Là TẤT CẢ Trong MỌI SỰ
(1Cor.15:28)

36 bài Giáo Lý về Chúa Cha
của Ðức Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


(4) Bài Giáo Lý của ÐTC Gioan Phaolô II
Thứ Tư ngày 31 tháng 7 năm 1985

Thiên Chúa tỏ mình ra
Là Ðấng Hiện Hữu

Khi tuyên xưng "tôi tin kính Thiên Chúa" là chúng ta trước hết nói lên tất cả niềm xác tín của chúng ta rằng Thiên Chúa hiện hữu. Ðây là một chủ đề chúng ta đã bàn đến ở buổi giáo lý của kỳ trước liên quan đến ý nghĩa của câu "tôi tin kính". Theo giáo huấn của Giáo Hội, sự thật về sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể biết được bởi nguyên trí khôn lành mạnh của con người. Những đoạn Sách Khôn Ngoan (13:1-9) và Bức Thư gửi giáo đoàn Rôma (x.1:19-20) mà chúng ta đã trích dẫn trước đây chứng thực điều này. Các đoạn văn này nói đến kiến thức về Thiên Chúa là Ðấng Hóa Công (hay (Nguyên Nhân Ðệ Nhất). Sự Thật này cũng được đề cập đến ở những trang khác trong Thánh Kinh. Thiên Chúa vô hình, theo một nghĩa nào đó, đã trở nên "hữu hình" qua những công việc Ngài làm.

Bài ca vũ trụ hân hoan của tạo vật này là một bài ca chúc tụng Thiên Chúa là Ðấng Hóa Công. Ðây chúng ta có một đoạn khác:

Ðây chỉ là một số đoạn được các tác giả cảm hứng nói lên chân lý tôn giáo về Thiên Chúa Hóa Công, bằng việc sử dụng hình ảnh thế giới cùng thời với các vị. Nó thực sự là một hình ảnh tiền khoa học, nhưng đúng theo tôn giáo và tuyệt vời về thi ca. Hình ảnh hiện tại cho người của thời chúng ta, nhờ việc phát triển của ngành vũ trụ học liên quan đến triết học cũng như khoa học, lại mang môït ý nghĩa và tác hiệu khôn sánh hơn nữa đối với những ai hành động với một trí khôn lành mạnh.

Những kỳ lạ mà các khoa học chuyên biệt khác nhau tỏ cho chúng ta thấy về con người cũng như thế giới, về tiểu vũ trụ và đại vũ trụ, về cấu trúc nội tại của thể chất và về những sâu kín nơi tâm lý con người, đều là những gì xác nhận những lời của các tác giả Sách Thánh, đưa chúng ta đến việc nhận biết sự hiện hữu của một Thượng Trí đã tạo nên vũ trụ trong trật tự lớp lang.

Những lời "tôi tin kính Thiên Chúa" trước hết qui về Ðấng mạc khải mình ra. Thiên Chúa, Ðấng mạc khải mình ra cũng là Ðấng hiện hữu. Chỉ có Ðấng hiện hữu thực mới có thể thực sự tỏ mình ra. Theo một nghĩa nào đó, mạc khải tự mình nói đến vần đề hiện hữu của Thiên Chúa một cách phụ thuộc và gián tiếp. Kinh Tin Kính không trình bày sự hiện hữu của Thiên Chúa như là một vấn đề cần phải có. Như chúng ta đã nói, Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền đều xác nhận khả kiện của một kiến thức nào đó về Thiên Chúa chỉ cần một mình lý trí cũng đủ (x.Wis.13:1-9; Rm.1:19-20; Vatican I, DS 3004; Vatican II, DV 6). Việc xác nhận này gián tiếp bao gồm giả thiết rằng kiến thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa nhờ đức tin - mà chúng ta nói lên qua câu "tôi tin kính Thiên Chúa" - có một đặc tính suy luận lý trí có thể truy tìm. "Tôi tin để tôi có thể hiểu", cũng như "tôi hiểu để tôi có thể tin" - đó là con đường từ đức tin tới thần học.

Khi chúng ta phát biểu "tôi tin kính Thiên Chúa", thì lời lẽ của chúng ta có một đặc tính "tuyên xưng" thực sự. Bằng việc tuyên xưng của mình, chúng ta đáp lại Thiên Chúa là Ðấng tỏ mình ra. Bằng việc tuyên xưng, chúng ta trở nên những người tham dự vào sự thật Thiên Chúa đã mạc khải, và chúng ta cũng noí lên sự thật này như nội dung cho niềm xác tín của chúng ta. Ðấng mạc khải mình ra không chỉ làm cho sự thật này giúp chúng ta có thể nhận biết Ngài hiện hữu, mà Ngài còn khiến chúng ta biết Ngài là Ai và Ngài là như thế nào. Như thế việc Thiên Chúa tỏ mình ra dẫn chúng ta đến vấn đề về yếu tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Ai?

Ở đây chúng ta trở lại biến cố thánh kinh được Sách Xuất Hành thuật lại (3:1-14). Moisen, người đang chăn chiên gần núi Horeb, đã nhận thấy một hiện tượng ngoại thường. "Ông nhìn thấy, kìa, một bụi cây đang cháy mà không bị thiêu rụi" (Ex.3:2). Ông đã tiến đến và "Thiên Chúa đã gọi ông từ bụi cây: 'Moisen, Moisen!'. Ông thưa: 'Này tôi đây'. Bấy giờ Thiên Chúa phán: 'Chớ có đến gần; hãy cởi giầy của ngươi ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh'. Rồi Thiên Chúa phán: 'Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp'. Moisen che mặt lại vì ông sợ nhìn vào Thiên Chúa" (Ex.3:4-6).

Biến cố được Sách Xuất Hành diễn tả này được coi như là một "cuộc thần hiện", một cuộc biểu hiện của Thiên Chúa qua một dấu hiệu ngoại thường. Trong số tất cả các cuộc thần hiện ở Cựu Ước, cuộc thần hiện này nổi bật đặc biệt như là một dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện. Cuộc thần hiện không phải là một mạc khải trực tiếp của Thiên Chúa, mà chỉ là một cuộc biểu hiện sự có mặt đặc biệt của Ngài. Trong trường hợp này, sự hiện diện của Thiên Chúa được tỏ ra bằng cả lời nói phát ra từ bụi cây, lẫn chính bụi cây cháy mà không bị thiêu rụi.

Thiên Chúa đã tỏ cho Moisen sứ mệnh Ngài có ý ủy thác cho ông. Moisen phải kéo dân Yến Duyên ra khỏi cảnh làm tôi Ai Cập và dẫn họ vào đất hứa. Thiên Chúa đã hứa giúp Moisen thực hiện sứ mệnh của mình bằng quyền năng của Ngài: "Ta sẽ ở với ngươi". Bấy giờ Moisen nói với Thiên Chúa: "nếu tôi đến với dân Yến Duyên mà nói với họ: 'Thiên Chúa của cha ông các người đã sai tôi đến với các người', và họ hỏi tôi: 'Tên Ngài là gì?' thì tôi nói với họ ra sao? Thiên Chúa phán cùng Moisen: 'Ta là Ðấng hiện hữu'. Rồi Ngài phán: 'Hãy nói thế này với dân Yến Duyên: Ðấng hiện hữu sai tôi đến cùng các người'" (Ex.3:12-14).

Thiên Chúa của đức tin chúng ta - Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp - đã mạc khải tên của Ngài là như thế. Tên đó là "Ta là Ðấng hiện hữu". Theo truyền thống Yến Duyên, tên nói lên yếu tính.

Sách Thánh có những tên khác về Thiên Chúa, như "Chúa" (như Wis.1:1), "Tình Yêu" (1Jn.4:16), "Ðấng Xót Thương" (như Ps.86:15), "Ðấng Trung Tín" (1Cor.1:9), "Ðấng Thánh" (Is.6:3). Thế nhưng, tên mà Moisen đã nghe từ giữa bụi cây cháy thực sự là nền tảng của tất cả mọi tên khác. Ðấng hiện hữu nói lên chính yếu tính của Thiên Chúa, tức tự hữu, Hữu Thể tự tại, như các nhà thần học và các triết gia nói. Trước nhan Ngài chúng ta không thể làm gì ngoài việc phục mình mà tôn thờ.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page