Buổi giáo lý hôm nay ở vào Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Trong tuần này cũng như suốt cả thời gian kéo dài tới Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cộng đồng Kitô hữu nhận thức một cách đặc biệt sự hiện diện sống động và chủ động của Chúa Kitô phục sinh. Trong khung cảnh rực rỡ ánh sáng và niềm vui thích hợp với Mùa Phục Sinh này, chúng ta tiếp tục những bài suy niệm của chúng ta để dọn mừng Cuộc Ðại Hỷ Năm 2000. Hôm nay, một lần nữa, chúng ta nhắc lại bí tích Rửa Tội mà, nhờ chìm ngập con người trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, con người được trở thành một người con của Thiên Chúa và được tháp nhập với Giáo Hội.
Phép Rửa là một điều trọng yếu đối với cộng đồng Kitô hữu. Bức Thư gửi Kitô hữu giáo đoàn Eâphêsô đã đặc biệt kể Phép Rửa vào số những nền tảng của sự hiệp thông liên kết các môn đệ của Chúa Kitô lại với nhau: "Chỉ có một thân thể và một Thần Linh, cũng chỉ có một niềm hy vọng mà anh em được kêu gọi đến, chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, chỉ có một Thiên Chúa và là Cha của tất cả chúng ta" (Eph.4:4-6).
Việc xác nhận chỉ có một Phép Rửa trong mối liên hệ với các nền tảng khác nơi sự hiệp nhất giáo hội có một tầm quan trọng đặc biệt. Thật vậy, Phép Rửa qui hướng về một Người Cha duy nhất, Ðấng nhờ Phép Rửa ban cho mọi người chức phận làm con cái thần linh. Phép Rửa có liên hệ mật thiết với Ðức Kitô là một Chúa duy nhất, Ðấng nối kết những ai lãnh nhận phép rửa vào Nhiệm Thể Người, nó cũng có liên hệ mật thiết với Chúa Thánh Thần, nguyên lý hiệp nhất trong các tặng ân đa dạng. Là một bí tích của đức tin, Phép Rửa thông truyền một sự sống dẫn đến vĩnh cửu, và vì thế nó hướng đến một niềm hy vọng trông mong vững vàng vào việc hoàn tất những lời hứa của Thiên Chúa.
Một Phép Rửa duy nhất, vì thế, nói lên sự hiệp nhất của toàn thể mầu nhiệm cứu chuộc.
2 - Khi thánh Phaolô muốn nói lên sự hiệp nhất của Giáo Hội, thì ngài so sánh Giáo Hội với một thân thể, Thân Thể Chúa Kitô, một thân thể được chính thức hình thành nhờ Phép Rửa: "Vì bởi một Thần Linh tất cả chúng ta đã được lãnh nhận phép rửa làm nên một thân thể - Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do - và tất cả đã được uống cùng một Thần Linh" (1Cor.12:13).
Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất Thân Thể này, vì Ngài làm cho cả Chúa Kitô là Ðầu cùng với các chi thể của Người sống động. Trong việc nhận lãnh Thần Linh, tất cả mọi người lãnh nhận bí tích rửa tội, cho dù khác nhau về nguồn gốc, về chủng tộc, về văn hóa, về phái tính và về giai cấp xã hội, cũng đều được hiệp nhất nơi Thân Thể Chúa Kitô, đúng như lời thánh Phaolô nói: "Không còn là Do Thái hay Hy Lạp, không còn tự do hay nô lệ, không còn nam nhân hay nữ giới; vì tất cả anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô" (Gal 3:28).
3 - Dựa vào Phép Rửa, Bức Thư Thứ Nhất của thánh Phêrô thúc giục các Kitô hữu hãy tập trung chung quanh Chúa Kitô để giúp vào việc xây dựng lâu đài thiêng liêng được thành lập trên Người và bởi Người: "Hãy đến với Người (Ðức Kitô), đến với tảng đá sống động bị con người loại bỏ nhưng lại được chọn và cao qúi trước nhan Thiên Chúa; và như những viên đá sống động anh em cũng xây dựng chính mình làm một ngôi nhà thiêng liêng, thành một chức tư tế thánh thiện, để nhờ Ðức Giêsu Kitô hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận". (2:4-5). Như thế, Phép Rửa nối kết tất cả mọi tín hữu lại trong cùng một thiên chức tư tế của Ðức Kitô, cho phép họ tham phần vào việc thờ phượng của Giáo Hội, và làm cho đời sống của họ thành một lễ dâng thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận.
Phép rửa còn là một nguồn hoạt lực tông đồ. Công cuộc truyền giáo của thành phần lãnh nhận bí tích rửa tội, theo ơn gọi của mình, được Công Ðồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế Lumen Gentium, đã bàn giải sâu rộng và dậy rằng: "Mỗi một người môn đệ của Chúa Kitô có phận sự bó buộc phải truyền bá đức tin với tất cả năng lực của mình" (đoạn 17). Trong Thông Ðiệp Redemptoris Missio, Tôi đã nhấn mạnh rằng bởi Phép Rửa mà tất cả mọi giáo dân đều là những nhà truyền giáo (xem đoạn 71).
4 - Phép Rửa cũng là một khởi điểm trọng yếu cho việc đối thoại đại kết.
Nói về các người anh em tách biệt của chúng ta, Sắc Lệnh về Ðại Kết viết: "Ðối với những người tin vào Ðức Kitô và đã được lãnh nhận phép rửa xứng hợp, thì được hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo ở một mức độ dù chưa toàn vẹn" (Unitatis redintegratio, đoạn 3). Trên thực tế, một khi Phép Rửa được ban hiệu thành thì làm phát sinh một sự tháp nhập thực sự với Chúa Kitô và làm cho tất cả mọi người lãnh nhận phép rửa thật sự là anh chị em với nhau trong Chúa, bất kể giáo phái của mình. Ðây là điều Công Ðồng Chung Vaticanô II dạy: "Bởi thế, Phép Rửa kiến tạo nên một mối kết liên bí tích vốn có giữa tất cả mọi người được tái sinh bởi Phép Rửa" (như đã trích, đoạn 22).
Phép Rửa là một sự hiệp thông mở đầu cần phải được triển phát theo chiều hướng của sự hiệp nhất trọn vẹn, như chính Công Ðồng Chung Vaticanô II thúc giục: "Thế nhưng, tự mình, Phép Rửa chỉ là một cuộc bắt đầu, là một khởi điểm, vì nó hoàn toàn được hướng về việc chiếm hữu trọn vẹn sự sống trong Chúa Kitô. Như thế, Phép Rửa được qui hướng về việc trọn vẹn tuyên xưng đức tin, về việc tháp nhập hoàn toàn vào thể chế cứu rỗi như chính Chúa Kitô mong muốn, và sau cùng về việc hòa nhập vẹn toàn vào sự hiệp thông Thánh Thể" (cùng đoạn trên).
5 - Trong chiều hướng của cuộc Mừng Kỷ Niệm, phương diện đại kết này của Phép Rửa đáng phải được đặc biệt nhấn mạnh (xem Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 41).
Hai ngàn năm sau Chúa Kitô giáng sinh, Kitô hữu chẳng may đang tỏ cho thế giới thấy rằng mình không hoàn toàn hiệp nhất với nhau như Người mong muốn và theo lời Người nguyện cầu. Thế nhưng, chúng ta đồng thời cũng không được quên tất cả những gì đã hiệp nhất chúng ta lại với nhau. Cuộc đối thoại về tín lý cần phải được cổ võ ở mọi tầng lớp, cũng như việc cởi mở tương thân tương ái, việc cùng nhau hợp tác, và nhất là phong trào đại kết thiêng liêng của việc cầu nguyện, cũng như việc quyết tâm nên thánh. Ân sủng của Phép Rửa tự nó là một nền tảng để dựng xây sự hiệp nhất trọn vẹn được Thần Linh liên lỉ thôi thúc chúng ta.