Nhìn đến mục tiêu chính yếu của Cuộc Mừng Kỷ Niệm, đó là "việc kiên cường đức tin cũng như kiên cường chứng tá của Kitô hữu" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 42), thì sau khi lược qua ở các bài giáo lý trước về những đặc tính của ơn cứu độ Chúa Kitô hiến ban, hôm nay chúng ta tạm dừng lại để suy tư về niềm tin mà Người mong đợi nơi chúng ta.
"Phải lấy đức tin mà vâng phục Thiên Chúa là Ðấng mạc khải mình ra" (đoạn 5), Hiến Chế Dei Verbum (về Mạc Khải Thần Linh) dạy. Thiên Chúa đã mạc khải mình ra trong Cựu Ước, đòi dân mà Ngài tuyển chọn một đáp ứng đức tin sâu xa. Vào thời điểm viên trọn, đức tin này được kêu gọi canh tân và tăng thêm để đáp ứng với mạc khải của Con Thiên Chúa nhập thể. Chúa Giêsu đã rõ ràng đòi hỏi đức tin này khi Người nói với các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly: "Các con hãy tin vào Thiên Chúa, cũng như tin vào Thày" (Jn.14:1).
2 - Chúa Giêsu đã xin nhóm 12 Tông Ðồ tuyên xưng đức tin của các vị nơi bản thân Người. Ở Cêsarê Philippi, sau khi hỏi các môn đệ về ý nghĩ của dân chúng về thân phận của mình, Người đặt vấn đề: "Thế nhưng các con nói Thày là ai?" (Mt.16:15). Simon Phêrô đã trả lời: "Thày là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (16:16).
Chúa Giêsu liền xác nhận giá trị của việc tuyên xưng đức tin này, khi nhấn mạnh đến khía cạnh nó không chỉ bởi tư tưởng con người mà còn được trời cao soi động nữa: "Phúc cho con, hỡi Simon Bar-Jona! Vì không phải huyết nhục đã tỏ cho điều này, mà là Cha Thày, Ðấng ở trên trời" (Mt.16:17). Những lời phát biểu này, theo cung giọng mạnh mẽ của ngôn ngữ Semitic (thứ ngôn ngữ bao gồm cả Do Thái và Ả Rập), nói lên một mạc khải toàn diện, tuyệt đối và tối thượng: một mạc khải liên quan đến bản thân của Ðức Kitô, Con Thiên Chúa.
Việc thánh Phêrô tuyên xưng đức tin sẽ luôn mãi là một diễn đạt dứt khoát về thân phận của Ðức Kitô. Thánh ký Marcô cũng sử dụng cùng một diễn đạt này để mở đầu Phúc Âm của mình (x.Mk.1:1) và thánh ký Gioan lại qui về nó vào đoạn kết thúc Phúc Âm của mình, khi thánh ký nói rằng thánh ký đã viết Phúc Âm của mình để anh em có thể tin rằng "Chúa Giêsu là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa", và để anh em được sự sống nhờ anh em tin vào danh Người" (x.Jn.20:31).
3 - Ðức tin hệ tại điều gì? Hiến Chế Mạc Khải Thần Linh đã cắt nghĩa rằng, bởi đức tin, "con người tự nguyện hiến toàn thân cho Thiên Chúa, bằng cách 'lý trí và lòng muốn hoàn toàn thuận phục Thiên Chùa là Ðấng tỏ mình ra'" (đoạn 5). Bởi thế, đức tin không những là sự gắn bó của lý trí với chân lý mạc khải, mà còn là một sự thuận phục của lòng muốn cũng như của việc trao ban bản thân cho Thiên Chúa là Ðấng tỏ mình ra. Nó là một tư thế bao gồm tất cả việc hiện hữu của con người.
Công Ðồng Chung Vaticanô II cũng nhắc lại là đức tin này cần phải có "ân sủng của Thiên Chúa để đánh động (con người) và trợ giúp họ; họ phải có những sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Ðấng đánh động cõi lòng và biến cải nó về cho Thiên Chúa, Ðấng mở con mắt của tâm trí và 'làm nó nên dễ dàng cho tất cả mọi người trong việc chấp nhận và tin tưởng chân lý'" (ibid.). "Như thế chúng ta thấy rằng, một đàng thì đức tin làm cho chúng ta đón nhận chân lý được chất chứa trong Mạc Khải cũng như được thừa nhận bởi Huấn Quyền của những vị là Chủ Chiên Dân Chúa có 'một đặc sủng bảo đảm về chân lý'" (Hiến Chế Dei Verbum, đoạn 8). Ðàng khác, đức tin cũng phấn khích chúng ta thực sự và vững vàng kiên tâm, một đức kiên tâm cần phải được thể hiện ở mọi phương diện của một đời sống phỏng theo đời sống của Chúa Kitô.
4 - Là hoa trái của ân sủng, đức tin gây nên ảnh hưởng nơi các biến cố. Ðiều này đã được tỏ ra một cách hết sức lạ lùng nơi trường hợp điển hình của Ðức Trinh Nữ. Việc Mẹ đầy đức tin chấp nhận sứ điệp của thiên thần trong ngày Truyền Tin là một tác động quyết liệt cho chính việc Chúa Giêsu đến trần gian. Mẹ Maria là Mẹ của Ðức Kitô trước hết do bởi Mẹ tin vào Người.
Ở tiệc cưới Cana, Mẹ Maria đã làm cho phép lạ xẩy ra nhờ đức tin của Mẹ. Bất kể câu trả lời của Chúa Giêsu có vẻ chẳng thuận lợi gì, Mẹ cứ giữ thái độ tin tưởng của mình, một thái độ bởi thế đã trở nên một mẫu mực cho đức tin mạnh mẽ và vững bền thắng vượt các chướng ngại vật.
Ðức tin của người phụ nữ Caananite cũng mạnh mẽ và bền bỉ. Chúa Giêsu đã phủ đâu người phụ nữ đến xin Người chữa trị cho đứa con gái của mình, viện lẽ rằng ý định của Chúa Cha chỉ giới hạn sứ vụ của Người nơi nhà Israel thôi. Người phụ nữ Caananite đã trả lời bằng cả mãnh lực đức tin của mình và đã xin được Người làm phép lạ: "Hỡi người phụ nữ! Ðức tin của bà vĩ đại biết bao! Hãy nên trọn như lòng bà mong ước" (Mt.15:28).
5 - Trong nhiều trường hợp khác Phúc Âm đã chứng tỏ quyền năng của đức tin. Chúa Giêsu đã tỏ ra khen ngợi đức tin của viên đại đội trưởng: "Thật vậy, Tôi nói cho qúi vị biết, Tôi chưa bao giờ thấy một đức tin như thế, kể cả nơi dân Israel" (Mt.8:10). Và với Batmaeus: "Anh hãy đi đi, đức tin của anh đã khiến anh lành mạnh" (Mk.10:52). Người cũng nói như thế với người đàn bà bị bệnh hoại huyết (x.Mk.5:34).
Những lời của Người nói với người cha có đứa con bị kinh phong muốn con mình được chữa khỏi cũng không kém phần cảm kích: "Tất cả đều có thể đối với kẻ tin" (Mk.9:23).
Vai trò của đức tin là cộng tác với việc toàn năng này. Chúa Giêsu đã đòi hỏi việc cộng tác này cho đến nỗi, vào dịp trở về Nazarét, Người đã hầu như không làm phép lạ nào hết vì dân làng của Người không tin vào Người (x.Mk.6:5-6). Ðối với Chúa Giêsu, đức tin có một tầm quan trọng quyết liệt liên quan đến các mục tiêu của ơn cứu chuộc.
Phải đương đầu với thành phần muốn đặt y vọng của ơn cứu rỗi vào việc tuân giữ lề luật Do Thái, thánh Phaolô đã khai triển giáo huấn của Ðức Kitô, thánh nhân mãnh liệt xác nhận rằng đức tin vào Chúa Kitô là nguồn mạch duy nhất cho ơn cứu rỗi: "Chúng tôi chủ trương là con người được công chính bởi đức tin, chứ không dính dáng gì đến công việc của lề luật" (Rm.3:28). Tuy nhiên, cũng không được phép quên rằng, Thánh Phaolô đã nghĩ về đức tin chính đáng và trọn vẹn đó là một đức tin "tác hành bởi đức ái" (Gal.5:6). Ðức tin chân thực được sống động bởi tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không thể nào tách lìa khỏi tình yêu đối với anh chị em của chúng ta.