Ðược dựng nên giống hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, con người luôn hướng về và tìm kiếm Ðấng Hóa Công của mình. Chính bởi bản chất tôn giáo và khuynh hướng tôn giáo này nơi con người, lịch sử cho thấy, đã phát hiện những đạo lý khác nhau trên thế giới này. Do đó, các đạo giáo chính là những đường lối con người nghĩ ra hay khám phá thấy để có thể tìm kiếm Ðấng Tối Cao, để có thể tìm về nguồn gốc thần linh của mình.
Thế nhưng, tự bản thể, "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn.4:24), bởi thế, nếu Ngài không tự tỏ mình ra cho con người, thì con người "thuộc hạ giới" (Jn.8:23), tức thành phần sinh bởi xác thịt là xác thịt (x.Jn.1:13,3:6), sẽ vĩnh viễn không thể nào biết Ngài đích thực như Ngài Là hay như Ngài biết mình Ngài. Việc "Thiên Chúa là Thần Linh" "thuộc thượng giới" (Jn.8:23) tỏ mình ra cho con người "thuộc hạ giới" đây là việc Mạc Khải Thần Linh. Căn cứ vào các Sách Thánh được gọi là Thánh Kinh của mình, thì trong tất cả các đạo giáo lớn trên thế giới, chỉ Do Thái Giáo và Kitô Giáo mới có Mạc Khải Thần Linh đích thực này.
Vì "Thiên Chúa là Thần Linh" muốn tỏ mình ra cho con người "biết Ngài đích thực như Ngài Là hay như Ngài biết mình Ngài", mà Thánh Kinh của Do Thái Giáo và Kitô Giáo đã ghi lại Mạc Khải Thần Linh, tức ghi lại tất cả những gì Thiên Chúa biểu lộ ra, bằng lời nói cũng như bằng việc làm. Vậy căn cứ vào "tất cả những gì Thiên Chúa biểu lộ ra", Mạc Khải Thần Linh đã cho con người thấy "tất cả sự thật" (Jn.16:13), "sự thật đó là" (1Tim.2:5): Thiên Chúa Là Chúa Duy Nhất và Là Cha Trên Trời.
Thiên Chúa thực sự đã mạc khải Ngài Là Chúa Duy Nhất, bằng giao ước Ngài thực hiện với dân Do Thái, và Thiên Chúa cũng đã mạc khải Ngài Là Cha Trên Trời bằng giao ước Ngài ký kết với chung loài người. Theo Kitô Giáo, thời đoạn Thiên Chúa mạc khải mình ra với dân Do Thái được gọi là Cựu Ước, và thời đoạn Ngài mạc khải mình ra cho chung loài người, qua dân Do Thái, được gọi là Tân Ước. Tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải trong hai thời đoạn này đã được một số tác giả ghi nhận và được Kitô Giáo công nhận như Bộ Sách Thánh của mình, một bộ Sách Thánh có hai phần, phần Thánh Kinh Cựu Ước và phần Thánh Kinh Tân Ước.