Là TẤT CẢ Trong MỌI SỰ
(1Cor.15:28)

36 bài Giáo Lý về Chúa Cha
của Ðức Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


(23) Bài Giáo Lý của ÐTC Gioan Phaolô II
Thứ Tư ngày 9 tháng 4 năm 1986

Thiên Chúa đã dựng nên
con người theo hình ảnh mình

Kinh tin kính tuyên xưng Thiên Chúa là "Ðấng Tạo Thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình"; nó không trực tiếp nhắc đến việc tạo thành con người. Trong tương quan về cứu độ nơi kinh tin kính thì việc con người xuất hiện có liên hệ với việc Nhập Thể. Ðây là chứng cớ đặc biệt trong Kinh Tin Kính Nicêa Contantinopoli, một kinh tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng "vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi Người đã từ trời xuống thế… và đã làm người".

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ lại rằng cấp trật cứu độ chẳng những được phác họa trước việc tạo dựng mà còn thực sự được bắt nguồn từ việc tạo dựng này nữa.

Một cách ngắn gọn, bản tuyên xưng đức tin đã đưa chúng ta về với toàn bộ chân lý mạc khải của việc tạo dựng, để chúng ta khám phá ra vị trí đặc thù và cao cả được dành cho con người.

Sách Khởi Nguyên có hai trình thuật về việc tạo dựng con người, như chúng ta đã nhắc lại ở các bài giáo lý trước đây. Theo quan điểm thứ tự thời gian thì việc diễn tả ở chương thứ hai có trước, ở chương một có sau.

Nhìn chung thì cả hai trình thuật bổ túc lẫn cho nhau. Chúng đều có những yếu tố phong phú và giá trị theo thần học.

Trong đoạn Khởi Nguyên 1:26, chúng ta đọc thấy rằng, vào ngày thứ sáu, Thiên Chúa đã phán: "Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh chúng ta, tương tự như chúng ta; và hãy để cho chúng cai trị cá biển, chim trời, súc vật, hoang thú, và mọi loài bò sát trên mặt đất".

Việc tạo dựng con người đáng kể ở chỗ nó được mở đầu bằng một câu Thiên Chúa muốn nói lên ý định làm nên con người theo hình ảnh Ngài, đúng hơn "theo hình ảnh chúng ta", ở số nhiều (cho hợp với động từ "chúng ta hãy dựng nên"). Theo một số dẫn giải thì số nhiều ở đây cho thấy ngôi vị thần linh "chúng ta" nơi Ðấng Tạo Thành duy nhất. Một cách nào đó, chi tiết này là một ám chỉ đầu tiên xa xa về ba ngôi. Tuy nhiên, theo việc diễn tả nơi chương nhất của Sách Khởi Nguyên thì việc tạo dựng con người đã được Ðấng Hóa Công tự "nhủ" trong lòng, ad intra, một cách đặc biệt là như thế.

Thế rồi sau đó là tác động tạo dựng. "Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh riêng mình, theo hình ảnh Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên họ; Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ" (Gn.1:27). Trong đoạn này, đáng chú ý là động từ "đã dựng nên" (barà) được nhắc đi nhắc lại đến 3 lần. Nó như cho thấy tầm quan trọng đặc biệt và "nghiêm trọng" của tác động tạo dựng này. Kết luận này cũng có thể được rút ra từ sự kiện là, trong khi mỗi ngày tạo dựng được kết ở lời nhận định: "Thiên Chúa thấy là tốt lành" (x.Gn.1:3,10,12,18,21,25), thì sau việc tạo dựng con người vào ngày thứ sáu lại có câu: "Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm nên rất tốt lành" (Gn.1:31).

Trình thuật "Giavê" trong đoạn hai của Sách Khởi Nguyên là một trình thuật cổ hơn. Nó không sử dụng đến cách diễn tả "hình ảnh Thiên Chúa". Việc không sử dụng đến cách diễn tả này hoàn toàn không có ở nơi trình thuật Giavê cho thấy trình thuật này có tính cách "thần học" hơn.

Tuy nhiên, trình thuật Giavê cũng nói lên cùng một sự thật, mặc dầu gián tiếp. Nó nói lên rằng con người, được Thiên-Chúa-Gia-Vê dựng nên, trong khi họ có quyền "đặt tên cho thú vật" (x.Gn.2:19-20), mà vẫn không tìm thấy nơi mọi tạo vật hữu hình "một đồng bạn xứng với mình". Ðiều này chứng tỏ nét chuyên nhất của con người. Mặc dù trình thuật ở đoạn hai của Sách Khởi Nguyên không trực tiếp nói đến "hình ảnh" của Thiên Chúa, nó cũng cho thấy được một vài yếu tố chính yếu của mình - như khả năng tự thức nơi con người, cảm nghiệm của con người về hữu thể riêng biệt của họ trên thế gian, nhu cầu con người cần khỏa lấp nỗi đơn côi của mình, tình trạng con người lệ thuộc vào Thiên Chúa.

Những yếu tố này cũng cho thấy rằng người nam và người nữ bình đẳng nhau theo bản tính và phẩm vị. Trong khi người nam không thể nào tìm thấy nơi bất cứ một loài thụ tạo nào "một đồng bạn xứng với mình", thì lại tìm thấy một "đồng bạn" như thế nơi người nữ được Thiên-Chúa-Gia-Vê dựng nên. Theo Sách Khởi Nguyên, đoạn hai, câu 21 và 22, thì Thiên Chúa đã làm cho người nữ hiện hữu, bằng việc đem nàng ra từ thân thể của người nam, từ "một trong những xương sườn của người nam". Ðiều này nói lên đồng nhất tính nơi nhân tính, cũng như tính cách tương tự nhau thực sự nơi họ mặc dù khác biệt. Cả hai đều có cùng một phẩm giá như những bản vị, vì cả hai đều thông phần cùng một bản tính.

Sự thật về con người được dựng nên "theo hình ảnh Thiên Chúa" cũng được thấy nơi các đoạn khác trong Sách Thánh, cả trong chính Sách Khởi Nguyên ("Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh mình" - 9:6), và trong các loại Sách về Khôn Ngoan trong Thánh Kinh nữa.

Chính Sách Khôn Ngoan viết: "Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống bất tử và làm cho họ nên giống hình ảnh bản tính của mình" (2:23). Trong Sách Huấn Ca, chúng ta đọc thấy: "Thiên Chúa đã dựng nên con người từ bụi đất và làm cho họ trở về với đất bụi… Ngài đã mặc cho họ sức mạnh như của Ngài và làm cho họ giống hình ảnh Ngài" (17:1-3).

Con người được dựng nên để sống bất tử. Họ không thôi là hình ảnh Thiên Chúa sau nguyên tội, mặc dù họ phải chết. Họ mang nơi bản thân mình phản ảnh quyền năng của Thiên Chúa, một quyền năng được thể hiện đặc biệt nơi tài năng lý trí và ý muốn tự do. Con người là một chủ thể tự động. Họ là nguồn gốc cho các tác động của họ, mà vẫn còn tính chất lệ thuộc Thiên Chúa, Ðấng Hóa Công (một sự tùy thuộc hữu thể học).

Sau việc tạo dựng nên con người, có nam có nữ, Ðấng Hóa Công "đã chúc lành cho họ mà phán: "Hãy sinh sôi nẩy nở tràn đầy mặt đất và làm chủ nó; và hãy cai quản cá biển, chim trời… cùng mọi sinh vật" (Gn.1:28). Việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa là cơ bản cho việc cai trị trên các loài tạo vật khác nơi thế giới hữu hình, một thế giới được thành nên vì con người và "cho họ".

Các dân bắt nguồn từ con người nam nữ đầu tiên này cùng thông phần vào việc cai trị được nói đến trong Sách Khởi Nguyên, đoạn 1 câu 2. Trình thuật Giavê cũng đề cập đến điều này (Gn.2:24). Chúng ta sẽ có dịp trở lại đoạn này sau. Trong việc truyền sinh cho con cái, người nam và người nữ chuyển sang cho chúng cả việc được thừa hưởng làm "hình ảnh Thiên Chúa" mà con người đầu tiên đã lãnh nhận vào giây phút nguyên tạo của mình.

Như thế, con người đã trở nên một biểu dương đặc biệt của vinh quang Thiên Chúa. "Con người sống động là vinh quang của Thiên Chúa, mà cuộc sống của con người là việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa", đúng như Thánh Irênêô viết (Adv. Haer. IV,20,7). Họ là vinh quang của Hóa Công vì họ đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, và nhất là vì họ có thể thực sự nhận biết Thiên Chúa hằng sống.

Ðây là nền tảng cho giá trị đặc biệt của sự sống con người, cũng như cho tất cả mọi quyền lợi con người, những quyền lợi rất được chú trọng ở ngày hôm nay đây.

Nhờ việc được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, con người được kêu gọi để trở nên, giữa các loài thụ tạo thuộc thế giới hữu hình, một phát ngôn viên công bố vinh quang của Thiên Chúa, và theo một nghĩa nào đó, là lời công bố vinh quang của Ngài.

Giáo huấn về con người được chất chứa nơi những trang đầu tiên của Kinh Thánh (Gn.1) gắn liền với mạc khải Tân Ước đối với sự thật về Chúa Kitô. Là Lời hằng hữu, Chúa Kitô là "hình ảnh Thiên Chúa vô hình", đồng thời cũng là "trưởng tử của tất cả mọi tạo sinh" (Col.1:15).

Theo dự án của Thiên Chúa, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa có một mối liên hệ đặc biệt với Lời là Hình ảnh Vĩnh Hằng của Cha, là Ðấng hóa thành nhục thể khi thời gian viên trọn. Thánh Phaolô đã viết: "Adong là hình ảnh của một Ðấng đã phải đến" (Rm.5:14). "Những ai được (Thiên Chúa Hóa Công) biết trước thì Ngài cũng tiền định cho họ được nên giống hình ảnh Con Ngài, để Người là trưởng tử trong nhiều anh em" (Rm.8:29).

Như thế, sự thật về con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa không chỉ xác định vị trí của con người nơi toàn cấp trật tạo sinh, mà còn nói lên cả việc họ liên hệ với cấp trật cứu rỗi trong Chúa Kitô nữa, Ðấng là "hình ảnh (vĩnh hằng và đồng bản thể) của Thiên Chúa" (2Cor.4:4) - hình ảnh Cha. Việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, ngay từ đầu Sách Khởi Nguyên, đã làm chứng cho ơn gọi của họ. Ơn gọi này hoàn toàn được tỏ hiện khi Chúa Kitô tới.

Nhờ tác động của "Thần Linh Chúa", chân trời về việc hoàn toàn biến đổi nơi hình ảnh đồng bản thể của Thiên Chúa là Chúa Kitô (x.2Cor.3:18) đã được mở ra. "Hình ảnh" được Sách Khởi Nguyên (1:27) nói đến đã đạt tới tầm mức trọn vẹn mạc khải của mình là như thế.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page