Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 101 (Thứ Tư ngày 20-9-2000)

Tặng Ân Thần Linh
làm cho chúng ta nên
"con cái nơi Người Con"

1. Chúng ta đã khai mở cho cuộc gặp gỡ của chúng ta bằng việc làm dấu kính Chúa Ba Ngôi, một dấu kính nói lên một cách gẫy gọn và rõ ràng ý nghĩa của những lời Thư Thánh Tông Ðồ Phaolô gửi Giáo Ðoàn Galata (x 4:4-7). Chúa Cha, trong việc tuôn đổ Thánh Linh vào lòng Kitô hữu, đã mang lại và tỏ cho chúng ta thấy việc Ngài thừa nhận chúng ta làm con cái do Chúa Kitô đem lại cho chúng ta. Thật vậy, chính Thần Linh là Ðấng "chứng tỏ cho lòng chúng ta thấy rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa" (Rm 8:16). Nhìn vào chân lý như nhìn vào Bắc tinh của đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy suy niệm một số khía cạnh về mối hiệp thông của chúng ta với Chúa Cha qua Chúa Con và trong Thần Linh.

 2. Ðường lối chiêm ngắm Thiên Chúa tiêu biểu theo Kitô giáo bao giờ cũng xuyên qua Chúa Kitô. Người là Ðường, không ai đến được với Cha mà không qua Người (x Jn 14:6). Trả lời cho Tông Ðồ Philiphê là vị nài xin Người "hãy tỏ cho chúng con Chúa Cha, chúng con sẽ được mãn nguyện", Chúa Giêsu đã nói: "ai thấy Thày là thấy Cha" (Jn 14:8-9). Chúa Kitô, Người Con yêu dấu (x Mt 3:17, 17:5), là Ðấng mạc khải về Chúa Cha đích thực nhất. Dung nhan chân thật của Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta thấy bởi duy một mình Ðấng "ở cung lòng Chúa Cha". Cách diễn tả theo nguyên ngữ Hy Lạp trong Phúc Âm Thánh Gioan (x 1:18) đã cho chúng ta thấy mối liên hệ yêu thương, mối liên hệ sự sống, thực sự thân tình và năng động giữa Chúa Con và Chúa Cha. Mối liên hệ của Lời hằng hữu này bao gồm cả bản tính nhân loại Người mặc lấy khi Nhập Thể. Bởi thế, theo quan điểm Kitô giáo, cảm nghiệm về Thiên Chúa không bao giờ được hạ cấp xuống thành "mối cảm quan về thần linh" chung chung vậy, và vai trò môi giới của nhân tính Chúa Kitô cũng không bao giờ có thể qua mặt, như đã được các nhà đại thần bí tỏ cho thấy, như Thánh Bênađô, Thánh Phanxicô Assissi, Thánh Catarina Sienna, Thánh Têrêsa Avila, cùng nhiều vị yêu mến Chúa Kitô trong thời chúng ta nữa, từ Charles de Foucauld đến Thánh Têrêsa Bênêdicta Thánh Giá (Edith Stein).

 3. Một vài khía cạnh về chứng từ của Chúa Giêsu liên quan đến Chúa Cha được phản ánh nơi hết mọi cảm nghiệm Kitô giáo đích thực. Trước hết Người chứng tỏ là giáo huấn của Người được bắt nguồn từ Cha: "Giáo huấn của Tôi không phải bởi Tôi, song bởi Ðấng đã sai Tôi" (Jn 7:16). Những gì Người tỏ ra đều đúng như những gì Người "đã nghe thấy" từ Chúa Cha (x Jn 8:26, 15:15, 17:8, 14). Bởi thế, cảm nghiệm của Kitô giáo về Thiên Chúa không thể triển nở nếu không hoàn toàn gắn liền với Phúc Âm. Chúa Kitô cũng làm chứng về tình yêu của Chúa Cha một cách hiệu nghiệm. Nơi Dụ Ngôn tuyệt vời về Người Con Trai Hoang Ðàng, Chúa Giêsu cho thấy Chúa Cha liên lỉ đợi chờ con người tội nhân trở về với vòng tay của Ngài. Trong Phúc Âm Thánh Gioan, Người nhấn mạnh đến Chúa Cha là Ðấng yêu thương nhân loại: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của mình" (Jn 3:16). Cũng thế, "ai yêu mến Thày sẽ giữ lời Thày, và Cha Thày sẽ yêu thương họ rồi chúng ta sẽ đến ở với họ" (Jn 14:23). Những ai thực sự cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa chỉ có thể lập lại bằng một cảm xúc luôn mới mẻ lời than thở trong Bức Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan: "Hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta là dường nào, nhờ đó chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa; mà chúng ta thực sự là như thế" (1Jn 3:1). Theo ý nghĩa đó, chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa bằng một danh xưng êm ái, tự nhiên, thân tình là Abba, Cha ơi. Danh xưng này liên lỉ được thốt lên từ môi miệng của thành phần tín hữu cảm thấy mình là con cái, như Thánh Phaolô gợi lại trong bài đọc mở đầu cho buổi gặp gỡ của chúng ta đây (x Gal 4:4-7).

 4. Chúa Kitô ban cho chúng ta chính sự sống của Thiên Chúa, một sự sống vượt thời gian và dẫn chúng ta vào mầu nhiệm của Chúa Cha, vào niềm vui của Ngài và vào ánh sáng vô tận. Thánh Ký Gioan đã chứng thực điều này khi nhắc lại những lời cao vời của Chúa Giêsu: "Vì như Cha có sự sống nơi chính mình Ngài thế nào, Ngài cũng cho Con có sự sống nơi chính Con như vậy" (Jn 5:26). "Ðây là ý muốn của Cha Tôi, đó là ai thấy Con mà tin vào Người thì sẽ có sự sống đời đời; rồi Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết... Như Cha hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống bởi Cha thế nào thì ai ăn Tôi cũng sẽ sống bởi Tôi như thế" (Jn 6:40, 57).

 Việc tham dự vào sự sống của Chúa Kitô đây, một sự sống làm cho chúng ta thành "con cái nơi Người Con", được thể hiện nhờ tặng ân Thần Linh. Thật vậy, Thánh Tông Ðồ đã cho chúng ta biết việc làm con cái của chúng ta trong Thiên Chúa gắn liền với Thánh Linh: "tất cả những ai được Thần Linh Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa" (Rm 8:14). Thần Linh liên kết chúng ta với Chúa Kitô và với Chúa Cha. "Trong vị Thần Linh này, Ðấng là tặng ân hằng hữu, Thiên Chúa Ba Ngôi thông mình cho con người, cho tâm linh con người. Hơi thở kín đáo của vị Thần Linh khiến tâm linh con người cũng mở ra trước việc tỏ mình cứu độ và thánh hóa của Thiên Chúa... Trong mối hiệp thông ân sủng với Chúa Ba Ngôi, ?lãnh giới sống động? của con người được mở rộng và thăng cấp lên bậc siêu nhiên của một đời sống thần linh. Con người sống trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa, ở chỗ họ sống ?theo Thần Linh?, và ?hướng tâm trí mình đến những sự của Thần Linh?" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, 58).

 5- Dung nhan phụ thân của Thiên Chúa thực sự tỏ hiện trước mắt Kitô hữu được chiếu giãi bởi ân sủng Thần Linh. Kitô hữu có thể hướng về Ngài bằng lòng tin tưởng như Thánh Têrêsa Lisieux chứng nhận trong đoạn tự thuật sâu sắc thế này: "Con chim nhỏ sẽ bay đến vầng dương quang sáng hấp dẫn đôi mắt của nó. Nó sẽ bắt chước các con đại bàng, chị em của chúng, những con đại bàng nó thấy bay cao tới lửa thần linh của Chúa Ba Ngôi?... Thế nhưng, than ôi! Tất cả những gì nó có thể làm là đập đập đôi cánh tí hon của mình; mà việc bay lên lạïi không phải là một chuyện dễ làm... Bởi thế, bằng việc vững vàng phó mặc, nó cứ hướng mắt về mặt trời thần linh; không gì có thể làm cho nó sợ hãi, dù gió thổi hay mưa rơi" (Tự Thuật, Paris 1957, trang 231).
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page