quyền năng thần linh. Những lời Chúa Giêsu nói này cho thấy một tương lai tối hậu sẽ kết thúc lịch sử. Tuy nhiên, trong câu trả lời cho vị thượng tế chất vấn mình, Chúa Giêsu đã lập lại lời tiên báo cánh chung ấy bằng những từ ngữ của một biến cố thường tình: "Tôi cho qúi vị biết, sau này, qúi vị sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Quyền Năng, và đến trên mây trời" (Mt.26:64).

So sánh những chữ trong câu Chúa Giêsu trả lời vị thượng tế này với những lời trong bài Người nói trước đó, người ta có thể hiểu được ý nghĩa năng động của việc cánh chung Kitô giáo như là một tiến trình lịch sử đã được khởi sự và đang tiến đến tầm mức viên trọn của nó.

3 - Ngoài ra, chúng ta cũng biết rằng, những hình ảnh theo mạc khải trong bài nói về việc cánh chung liên quan đến ngày cùng tận của tất cả mọi sự phải được cắt nghĩa theo tính cách biểu hiệu hết cỡ của chúng. Chúng nói lên tình trạng không an toàn của thế giới và quyền năng thống trị của Chúa Kitô, Ðấng nắm trong tay định mệnh của con người. Lịch sử tiến đến đích điểm của mình, nhưng Chúa kitô đã không ấn định vào ngày giờ nào cả. Những nỗ lực để tiên đoán ngày cùng tận của thế giới, bởi thế, đều là những gì lầm lẫn và lừa đảo. Chúa Kitô đã bảo đảm với chúng ta chỉ một điều duy nhất này là ngày cùng tận sẽ không xẩy ra trước khi công cuộc cứu chuộc của Người đạt được chiều kích đại đồng bằng việc rao giảng Phúc Âm: "Phúc Âm về vương quốc này sẽ được rao giảng khắp thế giới, như một chứng tá cho mọi dân nước; rồi sau đó mới tới ngày cùng tận" (Mt.24:14).

Chúa Giêsu nói những lời này với các môn đệ của Người đang nôn nao muốn biết ngày cùng tận của thế giới. Các vị có thể đã bị xui khiến nghĩ rằng ngày cùng tận đến nơi rồi. Chúa Giêsu làm cho các vị nhận thức được rằng nhiều biến cố và lũng đoạn phải xẩy ra trước và đó mới chỉ là "khởi sự của những khổ đau" (Mt.13:8). Do đó, như Thánh Phaolô viết, tất cả mọi tạo vật "đang rên xiết quằn quại" nóng lòng chờ đợi cuộc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa (x.Rm.8:19-22).

4 - Việc truyền bá phúc âm cho thế giới bao gồm việc biến đổi sâu xa con người theo ân sủng Chúa Kitô tác động. Thánh Phaolô đã cho thấy rằng đích điểm của lịch sử nằm ở trong dự án của Chúa Cha trong việc "hiệp nhất tất cả trong Người (Chúa Kitô), những sự trên trời và những sự dưới đất" (Eph.1:10). Chúa Kitô là tâm điểm của vũ trụ, Ðấng kéo tất cả mọi dân tộc đến cùng mình để ban cho họ dồi dào ân sủng và sự sống đời đời.

Chúa Cha đã ban cho Ðức Giêsu "quyền xét xử vì Người là Con Người" (Jn.5:27). Nếu xét xử hiển nhiên cho thấy trước sự việc có thể bị luận phạt, thì nó lại được ký thác cho Ðấng là "Con Người", tức là cho một con người đầy hiểu biết và gắn bó với thân phận loài người. Chúa Kitô là vị thẩm phán thần linh mang con tim nhân loại, một vị thẩm phán muốn thông ban sự sống. Chỉ có việc gắn bó với sự dữ mà không chịu cải hối mới có thể ngăn cản Người hiến ban tặng ân này mà thôi, một tặng ân mà Người đã không ngần ngại đối diện với sự chết.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page