Là TẤT CẢ Trong MỌI SỰ
(1Cor.15:28)

36 bài Giáo Lý về Chúa Cha
của Ðức Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Luận Kết (của người dịch)

"Chúa Là
Thiên Chúa Chúng Ta,
Là Chúa Duy Nhất,
Bởi Thế..." (Dt.6:4)

Có Thiên Chúa: Niềm Tin Tôn Giáo

"Tôi tin kính một Thiên Chúa...". Ðây là câu tuyên xưng mở đầu cho kinh tin kính của Giáo Hội Công Giáo chúng ta. Tuy nhiên, khi đọc riêng, tôi bao giờ cũng thích đọc "Tôi tin có một Thiên Chúa". Tại sao? Bởi vì đối với tôi, tôi cần phải xác định niềm tin của tôi cho rõ hơn.

Ðúng thế, theo lý trí tự nhiên, con người khó lòng phủ nhận được có một Ðấng Tối Cao. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô, vị Tông Ðồ Dân Ngoại, đã khẳng định điều này: "Thật vậy, bất cứ điều gì có thể biết về Thiên Chúa thì con người đã rõ chính Ngài đã tỏ ra điều này. Vì từ khi tạo thành thế gian, những thực tại hữu hình, quyền năng vĩnh hằng và thần tính của Thiên Chúa đã được tỏ hiện qua những vật mà Ngài đã tạo thành. Bởi thế, những con người (vô đạo) không thể chữa mình được nữa" (Rm.1:19-20).

Thực tế cho thấy, ngay trước thời điểm Tân Ước của Kitô giáo, thời điểm Thiên Chúa chính thức và trực tiếp mạc khải mình ra cho nhân loại "qua Con Ngài" (Heb.1:2), con người đã tin có Ðấng Tối Cao rồi. Chẳng hạn như người Hy Lạp, một dân tộc có thể nói là thành phần mở màn cho văn minh Tây Phương, một thành phần mà thánh Phaolô, vị Tông Ðồ Các Dân Ngoại, đã tỏ ra nhận định của mình về họ khi ngài nói với họ trong một tòa thượng nghị ("Areopagus"): "Hỡi qúi vị thành Nhã Ðiển, tôi nhận thấy rằng qúi vị rất có lòng sùng đạo về mọi mặt. Khi tôi dạo quanh đây, nhìn ngắm những đền đài của qúi vị, tôi thấy có một bàn thờ đề là 'Kính Vị Thần Vô Danh'" (Acts 17:23).

Thế nhưng, chính vì Ðấng Tối Cao, đối với con người trước thời điểm Tân Ước bấy giờ, còn là một "Vị Thần Vô Danh", mà con người có thể đặt tên cho Ngài theo quan niệm của mình về Ngài. Chẳng hạn như Ca Dao Việt Nam gọi Ngài là Trời, Khổng giáo gọi Ngài là Thượng Ðế, Lão giáo gọi Ngài là Ðạo, Phật giáo gọi Ngài là Chân-Như, Hồi giáo gọi Ngài là Allah v.v. Cũng chính vì Ðấng Tối Cao có thể là bất cứ một thần tượng nào con người có thể nghĩ ra và đặt tên cho như thế mà, thực tế cũng cho thấy, có những tôn giáo hay giáo thuyết tin thờ đa thần, điển hình nhất là Ấn giáo (Hinduism) và Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism). Ấn giáo tin có 3 vị Thần Linh Tối Cao, đó là Brahma (Thần Tạo Dựng), Vishnu (Thần Bảo Toàn) và Siva (Thần Hủy Diệt), và Bái Hỏa giáo tin có 2 Quyền Lực Tối Cao, đó là Ornazd (Minh Thần) và Ahriman (Tà Thần).

Chính vì thế, "Tôi tin có một Thiên Chúa", nghĩa là tôi tin có Thiên Chúa và tin chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà thôi, là một câu tuyên xưng đức tin của chung Kitô giáo và của riêng Giáo Hội Công Giáo, một câu tuyên xưng chất chứa tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa và tất cả sự sống đời đời cho con người.

Một Thiên Chúa: Chủ Yếu Mạc Khải

"Tôi tin có một Thiên Chúa" là một câu tuyên xưng chất chứa tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa là một sự kiện hiển nhiên trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Trong Cựu Ước, theo mạc khải, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho con người, nơi dân Do Thái và qua các vị tiên tri của họ: "Trong những thời xưa kia, bằng nhiều thể nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các vị tiên tri" (Heb.1:1). Thế nhưng, Thiên Chúa đã nói, tức đã mạc khải cho con người qua các vị tiên tri của dân Do Thái những gì, nếu không phải là một điều duy nhất tối yếu này mà Ngài đã chính thức tỏ cho con người một cách long trọng nhất, vào lúc Ngài kêu gọi và sai Moisen đi giải thoát dân Do Thái khỏi cảnh làm tôi bên Ai Cập, khi Ngài tự xưng: "Ta là Ðấng Có" (Ex.3:14).

Qua lời mạc khải mà Thiên Chúa nhận làm "danh của Ta đến muôn đời và là tước hiệu của Ta cho mọi thế hệ" (Ex.3:15) này, Thiên Chúa muốn xác định với con người, cũng như Ngài đã dùng các tiên tri nhắc đi nhắc lại với dân Cựu Ước của Ngài, một dân được Ngài ban cho Ðất Hứa, rằng: Ta là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ta không còn thần linh nào khác (xem các sách Dt.4:35; 2Sam.7:22; 1Chr.17:20; Wis.12:13; Is.26:13, 43:11, 44:6,8, 45:5,14,21, 47:8,10, 64:4; Hos.13:4).

Thế rồi, một đường kính nối liền vòng tròn nhân loại với tâm điểm là Thiên Chúa, Ðấng tỏ mình ra cho họ như "Chúa là Thiên Chúa duy nhất" của họ. Ðường kính dẫn con người đến cùng "Chúa là Thiên Chúa duy nhất" này chính là phận sự "yêu mến" của con người dành cho một mình Ngài, như Ngài đã dùng miệng Moisen, với tư cách là vị tiên tri đầu tiên của Ngài, truyền cho dân Do Thái như vậy: "Hỡi Ích-Diên, hãy nghe đây! Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất. Bởi thế, các ngươi phải kính mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực của mình" (Dt.6:4-5).

Chính lề luật yêu mến này, ngược lại, đã làm sáng tỏ điều Thiên Chúa muốn mạc khải về "danh và tước hiệu" của Ngài, đúng như Chúa Kitô đã khẳng định: "Toàn thể lề luật, và các lời tiên tri nữa, đều gồm tóm trong hai điều luật yêu thương này" (Mt.22:40), tức gồm tóm tất cả mạc khải của Thiên Chúa, mạc khải về một Thiên Chúa chân thật duy nhất mà ngày nay Kitô giáo chúng ta tuyên xưng ngay trong câu mở đầu của kinh Tin Kính: "Tôi tin có một Thiên Chúa".

Sang thời Tân Ước, căn cứ vào mạc khải duy nhất tối yếu này, Chúa Kitô, Ðấng đã đến không phải để hủy bỏ lề luật và các lời tiên tri, mà là làm cho chúng nên trọn" (Mt.5:17), Ðấng là chính "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý" (Jn.1:14), "Ngài đã tỏ Cha ra" (Jn.1:18). Chúa Kitô đã tỏ Cha của Người ra như thế nào, nếu không phải Người đã tỏ ra cho con người biết rằng Thiên Chúa chính là Cha của Người cũng là Cha của họ, như lời Người đã minh định với Mai-Ðệ-Liên sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết: "Hãy đi nói với anh em của Ta rằng: 'Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha của các con, cùng Thiên Chúa của Ta cũng là Thiên Chúa của các con!'" (Jn.19:17). Mà "Cha" thì có nghĩa là gì, nếu không phải nghĩa là "tình yêu" và là "sự sống", đúng như Chúa Kitô đã xác định: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một Mình, để ai tin Con sẽ không phải chết, song được sự sống đời đời" (Jn.3:16).

Như thế, chính Chúa Kitô là mạc khải đích thực, trực tiếp và trọn vẹn của Thiên Chúa, một mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con người, như Chúa Kitô cũng đã tự minh nhiên công nhận: "Cha Thày yêu Thày thế nào, Thày cũng yêu các con như vậy" (Jn.15:9). Nghĩa là Chúa Kitô, "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Col.3:15) và là "hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Heb.1:3), đến để diễn tả cho con người thấy "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn.4:8,16), Ðấng "muốn cho tất cả mọi người được cứu và nhận biết chân lý" (2Tim.2:5), bằng cách, như Người nguyện cùng Cha của Người: "Vì họ mà Con tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Jn.17:19). Và "chân lý" đây, như thánh Phaolô định nghĩa trong thư thứ hai gửi cho Timôthêu "là thế này: 'Chỉ có một Thiên Chúa. Cũng chỉ có một đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, đó là con người Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã hiến mình làm giá chuộc cho tất cả mọi người" (1Tim.2:5-6).

Một Thiên Chúa: Sự Sống Ðời Ðời

Trên thực tế, chân lý nói lên tất cả Mạc Khải Thần Linh này chính là "ánh sáng sự sống" (Jn.8:12) , nghĩa là một chân lý làm cho ai tin theo thì được sự sống đời đời, như Chúa Giêsu tuyên bố trong Kinh Nguyện Tiệc Ly của Người: "Sự sống đời đời là ở chỗ nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Ðấng Cha sai là Ðức Giêsu Kitô" (Jn.17:3).

Vì Thiên Chúa duy nhất qua quyền năng vô địch Ngài đã tỏ ra cho dân Do Thái nhận biết trong thời Cựu Ước, cũng chính là Thiên Chúa yêu thương thông ban sự sống Mình là Ðức Kitô và qua Ðức Kitô, Con Một của Ngài, cho tất cả loài người nơi dân Tân Ước như thế, mà lời tuyên xưng đầu tiên trong kinh Tin Kính: "Tôi tin có một Thiên Chúa" liền được thêm: "là cha", tức "Tôi tin có một Thiên Chúa là cha".

Cũng chính vì Thiên Chúa là Cha của loài người nói riêng và của chi thể Chúa Kitô nói riêng như thế mà chúng ta phải yêu mến Ngài: "Toàn thể lề luật, và các lời tiên tri nữa, đều gồm tóm trong hai điều luật yêu thương này" (Mt.22:40). Thế nhưng, "yêu mến" Thiên Chúa là Cha của mình, theo ý nghĩa Tân Ước, nghĩa là "nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Ðấng Cha sai là Ðức Giêsu Kitô". "Nhận biết" theo nghĩa Tân Ước này, tuy đồng nghĩa với "yêu mến" trong Cựu Ước, thế nhưng, trong khi ý nghĩa "yêu mến" trong Cựu Ước, theo câu trích dẫn trên, chỉ nhắm đến một đối tượng: "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất. Bởi thế..." (Dt.6:4), thì ý nghĩa "nhận biết" trong Tân Ước lại nhắm đến hai đối tượng: "Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Ðấng Cha sai là Ðức Giêsu Kitô" (Jn.17:3).

Ðó là lý do, để trả lời cho một luật sĩ hỏi Người về "giới răn nào trọng nhất trong lề luật", Chúa Kitô đã xác định "giới răn thứ nhất và giới răn thứ hai": Giới răn thứ nhất, "trọng hơn và đầu tiên" (Mt.22:38), là kính mến Thiên Chúa và giới răn thứ hai, "cũng như vậy" (Mt.22:38), là yêu thương tha nhân. Phân tách giới răn trọng nhất lề luật được chia ra làm hai phương diện này như thế, Chúa Kitô muốn làm sáng tỏ mối liên hệ mật thiết không thể tách lià của "tình yêu", đúng hơn, Ngài muốn làm sáng tỏ mối liên hệ giữa Thiên Chúa là Cha và con người là con cái của Ngài trong Ðức Kitô. Nếu đã "yêu mến" Thiên Chúa là Cha mình thì cũng phải "yêu thương" nhau là anh chị em của mình nữa.

Thế nhưng, mối liên hệ anh chị em của cùng một Thiên Chúa là Cha trên trời này chỉ được sáng tỏ trong và nhờ Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô mà thôi. Chính vì thế, "sự sống đời đời (chẳng những) là nhận biết Cha (mà còn cả) Ðức Giêsu Kitô", Ðấng "đã trở nên giống như anh em mình mọi bề" (Heb.2:17). Và cũng chính vì thế, giới răn "yêu mến" của Cựu Ước nhắm đến hai đối tượng, theo Tân Ước, đã hợp lại chỉ còn có một "giới răn mới" (Jn.13:34), đó là giới răn "yêu thương nhau" (Jn.13:34), một giới răn nhắm đến duy đối tượng nhân loại, nhưng lại là một giới răn đặt căn bản trên thần linh, tức là phải "yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con" (Jn.15:12).

Ðến đây, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh một giòng sông của sách "Khải Huyền", đó là "một giòng sông chảy nước ban sự sống, trong như pha lê, phát xuất từ ngai của Thiên Chúa và tòa của Con Chiên, tuôn xuống giữa những con đường (của Tân Gia-Liêm). Hai bên bờ của giòng sông này mọc lên những cây sự sống trổ sinh hoa trái quanh năm mỗi tháng..." (Rev.22:1-2).

"Giòng sông" của sách Khải Huyền đây là gì, nếu không phải là nguồn mạc khải.

"Chảy nước ban sự sống" đây là gì, nếu không phải là Mạc Khải của Tình Yêu Thần Linh và về Tình Yêu Thần Linh.

"Giòng sông" Mạc Khải Tình Yêu Thần Linh này từ đâu mà có, nếu không phải "phát xuất từ ngai của Thiên Chúa và tòa của Con Chiên": "Cha Thày yêu Thày thế nào, Thày cũng yêu các con như vậy" (Jn.15:9).

Thế rồi, từ đó, "giòng sông" Mạc Khải Tình Yêu Thần Linh này sẽ chảy về đâu, nếu không phải "tuôn xuống giữa những con đường (của Tân Gia-Liêm)", tức "đổ vào lòng chúng ta" (Rm.5:5) là các chi thể của Giáo Hội: "Thày yêu thương các con thế nào, các con hãy yêu thương nhau như vậy" (Jn.13:34).

"Giòng sông" Mạc Khải Tình Yêu Thần Linh này chảy xuống như thế sẽ làm nên những gì, nếu không phải làm "mọc lên những cây sự sống trổ sinh hoa trái quanh năm mỗi tháng", ở chỗ: "Tình các con yêu thương nhau là dấu hiệu làm cho tất cả mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thày" (Jn.13:35).

"Giòng sông" Mạc Khải Tình Yêu Thần Linh này làm cho "hai bên bờ" Cựu Ước và Tân Ước, "hai bên bờ" Dân Do Thái và Các Dân Ngoại (x.Êph.3:6), "mọc lên những cây trường sinh" là những vị thánh có những phúc đức như "lá cây được dùng như phương thuốc chữa trị các dân nước" (Rev.22:2) như thế để làm gì, nếu không phải để "Cha được vinh danh" (Jn.15:8): "Ai tiếp nhận các con là tiếp nhận Thày, ai tiếp nhận Thày là tiếp nhận Ðấng đã sai Thày" (Mt.10:40), "để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự" (1Cor.15:28).

Một Thiên Chúa: Chân Lý Cuộc Ðời

"Tôi tin có một Thiên Chúa", như thế, là một câu tuyên xưng chẳng những chất chứ tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, mà còn chất chứa tất cả sự sống đời đời cho con người nữa.

Thậy vậy, theo tâm lý, nếu tâm tưởng chi phối hành động thế nào, thì theo mạc khải, đời sống luân lý của con người cũng phát xuất từ và đặt trên căn bản đức tin như vậy. Chính vì thế, người Kitô giáo chúng ta cũng dễ hiểu tại sao việc kính mến lại gắn liền với niềm tin, như được diễn tả trong câu Thánh Kinh Cựu Ước sau đây: "Hỡi Ích-Diên, hãy nghe đây! Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất. Bởi thế, các ngươi phải kính mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực của mình" (Dt.6:4-5).

Ðúng thế, niềm tin "có một Thiên Chúa" chẳng những được chứng tỏ hết sức hiển nhiên trước mắt của con người, qua thế giới hữu hình trong thiên nhiên, như đoạn thư của thánh Phaolô được trích lại ở đầu bài nói đến (x.Rm.1:19-20), mà còn có thể được chứng minh hết sức sống động ngay trong thâm tâm của con người, qua cuộc sống thực nghiệm của họ nữa.

Không phải hay sao, vì "không ai có thể làm tôi hai chủ" (Mt.6:24), như lời Chúa Giêsu khẳng định trong Phúc Âm của Người, mà "cái gì của Cêsa thì hãy trả lại cho Cêsa, nhưng cái gì của Thiên Chúa phải trả về cho Thiên Chúa" (Mt.22:21) hay sao? Hai câu Phúc Âm hết sức chân thật và thực tế này đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi đời sống của thánh Augustinô, khi ngài thành thật tuyên xưng ngay đầu cuốn "Tự Thú" của ngài: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên trái tim con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa".

Câu truyện về cuộc đời của thánh Christôphơ cũng thế. Ngài là một vị thánh trước đây vẫn được Giáo Hội kính vào ngày 25-7 hằng năm, và ngày nay người ta còn kính ngài như một vị thánh bảo toàn cho những cuộc du hành. Hạnh tích của thánh nhân kể lại rằng ngài có một thân hình và khuôn mặt khổng lồ. Do đó, ngài đi tìm một vị chúa tể để phụng sự. Trước hết, ngài đến phụng sự một ông vua theo Kitô giáo đang cai trị quê hương Canaan của thánh nhân bấy giờ. Ðến khi thấy ông vua này làm dấu thánh giá khi nghe thấy nói đến ma qủi, ngài liền bỏ nhà vua để đi tìm ma qủi. Sau khi gặp ma qủi trong sa mạc và đi theo để phụng sự ma qủi, lại thấy trên đường đi ma qủi thấy hình thánh giá thì tránh đi, ngài liền bỏ ma qủi để đi tìm Chúa Kitô. Cuối cùng, nghe theo lời khuyên của một vị ẩn tu trong sa mạc, ngài đã đến làm một cái chòi bên một con sông đã làm cho nhiều người chết ở đó.

Vào một đêm kia, đang ngủ, nghe có tiếng gọi xin đưa sang sông, ngài đã chỗi dậy, chạy ra ngoài, sau ba lần mới thấy một em bé bên bờ sông. Ngài đã đưa em sang sông. Nhưng càng đi vào giữa giòng sông, ngài càng cảm thấy mình đuối sức, đến nỗi phải kêu lên: "Em nhỏ ơi, em làm cho ta lâm nguy qúa rồi 'em nặng như thể cả hoàn vũ này đè lên mình ta vậy' ta không chịu nổi đâu". Bấy giờ Em Bé trả lời: "Hỡi Christôphơ, ngươi đừng có lấy làm lạ' vì ngươi không phải chỉ mang trên mình cả hoàn vũ này, mà còn mang chính Ðấng đã tạo dựng và làm nên hoàn vũ này trên đôi vai của ngươi. Ta là Giêsu Kitô, vị Vua mà ngươi đang làm việc này để phụng sự Ta" (theo tích truyện được kể lại trong bộ Butler's Lives of The Saints, Christian Classics, Westminster, Maryland, 1988, Vol.3, pp.184-185).

Tuy con người luôn luôn tìm kiếm một Ðấng Tối Cao như thế, trên thực tế, nếu chính Ðấng Tối Cao mà con người tìm kiếm đó không tự tỏ mình ra, qua đường lối Mạc Khải, thì con người vẫn có thể lầm lạc đi tôn thờ ngẫu tượng hết sức dễ dàng. Nguyên tội chính là một điển hình về việc con người tôn thờ ngẫu tượng ngay từ ban đầu. Không phải hay sao, theo đoạn 3 của sách Khởi Nguyên thuật lại, một khi con người tỏ ra không vâng lời Thiên Chúa trong việc cùng nhau ăn cây Thiên Chúa cấm, thì con người đã ngang nhiên hạ bệ Thiên Chúa xuống, tự nâng mình lên như một Thần Tôi Vĩ Ðại, ngang hàng với Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đã không tự phong thần cho mình như thế, nếu Satan không xức dầu gian dối cho họ. Bởi đó, khi không nghe Thiên Chúa mà lại nghe ma qủi là con người đã mặc nhiên tôn nhận Satan là chúa của mình.

Ðó là lý do chúng ta thấy tại sao Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong chương trình Ðồng Công Cứu Chuộc nhân loại, Mẹ đã hết sức khiêm cung thưa với sứ thần của Thiên Chúa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi theo như lời của ngài" (Lk.1:38). Thế nhưng, nhân đức khiêm nhượng thẳm sâu và tuân phục tuyệt đối này của Mẹ Maria không thể nào có được, nếu Mẹ không có một đức tin sâu xa, một đức tin mà mẹ của thánh Gioan Tiền Hô đã phải tuyên tụng: "Phúc cho Người là kẻ đã tin rằng những lời Chúa phán sẽ được thực hiện" (Lk.1:45). Ðức tin sâu xa này của Mẹ nơi những lời của Chúa đây là gì, nếu không phải là việc Mẹ, ngoài "Thiên Chúa Ðấng cứu chuộc tôi" (Lk.1:47), Mẹ không tôn thờ bất cứ một ngẫu tượng nào. Lời Mẹ chân thành trình với sứ thần Thiên Chúa: "Tôi không hề biết đến nam nhân" (Lk.1:34), chẳng những nói lên tình trạng thân xác hoàn toàn trinh nguyên vẹn tuyền của Mẹ, mà còn nói lên cả tinh thần của Mẹ mến yêu gắn bó với một mình Thiên Chúa thôi.

Của Thiên Chúa: Trả Cho Thiên Chúa

Trong Cựu Ước, hai tội mà "Chúa là Thiên Chúa duy nhất" luôn cảnh giác và trừng trị dân Do Thái khi họ vấp phạm, đó là:

Thật ra, trên thực tế, tội tôn thờ ngẫu tượng và tội ngoại tình (theo nghĩa đạo lý chứ không phải sinh lý) này cũng chỉ là một, bởi vì, khi con người tôn thờ ngẫu tượng là con người lìa bỏ "Chúa là Thiên Chúa duy nhất" của mình để chạy theo một thần tượng khác mà con người thấy hợp với mình hơn, để rồi hiến thân cho thần tượng này mà trở nên "ô uế" (Ezk.20:7,18,31; 22:3-4; 23:730,37; 36:18,25; 44:10), một thần tượng không phải "Chúa là Thiên Chúa duy nhất" mà con người tôn sùng này, trên hết là và không ai khác hơn là chính Thần Tôi Vĩ Ðại của họ, mà Satan là chúa tể.

Thật vậy, thế giới đang ở vào cuối thập niên 1990 trước ngưỡng cửa của "Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến", đã tôn thờ ngẫu tượng hơn bao giờ hết. Họ không tôn thờ ngẫu tượng là chính Thần Tôi Vĩ Ðại của mình là gì, khi họ lập lại thái độ ngông cuồng của nguyên tổ, hạ bệ "Chúa là Thiên Chúa duy nhất" của mình xuống, bằng việc ăn cây Ngài cấm, trái cấm ly dị, "phân ly những gì Thiên Chúa đã nối kết" (Mt.19:6), và trái cấm phá thai, sát hại những gì Thiên Chúa muốn con người "sinh sôi nẩy nở" (Gn.1:28). Hiện tượng ly dị và phá thai này đang diễn tiến hết sức thảm thương ở Âu Mỹ, nơi mà Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong tông thư "Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến" , đoạn 52, đã nhận định "phát triển nhiều về phương diện kỹ thuật, nhưng nội tâm lại kiệt quệ, bởi khuynh hướng lãng quên Thiên Chúa hay xa lánh Ngài" (trích dịch từ The Pope Speaks, vol.40, No.2, 3-4/1995).

"Cuộc khủng hoảng văn minh này", như Ðức Thánh Cha nhận định trong cùng một đoạn tông thư trên, được ngài sánh ví, áp dụng và giải quyết như sau: "Thế giới tân tiến ngày nay đang hiện lên một tình trạng như Arepagus ở Nhã Ðiển, nơi mà thánh Phaolô đã diễn giảng. Ngày nay có nhiều areopagi, chúng rất khác nhau: Chúng là những khu vực lớn lao trong nền văn minh và văn hóa hiện đại, trong lãnh vực chính trị và kinh tế. Tây phương càng trở nên xa lìa với những cội gốc Kitô giáo, nó càng trở nên một địa sở truyền giáo, dưới hình thức của nhiều areopagi khác nhau" (cùng nguồn trích dịch trên, đoạn 57).

Với tinh thần yêu mến Thiên Chúa tuyệt đối tinh tuyền, được tỏ ra bằng lòng khiêm nhượng đích thực và một đức tuân phục triệt để của mình, Mẹ Maria đã trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, cả bản thân của Mẹ cùng với nhân loại, nơi Ðức Giêsu Kitô và nhờ Ðức Giêsu Kitô, "Lời đã hóa thành nhục thể" (Jn.1:14), Ðấng mà "nhờ Người Thiên Chúa đã hòa giải mọi sự dưới đất cũng như trên trời" (Col.1:20). Cũng thế, nếu giá trị trần gian, như một đồng tiền được in hình hài và dấu ấn của Cêsa (x.Mt.22:21), cần phải sử dụng cho đúng giá trị trần gian của nó thế nào, thì bản tính của "con người đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" (Gn.9:6), và đã được "đóng ấn" (Rev.7:3) bằng chính giá máu cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, phải trả về như vậy cho "Chúa là Thiên Chúa duy nhất"!


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page