Kitô Giáo

Dưới Mắt Một Phật Tử

Ðại Sư Buddhadàsa (Thái Lan)

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Thánh Kinh và Cuộc Sống Vĩnh Cửu

 

Trong Sách Sáng Thế Ký của Kitô giáo chép lại rằng: Phra Chao cho phép hai nguyên tổ được ăn mọi hoa trái trong vườn, trừ cây Ngài chỉ danh. Họ tuân giữ và không đụng tới trái cây ấy, cây biết lành biết dữ. Khi cấm họ ăn trái cây này, Phra Chao bảo: "Các con chớ có ăn trái cây này. Ngày nào các con ăn trái cây này, các con sẽ phải chết," Họ quyết không ăn trái cây đó. Nhưng một hôm, con rắn - Satan - đến cám dỗ Eva, người đàn bà, và nói: "ngày nào các người ăn trái cây này, các người sẽ có uy quyền như Phra Chao. Ðừng quá nông nổi mà tin Phra Chao." Người đàn bà tin lời con rắn, không những ăn một mình mà còn đưa cho chồng cùng ăn.

Ngày hôm sau, Phra Chao ra đến vườn mới hay là hai ông bà đã ăn trái cây mà Ngài cấm. Sau đây là chi tiết: Phra Chao tiến vào vườn nhưng không thấy hai ông bà vì hai người thấy mình trần truồng nên đã lẫn trốn. Trước khi ăn trái cây biết lành biết dữ, họ không hay biết thế nào là trần truồng (họ không có ý thức về ăn mặc), do đó họ không biết e thẹn là gì cả. Nhưng khi vừa ăn xong Trái Cấm, họ hổ thẹn vì thấy mình trần truồng nên mới trốn vào trong bụi rậm. Phra Chao lên tiếng gọi. Từ trong bụi rậm họ lên tiếng trả lời. Phra Chao mới bảo: "Vì sao các người không chịu ra đây?" Cả hai ông bà mới trả lời rằng: "Chúng con hổ thẹn vì chúng con trần truồng." Phra Chao biết ngay họ đã ăn trái cây Ngài cấm nên mới có ý thức về lành dữ, có quần áo - trần truồng, xấu hổ - không xấu hổ... Những hành vi nhận thức tương phản mà đâu cần ai dạy bảo họ về các điều đó. Phra Chao gọi họ lại gần và bảo: "Các người biết ngày nào các người ăn trái cây này, các người sẽ phải chết. Bây giờ các người chết rồi vì các người phạm lỗi - Bàp muôn đời, bất hạnh muôn thuở.

Tội ấy là tôi nguyên tổ, tội vô hạn cho tới khi đạt đến Cuộc Sống Bất Diệt; tôi vĩnh viễn.

Phra Chao thấy hai người đã phạm tội ăn trái cấm, Ngài biết từ bấy giờ có dạy bảo gì họ cũng chẳng tuân theo. Họ sẽ tiếp tục ăn thứ trái cây khác mà càng phải nghiêm cấm hơn. Ðó là trái cây Trường Sinh. Kẻ nào ăn được sẽ sống muôn đời. Và Phra Chao ra lệnh cho canh gác chặt chẽ không cho ai đến gần cây này.

Nếu loài người không ăn trái cây cấm, họ đã không biết đến lành dữ, không biết đến khổ - Dukkha - là gì? Và Phra Chao sau đó bảo họ lấy lá cây, da thú vật làm y phục để che thân. Ðến đây chấm dứt câu chuyện trong Thánh Kinh về Cuộc Sống Vĩnh Cửu, về trái cây mà ai ăn được sẽ sống đời đời. Tuy nhiên loài người chưa ăn được vì Phra Chao cấm đoán.

Giờ đây chúng ta sẽ lại tìm gặp Cây Sự Sống ở sách Khải Huyền, cuốn sách sau cùng trong bộ Thánh Kinh.

- Khải Huyền đoạn 22, câu 2-7: "Loài người sẽ được phép ăn trái cây sự Sống mọc trong vườn Phra Chao."

- Khải Huyền đoạn 22, câu 2: "Hai bên dòng sông, có cây sự Sống đơm quả mỗi tháng, và lá cây chữa lành mọi dân tộc."

- Khải Huyền đoạn 22, câu 14-15: "Ai giặt xiêm y rồi sẽ được quyền ăn trái cây sự Sống."

Như thế, sau ngày Ðức Kitô đến, ai lắng nghe, thông hiểu và thể hiện giáo huấn Ngài sẽ được ăn trái Cây trường Sinh, vì cây ấy đơm quả liên tục. Ðiều này cho thấy đi vào sự Sống Bất Diệt là một hành trình liên tục, thường xuyên, vượt ra ngoài thời gian, không đóng khung ở một giai đoạn nào.

Y phục tinh tấn là biểu tượng cuộc sống khế hợp với Tánh Pháp, khiến con người có thể nhận lấy trái Cây Trường Sinh.

 

Giải thích theo Phật giáo

Phật tử chúng ta có thể rút tỉa từ Thánh Kinh nhiều bổ ích. Ăn xong trái cây biết lành biết dữ, đôi nguyên tổ thấy mình khốn đốn tội lỗi cho đến ngày được ăn trái Cây Trường Sinh, khiến họ trở nên bất tử.

Ăn trái cây biết lành biết dữ là mãi mê, tham luyến, bám víu vào cặp tương phản lành-dữ, tốt-xấu, thị-phi, thiện-ác, công-tội...

Nếu không ghép thành đôi, thì mỗi từ ngữ trên mất hết ý nghĩa. "Dữ" đơn độc, không đi đôi, không đối đầu với "Lành" thì không còn ý nghĩa. Cũng thế, "Lành" biệt lập, không tương phản với "Dữ" sẽ không có nghĩa gì. "Lành", "Dữ" mỗi chữ một mình, không mâu thuẫn nhau thì vô nghĩa.

Những cặp từ ngữ chống đối nhau ấy, tự tạo nền tảng cho nhau và tự biện giải lẫn nhau. Một nền tảng hoàn toàn tương đối, một quy ước ngôn từ không hơn không kém.

Người ta gọi "Dữ" là điều chẳng lành, và "Lành" là điều không dữ. Ðâu là nền tảng đích thực, nền móng tuyệt đối của chúng? và thực sự có nền tảng đó không?

Khi khăng khăng đoan quyết những cặp tương phản ấy theo nghĩa đen, dựa trên kinh nghiệm người ta bảo tốt như như thế này, xấu như thế kia. Tuy nhiên, nói như ậy theo tiêu chuẩn nhận thức nào mới được?

- Phải chăng theo tiêu chuẩn thỏa mãn ngẫu nhiên? Ðiều đó tốt vì làm thỏa mãn, xấu vì không làm thỏa mãn?

- Mà làm thỏa mãn cái gì mới được?

- Làm thỏa mãn các phản ứng ngẫu nhiên hoặc bản năng ham muốn, dục vọng, tham luyến, vị ngã, tại ngã của chúng ta chăng? "Ngã, vị ngã" là tiêu chuẩn tối hậu. Hãy nhìn động vật vô lý trí. Ðương nhiên chúng ta hành động vô ý thức rồi phải không? Khi con người hành động theo bản năng vị kỷ, theo điều mình ham muốn, ghê tởm thì con người vẫn lẩn quẫn trong vòng ý thức đó.

Trí huệ là minh thức, tinh tường, linh thông về chân tánh hay ý nghĩa tối hậu của vạn hữu. Chỉ khi do Trí huệ soi đường dẫn lối thì con người mới nhận thức đích thực chân tánh của vạn pháp. Trí huệ giúp con người ý thức được tính cách "vô thường" của cá biệt hữu kiện. Nghĩa là con người không thể kiến lập tự ngã cá biệt thành giá trị tối hậu cho mình được. Chỉ có linh thông về Tối Hậu đích thực mới khiến con người ý thức thực sự về sai lầm tuyệt đối là kiến lập tự ngã cá biệt thành tiêu chuẩn rốt ráo và pháp tối hậu cho cuộc nhân sinh.

Trong cuộc sống cụ thể, chính qua việc cảm nhận nhược điểm và giới hạn của tự ngã cá biệt nhỏ nhoi kia mà con người có thể hướng về con đường đích thực của Tối hậu. Chỉ có sự linh tường về ý nghĩa tối hậu và chân  tánh của vạn pháp mới giải thoát con người khỏi bùa mê lừa đảo về đạo đức, về tính ngưỡng do những cặp tương phản ấy tạo nên, và soi sáng nẻo đường "lợi tối hậu" của Linh Ðạo.

Về thiện ác, nếu con người cứ khư khư bám víu lấy chúng, bôn chôn về chúng, tự hào về điều thiện, nhuốm mặc cảm tội lỗi về điều ác, quyến luyến với thiện, bực bội với ác thì phải chăng con người đã tự dấn thân làm nô lệ cho những cặp mâu thuẫn lành-dữ, Boun-Bàp, công -tội và đã tự giam hãm mình trong vòng sinh tử luân hồi của "Khổ Kiếp."

Ðấy chính là "cuộc sống trầm luân" của Khổ (Dukkha) mà con người đã tự tạo cho mình vì vô tâm linh, không nhận thức được ý nghĩa tối hậu của kiếp nhân sinh và vì thiếu trí huệ Tối hậu.

Con người có thể tự giam hãm mình trong "Kiếp nhân sinh bất hạnh" vì thiện, công, (Boun), cũng như vì ác, tội, (Bàp), và ôm ấp các hệ thống đạo đức khép kín cũng như các hệ thống tôn giáo vị lợi, vị ngã. Phương cách xa lánh nguy cơ tâm linh trên là "xả", là buông bỏ mọi hệ thống kiến thành Ngã (Attà), duy ngã, vị ngã, tại ngã.

Ðạo tối hậu đích thực là An-attà - Vô Ngã, một mệnh lệnh cuộc sống phải đạt thành, phải chứng nghiệm bản thân. Ðó là phương châm Phật giáo toàn diện: An-attà - Vô ngã, không còn ngã, vị ngã, tại ngã. Ước gì mọi người không còn thấy bóng ngã! Nghiệp vô lậu, Nghiệp siêu thoát.

 

Nghiệp vô lậu, Nghiệp giải thoát

Giải thích từ ngữ Karma - Nghiệp - là vấn đề then chốt để nhận thức đúng đắn Phật giáo. Tùy cách giải thích mà người ta có thể cho Phật giáo chủ trương hoặc con đường nô lệ, bất hạnh, định mệnh hoặc con đường tự do tâm linh hay con đường giải thoát phổ cập.

Phải chăng chúng ta đã nghe nói đến "Tam Nghiệp": Thiện Nghiệp, ác Nghiệp và Vô Lậu Nghiệp? Kar có nghĩa là Hành; Karma là hành vi của Thân, Khẩu, Ý. Hành vi con người hoàn toàn chịu ảnh hưởng của ý thức người làm. Karma theo nghĩa đen, nghĩa văn tự là hành vi Thân, Khẩu, Ý. Nhưng đó vẫn chưa phải là hành vi con người toàn diện.

Trong đường hướng toàn diện, rốt ráo, theo chiều kích tâm linh tối hậu, trong chân lý viên mãn của ý nghĩa nhân bản, Karma là việc tạo cho ý hướng tính một ý nghĩa. Là chính chủ đích hành giả, là chính tâm ý Citta. Thái độ tâm linh điều khiển hành vi con người. Karma căn bản là ý thức, là phẩm chất tâm linh, thái độ nội tại của ý, của tâm.

Cũng như với mọi từ ngữ Phật giáo, muốn giải thích ý nghĩa rốt ráo là phải hiểu từ ngữ ấy theo phẩm chất, chứ không phải theo văn tự. Nói rõ hơn là phải theo phẩm chất thái độ tâm linh, thái độ tâm ý Citta. Chung quy thì điều mà Phật giáo rốt ráo quan tâm tới là thái độ nội tại của Tâm. Mà Tâm đây chính là giải thích theo thái độ nội tâm, theo phẩm chất, theo những giá trị của kinh nghiệm sống thực, theo tâm ý, Citta. Ngôn ngữ phật giáo chúng ta không diễn đạt phẩm chất mà không gán vào một chủ thể danh xưng. Muốn diễn đạt theo cách nói nhà Phật, cần phải biết diễn đạt một cách hàm ẩn, mặc dầu xử dụng ngôn ngữ của mọi người. Người phật tử thuần thành làm công việc đó một cách tự nhiên. Song vì ngôn ngữ sử dụng là ngôn ngữ của mọi người nên thính giả không phải là phật tử sẽ chẳng mãy may ngờ vực và dễ bị nhầm lẫn vì hiểu theo nghĩa văn tự.

Citta, tâm ý, không phải là một sự vật, một quan năng, nhưng là trạng thái căn bản của nhân sinh, khả năng tiếp nhận giá trị tâm linh. Karma gắn với Citta để chỉ định chủ ý. Tiêu chuẩn để nhận chân giá trị là có phù hợp hay không phù hợp với tối Hậu, với ý nghĩa Tối hậu Toàn diện, với Dharma.

Trong nhãn quan phật giáo, tiêu chuẩn tối hậu để xác nhận ý định của hành vi con người là Giá Trị. Giá Trị này vượt lên trên tiêu chuẩn đạo đức hiểu theo nghĩa thông thường, được định nghĩa là "thiện" là "tốt" tự thân, đối đầu với lẽ tự thân là "xấu", là "ác" - hai cặp tương phản thường gặp. Người ta có thể thêm vào đó những cặp tương phản khác như thị-phi, công-tôi...

Viễn ảnh Phật giáo nhằm đánh đổ bức tường ấy, làm nổ tung cái khung nhị nguyên khép kín các giá trị thuần khái niệm kia. Chủ yếu ở đây là nhân danh nghĩa tâm linh Tối hậu của nhân sinh trong mối liên đới với ý nghĩa Tối hậu của Bao Quát thể được gọi là Dharma, chúng tôi chống lại loại chủ nghĩa duy lý và các hình thức tôn giáo khuyến đời.

Tiêu chuẩn giá trị tâm linh tối hậu là sự quy hợp của thái độ nội tâm - của ý hướng chủ tâm - với Chân Pháp của Nguyên tánh trong đường hướng Ðạo Tối Hậu. Vấn đề là định nghĩa hay miêu tả những đặc điểm của mối quy hợp này như thế nào. Ðương nhiên là không bao giờ diễn đạt lý thuyết, lý luận suông. Nhưng chính là trên kinh nghiệm sống, trí huệ tâm linh, trực giác về minh triết, phương thức tâm linh, thực nghiệm thân chứng, được thể hiện thuận lợi hay không thuận lợi trong đường hướng "quán chiếu" tâm linh tối hậu nhằm giải thoát con người toàn diện.

Trên lý thuyết, mọi người có lương thức, có trí huệ đều có thể phân biệt điểm này.

Tuy nhiên trong thực tế, đại đa số còn là những người tập tểnh trên con đường hành Ðạo, tâm còn nặng chứng duyên, còn bị giam hãm trong thất ngục hệ phược. Họ cần biết "tin tưởng" "phó thác" cho Ðấng đã mở Ðường, "tin tưởng" vào hiệu lực kinh nghiệm tâm linh của chính Ðức Phật, mẫu mực của nhân loại hiền tiền. Chỉ nhờ mạnh tiến trên con đường Trung Ðạo, con người mới hy vọng thể nghiệm phần nào hiệu lực của Ðạo. Từ ngữ "quy y" chính là quyết tâm đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác mình vào hiệu lực giải thoát mẫu mực ở kinh nghiệm tâm linh của Ðức Phật.

Ðâu là tiêu chuẩn thực dụng, cụ thể Ðức Phật đã đề ra để phân biệt thái độ tâm linh thuận lợi đúng đắn, thích đáng? Tiêu chuẩn ấy được diễn đạt trong một chữ đơn thuần mà tóm tắt được tất cả kinh nghiệm sống của Ðạo: Anattà - "An-attà", Vô Ngã. Nghĩa là cố gắng giải thoát nội tâm khỏi xiềng xích triền phược trói buộc tâm thân vào ngã-vị-ngã-tại-ngã đã được tuyệt đối hóa.

Như vậy, chúng ta có thể trình bày Ðạo Tối hậu Ðức Phật như là Con Ðường của Karma Giải Thoát, Karma-Vô Lậu, con đường tự do tâm linh chấm dứt con đường nô lệ của thiện nghiệp, ác nghiệp khép kín trong những cặp tương phản: đúng-sai, tôi-vô tội, Boun-Bàp...

Chúng tôi không dám coi việc lập công đức là không tốt. Chuyên gây công đức với hy vọng lấy thiện đức đền bù lại chướng nghiệp chồng chất do ác tập gây nên hay đền bù cho bản thân, cho tha nhân để tri ân, vì đạo hiếu, vì từ bi đối với chúng sinh bất hạnh hơn, còn sống hay đã thác.

Chúng tôi chỉ cho rằng đó chưa phải là Ðạo Tối hậu được Ðức Phật chứng ngộ và thuyết giảng. Con đường tạo thiện nghiệp tương đối là con đường tốt, con đường chung, ngoại vi, tạm thời, con đường hy vọng, con đường dẫn tới mục đích. Chúng ta không thể trách cứ ai, nhất là không thể coi họ là một phật tử không tốt chỉ vì họ nghĩ rằng con đường chưa hoàn hảo và tạm thời này thích hợp với họ trong hiện tiền. Họ còn nuôi hy vọng tiến tới một cuộc tái sinh nào tốt đẹp hơn, để từ đó sẽ có đủ can đảm hơn để bước tới Ðạo triệt để hơn, Ðạo của Ðức Phật, con đường Nirvàna, con đường ngã tận diệt. Nhờ có lối tiến lên như vậy, ít nhất cũng tiềm tàng, mà con đường chung chu toàn nhiệm vụ dẫn lối đưa đường. Ðó là con đường tốt, "thuận lợi" trong mức độ tương đối, còn nhuốm trần tục: Lokiya-Kusala; không phải là "A-Kusala", xấu, bất thuận lợi. Con đường đó chưa rốt ráo thuận lợi, Lokuttara-Kusala, chưa phải là Ðạo Toàn Vẹn, Lokuttara-magga.

Con đường chưa viên mãn này có nguy cơ biến hoại thành lòng mộ đạo bản năng do vô minh và linh thức non kém chi phối. Theo ngôn ngữ bình dân Karma chỉ bao gồm nghiệp xấu, lầm lỗi, tội ác, thất đức, hệ tại việc vi phạm vật thể ngũ giới phật giáo. Mọi người phải hành trì Ngũ Giới trong ngôn ngữ, hành vi bề ngoài mà không chú trọng đến ý thức. Karma (Nghiệp) và Bàp (Xấu) trở thành đồng nghĩa và thay thế nhau được. Karma gợi lên việc phạm giới và hình phạt tất yếu coi như gắn liền với việc phạm giới. Ý nghĩa Karma còn thoái hóa thậm tệ hơn để trở thành một loại nghiệp lực tích lũy dưới dạng những hình phạt khốn đốn được giáng xuống chóng hay chầy, tùy nghiệp nhân trưởng thành trong kiếp này hay kiếp sau. Những bất hạnh xãy đến trong kiếp này được coi như Karma kiếp trước tạo nhân, kiếp này chịu quả. Ðây là những bất hạnh cam chịu như duyên phận không tránh được. Tốt hơn hết là chẳng nên tránh né hay làm nhẹ bớt cho bản thân hoặc cho tha nhân để khỏi dồn đẩy chúng vào mai hậu. Chỉ còn biện pháp nhất thời, bấp bênh là làm việc thiện để đền bù hay giảm thiểu di sản nghiệp lực, tạo công đức như cúng dường chư Tăng, chùa chiền. Thật là cả một sự suy đồi thê thảm của linh thức. Tuy nhiên vẫn luôn luôn còn có thể chuyển hóa từ ý nghĩa văn tự thật thô thiển sang ý nghĩa tâm linh vi diệu.

 

Hai nguyên tổ đã ăn trái cây biết lành biết dữ

Ðây không phải là kiến thức lý thuyết mà chính là sự nhận thức thực nghiệm. Cũng không phải là vấn đề biết trả lời một cách thuần lý câu: Thiện là gì, ác là gì? Thánh kinh nêu rõ hai ông bà muốn thưởng thức, ăn thực sự, nhai, nuốt, tiêu hóa. Ðiều đó có nghĩa là hai ông bà đã bám, quyện, bấu víu lấy cặp nhị nguyên Thiện-Ác làm hệ thống cứu độ được coi là tối hậu.

Mặc dù bị cấm ăn trái cây biết lành biết dữ, họ vẫn muốn làm phù thủy thần thông chế ngự cặp tương phản mê hoặc ấy. Họ đã dồn khát vọng vào trái cây mong ước vì một giọng âm hiểm bảo rằng họ sẽ trở nên thần linh, trở nên Phra Chao.

Họ cũng được báo: "Các người sẽ chết." Nhưng họ đâu có chết. Rõ ràng cái chết theo nghĩa tâm linh. Theo cách nói nhà Phật, chết là tái sinh. Tái sinh trong kiếp trầm luân khổ não, Dukkha. Câu chuyện lại tiếp tục. Cain đố kỵ tài sản của em và muốn chiếm đoạt lấy. Bạo lực nảy sinh từ đó.

Ðiều ấy thật trái nghịch với giới luật của Ðức Giêsu và gương hạnh của Ngài. Từ khước mình, không khư khư bám lấy sinh mạng, song sẵn sàng xả thân vì tha nhân. Buông bỏ - "Xả" - mạng sống, bản ngã, vị ngã. Như vậy không còn cái "Tôi" làm điểm tựa để bám víu vào ý niệm Thiên-Ác vị ngã nữa!

Kitô hữu bảo cái "Tôi" ấy đã được phó thác cho Phra Chao. Theo cách nói nhà Phật, cái "Tôi" đã trở nên "hư không", "vắng lặng". Không một ai còn nói được "cái đó là điều thiện của tôi", "cái đó là điều ác của tôi" nữa.

 

Cây Sự Sống

Bây giờ chúng ta hãy nói đến Cây Sự Sống. Không phải đợi lâu mới đơm trái. Và về Quả của Ðạo Dharma cũng thế - Lokuttara Magga, Lokuttara Phala - tứ khắc từ Ðạo đến Quả, không trì hoãn. Vì hành Ðạo là đắc quả. Ðạo của Quả, Quả của Ðạo. Ðạo Quả sinh hóa qua tụ tập, không mảy may nhị nguyên giữa sống Dharma và đắc Dharma. Vì Ðạo, tu hành Ðạo, thể nghiệm Ðạo, đắc chứng Ðạo, tất cả chỉ là một, nhắm về Tối Hậu.

Lá Cây Sự Sống có thể chữa lành mọi dân tộc. Còn cơn sốt nào lá cây này phải chữa trị nếu không phải là những cơn sốt Tham, Sân, Si như ký sinh trùng làm bại hoại nhân tâm? Những cơn sốt ác tính đó trước tiên là vọng niệm về Chân Tánh của Ðạo Tối hậu. Nó là nguồn gốc sinh ra tất cả mọi thác loạn của Tâm tham lam, Sân hận, Si mê.

Cũng như Cây Sự Sống, Dharma là thần dược, là giải thoát cho toàn thể nhân loại, cho mọi chúng sinh, cho tất cả vạn hữu. Kẻ sống theo Pháp của Dharma, thay vì bị dẫm dọa, sẽ được ước hẹn: "Người sẽ không chết". Ngay từ bây giờ, trong cuộc sống hiện tiền, kẻ ấy đã chứng ngộ Dharma, đã thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, đã nhập cảnh giới Niết Bàn mặc dù còn tại thế.

Xiêm y vừa mới giặt sạch, mặc vào thấy khoan khoái. Xiêm y mà mọi người phải mặc để được ăn trái cây sự sống hẳn là Ngũ Giới, khẩn thiết mà không một ai được xao lãng. Cũng như mỗi sớm mai phải ăn mặc chỉnh tề trước khi ra khỏi nhà, nếu không thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Xiêm y ở đây chính là Ngũ Giới được hành trì tinh tấn - Sila. Ăn mặc chỉnh tề, chúng ta thấy khoan khoái dễ chịu - Samadhi. Bây giờ chúng ta có thể ăn trái Cây Sự Sống - Pannà, trí huệ, tâm thần an định.

 

An bình nội tâm

Tâm chỉ có thể an khi lòng người hân hoan hớn hở, thỏa mãn những gì mình có, mình làm, mình mong. Như vậy, trước tiên phải có quân bình nội tâm.

Nếu Tâm không bao giờ an, mãi mãi lo âu, luôn luôn bị ảo giác từ tiềm thức dày vò cấu xé thì làm sao có được cuộc sống quân bình để vững tiến trên Ðường Tâm linh? Hãy nhìn xem tâm có an tịnh không, có tránh được sân hận, bực bội, rối loạn, lo âu không?

 

Quan xét Tánh Không: Sunnatà

Tánh Không, nhưng không gì mới được? Không có ngã, không tham luyến ngã, ngã cá biệt bản thân. Tránh tuyệt đối hóa cái ngã ấy. Tránh chuyển hóa ngã thành tuyệt đối hư ngụy cho bản thân. Cũng như vạn vật hữu kiện, "ngã" mang nặng những đặc tính tương đối, hạn hữu, vô thường, mâu thuẫn. Chúng ta cần ý thức điều đó. Toàn hữu thể chúng ta cùng chung số phận trong sợi dây xích hữu kiện. Ðây là thực tại thể nghiệm trong kiếp sống của mọi chúng sinh. Tuy nhiên trong thực tại ấy con người vẫn có thể sống ý nghĩa tâm linh tối hậu của Ðạo mà không phải băn khoăn sợ hãi.

Người bồn chồn lo âu chỉ tăng bội chứng duyên, khi thì hối hả đuổi theo điều tưởng rằng thiện đối với bản thân, lúc lại vội vã trốn tránh điều nghĩ là ác, là bất hảo cho chính mình. Họ thầm nghĩ cái "thiện" thèm khát mong muốn có khả năng giải thoát bản thân họ.

Thái độ nội tâm mãi loay hoay tìm kiếm, bám víu vào điều này vật kia cho bản thân kỳ thực chỉ là bám víu lấy ngã bản thân. Ðó chính là điều tạo bất hạnh cho cuộc sống. Không phải tự sự vật hay biến cố, mà theo ước lệ ngôn ngữ thuần túy, theo giả định suông chúng ta cho là tốt vì nghĩ rằng ít xấu hơn, hay cho là xấu vì nghĩ rằng ít tốt hơn, là phúc lạc, là phiền não đích thực của chúng ta, hay có khả năng tạo phúc lạc, phiền não thật sự cho chúng ta.

Chư pháp, vạn vật, và trước tiên cái tôi chúng ta mà chúng ta vị ngã bám quyện vào biến thành khổ não cho mình. Thực sự chúng không bao giờ là khổ não cả, và tự chúng không thể nào là khổ não được. Nỗi khổ thực sự của chúng ta chính là chúng ta tự kiến tạo lấy nỗi khổ rồi bắt chính bản thân gánh chịu. Ðây mới là khổ não, Dukkha, đích thực trong viễn ảnh tối hậu.

"Xả tốt hơn chấp". "Chấp" là cầm lấy để độc chiếm, điều khát vọng cho là tốt, điều ghê tởm cho là xấu. "Xả" là buông bỏ, xóa bỏ ngã, không vương vấn bận bịu để sẵn sàng đón nhận Tối Hậu. Ai thể nghiệm được thái độ đúng, kẻ đó đã vào được cảnh giới Niết Bàn - Cuộc Sống Vĩnh Cửu. Ai không lùi bước, kẻ đó là "Thánh Nhân", là Arahant. Ước gì thấy thỏa thích, và với sự cẩn trọng, chứng nghiệm và biện biệt, chúng ta tiếp tục con đường chúng ta.

 


Back to Home Page