Là TẤT CẢ Trong MỌI SỰ
(1Cor.15:28)

36 bài Giáo Lý về Chúa Cha
của Ðức Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


(34) Bài Giáo Lý của ÐTC Gioan Phaolô II
Thứ Tư ngày 23 tháng 7 năm 1986

Thiên Chúa cho các Thiên Thần
dự phần vào Lịch Sử Cứu độ

Trong các bài giáo lý mới đây, chúng ta đã thấy được tại sao qua các thế kỷ Giáo Hội đã tuyên xưng chân lý về việc hiện hữu của các thiên thần là các hữu thể thuần linh. Ðược ánh sáng từ Sách Thánh chiếu soi, Giáo Hội đã tuyên xưng chân lý này nơi Kinh Tin Kính Nicêa-Contantinôpôli, và đã xác nhận chân lý này nơi Công Ðồng Chung Latêranô IV (1215), một công đồng có công thức tuyên xưng được lập lại bởi Công Ðồng Chung Vaticanô I trong tương quan với giáo lý về việc tạo dựng: "Vào lúc khởi nguyên, Thiên Chúa của thời gian đã từ hư không dựng nên chung cả hai loài tạo vật, tạo vật linh thiêng và tạo vật thể chất, tức là thiên thần và trần thế, và bởi vậy nên Ngài đã tạo dựng bản tính loài người có cả hai, vì nó được hình thành bởi tinh thần và thể xác" (Hiến Chế Dei Filius, DS 3002). Nói cách khác, Thiên Chúa đã dựng nên cả hai thực tại ngay từ ban đầu - thực tại linh thiêng và thực tại thể chất, thế giới trần gian và thế giới thiên thần. Ngài đã dựng nên tất cả mọi sự này cùng một lúc, trong ý hướng tạo thành con người là loài được dựng nên có cả tinh thần lẫn thể chất, và được đặt vào, như thánh kinh trình thuật, trong cảnh trí của một thế giới đã được thiết định theo lề luật của Ngài cũng như đã được đo lường theo thời gian.

Ðức tin của Giáo Hội nhận biết chẳng những việc hiện hữu của các thiên thần mà còn cả một số đặc tính chuyên biệt nơi bản tính của các vị nữa. Hữu thể thuần linh của các vị bao hàm trước hết tính chất vô chất thể của các vị cũng như tính chất bất tử của các vị. Các thiên thần không có "thân thể", (mặc dù, ở một số trường hợp đặc biệt, các vị cũng tỏ mình ra dưới các dạng thức hữu hình để thi hành sứ vụ mang lại thiện ích cho người ta). Thế nên các vị không lệ thuộc luật hủy hoại chung nơi thế giới vật chất. Nói đến tình trạng của các thiên thần, chính Chúa Giêsu đã phán, ở cuộc sống mai này, thành phần phục sinh "không chết được nữa, vì họ giống như các thần trời" (Lk.20:36).

Là các tạo vật có bản tính linh thiêng, các thiên thần được phú bẩm cho một minh trí và ý muốn tự do giống như con người, tuy luôn luôn hữu hạn bởi giới hạn vốn có nơi mọi thụ sinh, nhưng ở một mức độ trổi vượt hơn con người. Bởi thế, các thiên thần là các hữu thể có bản vị, do đó, cũng là "hình ảnh và tương tự như" Thiên Chúa. Sách Thánh cũng nói đến các thiên thần, bằng việc sử dụng những từ ngữ, chẳng những nói lên cá vị (với các tên rõ ràng như Ra-Phiên, Ga-Biên, Minh-Kha), mà còn "tổng hợp" các vị nữa (như những danh hiệu gọi các vị là luyến thần, quyện thần, bệ thần, quyền thần, quản thần, công thần), thánh kinh còn phân biệt thiên thần với tổng thần. Với đặc tính tương tự và tiêu biểu nơi các vị thuần linh theo ngôn ngữ sách thánh này trong đầu, chúng ta có thể suy diễn rằng những hữu thể và bản vị này đã thực sự hợp lại thành một xã hội. Các vị được chia thành cấp bậc và trình độ tương đương với tầm mức hoàn hảo cũng như với các việc ủy thác cho các vị làm. Các tác giả xưa kia và chính phụng vụ cũng nói đến ca đoàn thần linh (theo Dionysius ở Areopagite thì có chín). Ðặc biệt trong giai đoạn giáo phụ và trung cổ, thần học đã không phủ nhận những biểu hiệu này. Thần học ở trong những giai đoạn này đã tìm cách cắt nghĩa những biểu hiệu này bằng các từ ngữ giáo lý và nhiệm bí, tuy nhiên, vẫn không gán cho chúng một giá trị tuyệt đối nào. Thánh Tôma lại thích đào sâu việc tìm xét của mình vào thân phận siêu hình, vào hoạt động kiến thức và ý muốn cùng với sự cao cả của những tạo vật thuần linh này. Thánh nhân làm điều này, vì phẩm giá theo cấp trật của hữu thể các vị, cũng như vì ngài có thể tìm hiểu kỹ lưỡng hơn nơi các vị những khả năng và hoạt động hợp với thần linh trong trạng thái nguyên tuyền. Nhờ việc làm này, thánh nhân đã thu được nhiều ánh sáng chiếu soi cho những vấn đề căn bản luôn luôn khơi động và kích động tư tưởng của con người - về kiến thức, yêu thương, tự do, dễ dậy đối với Thiên Chúa và làm sao đạt tới vương quốc của Ngài.

Ðề tài chúng ta vừa đề cập đến có vẻ "xa vời" hay "ít quan trọng" đối với ý hệ tân tiến ngày nay. Thế nhưng, Giáo Hội tin rằng, Giáo Hội thực hiện một việc làm quan yếu khi Giáo Hội thành thực đặt vấn đề toàn bộ của sự thật về Thiên Chúa Hóa Công cũng như về các thiên thần. Con người cưu mang niềm xác tín rằng, chính họ (chứ không phải các thiên thần) mới là trung tâm của mạc khải thần linh tỏ ra nơi Chúa Kitô, Ðấng vừa là một con người vừa là Thiên Chúa. Chính cuộc giao ngộ lành thánh với thế giới các hữu thể thuần linh có một giá trị cho thấy chính hữu thể của con người, chẳng những nó như là một thân thể mà còn như là một tinh thần nữa, cũng như cho thấy họ là thành phần của dự án cứu độ, một dự án trọng đại và có hiệu lực thực sự trong một cộng đoàn của những hữu thể có bản vị, thành phần giúp vào việc thực hiện dự án quan phòng của Thiên Chúa dành cho con người và theo đuổi con người.

Chúng ta cần chú ý là Sách Thánh và Thánh Truyền đặt tên xứng hợp với các thiên thần cho những vị thuần linh quyết chọn Thiên Chúa, chọn vinh quang của Ngài và chọn vương quốc của Ngài trong cuộc thử thách cần thiết đối với niềm tự do của các vị. Các vị hợp nhất với nhau hướng về Thiên Chúa bằng một tình yêu nồng cháy, bốc lên từ phúc kiến trực diện được chiêm ngắm Ba Ngôi Chí Thánh. Chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta điều này: "Các thần trời luôn chiêm ngưỡng nhan Cha Thày là Ðấng ở trên trời" (Mt.18:10). "Luôn chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha" như thế là một biểu lộ cao cả nhất đối với việc tôn thờ Thiên Chúa. Người ta có thể nói rằng, việc chiêm ngưỡng này làm nên "phụng vụ thiên quốc", được cử hành nhân danh toàn thể vũ trụ. Phụng vụ của Giáo Hội nơi trần gian cần phải hợp với phụng vụ thiên quốc ấy, đặc biệt ở vào những giây phút trọng đại nhất. Cũng nên nhắc lại ở đây tác động mà Giáo Hội, mọi ngày và mọi giờ, trên khắp thế giới, trước khi bắt đấu Kinh Nguyện Thánh Thể ở trung tâm điểm của Thánh Lễ, cầu xin "các thiên thần cùng các tổng thần" hãy ca tụng vinh hiển của Thiên Chúa ba lần thánh. Như thế, Giáo Hội tự hiệp nhất mình với những vị tôn thờ Thiên Chúa đầu tiên trong việc thờ phượng và ưu ái nhận biết mầu nhiệm thánh thiện khôn tả của Ngài.

Theo mạc khải, các thiên thần, thành phần tham dự vào sự sống của Ba Ngôi trong ánh sáng vinh quang, cũng được mời gọi để đóng vai trò của mình trong lịch sử cứu độ nhân loại, vào những lúc ấn định theo Việc Quan Phòng thần linh. "Tác giả bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái đã đặt vấn đề: "Các ngài không phải là tất cả những vị thần linh thừa tác được sai đến để phục vụ cho những ai lãnh nhận ơn cứu độ hay sao?" (1:14). Giáo Hội tin tưởng và truyền dạy điều này căn cứ vào Sách Thánh. Do đó, chúng ta thấy rằng công việc của các thần lành là bảo vệ người ta và quan tâm đến ơn cứu độ của họ.

Chúng ta thấy những điều này nơi một số đoạn Sách Thánh, như Thánh Vịnh 91 đã được trích dẫn một số lần: "Ngài sẽ cho các thiên thần của Ngài lo cho ngươi, để gìn giữ ngươi trên mọi nẻo đường ngươi đi. Các vị sẽ lấy tay nâng ngươi lên kẻo ngươi vấp chân vào đá" (11-12). Khi nói về các trẻ nhỏ và cảnh cáo việc làm gương mù cho chúng, chính Chúa Giêsu đã nói đến "các thiên thần của chúng" (Mt.18:10). Ngoài ra, Người còn gán cho các thiên thần phận sự làm chứng trong cuộc chung thẩm thần linh về số phận của thành phần nhận biết hay chối bỏ Chúa Kitô: "Ai nhận biết Thày trước mặt người đời thì Con Người cũng nhận biết họ trước các thiên thần của Thiên Chúa; còn ai chối Thày trước mặt người đời thì cũng sẽ bị phủ nhận trước các thiên thần của Thiên Chúa" (Lk.12:8-9; x.Rev.3:5). Những lời này quan trọng là vì, nếu các thiên thần tham phần vào phán quyết của Thiên Chúa, thì các vị cũng chú trọng đến cuộc sống của con người. Việc chú trọng và tham dự này như đạt đến cao điểm của mình vào lúc cánh chung, khi Chúa Giêsu cùng với các thiên thần xuất hiện vào lúc Parousia, tức vào lần đến cuối cùng của Chúa Kitô khi lịch sử thế giới kết thúc (x. Mt. 24:31; 25:31-41).

Trong số các sách thuộc phần Tân Ước, cuốn Tông Vụ đặc biệt cho chúng ta thấy một số sự kiện chứng tỏ việc quan tâm của các thiên thần với loài người cũng như phần rỗi của họ. Như thiên thần Thiên Chúa đã giải thoát các tông đồ khỏi ngục tù (x.Acts 5:18-20), trước hết là Thánh Phêrô, lúc mạng sống của ngài đang bị bàn tay Hêrôđê đe dọa (x.Acts 12:5-10). Thiên thần đã hướng dẫn việc làm của Thánh Phêrô liên quan đến viên đại đội trưởng Cornêliô, người dân ngoại đầu tiên trở về với Chúa (Acts 10:3-8, 11:1-12), và tương tự như thế, hướng dẫn việc làm của phó tế Philiphê trên con đường từ Gia-Liêm tới Gaza (Acts 8:26-29).

Từ một vài sự kiện chúng ta vừa trích dẫn để làm bằng chứng, chúng ta mới hiểu tại sao Giáo Hội đã phải xác tín rằng Thiên Chúa đã ủy thác cho các thiên thần một sứ vụ có lợi cho con người. Bởi thế, Giáo Hội tỏ lòng tin tưởng nơi các thiên thần bản mệnh, tôn kính các vị nơi phụng vụ bằng một ngày lễ tương xứng, và khuyên bảo năng chạy đến để kêu cầu các ngài gìn giữ, như trong lời cầu "Thiên Thần Thiên Chúa". Lời cầu nguyện này như được phát xuất từ kho tàng diệu ngôn của Thánh Basiliô: "Mọi người trong tín hữu đều có bên cạnh một thiên thần như vị chỉ bảo và dẫn lối đưa họ đến cùng sự sống" (x. Thánh Basiliô, Adv. Eunomium, III, 1; x. Thánh Tôma, Summa Theol., q. 11, a. 3).

Sau hết, cũng đáng ghi nhận là Giáo Hội tôn kính ba vị thiên thần bằng lễ nghi phụng vụ - những vị được Sách Thánh nêu tên. Vị thứ nhất là Tổng Thần Minh-Kha (x.Dan.10:13-20; Rev.12:7; Jude 9). Tên của ngài là một tổng luận nói lên thái độ chính yếu của các thần lành. Mica-El nghĩa là "Ai giống như Thiên Chúa?" Danh xưng này nói lên việc chọn lựa ơn cứu độ nhờ đó các thiên thần mới "chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha" là Ðấng ở trên trời. Vị thứ hai là Ga-Biên, một vị đặc biệt gắn liền với mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa (x.Lk.1:19-26). Tên của ngài nghĩa là "quyền năng của tôi là Thiên Chúa" hay "quyền năng Thiên Chúa", như muốn nói lên rằng mầu nhiệm nhập thể, tột đỉnh của việc tạo thành, là một dấu hiệu tối thượng của Chúa Cha toàn năng. Cuối cùng, vị tổng thần thứ ba được gọi là Ra-Phiên. Rafa-El nghĩa là "Thiên Chúa chữa trịï". Ngài được tỏ cho chúng ta biết qua câu truyện Tôbia trong Cựu Ước (x.Tb.12:15-20ff.), một câu truyện quan trọng đối với điều mà nó muốn nói đến, đó là việc ký thác cho các thiên thần con cái của Thiên Chúa, thành phần luôn cần được bảo hộ, chăm sóc và chở che.

Nếu chúng ta suy niệm kỹ, chúng ta thấy rằng, mỗi vị một trong bộ ba tổng thần này, Mica-El, Gabri-El và Rafa-El phản ánh cách đặc biệt sự thật chất chứa trong vấn nạn được tác giả của bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái đặt ra: "Các ngài không phải là tất cả những vị thần linh thừa tác được sai đến để phục vụ cho những ai lãnh nhận ơn cứu độ hay sao?" (1:14).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page