Kitô Giáo

Dưới Mắt Một Phật Tử

Ðại Sư Buddhadàsa (Thái Lan)

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Phật giáo và Kitô giáo

Một vài điểm Mâu Thuẫn

 

Vô Ngã - Ngụy Ngã - Chân Ngã

Phật tử chúng ta xác quyết rằng không có cái "Tôi"; chúng ta phủ nhận thật sự chẳng có một "Ngã"; chúng ta khẳng định rằng nói được điều đó có nghĩa là thấy được thực tại "tự thân". Truyền thống phật giáo trung thành với những điều đã được chính Ðức Phật lập ngôn. Trên quan điểm "tối hậu", trên quan điểm Dharma, vốn là quan điểm lập ngôn của Ðức Phật, bất kỳ phật tử nào cũng coi đó là những điều tuyệt đối có thực chứ không phải là những ẩn dụ, "có tính ước định". Bởi vì quan điểm Giải Thoát Tối Hậu đó thực sự quan trọng và sống thực hơn mọi quan điểm lý thuyết, luận suy, duy lý và triết lý.

Chính trong ý nghĩa tối hậu đó, tối hậu ở chổ chẳng có thể có ý nghĩa nào tối hậu hơn, "tối hậu hơn cả tối hậu" xét trên phương diện con người và tuyệt đối, mà lời của Ðức Phật; An-attà = Vô Ngã thì "tuyệt đối" thực.

Câu phát biểu "Cái tôi không phải là thực ngã" có thể là một cách giải thích của Anattà nữa hay không? Chúng ta có thể hiểu câu nói đó như thế này: cái "Tôi" thường nghiệm và cá biệt được lập căn và xây dựng một cách vị ngã không phải là "thực ngã"; một cách tối hậu và tuyệt đối cái tôi đó không phải là Như Lai Tánh của chúng ta.

Vậy thì cái "Thực Tánh Nguyên Ủy", "Ainsi-té", "Ipséité" (Cái "thực tại tự thân" tuyệt đối của chúng ta) là gì?

Ðó chính là Tối Hậu, vì Tối hậu là Thực Tánh Nguyên Ủy và Tối Hậu của chúng ta; Tối Hậu là Thực Tánh của chúng ta: không thể có việc "chứng ngộ" thực sự, không thể có việc "Ðạt Ðạo" thực sự nếu không quy về Tối Hậu, nếu không có đẳng thức Tối Hậu chính là Dharma.

Thực Ngã chúng ta chính là Tối Hậu, đó chính là Thực Tánh của chúng ta. Cái "ngã nhỏ bé" cá biệt và thường nghiệm của chúng ta là cái ngã nhỏ bé lúc khởi thủy đã che khuất mắt ta với chân trời Tối Hậu mà thực ra đã nằm sẵn tận tâm ta, trong Thực Tánh của chúng ta mà chúng ta chưa đủ năng lực nhận chân ra.

Cái "ngã" nhỏ bé không phải là thực đó cần phải được "tống khứ đi", "thanh toán đi". "Thực Ngã", Thực Tánh, Nguyên Tánh, Bản Tánh của Dharma... đó là ngôn ngữ Phật Giáo Ðại Thừa.

 

Ðạt đến Dharma Tối Hậu - Ðạt đến Phra Chao

Ðối với phật tử và kitô hữu, con đường để "đạt đạo", để "đắc đạo", để "chứng ngộ" nầy là từ bỏ ngã: "Các con hãy từ bỏ chính mình!". Kitô hữu "từ bỏ" cái "Tôi" của mình cho Thiên Chúa. Phật tử cố gắng làm thế nào để chứng ngộ trong mức độ khả năng của mình để cái "Tôi" vị ngã không còn nữa, nghĩa là mất hẳn chổ tựa.

Ðó là những phần vụ khác nhau của cùng một hành vi tiến tới chung trong mục tiêu "chấm dứt" "cuộc đời khổ não này". Kitô hữu coi điều đó như là ân sủng của Thiên Chúa. Phật tử chúng ta nói rằng điều đó có được là do chúng ta thực hành "diệt ngã", thực hành "xả", vận dụng tri thức, thấy rõ thực tánh vạn pháp trong hiện tánh của chúng, biết ý thức rằng vạn pháp - kể cả chúng ta - là tương đối, lệ thuộc và hữu hạn. Bấy giờ chúng ta sẽ hiểu được sự xác thực của hành vi "thực nghiệm" vô ngã và thấy được điều tối hậu chân thực.

Một linh đạo có cách thức riêng của mình. Cốt lỏi của thái độ tâm linh có thể rất gần nhau. Trong việc "buông xả" ngã riêng rẽ của chính mình, chúng ta có thể thấy được đặc tính chung của thái độ tâm linh kiểu mẫu qua mọi Con Ðường Giải Thoát. Ðối với người nầy điều đó gọi là từ bỏ mình vì Thiên Chúa; đối với kẻ khác, tuy không dùng ngôn ngữ nầy, nhưng vẫn có thể am tường ý nghĩa đó trong cách thế phát biểu theo Dharma, thì gọi là Anattà. Khi đã hiểu rõ được ý nghĩa sâu xa cốt lõi của sự sống chúng ta, qua đó chúng ta có thể cùng nhận ra nhau thì còn điều gì có thể ngăn cản được mối tình huynh đệ tâm linh của chúng ta?

Tất cả mọi khác biệt mà người ta có thể liệt kê ra như phong tục, giáo quy, nghi lễ, và ngay cả tín điều từ nay không nên ngăn cản chúng ta nhận rõ mối đồng quy tâm linh của chúng ta.

Cũng giống như bốn kẻ lữ hành phát xuất từ bốn chân trời khác biệt, để gặp nhau từ những hành trình xem ra không thể hòa giải được, đã hành động trái ngược nhau, nhưng thực sự lại đồng quy; tất cả chúng ta phải nhận rõ và tôn trọng những khác biệt của nhau. Những khác biệt này phát xuất phần lớn từ những khoảng cách văn hóa nữa. Nếu chúng ta coi đó như là những yếu tố cấu tạo nên bản sắc chúng ta thì những khác biệt đó lại không thể không phong phú hóa cho nhau được sao?

Ðiểm hội tụ đó, kitô hữu gọi là "Nước Chúa", chúng ta gọi là Niết Bàn, hoặc là Dharma Tối Hậu. Cho dù mang nhiều tên gọi khác nhau, Chân Lý Tối Hậu vẫn vượt lên những khó khăn trong việc hòa hợp các cách xưng hô đó.

 

Cách xếp loại theo truyền thống các Con Ðường Giải Thoát

- Những tôn giáo Minh Triết tìm sự Giải Thoát bằng con đường tri thức, bằng trí huệ về toàn cảnh thân phận con người trong vũ trụ trong tương quan với Tối Hậu, nhận chân ra và loại bỏ những chướng ngại nội tâm cho việc Giải Thoát.

- Những tôn giáo Khổ Hạnh tìm kiếm con đường Giải Thoát trong năng lực chịu đựng hoặc tập trung tâm sinh lý hoặc tinh thần

- Những tôn giáo Phú Thác và Tin Tưởng vào quyền năng và lòng nhân hậu của Thượng Ðế, chấp nhận một cách tin tưởng những thử thách cuộc đời như là do Thượng Ðế gởi đến, và tin tưởng cuối cùng sẽ đạt đến Toàn Phúc trong mối hiệp thông với Thượng Ðế.

Panna, Viriya, Bhakti (Minh Triết, Khổ Hạnh và Ðức Tin) là tên gọi của ba Con Ðường. Mỗi truyền thống tâm linh đã chọn hành trình cho mình tùy theo những ưu tiên và chọn lựa của vị sáng lập. Theo Con Ðường này không có nghĩa là chống đối giá trị của những Con Ðường khác. Cả ba Con Ðường đều được coi là chính đáng như nhau. Giải Thoát Tối Hậu chỉ có thể là duy nhất mà thôi.

Thụ bẩm bởi sinh thành hoặc do những hoàn cảnh khác nhau, thường là ngẫu nhiên, chúng ta ở vào một trong những Con Ðường đó và Con Ðường đó uốn nắn cuộc sống tâm linh chúng ta.

Có người đã từng nuôi ước mơ về một tôn giáo cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên những tôn giáo đa biệt lại sẽ thực sự cần thiết cho những nền văn hoá khác nhau đến mức độ nào? Xét trên bình diện văn hóa, Phải chăng có những trường hợp cải giáo hoặc thay đổi đạo lại không nên được khuyến khích?

Hỡi kitô hữu và phật tử, trước tiên các bạn hãy thực sự là kitô hữu và thực sự là phật tử đã. 

 


Back to Home Page