Ngôn Ngữ Tâm Linh
Phụng Sự Thượng Ðế
Kitô hữu hiểu đó là sống phù hợp với sở thích và ý muốn của Phra Chao họ.
Về phần chúng ta, chúng ta xác tín vào sự tiến hóa dần hồi của nhân loại, trong mối liên đới của toàn thể chúng sinh, để kết cuộc đạt đến Dharma Tối Hậu. Chúng ta thấy rằng mọi cá thể đều được thúc đẩy một cách căn cớ bởi Pháp Tối Hậu của Nguyên Tánh, đó chính là chân pháp cho việc "chứng ngộ" thực Tánh của họ, "chứng ngộ" hiện trạng để đạt đến điều kỳ cùng phải đạt đến.
Là chúng sinh có ý thức, chúng ta chỉ có thể được tham dự vào sức sinh động phổ quát thúc đẩy bởi Pháp của Nguyên Tánh chừng nào chúng ta sống phù hợp với Tự Tánh chúng ta, nghĩa là một cách có ý thức và tự do.
Chính trong khi sống phù hợp một cách có ý thức và tự do với Tánh Pháp tối hậu của chúng ta mà chúng ta nhận ra được cho chúng ta ý nghĩa tâm linh tối hậu của lối diễn đạt có tính quy ước trong tôn giáo khác qua cụm từ: "phụng sự Thiên Chúa".
"Những Lợi Lộc Tâm Linh"
Tùy theo Tối Hậu mà người ta đã chọn lựa cho mình, mọi hành vi tôn giáo có được giá trị bằng cách sống phù hợp với chiều hướng của Tánh Pháp.
Người ta kể lại rằng có một vài vị truyền giáo quá cuồng nhiệt đã giải thích với những người chất phác rằng những công lao họ đã thực hiện trong tôn giáo sai lầm của họ thì kể như không, chẳng có giá trị gì, tuyệt đối mất toi vì không được Phra Chao chân thực của tôn giáo chân thực độc nhất "xét đến".
Thế nhưng bất kỳ ai chuyên tâm sống phù hợp với Pháp Tối Hậu của Dharma thì họ đã hưởng "lợi lộc" chính ngay qua việc tu tập đó rồi, vì phải chăng việc tu tập như thế tự thân đã là thành quả của chính nó? Xét trên phương diện tâm linh thì lối hành xử "nhị nguyên" muốn làm một điều gì đó - đó là chưa kể thêm điều kiện bổ túc là phải đầu quân đúng chỗ nữa.
Kẻ mộ đạo cầu khẩn Phra Chao của họ, Thiên Chúa Thượng Ðế của họ, hy vọng rằng Ngài là "chốn quy ẩn" của họ trong những gian truân cuộc đời; họ van xin Ngài trong mục đích đó.
Chính khi chúng ta sống phù hợp với Dharma thì Pháp Tối Hậu của Dharma trở nên "chốn quy ẩn" cho chúng ta một cách tự nhiên và tự phát. Ðức Phật Thích Ca được gọi là Nơi Quy Ẩn cho chúng ta chính khi chúng ta sống theo Pháp duy nhất của Tánh, sống theo Con Ðường hành xử phù hợp với Pháp mà Ngài đã tìm ra và dạy cho chúng ta. Kể từ ngày Phật Thích Ca "tịch diệt", chỉ còn Dharma là Chốn Quy Ẩn duy nhất, mọi chốn quy ẩn khác chỉ có thể có được tùy vào Dharma Tối Hậu.
Cuộc Sống Vĩnh Cửu
Ðiều này không phải như là của cải để dành cho ta sau khi chết. Ðó chính là "Niết Bàn (Vô Sanh)", là "Chánh Ðạo" mang trong mình "Chánh Quả" của chính nó, là sống phù hợp với Pháp của Dharma một cách thật hài hòa; Ðiều đó được gọi là điều khẩn cấp, không chậm trễ, ở đây và bây giờ, trong "tâm nầy, hình hài nầy". Chính Pháp của Tánh là Ðạo; Pháp này được gọi là phi thời gian, hằng hữu: "Dharma ở ngay trong thân xác bé nhỏ này."
Mọi tôn giáo đều nói đến cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta cho rằng Niết Bàn là trạng thái của kẻ đã đạt đến Tối Hậu, đến Chân Nguyên Tánh, đến Tánh tinh lọc khỏi mọi trói buộc của cá thể, đến Vô Hạn thuần khiết. Ðối với chúng ta, qua ngôn từ họ dùng, các tôn giáo độc thần xem ra ít triệt để trong việc đẩy đến tận cùng ý nghĩa Tối Hậu. Xem ra họ dễ dãi trong việc biểu tượng hóa và để cho trí tưởng tượng và cảm tính ảnh hưởng nhiều đến các biểu tượng họ dùng. Vì ngôn từ tôn giáo của họ ít trừu tượng cho nên họ thường có lợi thế là gần gũi với người bình dân hơn. Vấn đề là việc sử dụng hai thứ ngôn ngữ, một là ngôn ngữ đơn giản hơn cho những người bình dân, và hai là ngôn ngữ khó hiểu hơn, căn đế hơn theo đòi hỏi của cách thế diễn đạt thuyết giáo, thì có thích hợp với nhau không?