Là TẤT CẢ Trong MỌI SỰ
(1Cor.15:28)

36 bài Giáo Lý về Chúa Cha
của Ðức Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


(17) Bài Giáo Lý của ÐTC Gioan Phaolô II
Thứ Tư ngày 27 tháng 11 năm 1985

Mối Hiệp Nhất và Biệt Phân
trong Sự Hiệp Thông Ðời Ðời
của Chúa Ba Ngôi

Một Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi…

Công Ðồng Tôlêđô (675), cùng với hai đại Công Ðồng Chung Nicêa và Contantinopoli ở thế kỷ thứ bốn, đã diễn đạt đức tin của Giáo Hội vào Thiên Chúa Ba Ngôi bằng công thức vắn gọn này,.

Vào thời của chúng ta, Ðức Phaolô VI đã diễn đạt cùng một chân lý như thế trong Kinh Tin Kính Dân Thiên Chúa, bằng những lời đã được trích dẫn ở các bài giáo lý trước đây: "Mối tương hệ, một mối tương hệ đời đời làm nên Ba Ngôi Vị, mà mỗi ngôi là một Hữu Thể Thần Linh duy nhất, chính là sự sống nội tâm thánh hảo của Thiên Chúa ba lần thánh, tuyệt đối vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể quan niệm được theo tầm mức loài người" (L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11/7/1968, trang 4).

Thiên Chúa khôn tả và khôn thấu. Theo yếu tính của mình, Thiên Chúa là một mầu nhiệm khôn dò, một mầu nhiệm mà chúng ta đã tìm cách dẫn chứng sự thật của nó ở những bài giáo lý trước đây. Trước Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh thể hiện sự sống nội tâm của Thiên Chúa, người ta phải lập lại lòng tin của mình và phải công nhận Các Vị bằng một niềm xác tín mạnh mẽ hơn nữa. Sự hiệp nhất của thần tính nơi Các Vị trong Ba Ngôi thực sự là một mầu nhiệm khôn tả và khôn dò! "Nếu anh em hiểu được nó thì nó không phải là Thiên Chúa nữa".

Ðức Phaolô VI tiếp tục nơi bản văn được trích dẫn trên đây: "Thế nhưng, chúng tôi cảm tạ sự thiện thần linh mà rất nhiều tín hữu có thể chứng thực với chúng tôi trước con người về sự hiệp nhất của Thiên Chúa, mặc dù họ không biết đến mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh".

Theo niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi của mình, Hội Thánh cảm thấy Hội Thánh được hiệp nhất với tất cả những ai tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất. Ðức tin nơi Ba Ngôi Thiên Chúa không ảnh hưởng gì đến chân lý Thiên Chúa duy nhất. Trái lại, đức tin này còn làm sáng tỏ hơn sự phong phú của mình, sáng tỏ hơn nội dung mầu nhiệm của mình - nội dung của đức tin này là sự sống nội tâm của Thiên Chúa.

Ðức tin này khởi nguồn - một nguồn duy nhất - từ mạc khải Tân Ước. Kiến thức về sự thật Thiên Chúa Ba Ngôi chỉ khả thủ nhờ mạc khải đó mà thôi. Sự thật này, theo Công Ðồng Chung Vaticanô I, là một trong "những mầu nhiệm được giữ kín nơi Thiên Chúa không thể nào biết được ngoại trừ được Thiên Chúa mạc khải" (Hiến Chế Dei Filius, IV).

Tín điều Ba Ngôi Chí Thánh luôn luôn được coi là một mầu nhiệm của Kitô giáo - một mầu nhiệm chính yếu nhất và khôn thấu nhất. Chính Chúa Giêsu Kitô phán: "Không ai biết được Con ngoài Cha, và không ai biết được Cha ngoài Con và những ai Con muốn tỏ Ngài ra cho" (Mt.11:27).

Công Ðồng Chung Vaticanô I dạy rằng: "Các mầu nhiệm thần linh tự mình vượt trên trí tuệ của tạo thành đến độ, cho dù đã được tỏ ra cho thấy bằng mạc khải và được chấp nhận bằng đức tin, chúng vẫn bị bao phủ bằng một tấm màn của cùng một đức tin và bị vây bọc bằng một thứ mù mịt khi còn sống ở cuộc đời tạm bợ làm 'chúng ta xa cách Chúa, vì chúng ta bước đi bởi đức tin hơn là nhìn thấy' (2Cor.5:6)" (Hiến Chế Dei Filius, IV).

Câu phát biểu này đặc biệt đúng với mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Ngay cả sau khi đã được Mạc khải rồi, mầu nhiệm này vẫn là một mầu nhiệm đức tin sâu xa. Tự trí khôn không thể nào hiểu biết hay thấu triệt được mầu nhiệm ấy. Thế nhưng, được soi sáng bởi đức tin, trí khôn cũng có thể hiểu được và cắt nghĩa được phần nào ý nghĩa của tín điều này. Nhờ đó, nó có thể đem mầu nhiệm nội tâm của Thiên Chúa Ba Ngôi sát gần lại với con người.

Tác phẩm của nhiều nhà thần học, nhất là của các Vị Giáo Phụ Giáo Hội, hay định nghĩa của các Công Ðồng, đã cho thấy tầm quan trọng và cốt yếu đặc biệt của ý niệm về "bản vị", được phân biệt với ý niệm về "bản tính" (hay yếu tính). Một bản vị là một người nam hay một người nữ hiện hữu như là một con người cụ thể, như một cá nhân có nhân tính, tức có bản tính con người. Bản tính (yếu tính) là tất cả những gì làm cho cái cụ thể hiện hữu là cái nó là. Thí dụ, khi chúng ta nói về "bản tính nhân loại", chúng ta có ý nói đến cái làm cho một con người là một con người, với tất cả những cấu hợp và đặc tính chính yếu của họ.

Áp dụng việc phân biệt này vào trường hợp Thiên Chúa, chúng ta thấy được sự hiệp nhất của bản tính, tức sự hiệp nhất của thần tính, một sự hiệp nhất tuyệt đối và chuyên biệt thuộc về Ngài là Ðấng hiện hữu như một vị Thiên Chúa. Ngoài ra, ánh sáng của nguyên lý trí, nhất là ánh sáng mạc khải, còn làm nẩy lên trong chúng ta một niềm xác tín rằng Ngài là một Thiên Chúa có bản vị. Thiên Chúa Hóa Công phải hiện lên như một Hữu Thể có bản vị, cho dù đối với những ai không chấp nhận mạc khải về sự hiện hữu Ba Ngôi nơi Thiên Chúa. Bản vị là điều hoàn hảo nhất trên thế gian này (id quod est perfectissimum in tota natura: Thánh Tôma, Summa Theol., I, q.29, a.3). Người ta không thể không qui ghép tính cách bản vị này về cho Ðấng Hóa Công, cho dù Ngài là Ðấng vô cùng siêu việt (x. Thánh Tôma, Summa Theol., I, q. 29, a.3). Chính vì lý do ấy các tôn giáo độc thần không phải Kitô giáo đều hiểu Thiên Chúa như là một bản vị vô cùng hoàn hảo và tuyệt đối siêu việt đối với thế gian.

Chung tiếng với mọi tín đồ khác, chúng ta hãy nâng lòng lên cùng Thiên Chúa hằng sống có bản vị, một Thiên Chúa duy nhất, Ðấng đã tạo thành thế gian, cũng là nguyên thủy của tất cả mọi sự thiện hảo, mỹ diệu và thánh thiện. Muôn đời chúc tụng và tôn vinh Ngài.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page