Tôn Trọng Sự Sống
Vấn Ðề Sát Sanh
Cuộc tranh luận về tính cách chính đáng trong việc giết chết loài vật luôn là đề tài được nêu lên giữa kitô hữu và phật tử. Ðối với kitô hữu thì điều đó được cho phép, đối với phật tử thì đó lại là một lỗi phạm. Kitô hữu bảo: chẳng có tội lỗi gì cả - không bàp; phật tử lại nói: có lỗi - bàp. Và nếu điều đó là lỗi phạm, thì sẽ như thế trong tất cả mọi trường hợp hay sao? Bởi vì sát sanh là một chuyện, gián tiếp gây ra sự chết chóc lại là chuyện khác. Cuộc tranh luận tiếp tục không ngừng, và lương tâm nhiều người vẫn không yên.
Phật tử chúng ta xác tín rằng sát sanh không thể là một hành vi vô tình, vì thế đối với chúng ta rõ ràng đó là một lỗi phạm. Chúng ta nghe kitô hữu quả quyết ngược lại. Vấn đề đối với chúng ta thì như thế này: làm sao giải thích việc kitô hữu có thể có lập trường như thế? Bởi đâu họ có lập trường đó?
Khảo sát vấn đề dưới ánh sáng của Thánh Kinh
Thánh Kinh là sách chứa đựng những quy tắc của kitô hữu; cần phải nghiên cứu Thánh Kinh để có thể hiểu thái độ của họ. Thánh Kinh nói về loài vật ngay trong những trang đầu.
Khởi thủy, không có vũ trụ. Tuy nhiên đã có Phra Chao, Thiên Chúa Thượng Ðế, Ngài đã hiện hữu trước mọi sự. Bấy giờ Phra Chao tạo thành vũ trụ trong sáu ngày, và ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi, vì thế ngày đó đã trở nên linh thánh và mọi người được nghỉ việc.
Ngày đầu tiên Phra Chao tạo dựng "tiên giới" và thế giới: nói đơn giản hơn, Ngài dựng nên trời và đất, và cả ánh sáng nữa. Hãy nhớ điều đó: trời, đất, ánh sáng, ba điều đó vào ngày thứ nhất. Ngày thứ hai Ngài tạo nên khoảng không giữa nước, phân rẽ nước ra làm hai phần: trên và dưới, và khoảng không gian ở giữa thêm một lần nữa là trời.
Ngày thứ ba Phra Chao nối lại nước, vốn đã bị phân rẽ, thành một khối đó là đại dương; rồi Ngài làm cho đất bằng nổi lên, thêm một lần nữa đó là mặt đất: như thế lại trùng với ngày thứ nhất. Ðoạn Ngài làm cho cây xanh bao phủ mặt đất theo từng chủng loại với hạt giống để sinh sôi nẩy nở.
Ngày thứ tư, Phra Chao lại tạo nên ánh sáng một lần nữa: ánh sáng lần này để phân biệt ngày và đêm: nghĩa là Ngài tạo nên ánh sáng tỏ ngự trị ban ngày, và ánh sáng mờ ngự trị ban đêm. Cách thức tác tạo như thế làm trí khôn chúng ta hơi bối rối vì bây giờ Ngài mới tạo dựng mặt trời và mặt trăng trong lúc Ngài đã tạo nên ánh sáng trong ngày thứ nhất.
Các bạn biết rằng đứng về mặt thuần túy văn từ thì những kẻ có học ngày nay không thể tin được. Xét theo nghĩa từng chữ, điều đó không ăn khớp với nhau: đầu dây những điều bất khả.
Ngày thứ năm, Phra Chao tạo dựng loài vật không vì lý do nào cả: có loài bò trên mặt đất, có loài bay giữa trời, và có loài bơi lội trong nước, và Ngài ra lệnh cho chúng sinh sôi nẩy nở vô tận.
Ngày thứ sáu Ngài tạo dựng loài vật trên mặt đất và những loài bò sát, rồi Ngài tạo dựng nên con người. Ngài tạo dựng con người sau hết, và Ngài tạo nên con người theo hình bóng của chính Ngài, vì thế người ta có thể kết luận rằng Phra Chao có hình ảnh giống con người. Phra Chao tạo dựng nên đàn ông và đàn bà để kết hợp với nhau, để cai trị và sử dụng tất cả muôn loài.
Phra Chao còn bảo họ dùng cây, trái để làm thực phẩm.
Những điều xem ra không nhất thống trong câu chuyện
Ðã có ánh sáng được tạo dựng trước tiên trong ngày thứ nhất: ánh sáng đó như thế không thể chính là ánh sáng của mặt trời và mặt trăng chỉ được tạo thành trong ngày thứ tư. Nếu ánh sáng được tạo thành trong ngày đầu tiên không phải là ánh sáng của mặt trời và của mặt trăng, vậy thì từ nguồn gốc, đó là thứ ánh sáng khác, như là một năng lực tiên khởi từ đó tất cả có thể hiện hữu, như là một sức mạnh ban phát, một năng động uyên nguyên, không giới hạn trong thái dương hệ của chúng ta như ánh sáng mặt trời và mặt trăng: đó là một thứ ánh sáng vũ trụ. Ðiều đó cũng giống như là năng động uyên nguyên của mọi triển khai trong quá trình tiến hóa vũ trụ, chính nhờ ánh sáng đó mà mọi sự sau đó có thể xảy đến.
Vấn nạn như thế cũng được đặt ra đối với bầu trời và mặt đất, được tạo dựng lần đầu trong ngày thứ nhất, rồi lại vào ngày thứ hai và thứ ba. Bầu trời và mặt đất của ngày đầu không phải là bầu trời và mặt đất của hai ngày tiếp theo; trời và đất của hai ngày sau thì mọi người đều biết vì người ta trông thấy; đó là trời và đất theo nghĩa đen, theo nghĩa văn từ và vật chất. Trái lại, trời và đất không dễ "thấy" đối với mọi người, bởi vì chúng chỉ có thể "nhận ra" được bởi một giác quan bên trong, bởi tâm nhãn: chúng là những điều thuộc tinh thần.
Những Cặp tương phản
Trời và đất trong ngày đầu tiên là những "Cặp tương phản". Từ ánh sáng uyên nguyên - nó làm cho quá trình tiến hóa hậu lai trở thành khả thể - phát sinh ra cặp tương phản: Âm-Dương của Lão Tử, được diễn dịch thành: trời-đất, cái-đực, được-mất, thắng-bại, trên-dưới, cao-thấp... Chúng ta hãy tưởng đến hai cực âm-dương: khi nối lại với nhau thì có dòng điện - Năng lực - chạy qua.
Thành ngữ "cặp tương phản" có tính cách bất định, nó phổ quát, có thể áp dụng cho vô số những trường hợp cá biệt.
Trước hết, từ khởi thủy, chẳng có gì cả; rồi cặp tương phản xuất hiện; kết hợp với nhau, tự khắc phát sinh năng lực tiến hóa vô hạn. Cặp Âm-Dương, đó chính là cặp Hữu-Vô. Trước cặp nầy thì đã có điều bất khả danh: Chẳng Hữu Chẳng Vô. Rồi tiếp theo là Hữu-Vô.
Cái "bất khả danh" uyên nguyên thì tuyệt đối bất định: "vô" cái gì... cái gì? - Bất cứ cái gì! Ðó là một "vô" tuyệt đối, tuyệt đối bất định mà người ta không thể nói cái gì "vô" cái gì?
Cái "Bất Khả Danh" có trước cặp Hữu-Vô, cái có thể gọi là Ánh Sáng uyên nguyên đó, cái Năng Lực tiến hóa đó: ấy chính là "điều có từ trước", "điều đã có"; rồi từ đó vạn hữu mới xuất hiện.
Tiếp theo câu truyện của sách Sáng Thế Ký
Như thế, xét trên bình diện ý nghĩa của văn từ, những điều bất thường của câu truyện tỏ bày cho chúng ta một điều gì sâu xa hơn cái ý nghĩa văn từ đó: một ý nghĩa "vượt lên trên", một ý nghĩa tối hậu. Và câu truyện cứ thế tiếp tục. Những mâu thuẫn hiển nhiên theo ý nghĩa văn từ lúc này không còn là mâu thuẫn xét theo nghĩa tâm linh, theo nghĩa tối hậu.
Chúng ta không nên chỉ trích những mâu thuẫn chứa đựng trong Thánh Kinh, nhưng chúng ta, những kẻ cận thị theo nghĩa tâm linh, chúng ta phải tự xét mình lại.
Chúng ta đọc tiếp câu truyện của Thánh Kinh. Cây cỏ xuất hiện trong ngày thứ ba trước khi có mặt trời chắc chắn hẳn không phải là cây cỏ bình thường! Cần ghi nhận những chi tiết của câu truyện được trình bày ở đây là những dấu chỉ; ở phần trên, các bạn đã thấy: cảnh "thiên đàng" được dựng nên có nước ở trên và ở dưới; như thế ở đó phải mát mẽ lắm! Và mát là điều mâu thuẫn với nóng; và sức nóng, sức thiêu đốt, - "ron" trong ngôn ngữ Thái - "tâm cuồng nhiệt" có nghĩa là gì theo ngôn ngữ tâm linh của Phật giáo nếu không phải là tâm bị dày vò bởi lữa của những Kilesa, những khuynh hướng phiền não có tên là tham, sân, si bám trụ trong tâm mù quáng duy ngã của ta; "Hãy coi chừng! lữa đã cháy đến nhà" chúng ta cũng đã nói như thế trong ý nghĩa đó. Tâm "thanh tịnh" gợi cho chúng ta ý nghĩa: yên lặng, an bình, không đam mê.
Sau khi con người xuất hiện, mọi vật đều thuộc quyền sử dụng của con người, tùy theo ý chí của con người, nghĩa là con người có thể làm bất cứ điều gì với vạn vật như họ muốn. Từ đó kitô hữu kết luận rằng con người có thể an định phần số của loài vật theo như ý thích của họ; họ quả quyết rằng giết chết loài vật, hoặc để ăn, hoặc vì bất cứ động lực nào khác đều không phải là lỗi phạm gì cả. Tuy nhiên ở đây người ta có thể nêu lên một điểm hoài nghi, vì rằng tiếp theo đó Phra Chao chỉ nói là dùng cây cỏ và hoa trái để làm thực phẩm cho mọi người. Vậy thì quyền hạn của con người trên loài vật chỉ liên hệ đến việc sử dụng chúng để giúp đỡ con người nếu có thể. Quyền giết loài vật để ăn thịt có thể là một "quy ước" sau này: có lẽ người ta "thỏa thuận" rằng từ nay điều đó không còn là lỗi phạm nữa.
Những quy định có tính đồng thuận
Những giới luật cá biệt của một số giáo phái vì thế cũng có tính cách "quy ước" - pannatti. Có những giáo phái "thỏa thuận" tuân giữ chỉ ăn rau cỏ; những người theo phái Janisme (Kỳ na giáo) lại càng nghiêm nhặt hơn nữa, họ thỏa thuận với nhau không sát hại ngay cả sự sống của cây cỏ; họ là những người chỉ ăn trái cây thôi, kiêng ăn hạt của trái, và chỉ ăn rau do người khác dọn sẵn; một số giáo phái khác lại thỏa thuận không đốt lữa để nấu nướng đồ ăn; những giáo phái đó chỉ ăn trái cây, tuy nhiên trái cây chỉ làm giảm cơn đói nhất thời thôi, vì vậy họ phải dự trữ trái cây nhiều để ăn thường xuyên, ngày và đêm.
Những giới luật có tính quy ước có thể không có giới hạn: người ta loại trừ thịt, rồi hạt giống, rồi rau cỏ, rồi cuối cùng chỉ còn phần thịt của trái cây để ăn.
Con người không thể không ăn uống. Ðối với phật tử chúng ta, điều lý tưởng là có thể ăn uống mà không phạm một lỗi lầm nào. Tín đồ các tôn giáo xác tín rằng Phra Chao của họ ban cho họ muôn loài để làm lương thực cho nên họ không coi là lỗi phạm khi ăn những thứ đó. Ngay cả có những linh mục Thiên Chúa giáo đi săn thú nữa. Tôi có đọc được một câu chuyện về một thầy tu khổ hạnh không dung thứ nỗi các kitô hữu từ khi ông ta chứng kiến cảnh một linh mục công giáo dùng súng bắn chim để ăn thịt: từ đó ông ta phát nguyện không ăn thịt nữa để đền bù cho tội phạm đó.
Tuy thế, chúng ta cần phải tìm hiểu rõ những động lực thuộc lãnh vực lương tâm đưa đến những thái độ khác nhau của các tôn giáo khác. Kitô hữu dựa vào Thánh Kinh để quy định những lề luật sống đạo và giáo quy của họ. Nếu với thành tâm họ thấy rằng trong Thánh Kinh Phra Chao cho phép họ giết loài vật để ăn thịt thì đó là vấn đề trách nhiệm của lương tâm họ đối với "quy ước" nầy: đứng trên quan điểm lề luật và giáo quy của họ thì người ta không thể coi việc sát sanh như thế là lỗi phạm được. Nhiều phật tử chắc không mấy hài lòng về lập luận như thế của tôi đối với vấn đề gây tranh cãi nầy giữa kitô hữu và phật tử...
Có nhiều tôn giáo trong các tôn giáo hiện nay giữ gìn rất nhiều lề luật có tính quy ước, và có khi tất cả đều là những quy ước. Nhiều người quả quyết rằng: "sát sanh không phải là tội" - và điều đó thì đúng đối với họ - Phần chúng ta, chúng ta cho rằng: "sát sanh là tội" - và điều này lại đúng với chúng ta - Với tính cách là những "quy ước" thì chẳng ai có "tội" khi gìn giữ những quy ước của mình.
Thánh Kinh mô tả lại Phra Chao đã ban cho con người toàn quyền trên loài vật. Cho rằng điều đó bao hàm việc cho phép sát sanh để ăn thịt hay vì một động lực nào khác, người ta đã "thêm" vào một yếu tố không được nói trong nguyên bản; chúng ta bảo đó là một quyết đoán "thêm thắt", "giả định", "quy ước": nghĩa là ngươì ta đã thỏa thuận với nhau về cách thức giải thích như thế, rộng rãi hơn văn bản đã có. Ðiều gì đã được "quy ước" thì được chấp thuận và cho là chính đáng.
Tuy nhiên điều gì có giá trị "theo quy ước" thì không phải luôn có giá trị "một cách tuyệt đối", xét theo quan điểm đó là sự phù hợp tối hậu với Pháp của Nguyên Tánh - Sammutti hay pannatti, để nói về trường hợp trước; và Paramattha để nói về trường hợp sau.